Thứ Hai, 8 tháng 8, 2022

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGHIÊN CỨU, HỌC TẬP, QUÁN TRIỆT NGHỊ QUYẾT CỦA ĐẢNG, ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NHIỆM VỤ TRONG TÌNH HÌNH MỚI


Nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng là khâu quan trọng, là tiền đề để nghị quyết được triển khai, trở thành hành động nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Chính vì thế, đổi mới, nâng cao chất lượng nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết là việc làm có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay.
1- Nghị quyết của Đảng là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân; thể hiện đường lối, chủ trương, chính sách lớn của Đảng, được xây dựng trên cơ sở yêu cầu phát triển của cách mạng trong mỗi hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: “cần nghiên cứu sâu để thấm nhuần tinh thần Nghị quyết; nghiên cứu càng sâu thì càng thêm phấn khởi, hoàn thành nhiệm vụ càng tốt. Nhưng cán bộ thấm nhuần chưa đủ. Phải làm cho tinh thần Nghị quyết thấm nhuần trong toàn Đảng, toàn dân, làm cho mọi người thấy hết thắng lợi, khả năng và khó khăn của ta, thấy rõ khả năng của ta to lớn hơn khó khăn nhiều, làm sao cho mọi người vui vẻ, hăng hái làm tròn nhiệm vụ, vì khi nhân dân vui vẻ, hăng hái thì mọi khó khăn sẽ vượt được”(1). Người cũng chỉ ra rằng khi đã có nghị quyết, phải lập tức đốc thúc thực hành nghị quyết ấy; phải nắm rõ tình hình sinh hoạt và cách làm việc của cán bộ và nhân dân của từng địa phương; có như thế, mới kịp thời thấy rõ những khuyết điểm và những khó khăn để sửa đổi khuyết điểm và tìm ra cách vượt qua mọi khó khăn trong quá trình thực hiện nghị quyết.
Để nghị quyết đi vào cuộc sống một cách nhanh nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến việc “khai hội với các đảng viên, khai hội với dân chúng (hoặc binh sĩ), phái người đến báo cáo, giải thích.
- Các cấp dưới, đảng viên và dân chúng (hoặc binh sĩ) phải thảo luận những mệnh lệnh và nghị quyết đó cho rõ ràng, hiểu thấu ý nghĩa của nó và định cách thi hành cho đúng”(2). Tuy nhiên, Người cũng chỉ ra hiện tượng ở nhiều nơi, cán bộ lãnh đạo chỉ lo “khai hội” và “thảo nghị quyết”, “đánh điện và gửi chỉ thị”, nhưng không biết những nghị quyết đó đã thực hành đến đâu, có những sự khó khăn, trở ngại gì, dân chúng có nhiệt tình tham gia hay không. Họ quên mất khâu vô cùng quan trọng là kiểm tra việc thực hiện. Chính vì thế, mặc dù “đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị” nhưng công việc vẫn không chạy. Vì vậy, trong quá trình lãnh đạo, “Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng”(3).
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định: “Thành công của Đại hội không phải là thông qua được Nghị quyết, bầu Ban Chấp hành mới, quan trọng hơn, sắp tới phải đưa Nghị quyết vào cuộc sống thế nào, biến nó thành hiện thực thế nào”(4).
Trong bối cảnh hiện nay, khi tình hình thế giới có nhiều biến đổi, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển nhanh và mạnh như vũ bão, tạo ra những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, thì đòi hỏi chúng ta càng phải nhanh nhạy bắt kịp xu thế thời đại, nắm bắt cơ hội phát triển, khắc phục kịp thời những khó khăn, khuyết điểm, hạn chế. Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi toàn Đảng phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, có quyết tâm chính trị cao, dự báo chính xác, kịp thời diễn biến của tình hình, chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống, nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, không ngừng gia tăng tiềm lực mọi mặt của quốc gia, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và những thành quả phát triển đã đạt được, đưa đất nước vững bước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững”(5). Muốn vậy, tinh thần, mục tiêu, Nghị quyết của Đại hội XIII phải được thấm sâu và nhanh chóng được hiện thực hóa trong mọi mặt đời sống của đất nước.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng nhấn mạnh tới yêu cầu cần tiếp tục đổi mới việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng; trong đó, phải đổi mới căn bản chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo phương châm “khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại”; đưa việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược, đi vào nền nếp, nhất quán từ Trung ương đến cơ sở sao cho phù hợp với từng đối tượng; chú trọng chất lượng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm thiết thực, hiệu quả.
Với tinh thần đó, ngay sau Đại hội, các cấp ủy, tổ chức đảng đã tập trung làm tốt việc phổ biến, tuyên truyền sâu rộng nghị quyết trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; nghiên cứu, quán triệt sâu sắc nghị quyết và các văn kiện đại hội; khẩn trương xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch hành động; phát động phong trào thi đua yêu nước trên tinh thần đổi mới sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống.
2- Xác định nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng là nhiệm vụ hàng đầu của công tác chính trị, tư tưởng; thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng đã nhanh chóng, kịp thời triển khai nghị quyết đến từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, tạo nên những chuyển biến rõ rệt về chất và lượng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.
Việc xây dựng kế hoạch, chuẩn bị tài liệu phục vụ tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết được triển khai một cách bài bản và khoa học(6). Cấp ủy các cấp bám sát quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của nghị quyết trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm, tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị, bảo đảm tính khả thi, thiết thực, hiệu quả của chương trình, kế hoạch hành động. Công tác tổ chức hội nghị nghiên cứu, học tập, quản lý người học được chuẩn bị chu đáo, tổ chức chặt chẽ. Hình thức nghiên cứu, học tập được đổi mới, phù hợp với đặc điểm tình hình của từng địa phương, cơ sở, như học tập trực tuyến, thu âm, thu hình phát lại, tọa đàm chuyên đề cho cán bộ, đảng viên trao đổi, thảo luận nội dung nghị quyết, xây dựng chương trình hành động... Báo cáo viên hội nghị được cấp ủy các cấp chọn lọc kỹ lưỡng, có nhiều kinh nghiệm, am hiểu lý luận và thực tiễn, có phương pháp sư phạm, kỹ năng truyền đạt tốt. Cùng với đó, các cơ quan truyền thông, báo chí từ Trung ương đến địa phương cũng mở các chuyên trang, chuyên mục, thường xuyên đưa tin, đăng bài về những nội dung cơ bản, cốt lõi, những điểm mới của nghị quyết, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân có điều kiện tiếp cận nghiên cứu, học tập nghị quyết bằng nhiều cách thức, phương tiện.
Thông qua nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết, các cấp ủy đã triển khai xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, thực hiện một cách hiệu quả các nhiệm vụ trọng yếu, những khâu đột phá, giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách tại cơ quan, đơn vị; đại đa số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động đã tiếp thu, nắm vững các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, yếu kém như: 1- Một số cấp ủy chưa nhận thức đúng về vị trí, tầm quan trọng của việc học tập nghị quyết, chưa thật sự quan tâm đến chất lượng, hiệu quả của việc nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng; 2- Công tác tổ chức học tập nghị quyết còn mang nặng tính khuôn mẫu, hình thức, chưa linh hoạt, sáng tạo; 3- Một số báo cáo viên còn chưa thực sự chuyên sâu trong truyền tải kiến thức, bài nói, bài viết chưa có sự điều chỉnh sao cho phù hợp với đặc điểm của từng đối tượng, lĩnh vực, ngành, nghề; 4- Việc quán triệt nghị quyết chủ yếu mới dừng lại ở khâu báo cáo, ít thời gian tiến hành trao đổi, đặt ra các câu hỏi để thảo luận, tương tác, giải đáp thắc mắc; 5- Tinh thần, thái độ học tập của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thật sự nghiêm túc, vẫn còn tình trạng học đối phó cho xong, việc điểm danh tiến hành qua loa, chiếu lệ; 6- Cơ sở vật chất phục vụ cho học tập nghị quyết ở một số nơi còn khó khăn, thiếu thốn, chưa đáp ứng yêu cầu; 7- Công tác kiểm tra, đánh giá việc nghiên cứu, học tập, quán triệt ở một số nơi vẫn chưa được coi trọng đúng mức; 8- Hình thức nghiên cứu, học tập, quán triệt trực tuyến hiện đang phổ biến, nhưng cũng bộc lộ nhiều điểm yếu, như việc trao đổi, tương tác giữa báo cáo viên và đại biểu ở các điểm cầu ít, công tác kỹ thuật chưa bảo đảm, ảnh hưởng đến tín hiệu đường truyền (âm thanh kém, đường truyền bị đứt đoạn)...
Những hạn chế nêu trên đặt ra đòi hỏi cần tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao hơn nữa chất lượng nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới nhằm bảo đảm chất lượng, hiệu quả học tập theo hướng thiết thực, dễ học, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hành; từ đó, tạo tiền đề thúc đẩy việc đưa nghị quyết vào cuộc sống, biến nghị quyết thành những thành tựu kinh tế - xã hội cụ thể, góp phần đẩy mạnh công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh mới.
3- Trên tinh thần đó, để nâng cao chất lượng nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp cụ thể sau:
👉
Một là, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết từ cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đến các cán bộ, đảng viên. Chú trọng hơn nữa đến công tác tuyên truyền để mỗi cán bộ, đảng viên hiểu và xác định rõ việc học tập nghị quyết là nhu cầu tự thân, vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân. Đây được xem là giải pháp cơ bản, lâu dài góp phần khắc phục có hiệu quả biểu hiện “lười học” nghị quyết của Đảng, theo đúng tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
👉
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong việc tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai nghị quyết. Sự lãnh đạo, chỉ đạo cần sát sao, quyết liệt, đồng bộ, có sự kiểm tra, đôn đốc thường xuyên; phát huy tinh thần chủ động, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong việc xây dựng, thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động nhằm cụ thể hóa nghị quyết. Nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng, là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của tập thể và cá nhân người đứng đầu cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị.
👉
Ba là, cân nhắc, lựa chọn hình thức lớp học phù hợp với từng đối tượng, đổi mới cách thức tổ chức lớp học, cách học với các hình thức đa dạng, như tổ chức hội nghị chung, lớp học chuyên đề; thông qua sinh hoạt chi bộ; qua việc tự nghiên cứu tài liệu; đảng viên thuộc lĩnh vực nào thì tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt sâu ở lĩnh vực đó.
Tiếp tục mở rộng việc tổ chức hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết, coi đây là hình thức cơ bản; phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng kỹ thuật số, đặc biệt là trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19. Đây là hình thức không chỉ mang tính thời sự cao, mà còn cho phép tổ chức với quy mô lớn, tiết kiệm thời gian và chi phí. Tuy nhiên, cần chú ý phân bổ thời gian cho việc trao đổi, giải đáp, tương tác giữa báo cáo viên và đại biểu ở các điểm cầu; đầu tư nâng cấp thiết bị, bảo đảm chất lượng đường truyền trong quá trình nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết. Tùy điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, cần linh hoạt kết hợp hình thức trực tuyến với nghiên cứu, học tập, quán triệt trực tiếp.
Bên cạnh việc tổ chức các lớp học, các cấp ủy cần quan tâm chú ý đến việc hướng dẫn tự nghiên cứu, tra cứu khai thác tài liệu trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm cung cấp đầy đủ tài liệu cho cán bộ, đảng viên, phát huy tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm tự học, tự nghiên cứu của cán bộ, đảng viên. Đồng thời, tăng cường kiểm tra đánh giá nhận thức đối với cán bộ, đảng viên; chú trọng công tác sơ kết, tổng kết việc học tập, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết của Đảng.
👉
Bốn là, lựa chọn, xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên vững vàng về chính trị, tư tưởng, trong sáng về đạo đức, lối sống; có trình độ chuyên sâu về lý luận chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu truyền đạt có hiệu quả nội dung nghiên cứu, học tập, quán triệt. Báo cáo viên ngoài việc làm rõ các quan điểm, chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong nghị quyết, cần phải am hiểu sâu sắc, biết vận dụng một cách phù hợp nội dung của nghị quyết ở từng cấp, từng ngành, cơ quan, đơn vị; gia tăng tính đối thoại, thảo luận dân chủ đối với cán bộ, đảng viên và quần chúng trong quá trình truyền đạt nghị quyết.
👉
Năm là, nghiên cứu xây dựng các tài liệu theo hướng chuyên sâu, phù hợp với từng nhóm đối tượng, cấp phát tới từng chi bộ để cán bộ, đảng viên dễ dàng học tập, nghiên cứu và tuyên truyền. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, ứng dụng sách học tập nghị quyết điện tử, cập nhật kiến thức lý luận chính trị trên các báo, tạp chí lớn của Trung ương, qua internet, mạng xã hội, tạo điều kiện cho người học tiếp cận tài liệu nghiên cứu, học tập một cách thuận tiện, nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi.
👉
Sáu là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, sinh động, sáng tạo, bằng nhiều phương tiện, như sử dụng các kênh thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương (cổng thông tin điện tử, báo, tạp chí...), mạng xã hội, hoạt động sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt của các tổ chức chính trị - xã hội, các hội thi tìm hiểu, thi báo cáo viên giỏi... Trong quá trình tuyên truyền, cần chú ý nắm bắt, lắng nghe tâm tư, thắc mắc của cán bộ, đảng viên và nhân dân về nội dung nghị quyết để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, nâng cao hiệu quả định hướng, tạo sự đồng thuận trong nhận thức của toàn xã hội; kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc nghị quyết.
👉
Bảy là, chú trọng xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết của Đảng một cách rõ ràng, thiết thực, khắc phục tối đa những hạn chế mà Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra: “Chỉ đạo và tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, chậm được khắc phục; năng lực cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương, nghị quyết còn hạn chế; năng lực tổ chức thực hiện của cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, làm cho pháp luật, nghị quyết chậm được thực hiện và hiệu quả thấp”(7). Cần bảo đảm tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của việc thực hiện nghị quyết theo phương châm “kế hoạch 10 phần thì biện pháp phải 20 phần và quyết tâm 30 phần”(
😎
, bởi những kết quả đạt được trên thực tế chính là thước đo chính xác nhất cho việc triển khai, đưa nghị quyết vào cuộc sống.
👉
Tám là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng. Kết quả nghiên cứu, học tập và thực hiện chương trình hành động phải được coi là cơ sở quan trọng để kiểm điểm, đánh giá tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên hằng năm và cả nhiệm kỳ. Sau mỗi đợt nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần chú ý chỉ đạo thực hiện công tác sơ kết, rút kinh nghiệm; từ đó, đề ra biện pháp khắc phục triệt để “bệnh hình thức”, qua loa, đại khái; đồng thời, kịp thời phát hiện, biểu dương, nhân rộng cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả của các tập thể, cá nhân.
Với vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị đất nước, các nghị quyết của Đảng khi được hiện thực hóa tạo ra sự chuyển biến căn bản của đất nước trong từng giai đoạn. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết phải luôn được đổi mới để tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, thống nhất trong ý chí và hành động; từ đó, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để đưa đất nước ngày càng phát triển phồn vinh, hạnh phúc./.

ARMY GAMES 2022: ĐỘI TUYỂN XE TĂNG VIỆT NAM SẺ THI ĐẤU VỚI XE TĂNG MÀU XANH DƯƠNG

 

10 giờ sáng 8-8 (theo giờ Moscow), tại Công viên Patriot ở ngoại ô Moscow đã diễn ra lễ bốc thăm cuộc thi “Xe tăng hành tiến” trong khuôn khổ Hội thao Quân sự Quốc tế (Army Games) 2022 tại Liên bang Nga.
Tham gia thi đấu nội dung “Xe tăng hành tiến” tại Army Games có 21 đội tuyển, được chia thành 2 bảng đấu. Bảng 1 gồm 10 đội: Azerbaijan, Belarus, Venezuela, Việt Nam, Kazakhstan, Nga, Kyrgyzstan, Trung Quốc, Uzbekistan, Mông Cổ. Bảng 2 gồm 11 đội: Abkhazia, Armenia, Zimbabwe, Iran, Lào, Mali, Myanmar, Syria, Sudan, Tajikistan, Nam Ossetia. Theo quy định của Ban tổ chức, năm nay, các đội tuyển thuộc Bảng 1 sẽ thi đấu vòng loại, vòng bán kết (8 đội) và vòng chung kết (4 đội). Trong khi đó, Bảng 2 chỉ thi đấu vòng loại cộng điểm, đội cao điểm xếp trên.
Tại lễ bốc thăm của Bảng 1, Thượng tá Vũ Bá Trường, Đội trưởng Đội tuyển xe tăng Quân đội nhân dân Việt Nam đã bốc thăm vào số 2 màu xanh dương. Như vậy, Đội tuyển xe tăng Việt Nam sẽ thi đấu ở lượt thứ 2 với xe tăng màu xanh dương, cùng lượt đấu với các đội Uzbekistan, Kazakhstan, Venezuela.
Nội dung thi đấu “Xe tăng hành tiến” trong khuôn khổ Army Games 2022 sẽ diễn ra từ ngày 13 đến 27-8 tại thao trường Alabino, ngoại ô Moscow. Lịch thi đấu cụ thể sẽ được Ban tổ chức thông báo sau.
Theo kết quả bốc thăm, Đội tuyển xe tăng Việt Nam sẽ thi đấu với xe tăng màu xanh dương, lượt thi đấu thứ 2.
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân đang tác nghiệp tại Liên bang Nga, Thượng tá Vũ Bá Trường cho biết, sau khi có kết quả bốc thăm, đội tuyển sẽ tiếp tục làm công tác chuẩn bị, nhận xe, nghiên cứu thao trường, điều kiện thi đấu để khi bước vào thi đấu đạt kết quả tốt.
Cũng tại lễ bốc thăm, Đội tuyển “Đội quân văn hóa” Quân đội nhân dân đã biểu diễn bài hát “Hát mãi khúc quân hành” phục vụ các đại biểu và các đội tuyển tham gia môn thi đấu “Xe tăng hành tiến”.
ST

VIVA CUBA! CỐ LÊN CUBA!


Đất nước Cuba, người anh em ở bên kia bán cầu của chúng ta đang phải đối diện với những ngày tháng thảm họa và đầy đau thương trong vụ cháy kho dầu 300.000 ngàn thùng do bị sét đánh trúng. Thiệt hại ước tính sơ bộ lên tới khoảng trên 200 triệu đô la, hơn 120 người đã mất tích....
Trong khi quốc gia này vừa mới bắt đầu trở lại sau đại dịch, đang chịu những lệnh cấm vấn gắt gao từ "quốc gia mà ai cũng biết là quốc gia nào đấy" thì lại gặp phải vụ hỏa hoạn "từ trên trời rơi xuống này".
Nhiều quốc gia, tổ chức lớn như khối EU, Trung Quốc, Ấn Độ, Úc, Canada... đã gửi lời động viên, chia buồn đến cho Cuba và trực tiếp cũng như gián tiếp muốn Cuba tạm thời được gỡ bỏ lệnh cấm vận để có thể mua các nhu yếu phẩm phục vụ công tác phòng, chữa cháy, an sinh xã hội, tái thiết đất nước... Nhưng đáp lại điều đó, siêu cường luôn tự hào cho rằng "văn minh, dân chủ" ấy lại thờ ơ và giữ nguyên quan điểm tiếp tục cấm vận.
Người anh em Cuba của chúng ta là quốc gia duy nhất trên thế giới được tuyệt đại đa phần thế giới ủng hộ thoát khỏi cấm vận (98% số quốc gia trên thế giới) và đều đặn hàng năm luôn có các nghị quyết hoặc các phiên thảo luận đề cập đến vấn đề gỡ bỏ lệnh cấm vận nhắm vào Cuba. Ngay đến các đồng minh của "siêu cường cờ hoa" như khối EU, Úc, Canada, Nhật, Hàn... cũng đều lên tiếng ủng hộ Cuba.
Nhưng, mấy chục năm qua, những lệnh cấm vận vẫn còn tồn tại dai dẳng dựa trên sự áp đặt cường quyền, vô lý.
Ngay cả những giờ phút khó khăn nhất, người dân Cuba vẫn đang kiên cường! Lịch sử có vẻ như luôn làm khó họ, nhưng người anh em của chúng ta vẫn biết cách vươn lên giữa Caribbean... và tạo được dấu ấn với thế giới!
Mong những điều tốt lành nhất sẽ đến với người anh em của chúng ta!
VIVA CUBA! CỐ LÊN CUBA!
ST
Có thể là hình ảnh về ngoài trời

NGUYÊN TỔNG BÍ THƯ LÊ KHẢ PHIÊU: ĐẢNG KHÔNG ĐỂ “NGƯỜI TRUNG MẮC NẠN, KẺ GIAN VUI MỪNG”.

 

Quần chúng không sợ hi sinh, chỉ sợ hi sinh không được tổ chức biết. Đảng dứt khoát không làm 'người trung mắc nạn, kẻ gian vui mừng' - nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu nói.
Năm 1991, tòa soạn báo Quân đội Nhân dân giao cho tôi tháp tùng anh Lê Khả Phiêu - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đi thăm, kiểm tra một số đơn vị quân đội đóng quân phía Nam.
Anh Phiêu dặn tôi chỉ đưa một tin lên báo vào ngày kết thúc chuyến đi công tác. Biết tôi là lính chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên Huế từ năm 1968 và cả thời chống Mỹ, đánh quân Pôn Pốt, đánh quân Trung Quốc xâm lược, có nhiều thành tích trong chiến đấu, đã từng là cán bộ chỉ huy đơn vị, cán bộ cơ quan 18 năm rồi mới đi làm báo, anh Phiêu rất thích.
Ngày đi đơn vị, tối anh Phiêu bảo tôi ở lại chơi trò chuyện rồi hãy về. Kể chuyện chiến đấu ở Trị Thiên, anh Phiêu vẫn nhớ trận Cô Pung mà tôi là xạ thủ số 1 súng cao xạ 12,7 ly, trong 30 phút đã bắn rơi tại chỗ 14 máy bay trực thăng và bắn bị thương 11 chiếc rơi ở đồng bằng.
Trận ấy vang dội cả Quân khu, cả chiến trường, báo đài đăng bài, nói nhiều. Trận thắng Cô Pung ấy được báo cáo điển hình tại đại hội thi đua quyết thắng của Quân khu Trị Thiên Huế tháng 12/1970.
Đại đội 3 và tiểu đoàn 54 chúng tôi được tuyên dương Anh hùng. Anh Phiêu bảo: “Hồi đó hơi cầu toàn, bây giờ phát hiện làm lại có khi cậu được tuyên dương Anh hùng đấy”.
Năm 1998, anh Nguyễn Mạnh Đẩu - Cục trưởng Cục Chính sách vào TP.HCM gặp và bảo tôi: “Cụ Phiêu phê vào hồ sơ của Truật rằng: Cùng chiến đấu với đồng chí Truật còn nhiều người là nhân chứng đang công tác hoặc đã nghỉ hưu. Anh Đẩu cho xác minh và làm Anh hùng cho đồng chí Truật. Nhưng mình trình báo thì anh Phạm Thanh Ngân - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nói “vẫn phải làm từ cơ sở lên”. Khó thế”!
ĐẢNG, NHÀ NƯỚC KHÔNG QUÊN CÔNG LAO CỦA AI
Tháng 2/2013, khi đi kỉ niệm 45 năm tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 tại TP Huế, tôi nói với anh Phiêu: “Em vẫn chưa được Anh hùng anh ạ”. Anh Phiêu cười và nói: “Để về mình nhắc Bộ Quốc Phòng, thành tích của cậu dày mà”.
Sau đó anh Nguyễn Mạnh Đẩu vào đề nghị với lãnh đạo Quân khu 4 nên ngày 10/8/2015, nhân kỉ niệm 70 năm thành lập nước, tôi được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân do lập thành tích đặc biệt xuất sắc trong chống Mỹ cứu nước.
Cũng trong chuyến công tác năm 1991 ấy, tôi hỏi: “Anh Phiêu có nhớ cụ Lê Minh Hội nữa không?” Anh Phiêu bảo: “Hồi Trị Thiên mình là Trưởng phòng Tổ chức thì anh Hội làm Tuyên huấn. Vợ anh Hội là cô Huệ do mình giới thiệu. Ở Campuchia anh Hội làm phó cho mình”.
Tôi nói: “Hồi làm Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 324 cụ Hội nổi tiếng nói thời sự, giảng chính trị rất hay nhưng bây giờ về hưu lại làm thầy bói”. Anh Phiêu cười rồi hỏi: “Có nhiều người tới xem không?”. Tôi nói: “Dạ, đông lắm”.
Hôm sau anh Phiêu bảo tôi mua tút thuốc lá 555 rồi cùng ghé thăm cụ Lê Minh Hội. Vào nhà ông Hội, anh Phiêu cười rồi nói: “Truật bảo bây giờ anh coi bói đắt khách lắm, coi cho tôi một quẻ được không?”.
Ông Hội nghiêm trang nói: “Biết nhau rồi, không nói quá khứ làm tin nữa mà nói thì tương lai nhé: Cậu tu cho tốt thì sẽ làm vua”.
Anh Phiêu hỏi: “Thế nào là tu cho tốt?”. Ông Hội nói: “Tu tốt là sống tử tế như lâu nay cậu vẫn sống với mọi người ấy. Nhưng làm vua thì nên bỏ bớt thói quen khi còn làm quan”.
Mọi người ngồi quanh bàn đều cười vui vẻ. Sau này khi anh Phiêu được phong hàm Thượng tướng, Thường trực Ban Bí thư rồi lên Tổng bí thư, cụ Hội gọi tôi sang bảo: “Truật thấy anh coi đúng không? Cậu cố gắng giúp ông Phiêu nhé. Chuyện phong Anh hùng cho cậu thì chắc chắn được. Đảng và Nhà nước không quên công lao của ai đâu”.
SAI THÌ SỬA, SỬA TRIỆT ĐỂ
Sau này, tôi nhiều lần làm việc, báo cáo tình hình mà tôi biết được cho Anh. Có lần anh Phiêu trầm ngâm bảo tôi: “Cậu thật thà quá!”. Thấy tôi chăm chú nhìn, anh Phiêu cười rồi nói: “Cổ nhân dạy: Thật thà là cha quỉ quái. Nhưng làm việc phải cẩn thận hơn. Phân tích, tổng hợp, đưa ra giải pháp tốt nhất. Làm nhà báo Cách mạng thì phải quan hệ thật rộng để có nhiều thông tin nhưng phải giữ lòng mình thật trong sáng, đạn bọc đường bây giờ nhiều lắm”.
Một lần tôi báo cáo anh Phiêu về tình trạng do luật sĩ quan mà cấp úy được nghỉ hưu, còn cấp tá thì phải phục viên. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư, tình cảm của sĩ quan tại ngũ và những người sắp thành sĩ quan quân đội. Anh Phiêu nghe rất chăm chú rồi nói: “Cậu viết bài nói tình hình này lên báo Quân đội Nhân dân đi. Anh sẽ xử lý”. Tôi về viết ngay bài “Được về hưu và phải phục viên” đăng Diễn đàn Chủ nhật của báo. Bài báo gây xôn xao dư luận.
Gặp lại tôi, anh Phiêu khen và nói: “Quân ủy Trung ương đã có chỉ thị không cho sĩ quan cấp tá phục viên. Những trường hợp đã cho phục viên thì ai đủ 20 năm tại ngũ được cho chuyển chế độ thành nghỉ hưu. Sai thì sửa, sửa triệt để. Không để anh em bị thiệt thòi. Quần chúng không sợ hi sinh, chỉ sợ hi sinh không được tổ chức biết. Đảng dứt khoát không làm “người trung mắc nạn, kẻ gian vui mừng”.
Khi mới lên Tổng bí thư, vào TP.HCM chuẩn bị tang lễ cho Cố vấn, nguyên Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, anh Phiêu gọi tôi vào, cho tôi xem điếu văn ngày mai anh sẽ đọc và bảo: “Anh Lê Xuân Tùng, nguyên trợ lý anh Nguyễn Văn Linh viết đấy. Truật xem góp ý đi”. Tôi ngập ngừng. Anh bảo: “Đọc và góp ý thoải mái. Dân chủ mà”.
RẤT TÂM ĐẮC VẤN ĐỀ CHỈNH ĐỐN ĐẢNG, CHỐNG THAM NHŨNG
Trước lúc Trung ương 8 ra Nghị quyết 6 lần 2, anh Phiêu rất tâm đắc vấn đề chỉnh đốn Đảng, chống tiêu cực, chống tham nhũng. Bây giờ đọc lại và thấy Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng triển khai chương trình, chiến dịch chống tham nhũng, xây dựng Đảng, tôi nghĩ nếu từ Đại hội 9, 10, 11 mà làm theo Nghị quyết 6 lần 2 của Đại hội 8 thì Đảng ta mạnh lắm, và thất thoát, lãng phí sẽ giảm biết bao nhiêu…
Là người may mắn có nhiều dịp làm việc, báo cáo cho anh Phiêu, được anh dạy dỗ, hướng dẫn, tiếp đón chân tình, ấm áp như người anh em, kỉ niệm đẹp có nhiều, không lời nào nói hết được.
Nay anh Phiêu về với tổ tiên, về với thế giới người hiền, mất mát này không có gì bù đắp nổi.
Nhắc lại kỉ niệm với anh Phiêu là nén nhang thành kính của đứa em, đồng chí, đồng đội.
Thân quý tiễn Anh - nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu muôn vàn kính yêu.
Tác giả: Đặng Thọ Truật (Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân).
ĐTCLĐXTTKGM
Có thể là hình ảnh về 5 người, mọi người đang đứng và văn bản cho biết '2sាnne Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trị- Thượng tướng Lê Khả Phiêu trong giờ giải lao tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đoàn 4. Tác giả bài viết đứng thứ 2 từ phải sang'
218
8 bình luận
27 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY 09/8


“Lửa thử vàng, gian nan thử bạn”.
Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài: “Thực dân Pháp xâm lăng Bidéctơ”, đăng trên Báo Nhân dân, số 2697, ngày 09 tháng 8 năm 1961.
Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch trần âm mưu, thủ đoạn thâm độc, tâm địa đen tối của chủ nghĩa đế quốc, thực dân thông qua việc thực dân Pháp xây dựng căn cứ quân sự kiên cố ở Bidéctơ - một cửa biển của nước Tuynidi, sau đó được Mỹ bật đèn xanh (cũng có căn cứ quân sự tại đây) dùng vũ lực tiếp tục chiếm đóng nốt phần còn lại của thành phố Bidéctơ (Tuynidi). Nhân vấn đề ở Bidéctơ, Người muốn cảnh tỉnh quân và dân ta nhận rõ đâu là bạn, đâu là thù để không mắc mưu kẻ thù.
Quán triệt tư tưởng của Hồ Chí Minh về bạn, thù đối với cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã xác định đúng đắn đường lối đối ngoại để tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Trong sự nghiệp đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế hiện nay, thấu triệt tư tưởng của Bác, Đảng ta đã đổi mới tư duy “bạn và thù” sang “đối tác và đối tượng” - đây là bước đột phá mở đầu cho những thành tựu của cách mạng nước ta, góp phần xây dựng, củng cố đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế, đã được phát triển, bổ sung và cụ thể hóa trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới: “Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác; bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng. Mặt khác, trong tình hình diễn biến nhanh chóng và phức tạp như hiện nay, cần có cách nhìn biện chứng: Trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ hợp tác; trong mối đối tác có thể có mặt mâu thuẫn với lợi ích của ta cần phải đấu tranh”[2].
Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện đã cùng với toàn Đảng, toàn dân đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, giải phóng đất nước, hoàn thành nhiệm vụ quốc tế cao cả và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia, dân tộc. Sức mạnh chiến đấu, chiến thắng của Quân đội ta là sức mạnh tổng hợp của nhiều nhân tố; trong đó, có sự giúp đỡ, ủng hộ của bạn bè quốc tế, nhất là các nước xã hội chủ nghĩa anh em trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước. Trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy… công tác đối ngoại quốc phòng được triển khai đồng bộ, toàn diện trên các mặt công tác; xử lý linh hoạt, kiên quyết, có hiệu quả các tình huống phức tạp nảy sinh trên biển, đảo, thềm lục địa, biên giới, là kênh quan trọng, hiệu quả, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình, không để xảy ra xung đột, đối đầu, không để bị động bất ngờ trước mọi tình huống… góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…
Có thể là hình ảnh về 1 người, đang đứng và văn bản cho biết 'ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH CHỦ TỊCH Há CHÍ MINH'
22
8 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ