Đối với kinh nghiệm về môi giới bất động sản, có thể thấy, hầu hết các nước phát triển trong khu vực và thế giới đều rất chú trọng đến việc đảm bảo một thị trường kinh doanh dịch vụ bất động sản minh bạch và hiệu quả. Chứng chỉ môi giới được quy định cụ thể, học viên bắt buộc phải thi đạt trong kỳ thi sát hạch môi giới mới được cấp thẻ hành nghề. Việc này đảm bảo tính chuyên nghiệp giúp cho khách hàng tránh được tình trạng nhà môi giới làm ăn không đứng đắn gây thiệt hại lợi ích của khách hàng. Các đại lý môi giới chuyên nghiệp như Savills, CBRE, Knightfrank, Cushman&Wakefield, v.v. là những nhà môi giới uy tín và đảm bảo được thừa nhận trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, các nhà môi giới này cũng hoạt động tương đối rộng, tuy nhiên họ chưa thực sự có tầm ảnh hưởng nhất định trong thị trường Việt Nam, đặc biệt là đối với người dân mua bán đầu cơ bất động sản.
Lý do của việc này, thứ nhất, là do Nhà nước đã không thắt chặt vấn đề cấp chứng chỉ hành nghề môi giới, dẫn đến chứng chỉ môi giới chỉ mang tính chất ‘minh họa’, rất nhiều người môi giới không đủ kinh nghiệm và chuyên môn tràn ngập trên thị trường, và vì thế việc người dân tiếp cận đến các đại lý môi giới chuyên nghiệp không nhiều. Thứ hai, các văn phòng môi giới chuyên nghiệp này đòi mức phí môi giới tương đối cao, vì thế đối với tâm lý người dân mua nhà (đặc biệt mua căn hộ để ở chứ không theo diện đầu tư) thì đó cũng là một vấn đề cần phải quan tâm. Thứ ba, các văn phòng môi giới này thường chỉ tập trung vào các dự án cao cấp trong địa bàn thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh, những dự án nhỏ lẻ giá mua thấp phù hợp với đại đa số người dân Việt Nam có nhu cầu thì họ lại không có nhiều.
Việt Nam cần có những quy định chặt chẽ trong việc cấp chứng chỉ môi giới, hạn chế những cá nhân không đủ năng lực và kinh nghiệm dẫn đến hoạt động thiếu minh bạch và hiệu qủa gây thiệt hại cho khách hàng. Chính phủ nên có yêu cầu bắt buộc việc thành lập văn phòng môi giới, không để những cá nhân không chuyên nghiệp thực hiện môi giới riêng lẻ khiến khách hàng không được tư vấn và lựa chọn tốt nhất. Ngoài ra giống như Hàn Quốc, Chính phủ có thể quy định mức phí tối đa cho việc mua bán, trao đổi nhà và công trình xây dựng. Như thế người dân có thể nắm rõ được mức phí mà họ phải trả cho việc thuê nhà môi giới, tránh tình trạng nhà môi giới này nâng phí hoặc hạ phí để cạnh tranh trên thị trường. Đối với các nhà môi giới thì sự cạnh tranh nằm ở mạng lưới bất động sản họ nắm giữ, sự chuyên nghiệp của đội ngũ môi giới và tư vấn, các dịch vụ như nghiên cứu thị trường, thẩm định giá, M&A.
Về mô hình bảo lãnh bán, cho thuê, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, mô hình bảo lãnh nhà ở của Hàn Quốc có tính ứng dụng cao cho thị trường bất động sản ở Việt Nam nhằm đảm bảo tính minh bạch, công khai và an toàn cho cả người mua và người bán bất động sản. Về mặt tổ chức, Tổng công ty bảo lãnh nhà ở Hàn Quốc là doanh nghiệp trực thuộc Bộ đất đai, hạ tầng và giao thông Hàn Quốc, hiện Tổng công ty có 18 chi nhánh trong cả nước.
Lãnh đạo Tổng công ty do Bộ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc bổ nhiệm, miễn nhiệm. Với mô hình tổ chức này, Việt Nam có thể dễ dàng thành lập ra một công ty bảo lãnh tương tự, tuy nhiên việc thành lập và áp dụng mô hình bảo lãnh nhà ở này cũng cần phải xét đến rất nhiều yếu tố quan trọng như giá thành của bất động sản, tổ chức trung gian giám sát công ty bảo lãnh, và tính hiệu quả của việc bảo lãnh nhà ở đối với thị trường bất động sản ở Việt Nam.