Ở nước ta, thực chất của bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội là giải quyết hài hòa giữa phát
triển đất nước với thực hiện chính sách xã hội, đem lại cuộc sống hòa bình, tự do, ấm no, hạnh
phúc cho nhân dân; phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực của con người, trên tinh thần tất cả
vì con người. Trong đó, phát triển kinh tế thị trường dù theo mô hình CNXH hay chủ nghĩa tư
bản đều tồn tại khuyết tật bẩm sinh là cạnh tranh, bất bình đẳng xã hội. Vì vậy, điều quan trọng
là các quốc gia làm thế nào khắc phục hiệu quả nhất những tồn tại của khuyết tật bẩm sinh vốn
có của nền kinh tế thị trường.
Xuyên suốt sự nghiệp cách mạng, nhất là từ khi nước ta tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện
đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Đảng, Nhà nước Việt Nam đều
chủ trương, nhất quán thực hiện tiến bộ công bằng xã hội. Đại hội X của Đảng xác định: “Thực
hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; tăng trưởng
kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, y tế, giáo dục..., giải quyết tốt các vấn đề xã hội vì mục tiêu
phát triển con người”. Đến Đại hội lần thứ XIII tiếp tục khẳng định: “Tiếp tục nắm vững và xử lý
tốt các mối quan hệ lớn: quan hệ giữ ổn định, đổi mới và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi
mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng XHCN; giữa phát
triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất XHCN; giữa Nhà
nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công
bằng xã hội, bảo vệ môi trường...”. Đồng thời, “Phát triển vì con người, tạo điều kiện cho mọi
người, nhất là trẻ em, nhóm yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, người di cư hòa nhập, tiếp cận
bình đẳng nguồn lực, cơ hội phát triển và hưởng thụ công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản. Tiếp
tục hoàn thiện và thực hiện các chính sách dân tộc bình đẳng, đoàn kết, cùng phát triển”.
Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là quốc gia thống nhất
của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn
trọng và giúp nhau cùng phát triển”.
CNXH ở nước ta hướng tới mục tiêu công bằng xã hội khác hoàn toàn về chất so với các nước tư
bản chủ nghĩa. Công bằng xã hội ở nước ta trước hết nhân dân là chủ, là chủ thể nắm giữ tư liệu
sản xuất, không giống như các nước tư bản “một bộ phận rất nhỏ, thậm chí chỉ là 1% dân số,
nhưng lại chiếm giữ phần lớn của cải, tư liệu sản xuất, kiểm soát tới 3/4 nguồn tài chính, tri thức
và các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu và do đó chi phối toàn xã hội... Sự rêu rao bình
đẳng về quyền, nhưng không kèm theo sự bình đẳng về điều kiện để thực hiện các quyền đó đã
dẫn đến dân chủ vẫn chỉ là hình thức, trống rỗng mà không thực chất” như cố Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng từng chỉ ra.
Như vậy, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước là tăng trưởng kinh tế phải gắn liền chặt
chẽ với tiến bộ và công bằng xã hội. Tăng trưởng kinh tế đóng vai trò là điều kiện, tiền đề thiết
yếu để thực hiện công bằng xã hội và ngược lại, công bằng xã hội chính là động lực cho sự phát
triển kinh tế. Công bằng xã hội không chỉ bảo đảm sự phân phối thu nhập hợp lý mà còn bảo
đảm sự công bằng trong việc tiếp cận cơ hội và quyền lợi cho mọi tầng lớp nhân dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét