Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2024

Gieo mầm tri thức trên non cao Mường Lát

 Bằng tình thương và trách nhiệm của người lính Biên phòng, hơn 20 năm công tác, không chỉ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao mà Đại úy Hơ Văn Di, cán bộ Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Hiền Kiệt, BĐBP Thanh Hóa còn không quản nắng mưa, xa xôi vất vả đứng lớp, dạy chữ cho đồng bào các dân tộc ở huyện biên giới Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Những nỗ lực không ngừng nghỉ của anh được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận, góp phần làm sáng đẹp hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”. Đặc biệt, anh là một trong những cá nhân được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyên dương trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024.

Ước mơ trở thành người lính Biên phòng

Đại úy Hơ Văn Di là người dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại bản Cơm, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Chứng kiến nghĩa tình của người lính quân hàm xanh với đồng bào các dân tộc nơi biên giới, ngay từ tấm bé, cậu bé Hơ Văn Di đã ước mơ khoác lên mình bộ quân phục trang nghiêm, chững chạc. Vì gia đình còn nhiều khó khăn nên ngoài những lúc phụ giúp người thân công việc gia đình, nương rẫy, thì anh đều miệt mài bên sách vở, với từng con chữ để ước mơ ngày càng gần hơn. Con đường tới trường của học trò vùng cao có nhiều nỗi gian nan, vất vả. Đó là những ngày đầu băng rừng, lội suối, leo dốc để đến trường.

Nhưng đối với cậu bé Hơ Văn Di, đó lại chưa phải là thử thách thật sự. Khó khăn lớn nhất của cậu học trò ham học hỏi này đó là khi học xong cấp 2, gia đình không còn đủ điều kiện cho Di đi học nữa. Nghỉ học giữa chừng, nhưng chàng trai trẻ Hơ Văn Di vẫn nuôi dưỡng ước mơ của mình. Có lẽ, chính điều kiện sống khắc nghiệt nơi non cao đã tôi rèn nên một Hơ Văn Di kiên trì, không chịu đầu hàng trước số phận. Năm 22 tuổi, Hơ Văn Di viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Nhận thấy Hơ Văn Di là người ham học, cầu tiến, sáng dạ, chỉ huy đơn vị cử anh tham gia lớp học văn hóa ngoại ngữ.

Sau khi hoàn thành khóa học, chàng trai trẻ Hơ Văn Di được phân công về công tác tại Đồn Biên phòng Trung Lý. Vậy là ước mơ được đứng trong hàng ngũ lực lượng BĐBP của chàng trai người Mông Hơ Văn Di đã trở thành hiện thực. Môi trường kỷ luật của Quân đội lại càng tôi rèn thêm bản chất rắn rỏi, dẻo dai của Hơ Văn Di. Người con của núi rừng ấy càng mong mỏi muốn góp sức bé nhỏ của mình để thay đổi quê hương Mường Lát.

Trung Lý là xã biên giới đặc biệt khó khăn, cơ sở hạ tầng kém phát triển, các bản người Mông đa phần không có đảng viên. Năm 2009, Hơ Văn Di và 2 cán bộ của đơn vị được phân công cắm bản Tà Cóm để phát triển đảng viên, xây dựng cơ sở chính trị và hướng dẫn giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Tà Cóm có 100% là đồng bào người Mông. Thời điểm ấy Tà Cóm không có điện, không có đường và cũng chưa có trường học, cái nhiều nhất ở đây là người nghiện ma túy và hộ nghèo. Quá trình cắm bản, gắn bó với bà con, Di nhận thấy một trong những căn nguyên của đồng bào mình là lạc hậu, nghèo đói do thiếu kiến thức. Để thay đổi điều đó, anh đã tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Trung Lý phối hợp với UBND xã Trung Lý, huyện Mường Lát tổ chức mở lớp xóa mù chữ tại bản Tà Cóm.

Là người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, Đại úy Hơ Văn Di có đức tính ham học hỏi, thông minh, cần cù và có năng khiếu sư phạm. Anh cẩn thận, tỉ mỉ, biết cách truyền đạt kiến thức cho người khác. Đặc biệt, Đại úy Hơ Văn Di là người dân tộc Mông, am hiểu được tập quán, văn hóa và nói được tiếng Mông, tiếng Thái. Những điều đó khiến anh gần gũi với bà con hơn ai hết. Chính vì thế, Đại úy Hơ Văn Di được cấp ủy, chỉ huy đơn vị tin tưởng giao nhiệm vụ đứng lớp xóa mù chữ cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Mang con chữ tới vùng biên

Gần 20 năm công tác ở địa bàn Trung Lý cũng là chừng ấy năm anh được Đảng ủy, Ban Chỉ huy đơn vị tin tưởng giao nhiệm vụ cắm bản Mông. Ở bản nào, Đại úy Hơ Văn Di cũng đều có những câu chuyện, những kỷ niệm buồn vui. Những ngày đầu anh lặn lội đến từng hộ gia đình có người mù chữ để vận động bà con đi học, thì bà con bảo rằng: “Ta đi học cái chữ thì ai đi làm nương rẫy, đi chăn con bò, con trâu cho ta”; “Cái chữ có đổi được xe máy không? Có đổi được gạo không?".

Quá trình đi vận động bà con đến lớp học, Đại úy Hơ Văn Di luôn hiểu và trăn trở với điều này, làm sao tìm được cách tuyên truyền gần gũi, dễ hiểu và sát với thực tế. Anh giải thích tỉ mỉ việc học sẽ mang lại lợi ích thế nào đến đời sống của bà con. “Mưa dầm thấm lâu”, với sự tận tụy, tình cảm gắn bó của anh và sự hỗ trợ, giúp đỡ của đồng chí, đồng đội, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, nói đúng cái lý, hợp cái tình, bà con đã nghe theo, cố gắng học lấy con chữ. Họ là những học trò đặc biệt, đó là các bà, các mẹ, các chị em người Mông, người trẻ nhất đã 30 tuổi, người già nhất ngoài 60 tuổi.

Bà Ngân Thị Vân, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Trung Lý chia sẻ: “Trung Lý là xã khó khăn của huyện Mường Lát, địa hình đồi núi, giao thông đi lại khó khăn, tỷ lệ người mù chữ cao; trình độ dân trí của người dân còn hạn chế; số hộ nghèo chiếm trên 57% dân số toàn xã. Trong những năm qua, Đồn Biên phòng Trung Lý đã tích cực phối hợp với các cấp chính quyền địa phương triển khai nhiều các chương trình, hoạt động, trong đó tham mưu các giải pháp nhằm nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh cho bà con. Nhiều năm trở lại đây, việc phổ cập giáo dục đúng độ tuổi ở địa bàn biên giới đã được ngành giáo dục quan tâm chăm lo. Song vì nhiều lý do khác nhau, nhiều người chưa có điều kiện đến lớp, không biết chữ thì đã có cán bộ, chiến sĩ Biên phòng bằng trách nhiệm, tình cảm của mình vào cuộc giúp đỡ bà con”.

“Đến nay, học viên tham gia lớp học các lớp xóa mù của thầy giáo Biên phòng đã đọc thông, viết thạo. Cùng với đó, thông qua các buổi học, các anh đã lồng ghép tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương đến với nhân dân... Bà con luôn đặt niềm tin vào lực lượng BĐBP và tích cực tham gia cùng với BĐBP duy trì an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia” - bà Ngân Thị Vân cho biết.

Với nhiều năm tháng đứng trên bục giảng, Đại úy Hơ Văn Di đã đến nhiều nơi khó khăn của huyện Mường Lát để mang ánh sáng tri thức đến với bà con. Mới đây, Đại úy Hơ Văn Di đến nhận công tác tại Đồn Biên phòng Hiền Kiệt. Với địa bàn công tác mới, tin tưởng rằng, anh sẽ tiếp tục phát huy phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, ra sức cùng với cán bộ, chiến sĩ đơn vị xây dựng biên cương ngày càng giàu mạnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét