Với những kinh nghiệm công tác và kiến thức chuyên môn trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện tại đơn vị cơ sở, Thiếu tá Phạm Ngọc Hoàng, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Xuân Hòa, BĐBP Phú Yên đã chủ động tìm tòi, nghiên cứu để cho ra đời thiết bị kiểm tra đường ngắm, hỗ trợ ngắm bắn súng ngắn K54. Đây là một trong những cải tiến được Hội đồng khoa học Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam đánh giá cao về tính ứng dụng, hiệu quả và đạt loại xuất sắc vào năm 2023.
Là một cán bộ trẻ đầy nhiệt huyết, có tinh thần trách nhiệm cao, với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, Thiếu tá Phạm Ngọc Hoàng luôn chủ động, tích cực trong học tập, nỗ lực khắc phục khó khăn, vận dụng kiến thức, sự tích lũy kinh nghiệm thực tế để phát minh, cải tiến mô hình học cụ, đảm bảo phục vụ cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, công tác của đơn vị. Trong đó, phải kể đến thiết bị kiểm tra đường ngắm, hỗ trợ ngắm bắn súng K54, được đánh giá mang tính ứng dụng cao, góp phần nâng cao chất lượng công tác huấn luyện tại đơn vị.
Trao đổi với chúng tôi về ý tưởng để cho ra đời sáng kiến này, Thiếu tá Phạm Ngọc Hoàng cho biết, vào năm 2021, trong thời gian công tác tại Trường Trung cấp 24 Biên phòng, với cương vị là Chủ nhiệm bộ môn Biên phòng - Pháp luật, Khoa Cơ bản, trong thực hiện công tác giảng dạy và huấn luyện, bản thân Thiếu tá Hoàng nhận thấy, tập bắn súng ngắn K54 là một nội dung khó. Hiện nay, các đơn vị trong BĐBP nói riêng và trong toàn quân nói chung vẫn thường xuyên duy trì luyện tập, tuy nhiên, do tác động về điều kiện thời gian và thao trường luyện tập bắn đạn thật ở các đơn vị còn hạn chế và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn. Cùng với đó, trong quá trình bắn, người bắn chỉ đơn thuần giương súng, ngắm bắn, bóp cò, từ đó dẫn đến không biết tại thời điểm bóp cò, đường ngắm cơ bản có vào điểm ngắm bắn trúng trên mục tiêu không. Vì vậy, không hiệu chỉnh được đường ngắm, động tác bắn để thực hiện loạt bắn tiếp theo đạt kết quả cao hơn. Do đó, việc nghiên cứu các thiết bị phục vụ cho luyện tập bắn súng K54 đảm bảo an toàn, nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao là vấn đề cấp thiết cần được chú trọng.
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế đó cũng như đảm bảo công tác huấn luyện bắn súng K54 đạt chất lượng, hiệu quả cao hơn, nghĩ là làm, Thiếu tá Phạm Ngọc Hoàng đã bắt tay vào nghiên cứu, xây dựng lên ý tưởng để hiện thực hóa cải tiến sáng kiến “Thiết bị hỗ trợ nâng cao chất lượng tập bắn súng ngắn K54”. Thời gian đầu, tuy gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc nghiên cứu, tìm tòi tài liệu, hiệu chỉnh thiết bị, nhưng được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các đồng chí trong đơn vị và chỉ huy các cấp, cải tiến này nhanh chóng được hoàn thành và được Hội đồng khoa học Trường Trung cấp 24 Biên phòng đánh giá xuất sắc. Sau đó, với tính ứng dụng cao, sáng kiến này đã được Cục Nhà trường (Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam) thông qua vào ngày 15/2/2023 và được Hội đồng khoa học Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam đánh giá cao về tính ứng dụng, hiệu quả và đạt loại xuất sắc.
Không dừng lại ở đó, tháng 1/2024, khi được điều động về Đồn Biên phòng Xuân Hòa, BĐBP Phú Yên công tác, trên cương vị Phó Đồn trưởng, được lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP Phú Yên động viên, khích lệ, tạo điều kiện, Thiếu tá Phạm Ngọc Hoàng đã tiếp tục nghiên cứu, hiệu chỉnh, cải tiến đưa sáng kiến này vào thực tế huấn luyện, đảm bảo hiệu quả cao nhất. Thiếu tá Phạm Ngọc Hoàng đã tiếp tục cải tiến sáng kiến sao cho gọn nhẹ, dễ chế tạo, dễ sử dụng, với chi phí thấp nhất, phù hợp với nhiệm vụ huấn luyện tại các đồn Biên phòng.
Đánh giá tổng thể, sáng kiến được thiết kế, chế tạo gọn nhẹ, dễ mang vác, dễ bố trí, sử dụng, độ bền cao, ít hỏng hóc. Đặc biệt, trên thiết bị được gắn đèn led giúp luyện tập được vào ban đêm rất hiệu quả, từ đó, giúp người tập vừa rèn được động tác giữ súng, bóp cò kết hợp với kiểm tra được độ rung của cánh tay, đồng thời, người bắn và cán bộ huấn luyện cũng thấy được kết quả từng phát bắn. Điểm mới ở cải tiến này là người bắn vừa tập động tác giương súng, giữ súng, ngắm bắn, bóp cò, vừa biết được kết quả của phát bắn để từ đó tự điều chỉnh về yếu lĩnh, động tác cho các phát bắn tiếp theo đạt kết quả cao hơn.
Thiết bị được chế tạo đơn giản, chi phí thấp, nhưng độ bền cao, tính ứng dụng tốt trong thực tiễn, đồng thời, tạo tinh thần hứng khởi cho việc học tập. Thiết bị có sử dụng pin sạc và sau mỗi lần sạc thì có thể sử dụng được nhiều ngày liên tiếp, cấu tạo của thiết bị gồm công tắc, đèn laser, trục xoay 360 độ. Với ý tưởng này, anh đã vận dụng rất hiệu quả trong công tác huấn luyện tại đơn vị và đạt giải Nhất mô hình học cụ phục vụ công tác huấn luyện do BĐBP Phú Yên tổ chức và được nhân rộng, sử dụng tại các đơn vị trong BĐBP tỉnh. Sau khi được trưng bày, thuyết trình tại Đại hội thi đua Quyết thắng BĐBP giai đoạn 2019-2024, hiện nay, rất nhiều Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố đã đặt làm và áp dụng có hiệu quả tại các đơn vị.
Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Phạm Ngọc Hoàng cho biết: "Ngay từ khi sáng kiến được Bộ Chỉ huy BĐBP Phú Yên thông qua, triển khai đến các đơn vị đồn Biên phòng trên địa bàn tỉnh, đội ngũ cán bộ tham gia công tác huấn luyện ở nội dung bắn súng K54 cảm thấy rất hào hứng vì đã có thiết bị kiểm tra đường ngắm; có thể biết được chính xác điểm của mình sau mỗi phát bắn, từ đó, có thể điều chỉnh được tư thế, động tác để kết quả bắn lần sau đạt kết quả tốt hơn. Đặc biệt, thiết bị này có thể sử dụng trên mọi điều kiện địa hình, hạn chế khả năng mất an toàn trong quá trình tổ chức huấn luyện, luyện tập, người tập vừa được luyện động tác giữ súng và bóp cò, kết hợp kiểm tra được độ rung của cánh tay, vừa biết được kết quả của phát bắn trong quá trình tập luyện. Sau quá trình luyện tập bằng thiết bị, tháng 7/2024, Đồn Biên phòng Xuân Hoà tổ chức bắn đạn thật, kết quả của từng cá nhân được nâng lên rõ rệt, kết quả của toàn đơn vị đạt loại Khá".
Thiếu tá Phạm Ngọc Hoàng cho biết thêm: “Thông qua việc nghiên cứu thiết bị này, cũng mở ra cho đội ngũ cán bộ chúng tôi những hướng nghiên cứu, cải tiến mới vào những năm tiếp theo như: Áp dụng vào bia khác cho các bài bắn của loại súng như AK, CKC, trung liên; tạo âm thanh giả lập tiếng súng nổ, sử dụng cảm biến hồng ngoại thay cho cảm biến laser... Từ đó, tạo động lực cho cán bộ chỉ huy phát huy thêm khả năng tư duy, sáng tạo, cho ra đời những cải tiến, sáng kiến thuật có tính ứng dụng, phổ cập cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trong tình hình mới".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét