“Nâng
cao đạo đức cách mạng, quét sạch
chủ nghĩa cá nhân” là một trong
nhiều bài
viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh
đăng trên báo Nhân Dân trong năm 1969, trước lúc Bác đi xa. Thật ra, về chủ nghĩa cá nhân, Bác đã đề cập trước đó hơn 20 năm. Vào những ngày gian nan nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trên báo Sự Thật số ra ngày 15/10/1948, ký bút danh
X.Y.Z, đã đăng bài “Chủ nghĩa cá
nhân”. Đặc biệt, lần này,
bài báo “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch
chủ nghĩa cá nhân” ra mắt bạn đọc
đúng
ngày 3 tháng 2, kỷ niệm 39 năm Ngày
thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Điều đó
có ý nghĩa biết bao! Là tâm
nguyện thiết tha của Bác đối với công tác xây dựng Đảng, là tấm lòng của Bác đối
với đội ngũ đảng viên chúng ta hôm nay và mai sau.
Tôi nhớ, cách đây gần 50 năm, sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, trong chuyến công tác ở một tỉnh miền núi phía Bắc, nói chuyện với cán bộ địa phương, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn rất băn khoăn, đặt câu hỏi: Tại sao trong hoạt động cách mạng, trong chiến tranh, đảng viên không tiếc hy sinh xương máu, thậm chí lên máy chém, ra pháp trường vẫn một dạ kiên trung, bất khuất. Nhưng giờ đây, một số người, Đảng không đòi hỏi phải hy sinh như lớp cha anh trước đây mà lại bị khuất phục trước chủ nghĩa cá nhân, bị chủ nghĩa cá nhân chi phối, dẫn đường.
Gần đây nhất, ngày 19/12/2021, phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhấn mạnh: “Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII khẳng định, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân”[1]. Từ ngày Bác viết bài “Chủ nghĩa cá nhân” đăng báo, đến nay đã hơn 70 năm, bài “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” cũng đã trải qua 53 năm. Hầu như tất cả các văn kiện đại hội, Điều lệ Đảng, các nghị quyết Trung ương, chỉ thị của Bộ Chính trị, phát biểu của các Tổng Bí thư qua các thời kỳ, khi đề cập đến rèn luyện ý chí chiến đấu, đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, đều không tách rời chống chủ nghĩa cá nhân. Nói nhiều, răn đe lắm, nhưng vì sao chủ nghĩa cá nhân cứ ngày càng phát triển, ngày càng trầm trọng, tinh vi, len lỏi mọi lúc, mọi nơi. Nhớ ngày Bác viết bài Chủ nghĩa cá nhân, ngày 15/10/1948, Người chỉ nêu: “... vẫn còn một vài người, một vài cơ quan hãy chưa tẩy hết cái bệnh chủ nghĩa cá nhân”, mà sao giờ đây đội ngũ này đông đảo thế! Phải chăng, chủ nghĩa cá nhân là căn bệnh nan y, nhiều người mắc phải không chữa khỏi, hoặc người mắc bệnh cố tình tìm cách giấu đi?
Như mọi người đều biết, chủ nghĩa cá nhân hay cá nhân chủ nghĩa là một hệ thống tư tưởng, quan điểm phản ánh khuynh hướng lấy việc thực hiện những mục đích và quyền lợi riêng tư làm lẽ sống, làm điểm xuất phát cho mọi suy nghĩ và hành động, cho mọi quan hệ đối xử với người khác trong xã hội, theo một quan niệm “lợi mình, hại người”. Đó là thế giới quan dựa trên cơ sở đối lập quyền lợi cá nhân riêng lẻ với quyền lợi của xã hội, đặt quyền lợi của cá nhân trên quyền lợi tập thể. Về tác hại của chủ nghĩa cá nhân, trong bài viết “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ.
Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”[2]. Rõ ràng, dù được báo động từ rất lâu, rất xa, liên tục đề ra các giải pháp đề phòng, ngăn chặn, nhưng trong Đảng và cả hệ thống chính trị của chúng ta ngày nay chủ nghĩa cá nhân vẫn tồn tại, ngày càng trầm trọng, phát triển theo hướng tinh vi, phức tạp; không còn ở từng cá thể riêng lẻ, mà còn có sự tập hợp, liên kết “tập thể chủ nghĩa cá nhân” cùng chung lợi ích, chi phối mọi người. Thậm chí, không ít người rao giảng chống chủ nghĩa cá nhân mà bản thân mình lại có những biểu hiện của cá nhân chủ nghĩa. Vậy, khởi điểm, nguồn gốc của chủ nghĩa cá nhân có từ đâu? Tôi không đồng tình chỉ thiên về lý giải điều kiện kinh tế - xã hội, mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, cả trong hoàn cảnh, khó khăn chồng chất,... Đồng chí Tổng Bí thư Đảng ta khẳng định: Sự suy thoái, biến chất ở một bộ phận Đảng ta hiện nay, bắt nguồn từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân. Thiết nghĩ, ngoài “nguyên nhân chủ quan là chủ yếu” ấy, có lẽ còn bắt đầu từ sự phân tâm, vô cảm, ngoài cuộc của một bộ phận khá lớn trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Nhìn lại hơn 35 năm của chặng đường đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đất nước ta đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với thời kỳ trước đổi mới. Những kỳ tích đó càng khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội do Chủ tịch Hồ Chí Minh mở ra và Đảng ta kiên trì thực hiện là con đường phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Đó là sức mạnh, là ý chí của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta, là sự lãnh đạo, chỉ đạo nghiêm túc, năng động, sáng tạo của tổ chức đảng các cấp và sự cố gắng, phấn đấu không ngừng của đội ngũ đa số cán bộ, đảng viên. Tôi không đồng tình với cách phóng đại, “nhìn cây mà chẳng thấy rừng” của một số người về những mặt yếu kém, hạn chế, tiêu cực trong Đảng. Cũng có không ít người thụ động, “nhàn cư từ văn hóa bàn trà”, truyền miệng “đàm tếu vỉa hè”, trông chờ sự ra tay của “Người đốt lò vĩ đại”. Họ săn đón, nhìn vào các con số cán bộ, đảng viên cao cấp phải vào tù, đứng trước vành móng ngựa, các “đại gia rởm” lừa Đảng, dối dân và sự suy thoái, biến chất của không ít cán bộ, đảng viên,... để phụ họa, tung hô theo luận điệu của các thế lực thù địch “Đảng mất uy tín, dân thiếu lòng tin”. Những người này luôn cho mình là người “thức thời, am tường thời cuộc” để giữ quyền phán xử mà quên rằng có khi mình lại là người ít nhiều liên quan, thậm chí là bị cáo. Hãy dũng cảm tự soi, xem xét từ mỗi gia đình, tế bào của xã hội, để hiểu thêm sự phức tạp, đa chiều của tập thể, cá nhân những người lãnh đạo, điều hành đất nước. Một đất nước đi ra từ chiến tranh, bao khó khăn chồng chất, chấp nhận cơ chế kinh tế thị trường, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp làm sao tránh được những tác động đến một đội ngũ ngày càng đông mà chưa thật sự trong sạch, vững mạnh. Dấu ấn đậm của cơ chế cũ đan xen cơ chế mới đang hình thành, mâu thuẫn thế hệ nảy sinh trong gia đình truyền thống, quan hệ xã hội có nhiều đổi thay, phân cực giàu nghèo càng lộ rõ. Trong điều kiện hạn chế về trình độ, thiếu thông tin định hướng đúng rất dễ làm cho một số người phân tâm trước cái đúng, cái sai, thật giả khó lường. Sự phân tâm, bối rối, hoang mang đã làm cho không ít người trở nên vô cảm, không tức giận, không xót xa, mất đi cả tình thương yêu, bao dung và đùm bọc. Tôi nhớ mãi, lúc đương thời, Tổng Bí thư Lê Duẩn thường nói đến tình thương và lẽ phải. Những người cộng sản, những người cách mạng không phải chỉ là người xuất thân từ nghèo khổ nhất, những người bị đày đọa ở bước đường cùng, phải vùng lên đòi quyền sống, mà trước hết, ở họ là lòng yêu nước, thương dân, không chịu áp bức, bất công, phải chọn con đường cách mạng để đổi thay xã hội. Ngày nay, trong xã hội và ngay trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, không ít người vô cảm. Họ vô cảm trước những người yếu thế, khó khăn, nghèo đói, oan sai,... Trong lòng họ không còn sự bức xúc, phải lên tiếng đấu tranh trước những bất công, sai trái để bảo vệ lẽ phải và vì thương người. Từ sự phân tâm, vô cảm, dẫn đến thái độ ngoài cuộc. Những người tự cho mình ngoài cuộc, “mũ ni che tai”, thường chạy trốn liên quan để vô can, không dám dấn thân để minh tường phải trái. Rất nhiều dẫn chứng về các bức xúc chính đáng của dân, người có trách nhiệm đã lạnh lùng ngoảnh đi như không biết. Có lẽ từ sự phân tâm, vô cảm, ngoài cuộc này của đội ngũ không ít cán bộ, đảng viên là khởi đầu cho sự suy thoái, biến chất ở một bộ phận đội ngũ chúng ta, cũng là nhân tố làm nên khái niệm “đông mà không mạnh”. Phân tâm, vô cảm, ngoài cuộc cũng là một trong những nguyên nhân làm cho nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng ít được thực hiện nghiêm túc, thiếu tính đấu tranh, giáo dục; nặng hình thức, xuê xoa, xuôi chiều, tâng bốc người đứng đầu. Ngược lại với tình trạng ấy, ở một số nơi, người ta lại mượn danh phê bình và tự phê bình để mạt sát, chụp mũ nhau, đấu đá phe phái, tranh giành quyền lực. Lời căn dặn cuối cùng trong Di chúc, Bác Hồ viết: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”[3]. Đáng tiếc là, rất nhiều người đã quên điều này trong Di chúc của Bác, nhưng vẫn dương dương tự đắc là mình đang học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhấn mạnh tinh thần mới, nội dung mới của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII trong cuộc đấu tranh chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bổ sung, làm rõ thêm hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái sát hợp với tình hình mới: “... nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng: sa sút về ý chí chiến đấu, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; thậm chí còn phù họa theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc xây dựng Đảng và tổ chức sinh hoạt đảng. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, hám quyền lực, tham nhũng, tiêu cực; bè phái, cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân,...”[4]. Tổng Bí thư kết luận: “Từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, cơ hội, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”[5]. Nghiên cứu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, điều tôi tâm đắc nhất là tập thể lãnh đạo Đảng ta khi đề cập sự suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên, đã đi đến kết luận: Chủ nghĩa cá nhân, hay cá nhân chủ nghĩa vừa là nguyên nhân phát sinh vữa là kết quả của một quá trình thoái hóa, biến chất trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Vì vậy, theo tôi, lúc này, chống chủ nghĩa cá nhân là nhiệm vụ hàng đầu và là giải pháp tối quan trọng, giải pháp căn cơ, giải pháp tổng hợp đột phá để nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta. Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để thiết thực nâng cao đạo đức cách mạng. Muốn nâng cao đạo đức cách mạng phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Theo hồi ký của đồng chí Vũ Kỳ, Bác nêu rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, chủ đề cần tập trung là “quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”. Nhưng lúc bấy giờ đồng chí phụ trách Tuyên huấn và cán bộ Văn phòng Trung ương đề nghị với Bác xin sửa lại đầu đề. Đưa vế “nâng cao đạo đức cách mạng” lên trước, chuyển vế “quét sạch chủ nghĩa cá nhân” ra sau với lý do là cán bộ, đảng viên ta nói chung là tốt, ưu điểm là cơ bản. Nghe ý kiến đó, Bác nói: “Ý kiến của các chú, Bác thấy cũng có lý. Nhưng Bác còn phân vân điều này: Gia đình các chú tiết kiệm mua sắm được bộ bàn ghế, giường tủ mới. Vậy trước khi kê vào phòng, các chú có quét dọn sạch sẽ hay cứ để rác rưởi bẩn thỉu mà khiêng bàn ghế, giường tủ vào”[6]. Nói vậy, nhưng Bác lại tháo gỡ: “Vì cả hai chú đã đề nghị, là đa số, Bác đồng ý nhượng bộ, đổi lại tên đầu bài “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Nhưng ở trong bài thì dứt khoát phải để nguyên ý của Bác: “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”2. Cách đây hơn nửa thế kỷ, trong hoàn cảnh chủ nghĩa cá nhân chưa nhiều, chủ nghĩa cá nhân chưa có điều kiện phát triển mạnh mẽ, Bác Hồ đã nhìn ra căn bệnh cực kỳ nguy hiểm là chủ nghĩa cá nhân. Chống chủ nghĩa cá nhân và nâng cao đạo đức cách mạng là hai nhiệm vụ phải làm cùng. Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để nâng cao đạo đức cách mạng và muốn nâng cao đạo đức cách mạng phải ngăn chặn, đẩy lùi, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Đó là ý chính của bài viết, “là quan trọng nhất”, theo Bác. Trong điều kiện vai trò lãnh đạo của Đảng ta ngày càng được khẳng định đối với toàn xã hội, toàn dân tộc, đội ngũ cán bộ, đảng viên phát triển rộng khắp thì tầm nhìn chiến lược về tác hại của chủ nghĩa cá nhân và nhiệm vụ thường xuyên nâng cao đạo đức cách mạng của Bác Hồ vẫn mang tính thời sự nóng hổi, cảnh báo cho các cấp lãnh đạo không thể không làm theo, không thể không thực hiện nghiêm túc trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tôi rất tâm đắc câu nói nhiều lần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đó không phải chỉ là nhận xét của người đứng đầu cao nhất Đảng ta, của tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta, mà còn là niềm tự hào vô bờ bến của cả dân tộc ta qua trải nghiệm gần một thế kỷ đi dưới ngọn cờ Hồ Chí Minh - Đảng Cộng sản Việt Nam. Với tâm huyết và trách nhiệm lớn lao trước Đảng, trước dân, với cơ đồ và vị thế ngày nay, toàn Đảng ta sẽ quyết tâm học tập, làm theo gương Bác, “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” để xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin yêu của toàn dân tộc.