Hiện nay, các luận điệu sai trái, xuyên tạc về định hướng xã hội chủ
nghĩa trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam đang được các thế lực thù địch,
phản động tích cực gieo rắc, truyền bá, len lỏi vào trong các bộ phận, giai tầng
xã hội cũng như nhân dân dưới nhiều hình thức, biện pháp khác nhau, lúc công
khai, khi ngấm ngầm, quyết liệt. Các luận điệu sai trái, thù địch có nhiều,
nhưng có thể khái quát vào ba nhóm vấn đề chủ yếu sau đây:
Một là, nhóm quan điểm sai trái, xuyên tạc, phủ nhận tính hiện thực
của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Các thế lực thù địch ráo riết lan truyền luận điệu rằng, sẽ không thể
có được nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhiều lý lẽ xuyên tạc
được các thế lực thù địch sử dụng để biện hộ cho cách lập luận của họ. Chúng
xuyên tạc rằng, chủ nghĩa xã hội còn chưa rõ là thế nào, thì việc định hướng xã
hội chủ nghĩa là không rõ ràng, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
lại càng tù mù hơn(?!); rằng, Việt Nam chưa có kinh tế thị trường đúng nghĩa
trong khi lại định hướng đi tới một chế độ xã hội chưa rõ ràng nên đi từ cái
“chưa có gì” đến cái “chưa biết gì” là không thể. Không dừng lại ở đó, các thế
lực thù địch còn tiếp tục xuyên tạc rằng, chủ nghĩa xã hội đã sụp đổ từ cuối thập
niên 80 của thế kỷ XX rồi, làm gì còn chủ nghĩa xã hội mà định hướng; nào là hệ
tư tưởng chủ nghĩa xã hội đã đi vào dĩ vãng, cáo chung, làm sao cứ bám quá khứ
để định hướng đi đến tương lai (?!)... Nhiều quan điểm sai trái, thù địch kiểu
như trên đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ, được cài cắm, len lỏi vào các diễn
đàn trên mạng xã hội, các diễn đàn “hiến kế”, các diễn đàn “yêu nước”, vì “dân
oan”... Đây là cách thức rất tinh vi, xảo quyệt mà các thế lực thù địch, phản động
sử dụng hòng xuyên tạc, phủ nhận định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế
thị trường ở Việt Nam.
Hai là, nhóm quan điểm sai trái, xuyên tạc rằng, kinh tế thị trường
và định hướng xã hội chủ nghĩa là tự mâu thuẫn nhau, không thể tương dung trong
nền kinh tế thị trường đúng nghĩa.
Để biện hộ cho quan điểm sai trái, tinh vi này, các thế lực thù địch,
phản động tìm mọi luận cứ gán ghép xuyên tạc, hòng khiến người dân mơ hồ về định
hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Theo chúng, kinh tế thị trường là tự do,
trong khi định hướng xã hội chủ nghĩa là chuyên chế; kinh tế thị trường là đa
nguyên, trong khi chủ nghĩa xã hội là nhất nguyên; kinh tế thị trường là dân chủ,
trong khi định hướng xã hội chủ nghĩa là độc đoán; kinh tế thị trường là sở hữu
tư nhân, trong khi định hướng xã hội chủ nghĩa là sở hữu toàn dân; kinh tế thị
trường là cạnh tranh bình đẳng, trong khi định hướng xã hội chủ nghĩa lại xác lập
vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước... Do đó, tự bản thân kinh tế thị trường
đã mâu thuẫn với định hướng xã hội chủ nghĩa, tự nội hàm kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa đã mâu thuẫn nhau, nên sẽ không thể cùng tồn tại trong một
mô hình kinh tế thị trường(?!).
Ba là, nhóm quan điểm xuyên tạc rằng, kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa là không có cơ sở lý thuyết khoa học, có chăng chỉ là sự gán
ghép khiên cưỡng lý thuyết kinh tế thị trường với lý luận Mác - Lê-nin.
Đưa ra quan điểm sai trái, lập luận phủ định, bác bỏ chưa đủ, các thế
lực thù địch, phản động còn viện dẫn đến các phương thức xuyên tạc, vòng vo, lập
lờ để hòng đánh lạc hướng thành viên trong xã hội. Chúng xuyên tạc rằng, chỉ có
sở hữu tư nhân, kinh tế tư nhân mới là động lực của kinh tế thị trường; đồng thời,
viện dẫn các quan điểm lý thuyết của các nhà kinh tế học phương Tây rằng, muốn
có kinh tế thị trường thì tư nhân phải là chủ đạo. Theo đó, các quan điểm sai
trái bám vào luận điệu cho rằng, cơ sở lý luận của sự phát triển kinh tế thị
trường phải dựa trên sở hữu tư nhân; trong khi đó, chủ nghĩa Mác - Lê-nin lại
chủ trương công hữu là là sự gán ghép khiên cưỡng vào nền kinh tế(?!). Tinh vi
hơn, các quan điểm xuyên tạc định hướng xã hội chủ nghĩa còn thường xuyên nhấn
mạnh rằng, kinh tế thị trường phải dựa trên nền tảng xã hội dân sự, trong khi định
hướng xã hội chủ nghĩa lại dựa trên hệ thống chính trị độc đảng; kinh tế thị
trường phải dựa trên các lý thuyết kinh tế tự do, trong khi định hướng xã hội
chủ nghĩa lại dựa trên chủ nghĩa Mác - Lê-nin ngoại lai(?!). Không dừng lại ở
đó, các quan điểm sai trái, thù địch còn viện dẫn các biểu hiện đơn lẻ để quy kết
cho bản chất của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Chúng quy chụp rằng, vì sự
khiên cưỡng này nên hàng loạt vụ tham nhũng lớn xảy ra ở Việt Nam là do nền
kinh tế thị trường ở Việt Nam không có cơ sở lý luận vững chắc... Có thể thấy,
rất nhiều lập luận sai trái, xuyên tạc như vậy đang được đẩy mạnh truyền bá
trong nhiều chương trình của hệ thống truyền thông của các thế lực thù địch, phản
động.
Ba nhóm lập luận nêu trên là điển hình trong rất nhiều quan điểm
xuyên tạc, phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước
ta mà các thế lực thù địch, phản động ráo riết truyền bá dưới các màu sắc và
cách thức tinh vi, xảo quyệt khác nhau. Âm mưu nguy hiểm của chúng là nhằm xóa
bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trên con đường phát triển của đất
nước ta. Các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc thực chất là truyền bá đắc
lực cho các thế lực mưu đồ giành quyền lực chính trị. Các thế lực này đang khát
khao tìm cách len lỏi vào đời sống xã hội; từ đó, từng bước gây chia rẽ, mâu
thuẫn, mơ hồ trong nội bộ cán bộ, đảng viên và nhân dân, tiến tới gây ảnh hưởng
chính trị, làm rối loạn sự ổn định ở Việt Nam. Các thế lực thù địch, phản động
nhận thức được rằng, nền tảng tư tưởng, lý luận của định hướng xã hội chủ nghĩa
trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ
Chí Minh. Định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường ở nước ta chỉ
có thể được thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; do đó, tìm mọi
cách xuyên tạc về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
đồng nghĩa với việc gián tiếp bác bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt
Nam. Đồng thời, khi xuyên tạc, làm méo mó nhận thức của cán bộ, đảng viên và
nhân dân về định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường ở Việt
Nam, các thế lực thù địch, phản động muốn xuyên tạc, phủ nhận những thành tựu
to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà đất nước ta đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng,
nhất là thành tựu của gần 40 năm đổi mới.
Ý đồ sâu xa của các quan điểm sai trái, xuyên tạc, thù địch nêu trên
là không thừa nhận con đường phát triển đúng đắn, phù hợp của Việt Nam; cố tình
bôi nhọ, tìm mọi cách chống phá, trên mọi mặt trận, bằng mọi thủ đoạn hòng xóa
bỏ con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, làm chệch hướng con đường
phát triển của Việt Nam dưới nhiều màu sắc khác nhau; gây mơ hồ trong các giai
tầng xã hội, hòng làm dao động tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân;
gây hoài nghi, chia rẽ nội bộ, làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân
dân mất niềm tin vào nền tảng tư tưởng của Đảng, hòng từng bước làm tan rã định
hướng xã hội chủ nghĩa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước Việt
Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét