Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2024

 NHẬN DIỆN, PHẢN BÁC CÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG VỀ VIỆC THỰC HIỆN NGHĨA VỤ QUÂN SỰ

Tòng quân - Nhập ngũ - Thực hiện nghĩa vụ quân sự là truyền thống, nét đẹp văn hóa của các thế hệ thanh niên Việt Nam. Đó không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân với Tổ quốc mà còn là sự thể hiện tình yêu quê hương đất nước; là mong muốn được rèn luyện, trưởng thành trong môi trường quân ngũ của thế hệ trẻ.

Tuy nhiên, trước ngày hội tòng quân hàng năm, trên không gian mạng thường xuất hiện các thông tin sai trái, xuyên tạc nhằm bôi nhọ hình ảnh, truyền thống của Quân đội, tạo dư luận xấu, gây tâm lý hoang mang đối với giới trẻ, gieo rắc tâm lý tiêu cực, thoái thác trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân với Tổ quốc. Vì vậy, phòng, chống các luận điệu xuyên tạc về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự là vấn đề thường xuyên và cấp bách hiện nay.

CÔNG DÂN PHẢI THỰC HIỆN NGHĨA VỤ QUÂN SỰ VÀ THAM GIA XÂY DỰNG NỀN QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN

Tham gia nghĩa vụ quân sự là quyền và trách nhiệm của mỗi công dân. Điều này không chỉ đúng ở Việt Nam mà còn là quy định trong luật pháp của nhiều quốc gia trên thế giới. Chẳng hạn như, tại Thụy Sĩ, tất cả nam thanh niên từ 19 - 26 tuổi đều phải đăng ký nhập ngũ và phục vụ trong quân đội ít nhất 260 ngày, trong đó có 18 tuần huấn luyện và 7 lần gọi tái nhập ngũ, mỗi lần kéo dài 3 tuần trong suốt 10 năm tiếp theo. Tại Hàn Quốc, nam công dân tuổi đời từ 18 - 35 đều thực hiện nghĩa vụ quân sự trong khoảng thời gian 21 tháng và không được phép có ngoại lệ. Theo đó, những ai đủ tiêu chuẩn mà từ chối thi hành nghĩa vụ quân sự sẽ bị phạt tù. Singapore cũng quy định mọi công dân nam đều bắt buộc thực hiện nghĩa vụ quân sự quốc gia khi đủ 18 tuổi, những người vi phạm đều phải đối mặt án phạt tiền lên tới 10.000 đô la, án tù lên tới ba năm hoặc bị áp dụng cả hai hình phạt nói trên...

Tại Việt Nam, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân”; “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân... Cơ quan, tổ chức, công dân phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh”.

Thể chế hóa Hiến pháp, Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định: “1. Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân; 2. Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định...”.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng đã xác định: “Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt”.

Chính sách và chiến lược quốc phòng của Đảng và Nhà nước ta là tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc... Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước.

NHẬN DIỆN CÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC

Một sự thật hiển nhiên là, tùy vào tình hình chính trị, quân sự của mỗi quốc gia trên thế giới, chế độ nghĩa vụ quân sự được thực hiện theo những cách khác nhau chứ không phải như những luận điệu xuyên tạc cho rằng, chỉ có Việt Nam mới đưa ra quy định nghĩa vụ quân sự để “o ép người dân”.

Lợi dụng không gian mạng, các thế lực thù địch, phản động, bất mãn đã tìm mọi cách kích động người dân chống đối việc thực hiện nghĩa vụ quân sự. Cùng với đó, một số kẻ xấu còn “vẽ đường bày mưu” hướng dẫn thủ đoạn “lách luật” khi khám tuyển cho những thanh niên thiếu ý thức, như: tạo “vấn đề” về sức khỏe, lấy lí do đi làm ăn xa, đút lót hối lộ... để trốn thực hiện nghĩa vụ, gây khó khăn cho công tác tuyển quân, tạo nên những nguy cơ bất ổn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thậm chí chúng còn lôi kéo, xúi giục quân nhân đang thực hiện nghĩa vụ quân sự đào ngũ, gây áp lực cho tổ chức, hoặc đưa ra những đòi hỏi, yêu cầu vô lý với chính quyền cơ sở.


Thông qua một số trang web, chúng cắt ghép, đăng tải các cảnh bạo lực trong quân đội nước ngoài, cảnh quân đội tham chiến ở một số khu vực trên thế giới rồi lồng ghép lời bình xuyên tạc là “chuyện ở trong quân ngũ Việt Nam”. Những hình ảnh, video, lời bình mà chúng tung lên mạng thường lập lờ, võ đoán, không rõ địa chỉ cơ quan, đơn vị cụ thể; lời lẽ miệt thị, kích động, vu khống... làm cho không ít thanh niên và gia đình “bán tín bán nghi” dẫn đến “tự diễn biến”, đắn đo, do dự khi nhận thông báo khám tuyển và lệnh gọi nhập ngũ.


Trong nhiều trường hợp, chúng cổ xúy cho suy nghĩ và lối sống cá nhân vị kỷ, kích động tâm lý so bì, toan tính thiệt hơn khi nhập ngũ … Nguy hiểm hơn, nhằm xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, cứ trước mỗi mùa tuyển quân, chúng lại sử dụng, cắt ghép hình ảnh rồi tung mạng một số vụ việc cũ, hy hữu để kích động, xuyên tạc. Cùng với đó, chúng thường xuyên đưa ra các luồng tin đồn thất thiệt với những hình ảnh, clip video có sự can thiệp của công nghệ, có nội dung thông tin chưa được kiểm chứng, trong đó chủ yếu là nội dung về cảnh bạo lực, quân phiệt hay “cái chết oan ức” trong quân đội... Sau đó, chúng đặt các câu nghi vấn, bình luận lập lờ để reo rắc hoài nghi và kích động “cư dân mạng” nhất là giới trẻ. Đây thực chất là chiêu bài tâm lý để lừa bịp, “đánh” vào những người nhẹ dạ, cả tin, gây hoang mang dư luận xã hội, nghi ngờ, mất niềm tin trong nhân dân, làm cản trở, gây khó khăn trong thực hiện công tác tuyển quân tại các địa phương.


Cần phải khẳng định lại, những nội dung thông tin mà các thế lực thù địch, phản động và phần tử xấu tung lên mạng xã hội hầu hết có nội dung hoàn toàn bịa bặt hoặc chỉ phản ánh một phần của vấn đề - một vài hiện tượng cá biệt, hy hữu chứ không phải là bản chất của Quân đội. Điều nguy hại là không ít “cư dân mạng” vô tâm, vô ý thức chỉ vì muốn “câu view” “câu like” nên đã “hồn nhiên” đăng tải lại, chia sẻ, phát tán những nội dung xuyên tạc, phản động, không đúng bản chất... Điều này đã vô tình tiếp tay cho những dụng ý đen tối và dã tâm của các thế lực, phần tử xấu. Vì vậy, đi cùng với nhận diện đúng để kiên quyết đấu tranh với những toan tính thâm độc, cũng cần phê phán, lên án mạnh mẽ với những hành vi “tiếp tay” - dù là không có chủ ý - của những cá nhân thiếu ý thức.


NHẬN THỨC ĐÚNG VẤN ĐỀ ĐỂ CÓ CÁI NHÌN CHÍNH XÁC


Thực tế ở Việt Nam cho thấy, tham gia vào môi trường quân ngũ, thanh niên được rèn luyện mọi mặt cả về thể chất, tri thức và tinh thần. Họ được học tập, tiếp thu những kiến thức về kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ; được rèn luyện tính kỷ luật và tác phong chính quy.


Môi trường Quân đội giúp thanh niên rèn luyện sức khỏe dẻo dai, thể lực bền bỉ; có tác phong chững chạc; có tinh thần, trách nhiệm cao hơn với công việc; có ý thức tổ chức kỷ luật tự giác, nghiêm minh; giải quyết các mối quan hệ xã hội, giao tiếp, ứng xử đúng chuẩn mực, có văn hóa.


Dù mang tính đặc thù của hoạt động quân sự, song trong môi trường quân ngũ, thanh niên vẫn được khẳng định bản thân, ngày càng trưởng thành hơn, sẵn sàng đối mặt với thử thách và vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.


Môi trường quân ngũ còn tôi luyện cho thanh niên ý thức tự giác, ý chí vươn lên, tinh thần trách nhiệm với tập thể, biết lắng nghe quan tâm, chia sẻ với mọi người. Thời gian học tập, rèn luyện trong môi trường quân ngũ là cơ sở, tiền đề quan trọng, vững chắc để thanh niên trưởng thành hơn sau khi ra xã hội lập thân, lập nghiệp, cống hiến cho sự phát triển của địa phương, đất nước.


KHÔNG NGỪNG TUYÊN TRUYỀN, ĐẤU TRANH PHÒNG CHỐNG ÂM MƯU CHỐNG PHÁ VÀ CÁC LUẬN XUYÊN TẠC


Tiếp tục xây dựng và giữ gìn, phát huy hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”


Trước sự vận động, phát triển không ngừng của yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, truyền thống vẻ vang của Quân đội, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” vẫn luôn được giữ gìn, phát huy. Đại đa số cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã tích cực tu dưỡng, rèn luyện, giữ vững và phát huy những chuẩn mực văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”. Tuy nhiên, do sự tác động của mặt trái của nền kinh tế thị trường, một bộ phận cán bộ, chiến sĩ chưa nhận thức đầy đủ, chưa nêu cao trách nhiệm trong giữ gìn, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”; thiếu tự giác, gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện. Một số sa vào chủ nghĩa cá nhân, sống thực dụng, dao động trước diễn biến phức tạp của tình hình, phát ngôn thiếu tính xây dựng...


Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, phản động luôn tìm cách thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, truyền bá tư tưởng “phi chính trị hóa” quân đội; xuyên tạc truyền thống Quân đội; xuyên tạc hình ảnh, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”… với mưu đồ thâm độc là làm phai nhạt mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, niềm tin vào Đảng, chế độ trong mỗi cán bộ, chiến sĩ; xóa nhòa phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tách rời Quân đội với Đảng và nhân dân…


Vì vậy, trong tình hình mới, việc giữ gìn, phát huy hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” vừa là yêu cầu khách quan, vừa là trách nhiệm của mọi cán bộ, chiến sĩ. Theo đó, phải thường xuyên làm tốt công tác giáo dục góp phần thấm nhuần tư tưởng “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(1). Cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm tăng cường công tác lãnh đạo tư tưởng, giáo dục chính trị, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ. Chú trọng đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phù hợp với từng nhóm đối tượng; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm, cổ vũ gương “người tốt, việc tốt” trong giữ gìn, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới” gắn với đẩy mạnh việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...


Thực hiện nghĩa vụ quân sự không chỉ là chấp hành pháp luật của Nhà nước, mà còn là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả của công dân đối với dân tộc, với Tổ quốc. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, hàng triệu thanh niên Việt Nam đã xung phong lên đường chiến đấu, trở thành những chiến sĩ kiên trung, bất khuất. Ngày nay, trong thời bình, ổn định và hợp tác quốc tế, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” lại càng sống động hơn khi sát cánh cùng nhân dân vượt qua thiên tai, dịch bệnh; luôn sẵn sàng bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; đồng hành cùng đồng bào biên giới, miền núi, hải đảo, vùng sâu vùng xa trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới...


Đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến để nhân dân nhận thức đúng đắn và thực hiện nghiêm Luật nghĩa vụ quân sự.


Chú trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Tích cực tuyên truyền Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, làm cho mọi tầng lớp nhân dân nhận thức đúng: Luật Nghĩa vụ quân sự là cơ sở để thanh niên thực hiện quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc - nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân đã được ghi nhận tại Hiến pháp 2013. Công dân đến tuổi quy định phải có bổn phận, trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ quân sự đối với Tổ quốc, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp; việc cố tình không chấp hành sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật.


Vận dụng linh hoạt nhiều biện pháp, cách thức tuyên truyền giáo dục khác nhau làm cho mọi người dân đều hiểu và thực hiện tốt nhiệm vụ này. Trong đó cần kết hợp tuyên truyền thường xuyên với tổ chức các đợt tuyên truyền cao điểm trong “mùa tuyển quân”; kết hợp giáo dục, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng với lồng ghép phổ biến luật trong hoạt động của các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội. Tuyên truyền tập trung làm rõ nội dung cơ bản về thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, giúp công dân hiểu rõ nghĩa vụ thiêng liêng cũng như các chế độ, chính sách mà quân nhân, gia đình quân nhân được hưởng trong thời gian tại ngũ, khi xuất ngũ.


Cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là cấp huyện, cấp xã thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ công tác tuyển quân của địa phương mình; xét tuyển đảm bảo công bằng, công khai, đúng luật. Đối với các trường hợp thuộc diện tạm miễn, tạm hoãn phải được niêm yết ở trụ sở UBND cấp xã, nhà văn hóa thôn…, thông báo trên hệ thống truyền thanh của địa phương để nhân dân theo dõi, giám sát; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; phổ biến đầy đủ những chế độ, tiêu chuẩn được hưởng của chiến sĩ nghĩa vụ. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi trốn tránh, cản trở, chống đối trong công tác khám, tuyển quân; kịp thời biểu dương, động viên những gia đình, địa phương làm tốt công tác này; quan tâm, tổ chức thăm hỏi, tặng quà, động viên thanh niên và gia đình trước ngày lên đường nhập ngũ, tạo khí thế sôi nổi, trang nghiêm, ý nghĩa trong ngày giao nhận quân.


Gia đình cần động viên, giáo dục, khuyến khích con em nhận thức đúng trách nhiệm đối với đất nước, tích cực tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự khi đến tuổi quy định. Đoàn viên thanh niên nêu cao ý thức hành động theo khẩu hiệu: “Tuổi trẻ Việt Nam xây hoài bão lớn, rèn đức, luyện tài, đoàn kết, sáng tạo, xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.


Đa dạng các hình thức tuyên truyền về đời sống quân ngũ để nhân dân, nhất là giới trẻ có cái nhìn khách quan, đúng đắn.


Tăng cường các chương trình truyền hình thực tế về môi trường quân ngũ, đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông; tổ chức thường xuyên hơn mô hình học kì quân đội cho học sinh, sinh viên, tổ chức huấn luyện quốc phòng an ninh cho đối tượng học sinh THPT tại các đơn vị bộ đội phù hợp... Đối với tân binh, Quân đội và đơn vị cần có nhiều hơn những biện pháp, cách thức liên lạc giữa gia đình với đơn vị, để gia đình có thể nắm được tình hình huấn luyện và sự trưởng thành của con em; tổ chức những buổi gặp gỡ giữa các chiến sĩ với tân binh và những đối tượng trong độ tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự để họ được tìm hiểu kĩ hơn về môi trường quân ngũ; lan toả mạnh mẽ và rộng rãi những hình ảnh đẹp trong môi trường quân đội trên các phương tiện truyền thông để mọi người dân cảm nhận được sự ưu việt của môi trường này, từ đó yên tâm động viên con em tham gia nghĩa vụ quân sự.


Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh không khoan nhượng với các hoạt động chống phá trên không gian mạng về khám tuyển nghĩa vụ quân sự.


Phát huy vai trò của các cơ quan chức năng trong kiểm soát các nguồn thông tin đăng tải, nhất là những luồng thông tin phi chính thống có liên quan đến các cá nhân và tổ chức phản động. Kịp thời ngăn chặn và xử lý các thông tin xấu độc, ngăn chặn, hạn chế việc chia sẻ các luồng tin sai trái, xuyên tạc. Khi đã xác minh được vấn đề cần có biện pháp xử lý nghiêm minh với những cá nhân, tổ chức có biểu hiện chống phá.


Để nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ nhận biết rõ về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch và kẻ xấu về công tác tuyển quân, mỗi công dân khi tham gia mạng xã hội cần phải chấp hành nghiêm Luật An ninh mạng; tỉnh táo khi tiếp nhận, chia sẻ thông tin để hạn chế thấp nhất những vi phạm có thể mắc phải, không để mắc mưu các thế lực thù địch. Trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên, hội viên đoàn thể chính trị - xã hội cần gương mẫu, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người thân, hàng xóm không tham gia chia sẻ, bình luận theo kiểu “a dua” “vào hùa” trước những luận điệu xấu trên không gian mạng về công tác tuyển quân. Mặt khác, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thanh niên sẵn sàng nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ, hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm của mình với quê hương, đất nước. Mỗi người dân, mỗi gia đình tuyệt đối không nghe theo, làm theo thông tin sai sự thật, sự kích động lan truyền trên mạng xã hội do các thế lực thù địch phát tán.


Mặt khác, cần xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm luật nghĩa vụ quân sự, lên án những hành vi, việc làm thiếu ý thức, trách nhiệm của một người công dân với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.../.


 Tạp chí Tuyên giáo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét