Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2024

Mô hình cần được lan tỏa

 Từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, UBND huyện Trà Bồng phân bổ nguồn vốn về cho các xã. Các địa phương triển khai hỗ trợ bò giống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Các hộ dân được đưa đến tận cơ sở bò giống để tự chọn lựa con giống. Hàng nghìn con bò giống đã được cấp về cho người dân.

Để triển khai dự án này, chính quyền địa phương đã bàn bạc, thống nhất chủ trương, giao các chi bộ thôn tích cực triển khai đến đảng viên, tuyên truyền, vận động bà con. Đa phần hộ nghèo trên địa bàn xã là đồng bào dân tộc Cor, nhận thức còn hạn chế. Cán bộ xã đi khảo sát thực tế, lấy ý kiến từng hộ dân về nhu cầu hỗ trợ, sau đó phân bổ nguồn lực giúp đỡ bà con. Đặc biệt là cùng thống nhất giao các đồng chí trưởng thôn, người uy tín, đảng viên làm kinh tế khá làm trưởng các nhóm hộ để làm người đầu tàu dẫn dắt, hướng dẫn, giúp đỡ định hướng cho bà con trong chăn nuôi.

Bà Huỳnh Thị Thanh Thúy, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Bồng cho biết: "Nuôi bò sinh sản theo nhóm hộ là dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng đầu tiên được triển khai trên địa bàn huyện miền núi Trà Bồng. Hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng chăn nuôi theo nhóm hộ đang làm thay đổi nhận thức của nhiều hộ đồng bào nghèo, cận nghèo. Cách làm kinh tế này không chỉ tạo điều kiện cho nhau phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, mà còn tăng thêm tình đoàn kết xóm làng, tạo điều kiện để từng đồng vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ cho người dân đồng bào DTTS phát huy tối đa hiệu quả kinh tế".

Ông Nguyễn Công Vinh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Trà Bồng cho hay, mô hình liên kết chăn nuôi theo nhóm hộ bước đầu đã mang lại hiệu quả về năng suất, chất lượng, có khả năng nâng cao thu nhập, trở thành mô hình sinh kế giảm nghèo bền vững cho người dân. Thông qua mô hình này, đồng bào DTTS có thêm cơ hội tiếp cận tiến bộ khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ sinh học, tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với chăn nuôi truyền thống. Từ các hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình hỗ trợ của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong huyện, năm 2023 và đầu năm 2024, các địa phương đã cấp 2.000 con bò giống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét