Thứ Tư, 8 tháng 1, 2025

Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam

Thứ nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là tất yếu, khách quan, từ mong muốn của nhân dân, đòi hỏi của lịch sử cách mạng Việt Nam. Đảng nắm giữ vai trò lãnh đạo, cầm quyền bằng uy tín, năng lực mà không một đảng phái nào có thể thay thế được.

Từ nửa cuối thế kỷ XIX, Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lược và cai trị, trở thành một nước thuộc địa, nửa phong kiến. Với truyền thống chống giặc ngoại xâm và tinh thần yêu nước nồng nàn, trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, ở Việt Nam xuất hiện các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp theo ý thức hệ phong kiến, tư sản và những cuộc đấu tranh tự phát của giai cấp công nhân. Mặc dù các phong trào đấu tranh diễn ra rất sôi nổi và liên tục ở khắp các địa phương, vùng, miền, nhưng cuối cùng đều thất bại.

Trước thực trạng khủng hoảng, bế tắc về con đường cứu nước, yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải có một tổ chức cách mạng tiên phong với đường lối đúng đắn để lãnh đạo nhân dân thực hiện cuộc đấu tranh giành độc lập. Trong quá trình bôn ba khắp năm châu, bốn bể tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra con đường cách mạng vô sản và khẳng định cách mạng muốn thành công, cần: “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”(5). Bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa Mác - Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam, thông qua vai trò lãnh đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đã hội tụ đầy đủ những yếu tố cần thiết đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi khách quan của lịch sử đất nước.

Về tổ chức: Đảng “là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh”(6); có đội ngũ cán bộ, đảng viên trung kiên, sẵn sàng đấu tranh vì lý tưởng của Đảng, vì Tổ quốc và nhân dân. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, lý luận cách mạng, khoa học, tiến bộ; là kim chỉ nam cho mọi hoạt động.

Về đường lối cách mạng: Ngay tại Hội nghị thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên, trong đó vạch ra mục tiêu, nhiệm vụ và con đường phát triển cho cách mạng Việt Nam, đó là: Tiến hành cuộc cách mạng vô sản, gắn độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - một chế độ tốt đẹp, ưu việt nhất dành cho tất cả người dân Việt Nam. Đây là con đường cách mạng đúng đắn, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử đất nước và phù hợp với xu thế tiến bộ của thời đại.

Với ý nghĩa đó, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là tất yếu, đã chấm dứt sự khủng hoảng về tổ chức lãnh đạo và đường lối cứu nước ở Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ XX. Trên thực tế, trước và sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, trở thành Đảng cầm quyền cho đến năm 1988(7), ở Việt Nam đã hình thành và tồn tại nhiều đảng chính trị với ý thức hệ, tôn chỉ, mục đích hoạt động khác nhau, song đều thất bại. Trong bối cảnh các lực lượng, tổ chức, đảng phái khác trong xã hội đã bị thất bại, không đảm đương được vai trò lãnh đạo phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, nên ngay khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành lực lượng duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng lãnh đạo nhân dân làm nên thắng lợi vĩ đại của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, trước sóng gió “chấn động chính trị” cuối thập niên 80 - đầu thập niên 90 (thế kỷ XX) làm hàng loạt các đảng cộng sản bị mất vai trò cầm quyền, dẫn đến sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn giữ vững vai trò cầm quyền, bản lĩnh, sáng suốt đề ra đường lối đổi mới đúng đắn.

Với năng lực, bản lĩnh và uy tín của một đảng mác-xít chân chính, được rèn luyện qua muôn vàn khó khăn, thử thách, Đảng đã lãnh đạo đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, để “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(8). Thực tiễn lịch sử cách mạng và những thành tựu vĩ đại đạt được đã chứng minh: “Ở Việt Nam chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới có khả năng lãnh đạo nhân dân xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc; lợi ích của nhân dân gắn liền với sự nghiệp của Đảng; mục đích, lý tưởng của Đảng cũng là ước mơ, nguyện vọng của nhân dân”(9).

Thứ hai, Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Khi Đảng Cộng sản Việt Nam đảm nhận sứ mệnh lãnh đạo, cầm quyền, nghĩa là Đảng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước lịch sử về sự phát triển của đất nước, của dân tộc, bảo đảm cuộc sống hạnh phúc, ấm no cho người dân. Đảng phải đề ra được quan điểm, chủ trương, đường lối, chiến lược, định hướng lớn đúng đắn để xây dựng và phát triển đất nước; đồng thời, phải làm cho quan điểm, chủ trương của Đảng được thực hiện hiệu quả trong thực tiễn. Muốn vậy, Đảng phải luôn nhất quán nguyên tắc “tập trung dân chủ”, mọi công việc trong Đảng đều phải được bàn bạc dân chủ theo quy định, nhưng khi quyết định thì thiểu số phải phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, mọi tổ chức đảng và đảng viên phải tuân theo Cương lĩnh, nghị quyết, Điều lệ Đảng. Đảng cầm quyền trong điều kiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Đảng càng phải khẳng định được năng lực lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội; đồng thời, phải bảo đảm “các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”(10), không được “đứng trên”, “đứng ngoài” pháp luật, cũng không “độc đoán, chuyên quyền” như luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Đảng lãnh đạo Nhà nước, phát huy mạnh mẽ vai trò và hiệu lực của Nhà nước, nhưng không làm thay Nhà nước. Đảng lãnh đạo “bằng Cương lĩnh, chiến lược, các chủ trương, chính sách lớn, bằng công tác tổ chức, cán bộ, bằng kiểm tra, giám sát; lãnh đạo thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật”(11). Nhà nước thể chế hóa mọi đường lối, chủ trương của Đảng thành Hiến pháp và pháp luật, qua đó, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội. Sau mỗi kỳ đại hội Đảng, nghị quyết của Đảng sẽ được Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan nhà nước triển khai bằng việc thể chế hóa thành các văn bản, quy định, bảo đảm triển khai thực hiện trong xã hội.

Trong điều kiện cầm quyền duy nhất ở Việt Nam, việc Đảng hoạt động theo nguyên tắc, Điều lệ Đảng và trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật chính là cơ sở vững chắc bảo đảm cho Đảng giữ vững bản chất, mục tiêu, lý tưởng; phòng, chống mọi nguy cơ độc quyền, thoái hóa, biến chất có thể xảy ra.

Thứ ba, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn phát huy quyền làm chủ của nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.

Thực tiễn lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, đề cao dân chủ, tôn trọng và phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân. Độc lập dân tộc, giải phóng con người, mang lại quyền làm chủ đất nước, làm chủ xã hội cho tất cả người dân Việt Nam chính là mục tiêu, là lý tưởng phấn đấu của Đảng.

Trong quá trình lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, mặc dù trong điều kiện đất nước có chiến tranh, vô cùng khó khăn, thiếu thốn, nhưng Đảng vẫn luôn quan tâm đến quyền dân chủ cho nhân dân, như thực hiện người cày có ruộng, phổ thông giáo dục, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần… Vấn đề quyền con người, thực thi dân chủ được Đảng gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc, khẳng định chủ quyền của quốc gia - dân tộc.

Trong quá trình lãnh đạo cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới đất nước, mối liên hệ gắn bó với nhân dân, vấn đề dân chủ tiếp tục được Đảng đặc biệt chú trọng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng nêu rõ: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm”(12). Với nhận thức đúng đắn đó, Đảng luôn chú trọng lãnh đạo xây dựng và phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ phải được thực hiện trong toàn hệ thống chính trị thông qua cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.

Điểm cốt lõi của việc bảo đảm dân chủ là Đảng luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, khẳng định: “Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ”(13). Mục tiêu, lý tưởng phấn đấu của Đảng là vì hạnh phúc của nhân dân. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều bắt nguồn từ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, phục vụ nhân dân; thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”(14).

Thứ tư, Đảng luôn tự chỉnh đốn, tự đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(15). Việc Đảng cầm quyền duy nhất rất dễ dẫn đến tệ quan liêu, bảo thủ, trì trệ, do đó, đòi hỏi Đảng phải luôn tự chỉnh đốn, tự đổi mới, kiểm soát quyền lực lãnh đạo để xứng đáng với vai trò lãnh đạo, cầm quyền được lịch sử ghi nhận và nhân dân tin tưởng giao trọng trách.

Đảng “phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh”(16). Đây là một trong những vấn đề “mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”(17); đồng thời “không ngừng bổ sung, phát triển sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam”(18).

Đảng không ngừng xây dựng, chỉnh đốn, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và giữ nghiêm kỷ luật đảng để giữ cho tổ chức đảng luôn trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cầm quyền, lãnh đạo hệ thống chính trị và nhân dân; bảo đảm đủ năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu trong mọi hoàn cảnh, nhiệm vụ.

Đảng luôn coi trọng công tác tư tưởng, quan tâm phát triển đội ngũ đảng viên.  Không ngừng rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trung kiên, có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ.

Đảng luôn đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền, không ngừng nâng cao năng lực trí tuệ, bản lĩnh chính trị và tầm nhìn chiến lược trong hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng. Nâng cao năng lực lãnh đạo các cơ quan nhà nước, các tổ chức khác trong hệ thống chính trị thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng để tổ chức thực hiện thắng lợi trong thực tiễn.../.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét