Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, trực tiếp là Xứ ủy Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ và các đảng bộ địa phương, chi bộ ở các xí nghiệp, đồn điền, làng xã, các đội tự vệ công nông đã lần lượt ra đời, trở thành lực lượng nòng cốt hỗ trợ và bảo vệ quần chúng đấu tranh. Các đội tự vệ công nông là mầm mống đầu tiên để Đảng tiếp tục kế thừa, vận dụng sáng tạo trong việc xây dựng các đội du kích, tự vệ chiến đấu những năm tiếp theo.
Ngược dòng lịch sử có thể thấy, đầu năm 1930, cuộc khủng hoảng kinh tế tư bản chủ nghĩa và chính sách thống trị, khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đã tác động mạnh mẽ, dẫn đến mâu thuẫn giữa nhân dân Việt Nam với chính quyền thực dân Pháp và phong kiến trở nên gay gắt. Các cuộc bãi công, biểu tình, đấu tranh của các giai cấp, tầng lớp xã hội nổ ra trên khắp cả nước. Ngày 8/1/1930, công nhân Nhà máy xi măng Hải Phòng đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập. Ngày 1/2/1930, công nhân Hãng dầu Xô-cô-ni ở Nhà Bè (Sài Gòn) bãi công đòi giới chủ cải thiện điều kiện việc làm... Những cuộc đấu tranh này là khởi đầu của phong trào đấu tranh cách mạng chống thực dân Pháp và phát xít Nhật ngày càng lớn mạnh của nhân dân ta.
Ngày 22/9/1940, Nhật đánh chiếm Lạng Sơn, quân Pháp rút chạy qua Bắc Sơn về Thái Nguyên. Nhân thời cơ chính quyền của địch ở đây lung lay, quần chúng một số nơi nổi dậy, chống lại sự cướp bóc của tàn binh Pháp, Đảng bộ Bắc Sơn quyết định phát động khởi nghĩa. Sau trận phục kích ở đèo Canh Tiêm (diệt một lính Pháp, thu một xe vũ khí), đêm 27/9/1940, lực lượng tự vệ cùng hàng trăm quần chúng (có một số lính dõng tham gia) đánh chiếm đồn Mỏ Nhài, giải phóng châu lị Bắc Sơn, xóa bỏ chính quyền địch. Trước tình hình đó, Nhật thỏa hiệp để Pháp chiếm lại Bắc Sơn, đàn áp cuộc khởi nghĩa. Thực hiện nghị quyết Trung ương, ngày 14/2/1941, Đội du kích Bắc Sơn chính thức thành lập tại khu rừng Khuổi Nọi, xã Vũ Lễ, châu Bắc Sơn (Lạng Sơn), gồm 32 người, do đồng chí Lương Văn Tri, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ làm Chỉ huy trưởng.
Tháng 7/1940, tại nhiều nhà máy, trường học, đường phố các tỉnh Nam Kỳ, ngoài tổ chức tự vệ đã hình thành các tổ, tiểu tổ du kích. Đến tháng 11/1940, 18/21 tỉnh ở Nam Kỳ đã tổ chức được các đội du kích, quân số có đội lên tới 100 người. Đây là một trong những tổ chức vũ trang cách mạng đầu tiên của Đảng ở Nam Bộ.
Sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám ở Pác Pó (Hà Quảng, Cao Bằng), đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng đã trực tiếp phổ biến nghị quyết Trung ương cho cán bộ, chiến sĩ du kích Bắc Sơn và quyết định đổi tên Đội du kích Bắc Sơn thành Cứu quốc quân. Đây là Trung đội Cứu quốc quân 1, do đồng chí Phùng Chí Kiên, Ủy viên Trung ương Đảng làm Chỉ huy trưởng. Toàn đội có 37 người, biên chế thành 3 tiểu đội với 15 súng trường, 10 súng kíp và dao găm, giáo mác.
Ngày 15/9/1941, tại Khuôn Mánh, xã Tràng Xá, châu Võ Nhai (Thái Nguyên), Trung đội Cứu quốc quân 2 được thành lập, gồm 47 người, chia làm 5 tiểu đội, do đồng chí Chu Văn Tấn làm Chỉ huy trưởng. Đến cuối tháng 10/1941, Trung đội đã phát triển lên 70 người, biên chế 7 tiểu đội, do đồng chí Đào Văn Trường, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ làm Chỉ huy trưởng.
Tiếp đó, ngày 25/2/1944, tại Khuổi Kịch, châu Sơn Dương (Tuyên Quang), Trung đội Cứu quốc quân 3 được thành lập, gồm 30 người, do đồng chí Triệu Khánh Phương làm Trung đội trưởng. Lực lượng Cứu quốc quân là một trong những đội vũ trang đầu tiên do Đảng tổ chức và lãnh đạo những năm 1941-1945.
Quá trình xây dựng, hoạt động của các trung đội Cứu quốc quân đã để lại nhiều kinh nghiệm, góp phần xây dựng nên truyền thống tốt đẹp trong thời kỳ đầu hình thành của Quân đội ta.
Để đáp ứng với phương thức đấu tranh mới “từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự”, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trương lập đội quân giải phóng và vạch ra những nét chính về hình thức tổ chức, xây dựng và hoạt động của nó. Theo tinh thần đó, tháng 12/1944, Người viết Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Được giao nhiệm vụ tổ chức và chỉ huy, vào 17 giờ, ngày 22/12/1944, đồng chí Võ Nguyên Giáp làm lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân tại một khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.
Có mặt tại lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân có 34 cán bộ, chiến sĩ, do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng (tức Dương Mạc Thạch) làm Chính trị viên, đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách kế hoạch-tác chiến, đồng chí Văn Tiên (tức Lộc Văn Nùng) quản lý. Đội biên chế thành 3 tiểu đội, do các đồng chí Thu Sơn, Bế Văn Sắt, Xuân Trường làm tiểu đội trưởng. Về vũ khí, đội được trang bị 34 khẩu súng các loại. Chi bộ Đảng, hạt nhân lãnh đạo đội có 4 đảng viên, do đồng chí Xích Thắng làm Thư ký chi bộ. Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân-tiền thân của QĐND Việt Nam ra đời, đánh dấu một hình thức tổ chức quân sự kiểu mới của dân tộc Việt Nam. Với ý nghĩa đó, ngày 22/12/1944 trở thành Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, ngày 15/5/1945, lễ thống nhất Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân với Cứu quốc quân thành Việt Nam Giải phóng quân được tổ chức ở bãi Thàn Mát, đình làng Quặng thuộc xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Việt Nam Giải phóng quân là bộ đội chủ lực của cả nước, có chỉ huy thống nhất và hệ thống tổ chức chặt chẽ. Chỉ huy của Việt Nam Giải phóng quân gồm các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh và Chu Văn Tấn. Cán bộ chỉ huy các đơn vị của Việt Nam Giải phóng quân hầu hết là những đội viên của Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân trưởng thành lên. Về tổ chức biên chế, gồm 13 đại đội, được tổ chức thống nhất từ tiểu đội, trung đội đến đại đội. Mỗi tiểu đội có 12 người, 3 tiểu đội thành một trung đội và 3 trung thành một đại đội. Về vũ khí trang bị, Việt Nam Giải phóng quân có hàng nghìn khẩu súng các loại, trong đó có súng máy, súng cối 60mm, hàng chục tấn đạn thu được của địch và có một số xưởng sửa chữa, chế tạo vũ khí thô sơ.
Như vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, trong những năm 1930-1945, các đội quân tiền thân của QĐND Việt Nam đã hình thành và phát triển. Các đội quân ấy tuy quy mô tổ chức còn nhỏ bé, vũ khí trang bị thô sơ, thiếu thốn, song đã có vai trò rất quan trọng cùng với các đội du kích, tự vệ chiến đấu làm nòng cốt cho quần chúng nhân dân trong các cuộc đấu tranh chống quân thù. Đặc biệt, các đội quân này đã tạo nên tiền đề vững chắc để xây dựng QĐND Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét