Tỉnh Điện Biên có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhưng có tới gần 280.000ha đất lâm nghiệp chưa có rừng. Những năm gần đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tích cực trồng rừng để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, nhiều giống cây trồng lâu năm đã được đưa lên các vùng đồi núi trọc Điện Biên theo các dự án trồng rừng. Đây là hoạt động thiết thực không chỉ tác động lớn đến việc phủ xanh đất trống, đồi núi trọc mà về lâu dài sẽ giúp người dân có thể phát triển kinh tế từ rừng, tạo thu nhập ổn định cho người dân.
Với gần 280.000ha đất lâm nghiệp chưa có rừng, Điện Biên đang có diện tích đất lâm nghiệp lớn bị lãng phí, không những thế, trên các khu vực đất trống, đồi núi trọc còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về môi trường. Vào mùa khô hanh, trên các vùng đất trống có hệ thống động thực vật nghèo nàn, chủ yếu là cỏ tranh, lau lách, nguồn nước khan hiếm, thường xảy ra nguy cơ cháy rất cao.
Để bảo vệ hiệu quả các vùng rừng hiện có và khôi phục những vùng rừng đã bị mất, UBND tỉnh đã nỗ lực triển khai, quy hoạch ba loại rừng và giao đất, giao rừng cho cộng đồng người dân khoanh nuôi bảo vệ, tái sinh rừng và trồng rừng. Mỗi năm, các huyện, thị, thành phố trên toàn tỉnh được giao trồng từ 400 đến 500ha rừng, nguồn vốn để trồng rừng được cấp từ ngân sách hoặc nguồn của các dự án trồng rừng thay thế. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Điện Biên có hàng trăm ha đất trống, đồi núi trọc được phủ xanh từ nguồn vốn của các dự án trồng rừng thay thế.
Khu rừng phòng hộ của bà con bản Tẩu Pung, xã Nà Tấu, thành phố Điện Biên Phủ trước đây là đất nương rẫy của bà con trong bản. Năm 2015, bản đã nhất trí đưa diện tích rừng này vào thành rừng phòng hộ. Năm 2016, bà con đón nhận thêm một dự án hỗ trợ trồng rừng theo chính sách trồng rừng thay thế do UBND tỉnh ban hành. Đến nay, những vạt cây thông mã vĩ được trồng từ năm 2015, 2016 đã mọc lên xanh tốt, rừng đạt tỉ lệ sống trên 90%, do phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng, cây thông phát triển khá nhanh, có đường kính trung bình từ 15 đến 20cm. Các diện tích rừng trồng năm 2015 của bản đã được Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Điện Biên nghiệm thu giao cho Ban Quản lý bảo vệ. Do vậy, bà con sẽ được chi trả dịch vụ môi trường rừng khi được chuyên môn đánh giá về hiện trạng, chất lượng rừng. Nhìn cánh rừng xanh tươi, bà con Tẩu Pung rất vui mừng, bởi đây là thành quả trồng và chăm sóc rừng của bà con trong suốt những năm qua.
Anh Đèo Văn Sáng, Trưởng bản Tẩu Pung chia sẻ: "Sau thời gian suy nghĩ, đắn đo rất nhiều vì làm nương không hiệu quả, tôi quyết định chuyển sang trồng rừng. Tôi cũng tuyên truyền cho bà con trồng rừng thì có cơ hội để phát triển hơn, bởi từ rừng, mình sẽ được hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, được khai thác nhựa thông... Hiện tại, rừng đang phát triển tốt, tôi cũng mong cơ quan chuyên môn sớm thẩm định rừng, nếu đủ tiêu chuẩn được chi trả dịch vụ từ môi trường rừng thì hãy đưa vào để bà con được hưởng lợi và có thêm thu nhập".
Năm 2019, tại bản Mường Pồn 2, bản Co Chảy, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, bà con cũng nhận giống cây thông và cây keo để phủ xanh vùng nương rẫy bỏ hoang. Sau 3 năm, rừng thông đã lên xanh tốt, tỉ lệ sống của thông lên đến 90%. Riêng cây keo, sức chịu khô hạn kém hơn, thường bị mối mọt. Mùa khô năm 2023 và 2024, nhiều cây keo được trồng trên khu vực này bị khô héo và mối đục thân, gãy đổ, rừng trồng đến nay chỉ đạt tỷ lệ sống khoảng 60%.
Tại xã Mường Nhà, huyện Điện Biên, những năm gần đây, nhân dân cũng rất tích cực tham gia trồng rừng; không chỉ trồng rừng phòng hộ, họ cũng đón nhận các dự án hỗ trợ phủ xanh bằng cây rừng địa phương. Gia đình anh Lò Văn Thành (bản Ban) chuyển đổi mảnh nương canh tác lâu năm đã bạc màu sang trồng rừng phòng hộ, nhận hơn 1.000 cây thông mã vĩ về trồng và chăm sóc theo hướng dẫn của Ban Quản lý rừng phòng hộ Điện Biên. Sau hai năm, cây thông đã phát triển tốt, tỉ lệ sống đạt trên 98%.
Khu vực bản Ban là khu vực từng có những rừng gỗ đinh lớn, hạt của cây đinh rụng xuống có thể mọc cây non và phát triển thành rừng, hy vọng có thể tái sinh rừng đinh đỏ, đinh vàng như 20 năm trước đây. Anh Thành cùng gia đình dự định sẽ gieo trồng những cây đinh non trên khu đất được giao khoán, trồng rừng và nhân trồng sang các nương bạc màu khác của gia đình các loại gỗ đinh đỏ, đinh vàng là các loại gỗ có giá trị cao trên thị trường. Gia đình anh hy vọng, sau này, rừng trồng phát triển tốt, gia đình tiếp tục được giao khoanh nuôi, bảo vệ và khai thác rừng theo quy định của pháp luật. Anh Thành chia sẻ: "Do trồng sắn lâu năm, đất đã bạc màu nên không có hiệu quả nữa. Khi Nhà nước có chương trình trồng cây thông, gia đình tôi đã chuyển đổi sang trồng thông; ngoài ra còn trồng gỗ đinh, gỗ dổi, các loại cây khác nữa, nhưng chỉ sống tốt nhất là gỗ đinh và dổi".
Năm 2022, bà con xã Mường Nhà được Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Tây Bắc thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam hỗ trợ trồng giống măng bói, một số hộ gia đình ở bản Ban đã tiếp nhận dự án hỗ trợ này để chuyển đổi sản xuất. Gia đình ông Quàng Văn Nhân cùng 3 hộ gia đình khác mạnh dạn trồng thử nghiệm cây măng bói trên đất nương bạc màu. Năm nay, đã bước sang năm thứ 3, rừng cây măng bói của các gia đình đã bắt đầu phát triển xanh tươi và có thể cho thu măng. "Đây là loại cây vốn có ở địa phương nên khi trồng theo khoa học kỹ thuật, cây phát triển rất tốt và cho nhiều măng. Măng bói nhỏ nhưng ăn giòn và thơm ngọt, bán ra thị trường với giá 20.000 đến 25.000 đồng/kg. Các gia đình trồng cây măng bói rất hy vọng, trong vài năm tới, họ có thể bán giống, bán măng và có thu nhập cao. Vườn nhà tôi có gần 2ha, trồng được 740 bụi măng. Đây là giống măng địa phương, chăm bón măng không phức tạp lắm, chỉ làm cỏ với bón phân thôi. Mong là trồng cây măng này có thể giúp ích cho gia đình và làm giàu bền vững" - ông Quàng Văn Nhân chia sẻ.
Theo ông Lê Tuấn Nghĩa, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ và phất triển rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Điện Biên thì chất lượng rừng trồng của năm 2015, 2016 rất đảm bảo, tỉ lệ sống đạt trên 85%. Đường kính trung bình của cây hiện nay khoảng 15 đến 20cm, chiều cao có những cây tối đa khoảng 10m, chủ yếu là cây thông, vì hợp chất đất, khí hậu, địa hình trên khu vực vùng núi cao, còn một số cây giống khác như cây đinh hay cây lim không phù hợp, nguồn cung cấp giống cây hạn chế.
Trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc là việc làm cần thiết, không làm lãng phí tài nguyên đất, mang lại thu nhập cho người dân. Quan trọng hơn, phát triển rừng còn giúp cải thiện môi trường, ngăn ngừa, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét