Những đàn bò mập mạp, căng tràn sức sống được nuôi theo hình thức nhóm cộng đồng theo Dự án giảm nghèo được triển khai đã đem lại những tín hiệu tích cực trên hành trình giảm nghèo của đồng bào Cor nơi mảnh đất Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi.
Chung tay giảm nghèo
Trà Bồng là vùng đất nghèo với đông đồng bào Cor sinh sống lâu đời ở huyện miền núi Quảng Ngãi. Thời gian qua, nhận thấy việc chăn nuôi nông hộ, đầu tư phát triển chăn nuôi các loại con giống đặc trưng như heo, bò, gà cho hiệu quả kinh tế cao nên nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Trà Bồng đã chuyển hướng sản xuất, phát triển chăn nuôi các loại con giống này. Nhờ đó, kinh tế nhiều hộ đồng bào ổn định, thu nhập tốt. Mô hình chăn nuôi bò liên kết theo chuỗi giá trị được triển khai trên địa bàn các xã Trà Tân, Trà Giang và Sơn Trà, với các hộ thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo tham gia. Theo đó, hiện, xã Trà Tân có 22 hộ, Trà Giang có 17 hộ, xã Sơn Trà có 14 nhóm hộ với 79 hộ tham gia nuôi 227 con bò giống. Bước đầu triển khai dự án, đàn bò lớn nhanh, bà con đồng lòng, phấn khởi.
Mỗi hộ được cấp 2-3 con bò, các hộ đồng bào cũng được hỗ trợ vốn để đầu tư xây dựng chuồng trại, dự trữ nguồn thức ăn và thuốc, vật tư thú y chăm sóc cho bò. Để chăm sóc bò hiệu quả, mô hình nuôi bò theo nhóm hộ được triển khai. Mỗi thôn, bản có từ 2 đến 3 nhóm hộ. Mỗi nhóm từ 5 đến 6 hộ, mỗi hộ được hỗ trợ từ 2 đến 3 con bò, tùy đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo. Những hộ trong nhóm sẽ cùng nhau dựng một chuồng trại dài với nhiều ngăn, mỗi hộ nhốt bò trong một ngăn, cùng nhau chăm sóc đàn bò từ 15 đến 20 con.
Anh Hồ Văn Bưởi, nhóm trưởng tổ 1, thôn Hà (xã Sơn Trà) chia sẻ: “Trong mỗi nhóm đều có một hộ làm nhóm trưởng, đây phải là hộ thoát nghèo, biết làm ăn, phát triển kinh tế để dẫn dắt, giúp đỡ các hộ còn lại trong nhóm. Các hộ trong nhóm sẽ phân công nhau luân phiên chăm sóc, chăn thả đàn bò”. Nhóm hộ của anh Hồ Văn Bưởi có 6 hộ, nuôi 16 con bò. Trong tuần sẽ luân phiên, mỗi ngày có 2 hộ sẽ đảm nhiệm việc chăn thả bò ăn trên rẫy, đưa về chuồng, cho bò uống nước. Mỗi hộ gia đình tự trồng cỏ, chặt cỏ, mang đến chuồng rồi người trực ngày đó sẽ cho bò ăn, làm như vậy rất đỡ công chăm sóc, chăn thả cho bà con, để có thời gian làm việc khác. Xung quanh khu vực chuồng nuôi bò nhóm hộ, bà con trồng cỏ mọc xanh um, tươi tốt, đảm bảo thức ăn hàng ngày cho bò. Ngoài ra, bà con còn chặt cây chuối rừng băm nhỏ làm thức ăn cho bò.
Trước nay, người dân miền núi có tập tục chăn thả rông gia súc. Điều này vừa giảm hiệu quả kinh tế, bò chậm lớn hay bị bệnh chết do nắng nóng, mưa lạnh, vừa ảnh hưởng vệ sinh môi trường, phá hại sản xuất, gây ra nhiều vấn đề bức xúc trong cộng đồng dân cư. Trước khi thành lập nhóm hộ, chỉ khoảng 20% số hộ làm chuồng nhưng rất đơn sơ với khung cây, mái che lá tạm bợ để bò sinh sản. Người chăn nuôi chưa biết sử dụng thức ăn tinh, chưa từng sử dụng nước muối cho bò uống và không tiêm phòng đầy đủ. Các hộ không có điều kiện tiếp cận với kỹ thuật mới, chỉ biết chăn nuôi đơn thuần, bò tự nhiên đi ăn, tự nhiên lớn và tự nhiên đẻ con. Khi nào nhà có việc cần tiền thì lùa về bán cho các lái buôn. Dự án nuôi bò cộng đồng trong nhóm hộ được triển khai gần 1 năm qua đã góp phần hạn chế tình trạng thả rông, bà con biết chăm sóc đàn bò tốt hơn. Người dân tham gia dự án còn được tập huấn kĩ thuật chăn nuôi, chăm sóc đàn bò, hướng dẫn trồng cỏ, dự trữ thức ăn như rơm rạ khô sau thu hoạch lúa để làm thức ăn cho bò.
Sự hiệu quả của chăn nuôi bò theo nhóm hộ, đó là việc cả nhóm hộ được dẫn dắt, hướng dẫn, đàn bò được chăm sóc chu đáo. Khi bò bị bệnh hay bất kỳ vấn đề gì, trưởng nhóm là người có kinh nghiệm, hiểu biết sẽ kiểm tra, hướng dẫn bà con mua thuốc trị bệnh hay gọi thú y tiêm phòng ngay, nhờ vậy mà đàn bò phát triển khỏe mạnh, lớn nhanh. Đàn bò nuôi theo nhóm hộ ở các địa phương này đang phát triển rất tốt, con nào cũng mập mạp, căng tròn. Có hộ còn may mắn khi bò sinh đã được bê con. Khi đàn bò phát triển tốt, các nhóm hộ cùng nhau bàn bạc mua bò đực giống để phối giống, sinh sản, tăng đàn, đồng thời, mở rộng số hộ tham gia. Khi thu lợi nhuận từ đàn bò sẽ góp vốn quay vòng cho các hộ muốn tham gia mô hình vay vốn mua bò để nuôi cùng, mở rộng nhóm hộ. Xã, thôn thường xuyên kiểm tra, theo dõi, nắm bắt tình hình chăn nuôi của bà con để có sự hỗ trợ kịp thời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét