Gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng, các
thế lực thù địch có nhiều tin bài nói xấu chế độ ta, trong đó có tin bài cho rằng
Việt Nam là một đất nước vi phạm nhân quyền, người dân Việt Nam bị áp bức bất công
không được bình đẳng, công bằng, dân chủ. Tuy nhiên không phải như vậy, mà đất
nước, nhân dân Việt Nam, 90 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam
đã trở thành một đất nước hoà bình, độc lập, phát triển có nền dân chủ XHCN,
quyền con người được bảo đảm, tôn trọng trên thực tế, được thể hiện qua các thành
tự sau:
Thứ
nhất, nhận thức về nhân quyền của Đảng, Nhà nước và nhân
dân ngày càng phát triển. Từ các kỳ đại hội, nhất là Đại hội VI, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “phải tôn trọng và bảo đảm
những quyền công dân”. Sau Đại hội VII, ngày 12/7/1992 Ban Bí thư Trung ương
Đảng đã có Chỉ thị số 12/CT/TW, trong đó xác định những quan điểm cơ bản của
Đảng ta về quyền con người. Đại hội lần thứ IX, xác định “Chăm lo cho con người, bảo vệ quyền và lợi
ích hợp pháp của mọi người; tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về
quyền con người, mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia”. Đặc
biệt, thời gian qua Việt Nam cũng đã
gia nhập hầu hết các điều ước nhân quyền quốc tế chủ chốt, trong đó có "Công ước về Quyền dân sự,
chính trị ", "Công ước về Quyền
Kinh tế, xã hội, văn hoá"; "Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân
biệt chủng tộc; "Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ
nữ", là nước
thứ hai trên thế giới và nước Châu Á đầu tiên tham gia "Công ước Quyền trẻ
em"; phê chuẩn 17 công ước của Tổ chức Lao động
Quốc tế. Ngày 22-10-2007, Việt Nam đã ký "Công ước quốc tế
về Quyền của người khuyết tật"' và hiện đang nghiên cứu việc tham gia "Công ước Chống tra
tấn". Những cam kết của Việt Nam đối với các
điều ước quốc tế đã được phản ánh trong các văn bản pháp luật trong nước. Đây
là cơ sở của những thành tựu to lớn trong thực hiện nhân quyền ở nước ta từ khi
đất nước đổi mới đến nay.
Thứ hai, những nội dung cơ bản về quyền con người đã được quy định trong Hiến
pháp và pháp luật Việt Nam. Đặc điểm quan trọng nhất của quyền con
người là phải được quy định trong pháp luật và bảo đảm được thực hiện trong
thực tế. Từ năm 1986 đến nay, Nhà nước Việt Nam đã sửa đổi và ban hành trên 14.000 văn bản luật và dưới luật. Trong các bản
Hiến pháp 1946, 1959, 1980 và Hiến pháp 1992, sửa đổi năm 2013 đều khẳng định
rõ ràng: Ở Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa
và xã hội được tôn trọng. Hiến pháp sửa
đổi năm 2013, giành toàn bộ chương II với 36 điều (14- 49) quy định về quyền
con người, quyền và nghĩa vụ công dân. Các điều khoản nói về quyền con người,
luôn luôn được mở rộng và cụ thể, phù hợp với tình hình ở mỗi thời kỳ. Có thể
khẳng định: quyền con người, quyền công dân là những giá trị bền vững, cao quý
mà các Hiến pháp ở Việt Nam
đã trang trọng ghi nhận, đồng thời không ngừng bổ sung nâng cao và phát triển.
Thứ ba,
quyền con người được
bảo đảm trên thực tế:
Trên lĩnh vực dân sự. Trong quyền dân sự, trước hết là quyền
sống và liên quan đến quyền sống: trên thực tế Việt Nam đã thực hiện đúng những quy định của Bộ luật hình
sự 1999: giảm khung hình phạt tử hình từ 44 điều còn 29 điều; giảm bớt hình
phạt tù, tăng hình phạt không phải tù đối với người phạm tội (phạt tiền, cải
tạo không giam giữ); nhân đạo hơn đối với phụ nữ phạm tội, thu hẹp hơn phạm vi
truy cứu trách nhiệm hình sự đối với trẻ em phạm tội; xóa án tích đối với những
người được mãn hạn tù. Nghị định số 47/CP ngày 3/5/1997 của Chính phủ đã
quy định việc giải quyết bồi thường thiệt hại cho những người bị oan sai; xử lý
kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người có trách nhiệm
làm sai pháp luật. Nghị định 89/1998/NĐ - CP quy định tiêu chuẩn chế độ trong giam giữ, khám
chữa bệnh điều trị. Trong hệ thống trại giam, cơ sở vật chất từng bước được cải
tạo, nâng cấp, chất lượng giáo dục cải tạo ngày càng được nâng cao, tổ chức
khám sức khỏe định kỳ, huấn luyện dạy nghề, học nghề, mua sắm ti vi, sách báo
cho phạm nhân. Quyền tự do đi lại và cư trú trong nước Việt Nam được bảo đảm về cơ bản: đã có những cải
tiến quan trọng trong thủ tục hành chính - đáp ứng nhu cầu đi lại làm ăn của
nhân dân. Chính sách dân tộc bình đẳng, quan tâm đến đồng bào dân tộc ít người,
đồng bào ở vùng sâu vùng xa, nghiêm cấm các hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc.
Trên lĩnh vực chính trị, quyền tham gia và quản lý công việc Nhà nước và xã hội, điều này thể hiện rõ
ở các cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, bảo đảm khóa sau chất lượng hơn
khóa trước. Quyền khiếu nại tố cáo: Pháp lệnh khiếu nại tố cáo của công dân năm
1991 đã được thay thế bằng Luật khiếu nại tố cáo của công dân năm 1998 với sự
mở rộng cả về chủ thể và đối tượng khiếu nại. Ban hành và hướng dẫn tổ chức
thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, yêu cầu thủ trưởng cơ quan phải công khai
chương trình kế hoạch công tác và kinh phí hoạt động. Các quyền tự do dân chủ: Thể hiện nhu cầu
phát triển cao nhất của con người.
Trên lĩnh vực kinh tế, quyền con người trên lĩnh vực kinh tế bao gồm: quyền sở hữu, quyền lao động,
quyền tự do kinh doanh, quyền được hưởng những điều kiện làm việc công bằng.
Nền kinh tế Việt Nam hiện nay là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa, bao gồm 5 thành phần: kinh tế nhà nước; kinh tế hợp tác (tập thể); kinh
tế tư bản tư nhân; kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Nhà nước tôn trọng, bảo vệ, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người, mọi thành
phần kinh tế phát triển bình đẳng với nhau. Nhờ đường lối phát triển kinh tế
đúng đắn và quyền con người trên lĩnh vực kinh tế được bảo đảm mà những năm qua
chúng ta đã “khơi dậy mọi nguồn lực trong nhân dân đầu tư vào phát triển sản
xuất, kinh doanh.
Trên
lĩnh vực xã hội, “Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với
tiến bộ và công bằng xã hội” là quan điểm đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt
Nam. Bằng những chính sách xã hội
thỏa đáng, thực hiện bình đẳng trong các quan hệ xã hội, thực hiện công bằng
trong phân phối dưới nhiều hình thức, như : xây nhà chung cư cho những người có
mức sống còn thấp, xây hàng vạn ngôi nhà tình nghĩa cho những người có công với
cách mạng, khám chữa bệnh cho người nghèo, giáo dục tiểu học bắt buộc, bảo đảm
an sinh xã hội, chăm sóc những người yếu thế, rủi ro, thiệt thòi; thực hiện chế
độ trợ cấp đầy tính nhân đạo đối với con người: trợ cấp ốm đau thai sản, trợ
cấp cho người cao tuổi, trợ cấp cho người tàn tật, trợ cấp tai nạn nghề
nghiệp... Những năm qua, chúng ta đã thực hiện một số chương trình phát triển
kinh tế - xã hội đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa - chương trình 135 “xóa
đói giảm nghèo” đã đạt được những kết quả nổi bật: mỗi năm có thêm từ 1,2 đến
1,4 triệu người có việc làm; Dự án quốc gia hỗ trợ việc làm, đã tạo việc làm
mới cho nhiều lao động.
Trên
lĩnh vực văn hóa, Đảng Cộng sản Việt Nam đã
xác định: xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, vừa
là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hiến pháp và
các văn bản luật quy định rõ quyền con người trong lĩnh vực văn hóa: Quyền được
tiếp cận với văn hóa thông tin; Quyền được sáng tạo và thưởng thức văn hóa, nghệ thuật; Quyền được
giữ gìn bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc.
Với những nỗ lực trên, trong xã hội Việt
Nam thời kỳ nào dân chủ, quyền con người của nhân dân cũng được phát huy cao độ,
mọi người dân phấn khởi, tin tưởng trong xây dựng đất nước, chính điều đó là động
lực quan trọng thúc đẩy xã hội phát triển, để đến nay trở thành một nước
Việt Nam hoà bình, độc lập, xã hội chủ nghĩa, một đất nước giàu đẹp, hùng
cường, đời sống nhân dân ngày càng cải thiện (năm 2019 đạt 2.800 USD/người, trở
thành đất nước có uy tín trên chính trường quốc tế, có nhiều anh em, bạn bè
quốc tế thân giao, (năm 2019- Việt Nam trở thành uỷ vỉên không thường trực của
Liên Hiệp quốc).
Với những thành tựu trên có thể nói, Việt Nam là một
đất nước vì con người, tất cả phấn đấu vì cơm no áo ấm, hạnh phúc của nhân nhân.
Việt Nam là một quốc gia thực hiện tốt quyền con người.