Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2024

ĐẤU TRANH LOẠI BỎ THÓI "LỘNG GIẢ THÀNH CHÂN" TRƯỚC THỀM ĐẠI HỘI

 ĐẤU TRANH LOẠI BỎ THÓI "LỘNG GIẢ THÀNH CHÂN" TRƯỚC THỀM ĐẠI HỘI 

Một trong những nội dung rất quan trọng trong công tác chuẩn bị Đại hội ở các tổ chức đảng là việc chuẩn bị nhân sự. Đại hội có thành công hay không, phụ thuộc một phần rất quan trọng vào công tác chuẩn bị, quy hoạch, sàng lọc nhân sự có chặt chẽ, chu đáo, chính xác hay không. Vì vậy những năm qua, Trung ương Đảng đã ban hành nhiều chỉ thị yêu cầu tổ chức đảng các cấp cần phải làm thật tốt công tác chuẩn bị nhân sự ngay trước thềm Đại hội. Tuy nhiên, trước mỗi dịp đại hội Đảng, ở đâu đó vẫn còn xuất hiện hiện tượng cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) “giữ mình”, né tránh, ngại va chạm, thiếu tích cực triển khai các mặt công tác, nhất là những việc khó, nhạy cảm, phức tạp vì sợ “mất phiếu bầu”, ảnh hưởng đến bản thân, gây ra sự trì trệ trong xử lý, giải quyết công việc chung. Đây là một hiện tượng tiêu cực cần phải chấn chỉnh trong công tác cán bộ.

Biểu hiện tinh vi khi “cưa sừng làm nghé”

Câu thành ngữ “cưa sừng làm nghé” mà ông cha ta đã đúc kết, là nhằm để răn dạy nhắc nhở con cháu tránh thói sống không chân thực, “sống giả tạo” đó là kiểu cách sống bằng mọi giá để lấy lòng, mua chuộc người khác để đạt được lợi ích cá nhân của mình. Nhưng vì mắc vào căn bệnh của chủ nghĩa cá nhân, nên trong thực tiễn, ở đâu đó chúng ta vẫn còn bắt gặp một số CB, ĐV lấy đó làm “tấm bình phong” vỏ bọc ngụy tạo để che đi bản chất thật của mình, với động cơ tiến thân không lành mạnh. 

Biểu hiện dễ nhận biết nhất đối với CB, ĐV này là, phương pháp tác phong công tác thiếu dân chủ, thích thể hiện oai phong, quan cách, hách dịch với cấp dưới, với quần chúng, ví như khi đưa ra một yêu cầu hay mệnh lệnh gì, họ không giữ tác phong nghiêm túc, dùng lời lẽ thiếu thân thiện, quát mắng vô cớ; coi mình là bề trên, thậm chí còn giễu cợt khuyết điểm của cấp dưới, mà không chỉ ra cách sửa chữa khắc phục cho cấp dưới. Hành vi, thái độ, cách sống, cách ứng xử của những CB, ĐV như thế, tất nhiên không tránh khỏi làm cho quần chúng ngày càng rời xa và từ đó, uy tín sẽ suy giảm là lẽ đương nhiên. Nhưng điều đáng bàn ở đây là, dù số CB, ĐV này đều đã từng nhận được sự phê bình, góp ý có lý, có tình và rất chân thành của tập thể; nhưng sự sửa đổi và chuyển biến thì chẳng khác gì “đi bộ tập dưỡng sinh”, thậm chí phớt lờ những ý kiến đóng góp chân thành của tập thể.

Thế nhưng, cứ gần đến kỳ đại hội hoặc vào dịp chuẩn bị đề bạt, bổ nhiệm, những CB, ĐV này lại có sự tiến bộ rõ rệt theo kiểu “ngoan đột xuất, tốt bất ngờ”, nhằm tạo ra hình ảnh thân thiện, gần gũi trong con mắt của mọi người. Cụ thể là, với cấp trên cái gì cũng phải, cũng đúng, cũng hay; với thủ trưởng thì bao giờ cũng nhẹ nhàng, mềm mỏng, nhũn nhặn “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”, một dạ hai vâng; với mọi người thì “tháng tám cũng ừ, tháng tư cũng gật”, “gió chiều nào che chiều ấy”, “thấy xôi khen xôi ngọt, thấy thịt bảo thịt bùi”, lúc nào cũng ứng xử theo kiểu dĩ hòa vi quý để cố gắng không làm mất lòng, phật ý ai cả. 

Đối với những ai có thể mang lại lá phiếu, lợi ích cho mình, thì tìm mọi cách gần gũi, lôi kéo những người “đồng hương, đồng môn, đồng niên” và triệt để lợi dụng “nhóm lợi ích” để tạo ra vây cánh nhằm chiếm ưu thế áp đảo trong các cuộc bầu bán; tìm đủ thứ chiêu trò để tiếp cận, chi phối, mua chuộc tình cảm của người khác bằng cả lợi ích vật chất và tinh thần để “dụ dỗ” được càng nhiều người ủng hộ mình càng tốt. Thậm chí, họ kín đáo dùng đủ mọi mánh khóe để bôi nhọ, hạ thấp uy tín của những nhân sự vốn được coi là “đối phương, đối thủ” tiềm tàng hay trực tiếp của họ trong cuộc bầu cử. 

Còn trong thực thi nhiệm vụ, thấy việc gì thuận lợi thì làm, việc khó khăn thì ngoảnh mặt làm ngơ, thậm chí không dám đề ra kế hoạch để làm, dù đó là việc tích cực. Thực tế đó đã ảnh hưởng không tốt trong thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, gây trì trệ cho phong trào và nhiệm vụ chung của cơ quan, đơn vị. Bởi vì, mang tâm lý chung là sợ làm nếu bị thất bại, không hiệu quả dễ bị “mất điểm”, cấp trên đánh giá thiếu năng lực, yếu kém hoặc ngại va chạm, sợ mất lòng trước tập thể. Những việc có tính chất phức tạp thì khéo léo đùn đẩy cho người khác, đẩy trách nhiệm chung cho tập thể, xem đó là lá chắn an toàn cho bản thân. Đây chính là kiểu “lộng giả thành chân” có nghĩa “bỡn quá hóa thật”, vừa mang hàm ý những cái giả để lâu ngày không được vạch mặt chỉ tên để uốn nắn, chấn chỉnh và loại trừ khỏi cuộc sống, thì sẽ đến lúc người ta tin đó là sự thật.

Vậy nên, lúc sinh thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần cảnh tỉnh nhắc nhở đối với cơ quan chức năng và những người có trách nhiệm làm công tác nhân sự đại hội, khi giới thiệu, đề cử ai vào cấp ủy khóa mới thì phải rất tỉnh táo, tinh tường, chứ “đừng nhìn gà hóa cuốc”, “đừng thấy đỏ mà tưởng là chín”, đừng chỉ thấy “cái mã bên ngoài, nó che đậy cái sơ sài bên trong”, đừng bị cám dỗ bởi những lợi ích xấu xa, những việc làm vô liêm sỉ.

Lựa chọn phải bảo đảm thực hiện chặt chẽ, đúng tiêu chuẩn, quy trình

Bên cạnh tiêu chuẩn chung của nhân sự cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, cơ bản thực hiện theo Quy định 89-QĐ/TW năm 2017 của Bộ Chính trị khóa XII; Quy định 144-QĐ/TW năm 2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của CB, ĐV giai đoạn mới; Hướng dẫn số 27-HD/BTCTW, ngày 26/8/2024 của Ban Tổ chức Trung ương về một số nội dung thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Nhưng để lựa chọn được nhân sự vừa có đức, vừa có tài nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, tạo ra bước chuyển biến mới, thực hiện khát vọng đưa đất nước vươn mình trong thời kỳ mới, tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đồng thời, không để lọt CB, ĐV không đủ tiêu chuẩn, điều kiện vào nhiệm kỳ tới, trước hết, cấp ủy các cấp phải thật sự phát huy dân chủ trong việc phát hiện, giới thiệu nhân sự đi đôi với xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng và người đứng đầu. Chống tư tưởng cục bộ, địa phương, thân quen, “cánh hẩu, lợi ích nhóm”; tránh cách làm giản đơn, tuỳ tiện, vô nguyên tắc.

Công tác nhân sự của cấp ủy các cấp phải bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy, bảo đảm sự kế thừa, đổi mới và phát triển liên tục của đội ngũ cán bộ; coi trọng chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý, bảo đảm đồng bộ, tổng thể, liên thông, chặt chẽ, dân chủ, khoa học, khách quan, công tâm, minh bạch, trách nhiệm. Việc lựa chọn nhân sự phải trên cơ sở đoàn kết, thống nhất cao; làm thận trọng từng bước, “làm đến đâu chắc đến đó”, bảo đảm “đúng người, trúng người”. Kết hợp tốt việc chuẩn bị nhân sự tại chỗ với luân chuyển, điều chỉnh, sắp xếp, bố trí cán bộ từ nơi khác đến hoặc xem xét bổ sung sau đại hội. 

Thực hiện tốt công tác thẩm định nhân sự; chủ động và phối hợp tốt với các cơ quan có liên quan để rà soát, thẩm tra, thẩm định chặt chẽ, kỹ lưỡng tiêu chuẩn, điều kiện, thông tin, trách nhiệm của nhân sự liên quan đến các kết luận kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, kê khai tài sản, thu nhập và kết quả giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo. Kiên quyết không để “lọt” vào cấp ủy khoá mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám làm; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, tư duy nhiệm kỳ, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, cục bộ, “lợi ích nhóm”, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Cùng với việc chuẩn bị kỹ lưỡng công tác nhân sự, cấp ủy các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, những chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội được xác định trong nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất được giao. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng theo các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, trọng tâm là thực hiện các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII, XIII); Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, giải quyết triệt để những vấn đề gây bức xúc trong dư luận, như quy hoạch, xây dựng các dự án, đền bù giải phóng mặt bằng, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa của đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, thực sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, trọng đại của toàn Đảng và toàn dân./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét