Tăng trưởng GDP cả năm 2024 ước đạt 6,8%-7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6%-6,5%), thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Đến thời điểm này, Chính phủ ước tính cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.
Theo chuyên gia kinh tế, chỉ tiêu GDP bình quân đầu người sẽ đạt nếu GDP tăng trưởng trên 7%. Mục tiêu này hoàn toàn khả thi khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã bám sát tình hình thực tiễn, tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp.
Thể hiện rõ nhất là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra, các cân đối lớn được bảo đảm (có thặng dư cao); nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) được kiểm soát tốt, thấp hơn giới hạn cho phép. Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao sự phát triển và triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm; thị trường lao động phục hồi tích cực. Thu hút FDI là điểm sáng, vốn thực hiện đạt 17,3 tỷ USD, tăng 8,9%, cao nhất trong nhiều năm qua.
Đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực. Điển hình là hoàn thành các dự án, công trình quan trọng, trọng điểm: Dự án 500kV mạch 3 Quảng Bình - Hưng Yên; một số đoạn đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài lên 2.021 km...
Cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh; Quyết liệt cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; Các lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt kết quả rõ nét hơn về cả nhận thức, hành động và kết quả. An sinh xã hội được bảo đảm; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1%, còn 1,93%; chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143...
Cùng với đó là những kết quả đạt được về quốc phòng, an ninh, đối ngoại; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; về xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Tuy nhiên, các tổ chức tài chính quốc tế thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, bất cập đối với Việt Nam trong thời gian tới, nhất là khó khăn, thách thức về ổn định kinh tế vĩ mô; hoạt động sản xuất, kinh doanh; nợ xấu; giải ngân vốn đầu tư công; thể chế, pháp luật; việc phân cấp, phân quyền; chất lượng nguồn nhân lực... Cụ thể, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2024 của cả nước chỉ ước đạt 47,29% kế hoạch được giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (51,38%). Vẫn còn 31 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công dưới mức trung bình của cả nước.
Thời gian còn lại của năm 2024 chỉ còn hơn 2 tháng. Chính phủ quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, phấn đấu đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2024. Phấn đấu tốc độ tăng GDP cả năm đạt trên 7%, kiểm soát lạm phát dưới 4,5%; tăng trưởng tín dụng khoảng 15%; thu NSNN tăng trên 10%; tỷ lệ giải ngân đầu tư công tối thiểu 95% kế hoạch.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, với cùng một hệ thống pháp luật, thực tế kết quả triển khai ở các cơ quan, đơn vị, địa phương là khác nhau. Vì vậy, nếu khắc phục hiệu quả tình trạng này sẽ góp phần thúc đẩy việc hoàn thành các chỉ tiêu của năm 2024 ở mức cao nhất.
Rõ ràng nguyên nhân chủ quan là do thể chế còn nhiều vướng mắc, nhất là trong phân cấp, phân quyền chưa mạnh mẽ, tập trung nhiều ở Trung ương; trách nhiệm của người đứng đầu trong nhiều trường hợp chưa được phát huy; phản ứng chính sách của một số cơ quan, địa phương còn chậm; thủ tục hành chính còn rườm rà, ách tắc; một bộ phận không nhỏ cán bộ còn có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai, làm việc cầm chừng, hiệu quả thấp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét