Đức và tài có quan hệ
biện chứng với nhau trong nhân cách của người cán bộ cách mạng. Trong đó, đức
phải được đặt lên hàng đầu. Đức không chỉ là chính trị mà còn là khoa học và
văn hóa. Còn tài thể hiện ở cái trí, cái tầm gắn chặt với cái tâm. Người có
tài, trong ý nghĩa đích thực phải là người có đức, tài càng lớn đức càng cao. Đất
nước muốn phát triển nhanh và bền vững cần phải có nhiều cán bộ, đảng viên với
thực tài, thực đức để chấn hưng dân tộc, hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng
cường, thịnh vượng.
1 - Nói đến tài và đức
cũng như đức và tài là nói đến những yếu tố chủ đạo, then chốt trong cấu trúc
nhân cách của một con người trưởng thành. Hai yếu tố này xác lập mối quan hệ biện
chứng, tác động qua lại, chi phối và chế ước lẫn nhau trong con người với tư
cách cá nhân, cá thể của nó. Đó là một chủ thể mang nhân cách đã định hình
chính nó, trong một môi trường xã hội, lịch sử và văn hóa nhất định, với những
hoàn cảnh và điều kiện khách quan xác định cùng với hoạt động sống của chủ thể
gắn liền với nỗ lực chủ quan của mỗi người..
Tài và đức, cũng như
đức và tài là những khái niệm, phạm trù thường được hiểu trong lĩnh vực đạo đức,
là đối tượng nghiên cứu của đạo đức học, của lý luận về nhân cách. Chủ tịch Hồ
Chí Minh với tư cách nhà tư tưởng, nhà đạo đức học Mác-xít - ở đây, nổi trội là
đạo đức học thực hành - đã đặc biệt quan tâm tới quan hệ giữa đức và tài, giữa
tài và đức trong nhân cách con người, nhất là nhân cách của cán bộ, đảng viên.
Người chú trọng rèn luyện và công phu giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cả tài
lẫn đức, cả đức lẫn tài, nhưng luôn luôn nhấn mạnh đức là gốc.
Vấn đề tưởng như đã
rõ ràng, đã hoàn toàn minh định, vậy mà cho đến nay vẫn phải tiếp tục đổi mới
tư duy, đổi mới nhận thức để có nhận thức mới, đúng đắn hơn, sâu sắc hơn. Tri để
hành. Phải dựa trên tiền đề nhận thức đúng thì mới có thể hành động đúng, đúng
quy luật và đem lại hiệu quả thực tiễn như yêu cầu cuộc sống đặt ra. Hành động ở
đây là ứng xử, hành xử với con người, trong mối quan hệ với mình, với người, với
việc như Bác Hồ từng nhấn mạnh. Hành động đúng, nhìn từ góc độ lãnh đạo, quản
lý, hoạch định chính sách là thái độ tôn trọng, quý trọng con người tài - đức,
trọng dụng, tin cậy những con người tài - đức, tạo mọi điều kiện để họ phát huy
và cống hiến tài năng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Về mặt này, Chủ tịch
Hồ Chí Minh là một biểu tượng vô cùng cao quý, là bậc thầy của việc phát hiện
tài năng, đức độ con người, là điển hình mẫu mực của phép dùng người, quý trọng
nhân tài và trọng đãi hiền tài một cách hết sức thật lòng, chân thành, đầy nhân
ái vị tha và thấm nhuần sâu sắc tinh thần khoan dung văn hóa, có lòng độ lượng,
“độ lượng vĩ đại”, có sức cảm hóa, thuyết phục muôn người, thu phục nhân tâm.
Thành công trong
phép dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh cần được nghiên cứu công phu, để rút
ra những giá trị khoa học, lý luận. Việc dùng người, đối xử và ứng xử của Người
với con người đều xuất phát từ sự quý trọng và tin cậy, dân chủ và bình đẳng,
bao dung - nhân ái - vị tha đối với con người. Biệt tài của Chủ tịch Hồ Chí
Minh là khả năng biết khơi dậy, cổ vũ, thức tỉnh mỗi người, làm cho họ có niềm
tin vào chính mình, phát huy và phát triển phần nhân tính tốt đẹp để họ tự tin,
nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, biết hướng thiện và tự hoàn thiện mình để sống và
hành động sao cho có ích nhất, đóng góp tốt nhất cho xã hội, tức là phục vụ
nhân dân. Người chú trọng đạo đức trong chính trị, lấy việc làm, hiệu quả công
việc, tác động của văn hóa trong ứng xử để công phu hướng dẫn, rèn luyện con
người và tự mình thực hành trước để nêu gương. Cán bộ, đảng viên, công chức,
nhân viên muốn tỏ rõ là đầy tớ, công bộc của dân, trước hết, phải thấm nhuần đạo
làm người - ở đời và làm người như thế nào cho xứng đáng với lòng tin, sự tín
nhiệm và thương yêu của nhân dân. Tận tâm, tín tâm và tận hiến - là thể hiện sự
trung thực, nhất quán của quyết tâm trong hành động và lối sống, chứ không phải
chỉ là lời hứa, câu nói. Đó cũng là sức mạnh của cả ý chí lẫn tình cảm để không
màng danh lợi, đứng ngoài vòng danh lợi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân
sinh động, để từ tuổi trẻ thanh niên đã lựa chọn “ham học, ham làm, ham tiến bộ”,
“không ham làm quan to” như Người căn dặn. Phải thức tỉnh về nghĩa vụ và trách
nhiệm, ý thức tự bảo vệ lương tâm và danh dự, giữ liêm sỉ trước mọi sự cám dỗ
thường tình. Người nói rõ, nhân dân đóng thuế để chính phủ có tiền trả lương
cho ta. Làm việc cẩu thả, lười biếng, vô trách nhiệm là lừa gạt nhân dân. Tham
lam là một thói xấu, rất đáng xấu hổ. Tham ô, tham nhũng là có tội với dân, với
nước, là tội ác và phải quyết trị cho bằng được, phải tẩy sạch cái tội phản
dân, phản quốc đó.
Theo Chủ tịch Hồ Chí
Minh, gốc rễ sâu xa của mọi thói hư tật xấu là do chủ nghĩa cá nhân gây ra, phải
quét sạch nó đi. Nhưng chống chủ nghĩa cá nhân không có nghĩa là xem nhẹ, phủ
nhận cá nhân; không có nghĩa là chà đạp, giày xéo lên cá nhân với những lợi
ích, nhu cầu, cá tính, sở trường của họ. Mỗi cá nhân là một nhân cách - không
có cá nhân sẽ không thành tập thể và xã hội. Người luôn nhấn mạnh, “phê bình việc,
không phê bình người” (tức là không xúc phạm nhân cách của họ). Lại phải thấu
lý đạt tình, “có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Phải khéo léo thức tỉnh
con người, làm cho mỗi người định hình thói quen, nhu cầu tự phê bình như rửa mặt
hằng ngày. Giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng con người và dùng người phải công phu tỷ
mỷ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Đó là khoa học và nghệ
thuật, sâu xa đó là văn hóa làm người, văn hóa trong việc dùng người. Nghiêm mà
rộng lòng khoan thứ. Thương yêu, bảo vệ cán bộ thì phải thường xuyên giáo dục,
đồng thời với kiểm tra, giám sát để cán bộ không rơi vào hư hỏng.
Giáo dục là đào tạo
con người một cách toàn diện từ thể dục, đức dục và trí dục. Do đó, phải xây dựng
một môi trường giáo dục và hệ thống nhà trường với đủ các điều kiện cần thiết để
phát triển tự do mọi năng lực sẵn có trong mỗi con người. Đó là mục tiêu cao
quý của giáo dục phát triển và chủ nghĩa nhân văn trong giáo dục. Trong phép
dùng người, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn “dụng nhân như dụng mộc”. Tài to dùng
vào việc to, tài nhỏ dùng vào việc nhỏ. Phải giao việc đúng với khả năng của họ.
Không có ai là vô dụng cả, chỉ có cách dùng người không đúng làm cho họ không bộc
lộ, không phát huy được sở trường của mình, thậm chí còn mai một đi. Giáo dục
sai lầm có thể dẫn tới sự phát triển lệch lạc về nhân cách và do đó, sẽ lãng
phí nhân lực rất lớn. Bởi thế, trong giáo dục và trong công tác thực tế, Chủ tịch
Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng phương pháp. Dùng người tài càng phải như vậy.
Nhân tài là vốn quý, là thứ hiếm. Nhân tài rất cần cho việc kiến quốc, chỉ có
thiếu chứ không bao giờ thừa. Người tài ở ngay trong nhân dân, nên phải động
viên nhân dân phát hiện nhân tài để Chính phủ sử dụng, trọng dụng vào việc ích
quốc lợi dân. Khéo dùng thì nhân tài sẽ phát lộ, phát triển, do đó phải tạo ra
“đất” cho người tài dụng võ. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, dùng người phải chí công
vô tư, không hẹp hòi, thành kiến, đố kỵ. Phải hiểu người để dùng người cho
đúng. Vì vậy, cần có trí tuệ, tầm nhìn, có tấm lòng thành thật, đem lòng thành
mà cảm hóa, lôi cuốn, hội tụ các tài năng vào việc lớn của cách mạng, của dân,
của Đảng.
Người có trách nhiệm
dùng người phải luôn xuất phát từ mục đích, động cơ trong sáng, cao quý vì Tổ
quốc, vì dân tộc, vì nhân dân, không phải vì mình, không được vị kỷ, thực dụng.
Đồng thời, phải có bản lĩnh, đủ sáng suốt để không dùng sai, chớ để những kẻ
xung quanh xiểm nịnh, tâng bốc mình và xuyên tạc, hãm hại những người chính trực,
rồi chỉ quen dùng những người cánh hẩu với mình, xa lánh người tài giỏi, có đức,
liêm, chính, cương trực.
Bản lĩnh dùng người
của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là sự sáng suốt của lý trí, mà còn ở cốt
cách cao thượng khi Người căn dặn chúng ta ngay cả với những người mà mình
không ưa nhưng họ là người có tài, cương trực, thẳng thắn, công tâm, vì dân, vì
nước thì vẫn phải dùng mà đã dùng thì phải tôn trọng và tin cậy họ.
Ở đời, “nhân vô thập
toàn”, con người không có ai là thần thánh cả. Ai cũng có cái hay và cái dở,
cái tốt và cái xấu. Muốn làm cho cái hay, cái tốt nảy nở như hoa mùa xuân, cái
xấu, cái dở mất dần đi thì phải có tấm lòng bao dung rộng mở, phải biết trân trọng
và phát huy tài năng. Minh triết giáo dục ấy đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn
rõ ràng với một tầm nhìn chiến lược: vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi
ích trăm năm thì phải trồng người. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết phải
có con người xã hội chủ nghĩa - quan niệm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng được
thể hiện rõ khi Người nhấn mạnh đức là gốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt quan hệ đức
- tài và tài - đức trong một thể thống nhất hữu cơ không tách rời. Càng coi đức
là gốc thì càng phải coi trọng tài. Tài là cơ sở, nền tảng cho đức một cách thực
chất, là đạo đức hành động trong đời sống, chứ không phải đơn thuần tu tâm dưỡng
tính cho mình mà xa lánh cuộc sống, không giúp ích cho đời. Trên thực tế, nhất
là trong việc dùng người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quý trọng tài năng, coi
trọng đánh giá đúng, phát hiện, nuôi dưỡng và sử dụng khéo những tài năng thực
sự. Người quan niệm, muốn “có nhân” và “thành nhân” phải có sự bảo đảm bởi Trí
- Dũng - Liêm - Trung - Nghĩa. Muốn đủ bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính để chí
công vô tư, con người phải thực sự tỏ rõ hiểu biết, năng lực, hành động và có bản
lĩnh. Có đức mà không có tài cũng vô dụng, làm việc gì cũng khó, thậm chí làm hỏng
việc. Rõ ràng, tài ở ngay trong đức; đức chỉ trở thành hiện thực, thành sức mạnh
đạo đức được đo lường, được chứng tỏ bởi tài. Không “chuyên sâu” làm sao “hồng
thắm” được. Đức không chỉ là chính trị, mà còn là khoa học và văn hóa. Tài
không đồng nghĩa, đồng nhất với bằng cấp, danh vị, danh hiệu, mà phải là sự xác
thực bằng kết quả việc làm, thành công, hiệu quả. Nguyên tắc, phương châm “nói
đi đôi với làm”, “nói ít làm nhiều”, “đã nói thì phải làm”, phải nghĩ cho kỹ
“làm được thì hãy nói” mà Người nêu ra đã cho thấy, đó là sự hội tụ đức - tài
làm một trong nhân cách con người. Chỉ những người hiểu biết hời hợt, siêu hình
mới xem xét tài - đức tách rời nhau. Siêu hình đi liền với giáo điều, dễ dẫn đến
tuyệt đối hóa cái này, xem nhẹ, phủ nhận cái kia. Khuynh hướng “chính trị hóa”
một cách cực đoan, tả khuynh thường đồng nhất đức - tài vào chính trị, nhất là
thường xem nhẹ tài năng, thậm chí có hiện tượng định kiến, hẹp hòi, đố kỵ và dị
ứng với những tài năng. Rõ ràng, nếu không nhận thức rõ, đúng mối quan hệ biện
chứng giữa tài và đức sẽ ảnh hưởng đến chính sách đối với con người, đến quan hệ
giữa Đảng với người tài, đến sử dụng, đánh giá và ghi nhận cống hiến của người
tài.
Một trong những điểm
nghẽn của phát triển là chất lượng thấp của nguồn nhân lực, thiếu đột phá để tạo
ra nguồn nhân lực chất lượng cao. Đất nước muốn phát triển nhanh và bền vững
không thể không dựa vào nhân tài. Xây dựng, ban hành và thực hiện tốt chính
sách trọng dụng nhân tài, tạo môi trường, điều kiện để nhân tài phát huy tài
năng và được cống hiến theo khả năng chính là tạo sự đột phá cho phát triển đất
nước.
Ai cũng biết nhân
tài quan trọng như thế nào, ai cũng thuộc câu danh ngôn của Thân Nhân Trung:
“Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí mạnh thì thế nước lên cao, quốc
gia hưng thịnh, nguyên khí yếu thì thế nước đi xuống, quốc gia suy vong”. Nhà
bác học Lê Quý Đôn từ thế kỷ XVIII đã cảnh báo “Phi trí bất hưng”, để cho “sĩ
phu ngoảnh mặt” thì triều chính suy vong, không tránh khỏi đổ vỡ.
Thực tế từ bao thăng
trầm lịch sử đã cho thấy, quyền lực dễ làm hư hỏng con người nếu thiếu sự kiểm
soát; quyền lực nếu trao vào tay những kẻ bất tài nhưng đầy tham vọng và dục vọng
đen tối, bất minh, quen thói đạo đức giả, che đậy tinh vi, toan tính thâm độc,...
luôn xưng tụng vì dân, vì nước nhưng thực tế lại làm hại nước, hại dân thì kết
cục sẽ là một thảm họa.
2 - Từ khi còn trẻ,
C. Mác đã từng nói đến “những sức mạnh thuộc bản chất của con người”. Những sức
mạnh đó thuộc về nhân tính, ý thức chi phối bản năng, chế ngự bản năng. Phẩm chất,
nhân tính của con người là phẩm chất xã hội, mang đặc tính xã hội - lịch sử do
con người bằng hoạt động sáng tạo, trước hết là lao động tạo ra. Sáng tạo ra lịch
sử của chính mình, đó là bằng chứng hiển nhiên của năng lực người, chỉ riêng có
ở con người. Động vật không có hoạt động đó, mà chỉ có bản năng sinh tồn của
loài vật. Vượt lên tồn tại loài vật với thú tính là đặc trưng, con người mang tồn
tại người thông qua hoạt động và các mối quan hệ. Nhân tính vượt lên thú tính.
Đó là văn hóa!
Bản chất ấy của năng
lực người là văn hóa, là sáng tạo văn hóa. Có thể nói, con người sáng tạo ra lịch
sử là dựa trên năng lực người và tài là trình độ phát triển cao của năng lực
người. Đạo đức là sản phẩm của xã hội và trong điều kiện xã hội đã hình thành,
phân chia thành giai cấp thì đạo đức mang tính giai cấp.
Ngoài tính giai cấp,
đạo đức của con người còn có tính nhân loại. Đó là tính phổ quát. Đến chủ nghĩa
cộng sản văn minh, khi không còn giai cấp chi phối, con người hoàn thiện mình bởi
sự phát triển nhân tính đầy đủ nhất, đạt đến tự do và sự phát triển tự do của mỗi
người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người. Các nhà kinh
điển Mác-xít đã luận chứng và dự báo như vậy, coi đó là mục đích tự thân của lịch
sử. Sự chiến thắng của chủ nghĩa cộng sản như một chủ nghĩa nhân đạo đích thực
đánh dấu bước nhảy vọt của năng lực cũng như đạo đức con người, “từ vương quốc
của tất yếu tới vương quốc của tự do”.
Có thể thấy, với con
người và loài người thì năng lực chẳng những tạo ra những biến đổi của thực tại,
mà còn thúc đẩy và hoàn thiện đạo đức cũng như sự phát triển của năng lực sáng
tạo, sản sinh ra năng lực mới và làm cho năng lực vốn có trở nên đầy đủ, phong
phú và sâu sắc hơn.
Năng lực là cái phát
lộ đầu tiên đối với con người trong toàn bộ hoạt động và sự trưởng thành. Nếu
con vật chỉ có sự tồn tại sinh vật thì ở con người, đó là tồn tại người, tồn tại
xã hội được đặc trưng bởi “hoạt động sống” và đó là hoạt động sáng tạo. Xã hội
càng phát triển, từ dã man tới văn minh, càng cần đến nhiều năng lực người.
Năng lực mãi mãi cần cho sự phát triển. Đó vừa là điều kiện, vừa là động lực lại
cũng là sản phẩm của phát triển.
Đạo đức mang tính lịch
sử, biến đổi theo lịch sử, do năng lực thúc đẩy. Tầm quan trọng vô cùng to lớn
của đạo đức là làm tăng sức mạnh của nhân tính, hướng năng lực vào mục đích
nhân tính, cái tốt, cái thiện; làm cho năng lực bộc lộ, phát huy vì cái đúng,
cái tốt và cái đẹp. Năng lực (tài) gắn liền làm một với đạo đức (đức) cùng có mặt
trong mọi hoạt động sáng tạo của con người dẫn tới sự sáng tạo văn hóa theo hệ
giá trị Chân - Thiện - Mỹ. Hệ giá trị phổ quát này của văn hóa có đủ tài và đức,
năng lực và phẩm giá, đức hạnh của con người và loài người trong hình thái lý
tưởng nhất. Đó là tiến trình phát triển lâu dài của lịch sử thế giới để đạt tới
sự hoàn thiện.
Để phát triển nhân
tính trong mỗi cá thể người và cộng đồng người phải nỗ lực, bền bỉ hết sức lâu
dài để năng lực tự do, năng lực sáng tạo của chủ thể người không ngừng được bộc
lộ, được phát huy trong thực tiễn. Không có những năng lực này không định hình
được nhân tính.
Bởi thế, làm nên
năng lực người có cả sức mạnh của hiểu biết, của trí tuệ và còn có sự tham gia
của nhân tố nghệ thuật, của cái đẹp, của thẩm mỹ - sáng tạo và cảm thụ. Chân -
Thiện - Mỹ xét ở khía cạnh là những lớp giá trị thì sự liên kết, cộng hưởng giữa
Chân và Mỹ dẫn tới sự hiện hình của Thiện được quy thành phạm trù trung tâm của
đạo đức và đạo đức học. Chân và Mỹ là những thước đo phát triển năng lực người
để sự phát triển ấy thuộc về nhân tính sẽ dẫn đến đạo đức, đến tính thiện và
cái thiện. Cũng như thế, nhân đạo hóa hoàn cảnh, nhân văn hóa xã hội và tất yếu
phải thẩm mỹ hóa đời sống. Đời sống tinh thần, thế giới tinh thần, nội tâm của
con người tự nó không thể thiếu vắng cái đẹp.
C. Mác nêu luận đề:
Con người sáng tạo ra một tự nhiên thứ hai như tác phẩm nghệ thuật của mình.
Và, con người sáng tạo ra lịch sử, ra chính mình “theo quy luật của cái đẹp”. Vậy,
năng lực người và tài năng của con người cần phải nhận thức như thế nào, nó có
vai trò như thế nào đối với đạo đức và đạo đức tác động trở lại năng lực ra
sao? Về mặt thực tiễn, làm thế nào để kết hợp đức - tài, phát triển tài để hoàn
thiện đức trong một chỉnh thể con người, hài hòa giữa phát triển cá nhân với
phát triển xã hội.
Như chúng ta đều biết,
nói đến năng lực là nói đến những khả năng mà con người có được và đem khả năng
đó vào hoạt động, đáp ứng được yêu cầu phát triển của bản thân và góp phần vào
sự phát triển của xã hội. Những khả năng để xác định năng lực bao gồm cả khả
năng thực tế (đã bộc lộ ra) và khả năng triển vọng (còn đang là mầm mống hình
thành, là tiềm năng, trữ năng của con người). Khả năng không tự có, không tự
nhiên đến, dù cũng có yếu tố của năng khiếu, thiên bẩm riêng ở từng cá thể. Làm
nên những khả năng, nhất là những tài năng lớn, chủ yếu là qua học tập, rèn luyện,
tích lũy trong môi trường giáo dục và lao động.
Sự phát triển năng lực
ở con người theo quy luật không đều, phụ thuộc vào cả yếu tố sinh học và xã hội.
Nỗ lực chủ quan có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển năng lực,
khả năng, tài năng của mỗi người. Mọi cá thể bình thường đều có thể phát triển
trong môi trường hoạt động và lao động.
Có những năng lực,
khả năng phổ biến, mà cũng có những năng lực, khả năng đặc thù, nhất là những đặc
thù vượt trội (gắn với năng khiếu). Vì thế, chọn nghề, đào tạo nghề để con người
làm nghề, hành nghề đúng với sở trường, khả năng rất quan trọng. Dùng người phải
làm sao cho con người bộc lộ, phát huy tốt nhất năng lực, khả năng. Nói tới
năng lực là nói tới sự phát triển trí tuệ. Năng lực thông thường (phổ thông)
thì rất nhiều, tài năng ít hơn; tài năng lớn, vượt trội ít hơn nữa và thiên tài
thì càng ít, càng hiếm. Mỗi thời đại lịch sử cũng chỉ có thể sản sinh ra một
vài thiên tài mà thôi.
Trên thực tế, nhận
thức và giải quyết quan hệ đức - tài, chúng ta chủ yếu lưu ý vào trường hợp những
người có tài, những nhân tài (một hay nhiều lĩnh vực), gọi là có tài năng đặc
biệt vượt lên những năng lực, khả năng phổ biến. Đó là quan điểm thực tiễn liên
quan mật thiết tới phát triển kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội. Để thiên tài
xuất hiện phải có sự chuẩn bị, tích lũy của cả một thời đại lịch sử.
Đảng ta chủ trương
“nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” trong giáo dục - đào tạo
con người để hướng đích vào phát triển và hoàn thiện nhân cách. Muốn vậy, phải
xác định “giáo dục - đào tạo và phát triển khoa học - công nghệ là quốc sách
hàng đầu”, mọi chính sách, giải pháp phải hướng vào phát triển con người và văn
hóa, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh trong Di chúc: “Đầu tiên là công việc với
con người”. Cũng cần phải hiểu đặc điểm tâm lý, tính cách người có tài, đặc điểm
lao động sáng tạo của họ để có ứng xử văn hóa với họ, quý trọng tài năng và cống
hiến của họ, phân biệt rõ thực tài với những gì ngụy tạo, những giả giá trị.
Người có tài, trong
ý nghĩa đích thực của nó, phải là người có đức, tài càng lớn thì đức phải càng
cao. Tài năng thể hiện ở cái trí, cái tầm, gắn chặt với cái tâm, cái tình, thống
nhất phù hợp với nhau.
Chính vì vậy, những
người thực tài bao giờ cũng lao động và sống hết mình, tận tụy, trung thực,
khiêm tốn, không vụ lợi, vị kỷ, hướng tới cộng đồng, phục vụ xã hội. Họ là người
trọng danh dự, lương tâm, trọng lẽ phải, đạo lý, là những nhân cách lớn. Tài là
tiềm lực của đức và đức bảo đảm cho tài không rơi vào lệch lạc, suy thoái, tha
hóa. tài làm cho đức trở thành hiện thực trong hành động và đức giúp cho tài được
toàn dụng vào mục đích, động cơ trong sáng vì Tổ quốc, dân tộc và nhân dân. Đó
là những định hướng mục tiêu, giá trị của người trí thức chân chính, ưu thời mẫn
thế, nặng lòng ái quốc, ái dân.
Nhân dân và cuộc đời
đòi hỏi những nhân tài, hiền tài phải luôn tỏ rõ đức - tài vẹn toàn là vì vậy.
3 - Từ mối quan hệ đức
- tài xét trên bình diện lịch sử và lô-gíc trong thực tiễn phát triển của cá
nhân và xã hội, rút ra một số khuyến nghị trong giáo dục, trong cách dùng người
và chính sách đối với con người, đối với việc trọng dụng tài năng.
Thứ nhất, phải đổi mới
nhận thức theo hướng coi trọng tài năng con người, không lãng phí nguồn vốn quý
giá vào bậc nhất của xã hội, của phát triển là tài năng, là người có tài. Trong
quản lý xã hội, quản trị nguồn nhân lực, khi chú trọng sử dụng vốn người, toàn
dụng lao động thì vấn đề cấp thiết đặt ra là toàn dụng nhân tài, không phí phạm
một tài năng nào dù nhỏ nhất. Tài trí, tài năng, tài đức là tài sản vật chất và
tinh thần quý giá, quý hiếm. Do đó, sử dụng phải đi liền với bồi dưỡng, làm cho
tài năng phát triển, hữu ích, hữu dụng chứ không để mai một, cạn kiệt. Giải quyết
mối quan hệ đức - tài phải luôn luôn xuất phát từ vị thế con người mục tiêu,
con người động lực để huy động tài năng như một phương tiện, công cụ phát triển,
phải phục vụ cho mục tiêu phát triển con người, vì con người. Đánh giá tài năng
trên quan điểm nhân văn xã hội, tôn trọng, quý trọng tài năng như một giá trị
quý báu nhất - một giá trị văn hóa để ứng xử văn hóa với tài năng.
Thứ hai, đức là gốc
nhưng tài là “chất dinh dưỡng” làm cho gốc đạo đức có sức sống, có sinh khí. Đức
để hành động đòi hỏi tài phải sáng tạo. Đức - tài phải được chứng thực bởi tác
dụng, hiệu quả xã hội, thúc đẩy phát triển, trước hết là phát triển con người,
cuối cùng cũng là phát triển con người, phát triển nhân tính. Chính sách trọng
dụng nhân tài, hiền tài phải ở tầm quốc gia. Phát hiện đúng, nuôi dưỡng tốt, sử
dụng có hiệu quả nhất tài năng con người là đầu tư quan trọng nhất cho phát triển
bền vững.
Thứ ba, phải dân chủ
hóa, khoa học hóa và văn hóa hóa trong đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán
bộ; trong ứng xử, đối đãi với những người có đức - tài, tôn trọng tự do dân chủ,
tôn trọng cá tính sáng tạo của các tài năng, phải vận dụng văn hóa khoan dung
và khoan dung văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh để tạo động lực phát triển tài
năng. Đây là yêu cầu đặt ra trong lãnh đạo của Đảng, trong thực hiện chính sách
của Nhà nước đối với nhân tài, trí thức, trong mối quan hệ giữa lãnh đạo với
nhân tài, trí thức trong bối cảnh hiện nay.
Thứ tư, tăng cường,
đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục và coi trọng thực hành đạo đức, văn hóa
đạo đức tạo môi trường xã hội cho tài năng phát triển.
Thứ năm, có chiến lược
phát hiện, nuôi dưỡng, phát triển tài năng trẻ phục vụ công cuộc đổi mới, chấn
hưng dân tộc./.