Trong những năm tới, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, bản chất chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch không thay đổi, nhưng thủ đoạn, phương tiện chống phá… tinh vi hơn, xảo quyệt hơn. Cùng với đó, tình hình thiên tai, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhất là đại dịch COVID-19. Theo đó, hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đặt ra những yêu cầu mới ngày càng cao. Vì vậy, cần quán triệt sâu sắc đường lối, nguyên tắc, quan điểm chỉ đạo, chính sách đối ngoại và chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước. Nghị quyết số 22-NQ/TW, của Bộ Chính trị (khóa XI), “Về hội nhập quốc tế” nhấn mạnh: “Đã có sự đổi mới mạnh mẽ tư duy về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế”(4). Đến nay, những nội dung trong nghị quyết vẫn là những định hướng quan trọng về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong bảo vệ Tổ quốc, theo phương châm: “Hội nhập quốc tế là quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh; kiên định lợi ích quốc gia, dân tộc; chủ động dự báo, xử lý linh hoạt mọi tình huống, không để rơi vào thế bị động, đối đầu; không tham gia vào các tập hợp lực lượng, các liên minh của bên này chống bên kia” (5).
Qua các kỳ Đại hội, Đảng ta đều đưa ra những quan điểm, nguyên tắc, phương châm, phương pháp cụ thể, sâu sắc về vấn đề quốc phòng, hội nhập quốc tế và công tác đối ngoại, là định hướng cho thắng lợi của ngoại giao Việt Nam, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn” (6). Ngoại giao Việt Nam luôn nêu cao tinh thần nhân văn, chính nghĩa, hữu nghị, đoàn kết và hợp tác với các dân tộc khác. Đồng thời, luôn giữ vững quan điểm “dĩ bất biến ứng vạn biến”, kiên quyết, kiên trì về nguyên tắc, song linh hoạt, mềm mỏng, khôn khéo về sách lược. Thực hiện công tác đối ngoại để phục vụ sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Kiên quyết giữ vững độc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế. Tăng cường nội lực để bảo đảm cho công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế thành công; nắm vững những nguyên tắc và vấn đề cơ bản của thông lệ quốc tế. Hội nhập quốc tế trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực; hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực khác từng bước được mở rộng và tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế quốc tế; nghiêm chỉnh tuân thủ các cam kết quốc tế đi đôi với chủ động, tích cực tham gia xây dựng, thực hiện các chuẩn mực chung bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc.
Quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 806-NQ/QUTW, ngày 31-12-2013, của Quân ủy Trung ương, “Về hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Quân ủy Trung ương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Hội nhập quốc tế về quốc phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đưa công tác này ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, bảo đảm cho quan hệ quốc phòng thực sự là một trụ cột trong quan hệ quốc tế, gắn kết chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập quốc tế và đối ngoại trên các lĩnh vực khác, nhằm thực hiện kế sách “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa” bằng biện pháp hòa bình.
Thực hiện chủ trương đó của Đảng, Bộ Quốc phòng đã cụ thể hóa và thiết lập quan hệ hợp tác quốc phòng với trên 80 nước và nhiều tổ chức quốc tế. Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, được Liên hợp quốc, chính phủ và nhân dân nước sở tại đánh giá cao. Những kết quả đó là minh chứng sinh động cho phương châm: Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; làm cho bạn bè quốc tế ngày càng hiểu, tin tưởng và ủng hộ sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Điều đó, một mặt, tạo điều kiện thuận lợi cho nước ta tranh thủ được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, các nguồn lực bên ngoài để xây dựng đất nước, quân đội, bảo vệ Tổ quốc; mặt khác, giúp chúng ta đúc rút được nhiều bài học, nhất là nhận diện được những điểm còn hạn chế để nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại quốc phòng. Tình hình chính trị - xã hội trong nước được duy trì ổn định. Vị thế quốc tế của đất nước được nâng cao.
Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế về quân sự, quốc phòng đảm nhận nhiệm vụ hết sức nặng nề, đòi hỏi phải tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả nhằm phục vụ đắc lực mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác, đặc biệt là các đối tác chiến lược… Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh theo tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc” (7).
Để thực hiện chủ trương trên, đòi hỏi phải “kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại; tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh” (8), “có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa” (9). Đồng thời, coi trọng, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại vào thực tiễn hoạt động đối ngoại quân sự, quốc phòng, hợp tác quốc tế về quốc phòng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét