Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở
thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng của Đảng. Tuy
nhiên, thời gian gần đây, các thế lực
thù địch, chống phá đã tăng cường thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm chống
phá Đảng, Nhà nước và cách mạng nước ta với tần suất ngày càng nhiều, mức độ
ngày càng cao, biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây ra những tác động
tiêu cực và hậu quả khó lường, làm tổn hại đến tiến trình xây dựng và phát triển
đất nước. Trong đó có hoạt động tuyên truyền phủ nhận giá trị của tư tưởng Hồ
Chí Minh. Do đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trong đó có tư tưởng Hồ Chí
Minh là một trong những nội dung quan trọng, quyết định sự tồn vong của Đảng, của
chế độ ta.
Các thế lực thù địch tập trung tấn
công tư tưởng Hồ Chí Minh với hai thái cực khác nhau: Một là, hạ thấp tư tưởng
Hồ Chí Minh, cho rằng Hồ Chí Minh chỉ nhắc lại tư tưởng của C.Mác, Ph.Ăngghen,
V.I.Lênin và các nhà tư tưởng vĩ đại khác chứ không có tư tưởng của riêng mình
hoặc tư tưởng không trở thành một hệ thống. Hai là, đề cao tư tưởng Hồ Chí
Minh, đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin, cho rằng Hồ Chí Minh
là người theo chủ nghĩa dân tộc chứ không theo chủ nghĩa cộng sản. Cả hai quan
niệm này đều sai, vì tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác
- Lênin vào điều kiện lịch sử Việt Nam. Người đã kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa
Mác - Lênin với tư tưởng truyền thống dân tộc và các giá trị tinh hoa của nhân
loại. Chủ nghĩa Mác - Lênin ở Hồ Chí Minh không phải là những luận điểm sáo
rỗng, giáo điều mà đã chuyển hóa thành hệ thống thế giới quan, phương pháp
luận, nhân sinh quan khoa học, thực tiễn, trực tiếp chỉ đạo thành công cách
mạng Việt Nam.
Các thế lực thù địch đã đưa ra các
luận điệu sai trái như: Hồ Chí Minh chỉ là người tiếp thu mù quáng chủ nghĩa
Mác - Lênin, không hề có tư tưởng cao siêu; du nhập chủ nghĩa Mác - Lênin với
thuyết đấu tranh giai cấp gây ra cảnh “nồi da nấu thịt” suốt mấy chục năm là
một sai lầm; tư tưởng “không có gì quý hơn độc lập tự do” là phi nhân tính.
Chúng đưa lên mạng nhiều luận điệu xuyên tạc về cái gọi là “tác hại của tư
tưởng Hồ Chí Minh”.
Chúng còn xuyên tạc rằng Chủ tịch Hồ
Chí Minh lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa trong khi chưa hiểu chủ nghĩa xã
hội là gì. Lý luận về chủ nghĩa xã hội của Hồ Chí Minh là “cực kỳ đơn giản đến
nỗi người ta hỏi không biết đó có phải là chủ nghĩa xã hội macxit hay không? Và
rằng “không thể đem cái thứ chủ nghĩa xã hội sơ sài không tưởng này đối chọi
thắng lợi với chủ nghĩa tư bản phát triển được” hay “Hồ Chí Minh thực chất chỉ
là người dân tộc chủ nghĩa, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm phương tiện”…Bằng các
luận điệu rời rạc, sai trái của mình, chúng hòng âm mưu tách rời tư tưởng Hồ
Chí Minh với học thuyết Mác - Lênin; ngụy biện rằng hiện nay học thuyết Mác -
Lênin đã lỗi thời, chỉ có tư tưởng Hồ Chí Minh là đáng giá, bằng cách giải
thích nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh thực chất là chủ nghĩa dân tộc. Do đó, việc
xây dựng những luận chứng khoa học để kịp thời phản bác, bẻ gãy những luận điệu
xuyên tạc, sai trái, thù địch và bảo vệ tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ
tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong cuộc đấu tranh tư tưởng,
lý luận của Đảng ta hiện nay.
Chúng
ta khẳng định rằng, không thể phủ nhận Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân
tộc, Nhà văn hóa lớn, nhân cách và giá trị tư tưởng của Người đã được UNESCO
vinh danh, song thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình”, các thế lực phản
động, thù địch, cơ hội đã dùng danh nghĩa "phi chính phủ", “từ thiện”
để lập một số quỹ hỗ trợ cho các tổ chức phản động chống phá, xuyên tạc về Hồ
Chí Minh, tư tưởng Hồ Chí Minh như Quỹ Đầu tư phát triển Mỹ (USAID), Quỹ Hỗ trợ
dân chủ nhân quyền (NDI), Quỹ Quốc gia hỗ trợ dân chủ (NED), Việt Tân... Cùng
với đó là việc bảo trợ cho các "loa truyền thông" như Trung tâm Asia,
Chantroimoi media, Danlambao, Tiếng Dân News… thường xuyên đăng tải các thông
tin, bài viết, phỏng vấn để bôi đen sự thật, trắng trợn xuyên tạc, vu cáo tiểu
sử, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thông
qua các trang mạng xã hội trên, những kẻ tự xưng là yêu nước, dân chủ và cả
những người “có tiếng nói phản biện" ở trong và ngoài nước đã không chỉ bịa
đặt, bôi đen một số thông tin về đời tư, về ngày sinh, về những người thân
trong gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh, về nguồn gốc của Người nhằm hạ bệ thần
tượng mà còn xuyên tạc và phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh khi cho rằng tư tưởng
Hồ Chí Minh là sự du nhập những tư tưởng ngoại lai vào Việt Nam; Hồ Chí Minh là
nhà dân tộc chủ nghĩa chứ không phải là người cộng sản; Hồ Chí Minh đi trên cỗ
xe Nho giáo đến với chủ nghĩa Mác - Lênin; tư tưởng Hồ Chí Minh là tự biện, lý
thuyết, giáo điều, sao chép, máy móc chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, đã bị
xóa bỏ nên không phù hợp với thực tiễn Việt Nam hiện nay…
Thâm độc hơn, là họ đã không từ một
thủ đoạn nào để bôi xấu và tìm cách đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa
Mác - Lênin; tách rời mối quan hệ biện chứng giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ
nghĩa Mác - Lênin, để khi thì đề cao, tuyệt đối hóa tư tưởng Hồ Chí Minh, khi
thì lại cho rằng Hồ Chí Minh không có tư tưởng vì đó là một nhà hoạt động thực
tiễn. Cùng với đó, chúng còn có những chiêu bài tinh vi với vẻ bề ngoài là “đề
cao” vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng thực chất là cố tình đối lập tư
tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin.
Các thế lực thù địch lập
luận rằng chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ phù hợp với phương Tây còn tư tưởng Hồ Chí
Minh mới phù hợp với Việt Nam. Điển hình là việc Hồ Chí Minh không bao giờ “bê
nguyên xi” chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam mà đều có sự
thay đổi. Do đó, các thế lực thù địch ra sức kêu gọi “chỉ cần theo tư tưởng Hồ
Chí Minh, bỏ qua chủ nghĩa Mác - Lênin” hay “chỉ cần chủ nghĩa Mác -
Lênin là đủ sức lãnh đạo cách mạng Việt Nam”(1).
Nhận thấy vị trí vững chắc không dễ gì lay chuyển được của
tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong trái tim và khối óc nhân dân
Việt Nam, các thế lực thù địch cũng đã ra sức ngụy biện rằng “bây giờ chủ nghĩa
Mác - Lênin đã lỗi thời, không còn phù hợp với sự phát triển của lịch sử, chỉ
có tư tưởng Hồ Chí Minh là đáng giá, là phù hợp với dân tộc Việt Nam. Vì vậy,
chỉ cần dựa vào tư tưởng Hồ Chí Minh và đề cao thành “chủ nghĩa Hồ Chí Minh” để
thay thế chủ nghĩa Mác - Lênin!”. Chủ ý của quan điểm này là sự đối lập, chia
rẽ chủ nghĩa Mác - Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm phá vỡ từng mảng trong
nền tảng tư tưởng của Đảng, gây ra sự xáo trộn trong ý thức hệ của nhân dân.
Ngoài ra, các thế lực thù địch tung ra luận
điệu: “Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là chủ nghĩa chia rẽ và cực đoan,
thiên về đấu tranh giai cấp, đối lập với tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng đề
cao đoàn kết và thống nhất; Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc chứ
không theo chủ nghĩa cộng sản, chỉ nhấn mạnh đến đoàn kết chứ không nhấn mạnh
đến đấu tranh”(2).Thực chất của luận điệu này chính là muốn
hướng lái dư luận hoài nghi về bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa
Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, gây ra tâm
lý hoang mang, dao động, chia rẽ sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, tổ
chức trong Đảng, làm giảm sút niềm tin trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp
nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Sâu xa hơn nữa muốn phủ nhận nền
tảng tư tưởng, lý luận của Đảng và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt
Nam, muốn Việt Nam thay đổi chế độ chính trị, thực hiện đa nguyên, đa đảng, từ
bỏ mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Có thể nhận thấy, luận điệu đối lập hay đòi
tách rời chủ nghĩa Mác - Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh của
các thế lực thù địch đi ngược lại lập trường, quan điểm, lợi ích của
giai cấp công nhân và của dân tộc Việt Nam. Mưu đồ thâm hiểm mà chúng nhằm tới
là xuyên tạc, phủ nhận và hạ bệ cả chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng
Hồ Chí Minh. Vì thế, “xem xét dưới góc độ phương pháp, việc tách rời chủ
nghĩa Mác - Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh là sự nhận thức phiến
diện, siêu hình, phi lôgic - lịch sử và không khoa học”(3)
Thực
tế, tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả lịch sử và lôgíc từ sự kết hợp tự nhiên
truyền thống yêu nước với chủ nghĩa Mác - Lênin; là sự vận dụng và phát triển
sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam và cả các nước thuộc địa của chủ
nghĩa thực dân, đế quốc. Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh không
chỉ trung thành với những nguyên lý của học thuyết cách mạng, khoa học và hiện
đại này; không giáo điều mà chính là nắm lấy tinh thần, bản chất khoa học, cách
mạng của nó để bổ sung, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin
trong thời đại mới bằng thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Sự bổ sung và phát
triển sáng tạo ấy thể hiện rõ trong quá trình vận dụng và phát triển sáng tạo
lý luận về dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc; về thành lập Đảng Cộng sản
Việt Nam, chú trọng xây dựng và chỉnh đốn Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh;
về xây dựng, tập hợp lực lượng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân
trong các hình thức mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi; về xây dựng nhà nước
kiểu mới của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng
sản; về gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội và lý luận về con đường đi lên
chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ chế độ tư bản chủ nghĩa; về rèn luyện đạo đức
cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên… trong tiến trình cách mạng Việt Nam
hơn 9 thập niên qua.
Hơn thế nữa, không phải tự nhiên Hồ Chí Minh lại nói chủ
nghĩa Mác - Lênin không những là “cẩm nang” thần kỳ, là kim chỉ nam mà còn là
“mặt trời soi sáng” con đường cho nhân dân các dân tộc bị áp bức, bóc lột tàn
bạo dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc; trong đó, có nhân dân
Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng
sản. Bởi, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác -
Lênin khi được đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương của Lênin về
vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa đăng trên báo L’Humanité, ngày
16 và 17/7/1920 và Người nhận thấy: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất
cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc
lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng
đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta,
đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin
theo Quốc tế thứ ba”(4). Bởi, chủ nghĩa Mác - Lênin chính là nguồn
gốc lý luận chủ yếu, quyết định sự hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí
Minh. Chủ nghĩa Mác - Lênin là một trong 3 nguồn gốc hình thành tư tưởng Hồ Chí
Minh (chủ nghĩa yêu nước Việt Nam; tinh hoa văn hoá phương Đông và phương Tây;
chủ nghĩa Mác - Lênin) và là thành tố quan trọng nhất. Chủ nghĩa Mác - Lênin
không chỉ cung cấp cho Hồ Chí Minh thế giới quan, phương pháp luận khoa học,
những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch
sử mà còn là hòn đá tảng, là cơ sở để Người vận dụng sáng tạo và phát triển chủ
nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam để đề ra con đường cách
mạng Việt Nam phù hợp với yêu cầu của dân tộc và xu thế của thời đại.
Bản
chất của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là khoa học và cách
mạng, cho nên, không thể tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác -
Lênin; đồng thời, cũng không thể đề cao, tuyệt đối hóa tư tưởng Hồ Chí Minh mà
phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, nhất là càng không thể lấy tư tưởng Hồ Chí Minh
để thay thế cho chủ nghĩa Mác - Lênin và ngược lại. Thực tế, tư tưởng Hồ Chí
Minh được hình thành từ cội nguồn chính yếu là chủ nghĩa Mác - Lênin và “trong
khi giải quyết những vấn đề của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp
phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trên nhiều vấn đề quan trọng, đặc biệt là
lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội ở các nước
thuộc địa và phụ thuộc" như Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 18/2/1995 của Bộ
Chính trị khóa VII đã khẳng định.
Bản
chất của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là khoa học và cách
mạng, cho nên, không thể tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác -
Lênin; đồng thời, cũng không thể đề cao, tuyệt đối hóa tư tưởng Hồ Chí Minh mà phủ
nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, nhất là càng không thể lấy tư tưởng Hồ Chí Minh để
thay thế cho chủ nghĩa Mác - Lênin và ngược lại.
Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã đi xa hơn nửa thế kỷ, nhưng tư tưởng và cuộc đời hoạt động cách mạng
đầy gian truân song rất đỗi vĩ đại của Người đã là một tấm gương sáng cổ vũ các
dân tộc yêu chuộng hòa bình, tự do, công lý trên thế giới tham gia cuộc đấu
tranh vì độc lập dân tộc, hòa bình và tiến bộ xã hội; giá trị của tư tưởng Hồ Chí
Minh đối với tiến trình cách mạng Việt Nam là không thể phủ nhận, bởi đó là
linh hồn, ngọn cờ thắng lợi của cách mạng Việt Nam: "Tư tưởng Hồ Chí Minh
mãi mãi soi sáng con đường cách mạng Việt Nam, con đường tiến lên chủ nghĩa xã
hội của toàn dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam"(5).
Tư
tưởng Hồ Chí Minh thể hiện rõ tính chặt chẽ, liên tục, nhất quán, bao quát và
toàn diện đúng như Đại hội IX (4/2001) của Đảng khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí
Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của
cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào
điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống
tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại… Tư tưởng Hồ Chí Minh
soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh
thần to lớn của Đảng và dân tộc ta”(6).
Trong
Văn kiện Đại hội IX, tư tưởng Hồ Chí Minh được xác định gồm 9 nội dung cơ bản:
1) Tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh
dân tộc với sức mạnh thời đại. 2) Tư tưởng về sức mạnh của nhân dân, của khối
đại đoàn kết toàn dân tộc. 3) Tư tưởng về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng
nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân. 4) Tư tưởng về đạo đức cách mạng,
cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. 5) Tư tưởng về chăm lo bồi dưỡng thế hệ
cách mạng cho đời sau. 6) Tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp,
giải phóng con người. 7) Tư tưởng về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ
trang nhân dân. 8) Tư tưởng về phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng
cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. 9) Tư tưởng về xây dựng Đảng
trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người
đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Cương
lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991) khẳng
định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư
tưởng, kim chỉ nam cho hành động, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của dân tộc và nhân
loại, nắm vững quy luật khách quan và thực tiễn đất nước để đề ra cương lĩnh
chính trị đúng đắn và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân”(7) .
Điều này tiếp tục được nhấn mạnh trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời
kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011): “Đảng lấy chủ
nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam
cho hành động” (8). Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng
tiếp tục khẳng định: "Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa
Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh"(9)…
Trong
tình hình hiện nay, khi các thế lực thù địch ngày càng tăng cường và đẩy mạnh
hơn các chiến dịch, các thủ đoạn, các hình thức từ bên ngoài, câu kết và phối
hợp với các đối tượng phản động, cơ hội chính trị, "tự diễn biến",
"tự chuyển hóa" ở trong nước để chuyển tải, truyền bá các thông tin
sai lệch, bịa đặt, vu khống, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt
Nam, công khai tấn công vào những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam nói
chung, chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng, việc chủ động
phòng và chống sự xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng trở nên bức thiết.
Tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng con đường phát triển của dân
tộc Việt Nam, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Ý nghĩa
lịch sử và giá trị lý luận, thực tiễn của tư tưởng đã vượt ra ngoài biên giới
quốc gia và trở thành một phần giá trị của văn hóa nhân loại. Việt Nam đang đẩy
mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế trong bối cảnh thuận lợi
và thách thức đan xen, nhất là khi tình hình thế giới, khu vực và trong nước
đang diễn biến khó lường cùng những khó khăn, phức tạp trong đời sống xã hội.
Thực tế, hệ thống quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về mục tiêu, con đường,
phương pháp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ xã hội mới
ở Việt Nam là cơ sở cho đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong
hơn 90 năm xây dựng và phát triển; đồng thời, những thành tựu đã đạt được về
mọi mặt ở Việt Nam là không thể phủ nhận; không chỉ phản ánh quy luật khách
quan của sự nghiệp đấu tranh giải phóng trong thời đại cách mạng vô sản mà còn
phản ánh mối quan hệ khăng khít giữa mục tiêu giải phóng dân tộc với giải phóng
giai cấp và giải phóng con người. Tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi trường tồn cùng
dân tộc và thời đại vì đã thấm sâu vào quần chúng nhân dân, được minh chứng qua
thực tiễn cách mạng Việt Nam và ngày càng tỏa sáng, in sâu trong trái tim, khối
óc của hàng triệu triệu con người. Vì thế, việc tiếp tục giương cao ngọn cờ tư
tưởng Hồ Chí Minh; việc kiên định mục tiêu, con đường phát triển độc lập dân
tộc và chủ nghĩa xã hội, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm
nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam không
chỉ là yêu cầu tất yếu khách quan của Đảng, soi đường cho sự nghiệp cách mạng
của nhân dân Việt Nam giành thắng lợi mà còn góp phần giữ vững bản chất của một
Đảng chân chính, cách mạng.
Để
bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói chung, kiên định và bảo vệ tư tưởng Hồ
Chí Minh nói riêng, chúng ta cần tập trung thực hiện một số giải pháp cơ bản
sau:
Một
là, mỗi cấp ủy đều phải nâng cao nhận thức và
xác định rõ việc đấu tranh bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng là một nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp
bách, vừa thường xuyên và lâu dài. Đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng, sự chỉ
đạo tập trung, thống nhất của Đảng nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính
trị trong cuộc đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn làm chuyển hóa chính
trị, tư tưởng của các thế lực thù địch.
Hai
là, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW của
Ban Bí thư khóa XII về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học
tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh trong tình hình mới" gắn với Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị
khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác
các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Theo đó, đẩy mạnh và kịp
thời phê phán, bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch phủ định chủ nghĩa Mác
- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; uốn nắn những nhận thức lệch lạc, mơ hồ, dao
động về tư tưởng, suy giảm niềm tin về chủ nghĩa xã hội và vai trò lãnh đạo của
Đảng; đồng thời, chủ động đấu tranh để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư
tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến",
"tự chuyển hóa" trong đội ngũ cán bộ, đảng viên gắn với thực hiện Chỉ
thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư
tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về
xây dựng và chỉnh đốn Đảng thiết thực, hiệu quả.
Ba
là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan
báo chí, truyền thông, kết hợp chặt chẽ với tuyên truyền miệng, các kênh thông
tin khác, xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền sát hợp thực tế để chủ
động đấu tranh, phòng, chống và bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh; gắn với nhân rộng
các gương điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,
phong cách Hồ Chí Minh. Đa dạng hóa các phương pháp,
hình thức đấu tranh, phê phán những quan điểm sai trái, phản động của các thế
lực thù địch về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh kết hợp với đổi mới
công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán
bộ, đảng viên và nhân dân. Gắn tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh với đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ nền
tảng tư tưởng của Đảng, góp phần củng cố niềm tin vào tư tưởng Hồ Chí Minh -
cội nguồn sức mạnh, tài sản tinh thần vô giá của toàn Đảng, toàn dân và toàn
quân ta trong hành trình hướng đến tương lai.
Bốn
là, chú trọng xây dựng, đào tạo và phát triển
đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy về Hồ Chí Minh học từ đại học đến sau đại
học, để đội ngũ cán bộ đó có trình độ chuyên môn chuyên sâu, có năng lực nghiên
cứu và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn tốt, góp phần bổ sung và
phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh. Xây dựng các lực lượng nòng
cốt, chuyên trách, thường trực, tác chiến nhanh, chính xác, làm xoay chuyển
tương quan so sánh lực lượng trên mặt trận đấu tranh tư tưởng, lý luận gắn với
việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục lý luận chính trị nói chung,
nâng cao tính hấp dẫn trong dạy và học môn tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng trong
hệ thống giáo dục quốc dân, góp phần làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ
Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc trong Đảng và trong xã
hội; trở thành nhu cầu tự thân, nền nếp của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị và
cá nhân.
Để việc đấu tranh chống các luận
điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh thực sự thuyết phục, chúng ta phải có cái
nhìn khách quan, tôn trọng sự thật lịch sử, không được chủ quan, áp đặt hoặc
máy móc trong việc nhận định, đánh giá, phản bác các luận điệu xuyên tạc tư tưởng
của Người. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị
quyết Đại hội XIII của Đảng, đó là: “Kiên định và không ngừng vận dụng,
phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực
tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét