Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2024

Làm theo lời Bác giúp đỡ đồng bào nơi địa đầu Tổ quốc

 Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, thời gian qua, Đồn Biên phòng Lũng Cú, BĐBP Hà Giang đã “ba bám, bốn cùng”, sát cánh, đồng hành, giúp đỡ đồng bào các dân tộc trên địa bàn phát triển kinh tế - xã hội. Các anh đã trở thành người con của bản làng, được cấp ủy, chính quyền địa phương tin tưởng, nhân dân yêu quý.

Sát cánh cùng nhân dân

Sự quan tâm và dành nhiều chính sách ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước dành cho vùng cao đã khiến nơi đây có nhiều đổi thay, song đời sống nhân dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hai xã biên giới Lũng Cú và Má Lé, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang cũng không phải ngoại lệ. Đây là địa bàn mà Đồn Biên phòng Lũng Cú được giao nhiệm vụ quản lý. Hai xã có 21 thôn, bản, trong đó có 13 thôn giáp biên; nhân dân chủ yếu là người dân tộc Mông, chiếm 85%; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 25%, hộ cận nghèo chiếm hơn 29%.

Cái nghèo đói vẫn đeo bám đồng bào các dân tộc nơi cao nguyên đá này bởi thời tiết khắc nghiệt, đất canh tác ít, người dân thiếu vốn, không được tiếp cận với khoa học kĩ thuật, chưa có một mô hình sinh kế phù hợp. Học Bác ở sự tận tụy với dân, Đồn Biên phòng Lũng Cú luôn tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị, giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới. Đơn vị đã phát huy hiệu quả vai trò 2 đồng chí cán bộ BĐBP tăng cường giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy 2 xã biên giới trong tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; đồng thời củng cố hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh. Cùng với đó, phân công 18 đồng chí đảng viên phụ trách tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản và 27 đồng chí phụ trách giúp đỡ 124 hộ gia đình phát triển kinh tế.

Qua quá trình “ba bám, bốn cùng”, đồng hành cùng bà con, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú đã nắm được phong tục, tập quán của đồng bào, từ đó xây dựng các mô hình giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Tiêu biểu phải kể đến là Dự án “Bò sinh sản luân chuyển”. Theo Trung tá Nguyễn Xuân Hưng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Lũng Cú, Dự án “Bò sinh sản luân chuyển” được triển khai từ năm 2013. Đồn Biên phòng Lũng Cú hỗ trợ bò, thức ăn, cải tạo chuồng trại cho hộ nghèo. Các hộ nghèo sau khi được hỗ trợ bò giống, vươn lên thoát nghèo sẽ chuyển giao cho hộ khác nuôi luân chuyển. Những hộ gia đình tham gia đều được tập huấn về quy trình thực hiện dự án và kỹ thuật chăn nuôi, cách chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi. Dự án triển khai giai đoạn đầu có 16 con bò, hiện đã lên tới 37 con và 37 hộ đã vươn lên thoát nghèo.

Đồn Biên phòng Lũng Cú cũng triển khai Chương trình “Cải tạo vườn tạp”. Đơn vị lựa chọn các giống cây phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu như lê, bắp cải, gừng, đậu... để hỗ trợ cho các hộ gia đình tạo sinh kế phát triển kinh tế. Cùng với đó, thực hiện có hiệu các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, phong trào thi đua “BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đơn vị đã cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia giúp dân làm đường giao thông nông thôn, tổ chức khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho dân; tham gia giúp dân sửa chữa, làm mới 120 nhà theo Chương trình xóa nhà tạm cho người có công, cựu chiến binh nghèo và hộ nghèo trên địa bàn.

Thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, đơn vị phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ hội viên phụ nữ nghèo xây dựng 4 căn nhà; vay vốn trồng cây lanh; tặng học bổng cho các cháu học sinh trên địa bàn xã Ma Lé. Đơn vị huy động các nguồn lực và trực tiếp hỗ trợ cho các hộ nghèo thông qua các chương trình, mô hình như: “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”...

Không để em nhỏ nào bị bỏ lại phía sau

Cuộc sống khó khăn khiến nhiều gia đình không có điều kiện cho con em tới trường. Học Bác ở tấm lòng nhân ái bao la, đặc biệt là với trẻ em, chia sẻ với nhân dân trên địa bàn và thực hiện chỉ đạo của cấp trên, năm 2016, Đồn Biên phòng Lũng Cú đã phối hợp chặt chẽ với địa phương trên địa bàn rà soát, lựa chọn các cháu là học sinh nghèo vượt khó để đỡ đầu và hỗ trợ trong Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng”.

Những ngày đầu tháng 11/2024 có lẽ là ngày đặc biệt trong cuộc đời hai em học sinh Thào Minh Phú và Giàng Mí Nhù. Em Thào Minh Phú, sinh năm 2013, trú tại thôn Sáy Sà Phìn, xã Lũng Cú và em Giàng Mí Nhù, sinh năm 2014, trú tại thôn Khai Hoang, xã Má Lé có học lực khá nhưng gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi cha nên có nguy cơ phải dừng lại việc học. Trung tá Nguyễn Xuân Hưng chia sẻ: “Nhận thấy hoàn cảnh của 2 em, Đồn Biên phòng Lũng Cú đã họp thống nhất, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương xét chọn, quyết định nhận em Phú và Nhù về nuôi dưỡng từ tháng 11/2024 để chăm sóc, nuôi dạy, hỗ trợ vật chất, tinh thần cho các em tiếp tục học tập”.

Là con nuôi của BĐBP, từ đây, Phú và Nhù thật may mắn khi có những người bố mới chăm lo cho từng giấc ngủ, sinh hoạt, học tập, chia sẻ từng niềm vui, nỗi buồn, luôn sát cánh bên cạnh các em. Trước đó, Đồn Biên phòng Lũng Cú cũng nhận nuôi 3 chị em người dân tộc Mông có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Đó là Thò Thị Dí (sinh năm 2005), Thò Mí Và (sinh năm 2008) và Thò Thị Súa (sinh năm 2011), ở thôn Má Lủng Kha, xã Ma Lé. Từ nhỏ, 3 chị em đã mất cha, mẹ bỏ đi lấy chồng xa, sống cùng ông bà nội. Do ông bà già yếu không có điều kiện nuôi dưỡng, các em phải lao động sớm và không được tới trường. Trước tình cảnh éo le của 3 chị em, Đồn Biên phòng Lũng Cú đã đưa các em về nuôi tại đơn vị; đồng thời, đơn vị đã phân công cán bộ nuôi dưỡng, dạy học cho các em; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với gia đình và nhà trường kèm cặp, hướng dẫn, rèn luyện, gần gũi, quan tâm, động viên đến các em. Các em đều phát triển tốt về thể chất, tinh thần và thực sự xem đơn vị là nhà, cán bộ, chiến sĩ là gia đình. Ngoài ra, đơn vị đỡ đầu 21 em học sinh nghèo vượt khó trong học tập thuộc Chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn biên phòng”.

Nhận nuôi những đứa con của đồng bào nơi biên cương Tổ quốc với một tình yêu thương vô bờ bến như những người cha, người mẹ, phần thưởng mà những người bố mang quân hàm xanh mong muốn nhận được là những “mầm xanh” mà các anh vun xới từng ngày học tập tốt hơn để có một tương lai tươi sáng, trở thành những người có ích cho xã hội. Sau gần 10 năm đồng hành cùng các em học sinh, hiện nay, đã có 2 em thi đỗ vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét