Thứ Tư, 18 tháng 9, 2024

Các cơ quan báo Đảng tham gia hiệu quả hơn bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

 Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho rằng, phải có những giải pháp tổng thể, đồng bộ nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của các cơ quan báo Đảng trong tình hình mới, đảm bảo các cơ quan báo Đảng tham gia ngày càng hiệu quả hơn vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong bối cảnh hiện nay.

Đồng chí Lê Quốc Minh phát biểu tại hội thảo. 

Chiều 16/9, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Báo Nhân Dân tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Hệ thống báo Đảng với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”.

Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; GS.TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Lê Quốc Minh cho biết, cách đây hơn 99 năm, vào ngày 21/6/1925, tờ báo Thanh Niên do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập xuất bản số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của nền Báo chí cách mạng Việt Nam. Từ đó đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hệ thống báo Đảng của nước ta không ngừng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt, luôn xứng đáng là lực lượng nòng cốt trên mặt trận tư tưởng của Đảng, giữ vai trò trung tâm trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng, giao phó cho báo chí…

Đồng chí Lê Quốc Minh nêu rõ: Hệ thống báo Đảng hiện nay gồm các cơ quan báo chí có bề dày lịch sử, truyền thống của Trung ương và địa phương; là những kênh thông tin, tuyên truyền chính thống, tin cậy và chính xác nhất. Các chuyên trang, chuyên mục, tuyến bài về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được duy trì thường xuyên, trong đó có nhiều tác phẩm xuất sắc được ra đời, gây tiếng vang và tác động sâu sắc đến hiểu biết, nhận thức và thái độ của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Qua đó góp phần nhanh chóng đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn đời sống...

Tuy nhiên, thực tiễn đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với các cơ quan báo Đảng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đặc biệt, khi nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với đó là sự bùng nổ thông tin trên Internet và mạng xã hội tạo điều kiện cho các thế lực thù địch, quan điểm sai trái lợi dụng không gian mạng để truyền thông phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng.

GS.TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. 

Một số nơi còn thiếu chủ động trong xây dựng kế hoạch thông tin - tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, thiếu vắng các cây bút sắc sảo, tác phẩm chuyên sâu, có tính chiến đấu cao về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; hình thức thể hiện có phần thiếu sinh động, hấp dẫn, chưa gần gũi với đối tượng công chúng tiếp nhận, nhất là giới trẻ; phương thức làm báo, cách tiếp cận độc giả vẫn bị bó hẹp trong không gian cũ, dẫn đến hiệu ứng lan tỏa các bài viết về nền tảng tư tưởng của Đảng chưa cao… Do đó, cần phải có những giải pháp tổng thể, đồng bộ nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của các cơ quan báo Đảng trong tình hình mới, đảm bảo các cơ quan báo Đảng tham gia ngày càng hiệu quả hơn vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong bối cảnh hiện nay.

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS. Lê Văn Lợi khẳng định: Thời gian qua, cùng sự quan tâm, chăm lo, bồi dưỡng của Đảng và Nhà nước, các cơ quan báo chí, hệ thống báo Đảng không ngừng nỗ lực đạt được những bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện, đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền có hiệu quả việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

GS.TS. Lê Văn Lợi cho rằng, nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức bởi những diễn biến phức tạp của tình hình khu vực và thế giới. Điều này đang đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng phức tạp, nặng nề đối với các cơ quan trong hệ thống báo Đảng đối với việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TƯ của Bộ Chính trị.

“Việc tiếp tục nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò chủ lực của hệ thống báo Đảng trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay là rất cần thiết”, GS.TS. Lê Văn Lợi nhấn mạnh.

Sau thời gian tích cực chuẩn bị, Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 62 tham luận, với các chủ đề và góc nhìn phong phú, đa dạng. Tại hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, phân tích, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về hệ thống báo Đảng với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; đánh giá các ưu điểm, hạn chế và phân tích nguyên nhân, từ đó làm rõ những vấn đề đặt ra.

Các đại biểu cũng đề xuất các định hướng, giải pháp và khuyến nghị nhằm phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả tham gia của hệ thống báo Đảng trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

PGS.TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu tại hội thảo. 

Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS.TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh, các tham luận tại Hội thảo đều khẳng định: Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong tình hình hiện nay là một nội dung cơ bản, đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta; ảnh hưởng trực tiếp và có ý nghĩa quyết định đối với sự sống còn của chế độ.

Đây là cuộc chiến cam go, phức tạp, lâu dài, đòi hỏi phải huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó có vai trò rất quan trọng của báo chí cách mạng. Đây là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò tiên phong trên trận địa tư tưởng, văn hóa, thông tin - tuyên truyền, tham gia bảo vệ Ðảng, Nhà nước, nhân dân, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.

Các đại biểu, nhà khoa học và nhà báo tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

PGS.TS. Phạm Minh Sơn nhấn mạnh, các nội dung của Hội thảo khẳng định, các cơ quan báo Đảng đã tích cực xây dựng các chuyên mục, chuyên đề riêng về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, sản xuất nhiều tác phẩm báo chí chất lượng phân tích và phản biện chuyên sâu về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; chú trọng giáo dục lòng yêu nước, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; tăng cường lan tỏa các thông tin tích cực, các thành tựu của công cuộc Đổi mới đất nước trên tất cả các lĩnh vực…

“Nhiều mô hình hay, bài học kinh nghiệm sâu sắc và các giải pháp có giá trị cao đưa ra trong Hội thảo hôm nay sẽ là cơ sở để Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Báo Nhân Dân, Học viện Báo chí và Tuyên truyền xây dựng kiến nghị với Đảng và Nhà nước, với các cơ quan báo Đảng nhằm tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong thời gian tới.”, PGS.TS. Phạm Minh Sơn nhấn mạnh.

“Bùi Bằng Đoàn - Người trí thức yêu nước nhiệt thành, nhà lãnh đạo tài năng của Nhà nước”.

 Hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm lần thứ 135 Ngày sinh cụ Bùi Bằng Đoàn (1889 - 2024) - nguyên Trưởng Ban Thường trực Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), một trí thức yêu nước nhiệt thành, người cộng sự gần gũi, thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam và Thủ đô Hà Nội.

Ngày 17/9 tại Hà Nội, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Bùi Bằng Đoàn - Người trí thức yêu nước nhiệt thành, nhà lãnh đạo tài năng của Nhà nước”. 

Chủ trì Hội thảo 

Phát biểu khai mạc và đề dẫn, GS.TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, cụ Bùi Bằng Đoàn sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng tại làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông, nay thuộc thành phố Hà Nội. Năm 1906, khi mới 17 tuổi, Bùi Bằng Đoàn đã thi đỗ Cử nhân, rồi được nhận vào học và tốt nghiệp Thủ khoa Trường Hậu Bổ, cơ sở đào tạo viên chức hành chính lúc bấy giờ và lần lượt được bổ nhiệm các chức quan từ cấp huyện lên cấp tỉnh tại Phú Thọ, Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Ninh, Nam Định, Lạng Sơn, Cao Bằng, Phúc Yên, Ninh Bình… Năm 1933, Cụ được bổ nhiệm làm Thượng thư Bộ Hình, thành viên Viện Cơ mật, rồi năm 1945 làm Chánh nhất Tòa Thượng thẩm Hà Nội. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, quý trọng tài đức của Cụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời Cụ ra giúp nước, đảm nhiệm nhiều trọng trách: thành viên Ban Cố vấn Chủ tịch nước, thành viên Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết, Trưởng Ban Thanh tra Đặc biệt của Chính phủ, thành viên sáng lập Hội Liên hiệp quốc dân, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương tản cư và di cư.

Để góp phần làm rõ hơn cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của cụ Bùi Bằng Đoàn đối với cách mạng Việt Nam, GS.TS. Lê Văn Lợi đề nghị các đại biểu, các nhà khoa học tập trung thảo luận, làm rõ những nội dung: Cụ Bùi Bằng Đoàn - từ vị quan chính trực, tài năng, trở thành một cán bộ lãnh đạo có nhiều đóng góp to lớn trong chính quyền cách mạng; cụ Bùi Bằng Đoàn - nhà lãnh đạo chủ chốt tài năng của Quốc hội; cụ Bùi Bằng Đoàn - tấm gương đạo đức sáng ngời của người trí thức yêu nước nhiệt thành, người cộng sự gần gũi, thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam.

Quang cảnh Hội thảo 

Dù trên bất kỳ cương vị nào, một vị quan đại thần, hay là một nhà lãnh đạo cấp cao của Quốc hội và Chính phủ, cụ Bùi Bằng Đoàn luôn tỏa sáng tinh thần "cần, kiệm liêm chính, chí công vô tư", đem hết tài năng, trí tuệ và sức lực của mình để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. 

Từ khi là một vị quan của chính quyền cũ, cụ Bùi đã nổi tiếng về đức “Liêm”. Cụ cho treo ở công đường bảng thông báo “không nhận quà biếu” và nghiêm cấm người nhà nhận quà biếu, nếu nhận sẽ bị phạt rất nặng. Điều đó thể hiện rõ tinh thần liêm chính, chí công vô tư của một bậc danh Nho chân chính. Cụ luôn đề cao tinh thần thân dân, đau xót trước cảnh nhân dân đói khổ lầm than. Khi làm Tri phủ huyện Xuân Trường, Nam Định, Cụ đã tổ chức đắp đê Bạch Long ngăn nước mặn, tạo một vùng trồng lúa rộng lớn, giúp đời sống nhân dân hưng thịnh. Để ghi công đức của Cụ, nhân dân địa phương đã làm lễ tế sống vị “Phụ mẫu chi dân” trẻ tuổi. 

Từ một vị quan chính trực, tài năng, cảm phục và mến mộ tài đức, uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tin tưởng vào tương lai tất thắng của cách mạng, cụ Bùi đã nhận lời mời tham gia chính quyền cách mạng, dấn thân vào con đường đầy gian khổ, chông gai, nhưng cũng hết sức vẻ vang, cao đẹp và đã tích cực tham gia xây dựng Chính phủ, Quốc hội. Được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao đảm nhiệm nhiều trọng trách quan trọng của Nhà nước, Cụ đã đem hết tài năng và tâm huyết, đóng góp to lớn vào việc xây dựng và củng cố bộ máy nhà nước mới được thành lập thực sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Thời gian sống và làm việc ở chiến khu Việt Bắc, cụ Bùi Bằng Đoàn giữ nếp sống hết sức giản dị, khiêm tốn. Cụ “đã luôn luôn chân dậm đất, lặn suối trèo đèo nhiều khi sát ngày tiếng súng để cùng Chính phủ điều khiển cuộc kháng chiến”. Thời gian này, Cụ có điều kiện thường xuyên làm việc gần gũi và gắn bó mật thiết với Chủ tịch Hồ Chí Minh như hai người bạn tri âm, tri kỷ. Tấm gương tài đức của Cụ luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng, thường xuyên đến thăm hỏi, trao đổi không chỉ về công việc, mà cả văn chương, thơ phú...  


Thực hiện tốt phương châm Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng.

 Ngày 17/9, Thành ủy Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức Hội nghị tổng kết 25 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong 25 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở . (Ảnh: PV)

Báo cáo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Trí Dũng, Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy Thủ Đức cho biết: Qua 25 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW, các chủ trương, quan điểm của Đảng về quy chế dân chủ ở cơ sở; theo từng giai đoạn, đến nay Ban thường vụ Thành ủy Thủ Đức đã tập trung chỉ đạo Cấp ủy các Chi, Đảng bộ cơ sở, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân; nhất là quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng về phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, về thực hiện quyền dân chủ trực tiếp tại cơ sở.

Trong những năm qua, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện 71 mô hình hay, cách làm hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ tổ chức và cá nhân, 345 sáng kiến cấp TP Thủ Đức. Cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể từ thành phố đến cơ sở đã ban hành hơn 2.800 văn bản, tổ chức gần 1.500 hội nghị, cuộc tuyên truyền cho hơn 55.000 lượt cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trên địa bàn các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” để thực hiện bê tông hóa các tuyến đường, hẻm, các công trình phúc lợi, có 13.983 hộ dân tham gia hiến đất mở đường, với tổng diện tích 410.553m2 đất (tổng giá trị đất tương đương số tiền 1.464 tỷ đồng); ngoài ra Nhân dân đóng góp kinh phí trên 1.197 tỷ đồng và hơn 10.000 ngày công để thực hiện các công trình... Đồng thời, đề ra 9 phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp, Bí thư Thành ủy Thủ Đức ghi nhận kết quả trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của các cấp ủy, chính quyền và Ban Chỉ đạo ở các cơ sở. Qua đó, đề nghị các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp thực hiện có hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; chính quyền phải cải tiến hành chính, tăng cường nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ để phục vụ Nhân dân, đảm bảo quyền làm chủ Nhân dân; các cấp ủy cơ sở tổ chức tốt hội nghị Nhân dân; phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và trong xã hội theo tinh thần “3 xây - 3 chống”, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm dân chủ hoặc lợi dụng dân chủ để gây rối, làm mất đoàn kết nội bộ; xác định thực hiện Luật Thực hiện dân chủ cơ sở là tiêu chí đánh giá phân loại tổ chức cơ sở Đảng, người đứng đầu cấp ủy…

Đánh giá cao kết quả đạt được trong việc xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở của TP Thủ Đức thời gian qua, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP Hồ Chí Minh đề nghị các cấp ủy, chính quyền TP Thủ Đức cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, tiếp công dân và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong tiếp dân, đối thoại trực tiếp với Nhân dân, kịp thời giải quyết vướng mắc, khiếu nại của Nhân dân; phát huy vai trò MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện xã hội, chú trọng đổi mới phương thức hoạt động đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tình hình mới; phát huy tốt vai trò Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ cơ sở...

Dịp này, Thành ủy Thủ Đức đã khen thưởng 52 tập thể, 34 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 25 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở./.

Bồi dưỡng chuyên đề lịch sử Đảng: “Đảng ta thật là vĩ đại”.

 Hội nghị tập huấn nhằm giúp cho giáo viên, giảng viên, báo cáo viên trong toàn tỉnh thống nhất nhận thức về nội dung, phương pháp giảng dạy chuyên đề lịch sử Đảng - “Đảng ta thật là vĩ đại” trong hệ thống giáo dục quốc dân và các trung tâm chính trị của tỉnh.

Đồng chí Lê Minh Đức, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long phát biểu tại hội nghị. 

Ngày 18/9, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long tổ chức Hội nghị tập huấn chương trình bồi dưỡng chuyên đề lịch sử Đảng: “Đảng ta thật là vĩ đại” năm 2024 bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ tỉnh đến cơ sở.   

Theo đó, trong thời gian 01 ngày, tại 165 điểm cầu trực tuyến trong toàn tỉnh, trên 7.000 cán bộ, đảng viên, giáo viên, giảng viên, báo cáo viên đã được nghe TS. Nguyễn Bách Khoa, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long, Trưởng Khoa Cơ bản, Trường Đại học Cửu Long trình bày chuyên đề lịch sử địa phương với 04 chuyên đề thành phần, gồm: “Lược sử vùng đất Vĩnh Long; truyền thống lịch sử của tỉnh Vĩnh Long; truyền thống văn hóa Vĩnh Long; và Nhân vật lịch sử tỉnh Vĩnh Long” và TS. Phan Công Khanh, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV triển khai 03 chuyên đề: “Đảng Cộng sản Việt Nam sự lựa chọn duy nhất của cách mạng Việt Nam; đường lối lãnh đạo của Đảng soi sáng con đường cách mạng Việt Nam và chuyên đề: Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác”.

 Toàn cảnh hội nghị tập huấn.

Phát biểu tại hội nghị tập huấn, đồng chí Lê Minh Đức, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long nhấn mạnh, hội nghị tập huấn nhằm giúp cho giáo viên, giảng viên, báo cáo viên trong toàn tỉnh thống nhất nhận thức về nội dung, phương pháp giảng dạy chuyên đề lịch sử Đảng - “Đảng ta thật là vĩ đại” trong hệ thống giáo dục quốc dân và các trung tâm chính trị của tỉnh.

Đồng thời, giúp cán bộ, đảng viên, hội viên các đoàn thể chính trị, xã hội từ tỉnh đến cơ sở nắm vững, hiểu sâu sắc hơn về vai trò lãnh đạo của Đảng ta, về sứ mệnh, sự cống hiến của Đảng ta đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Qua đó, củng cố hơn nữa niềm tin của cán bộ, đảng viên vào đường lối và sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, góp phần tạo ra sự đồng lòng, đồng thuận trong xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, khát vọng cống hiến, xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Xây dựng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trở thành hình mẫu về công tác xây dựng Đảng.

 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị cần xây dựng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thật sự trở thành hình mẫu về công tác xây dựng Đảng; hình mẫu về giữ gìn kỷ cương học đường, kỷ luật học tập, địa chỉ đỏ ươm trồng những phẩm chất tốt đẹp của người Cộng sản

Chiều 17/9, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống (9/1949 - 9/2024) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất; trực tuyến tới các điểm cầu của các Học viện trực thuộc. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tới dự và phát biểu.

Đại biểu dự Lễ kỷ niệm 

Tham dự buổi Lễ còn có các đồng chí: Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, thành phố Hà Nội và nhiều địa phương trong cả nước; các nhà giáo, nhà khoa học, cán bộ, công chức, viên chức và học viên thuộc hệ thống Học viện; các vị Đại sứ, đại diện các nước, các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.

Trước buổi Lễ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và toàn thể đại biểu đã dành một phút tưởng niệm các cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh và các nạn nhân đã mất do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

75 năm truyền thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (Nguồn: vtvgo.vn)

Ôn lại quá trình xây dựng và trưởng thành của Học viện, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nêu rõ, tháng 9/1949, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và dự lễ khai giảng Lớp lý luận dài hạn, khóa II, tại xóm Làng Luông, xã Bình Thành, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Người đã ghi trên trang đầu cuốn Sổ vàng của Nhà trường lời huấn thị vô cùng quý giá: Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Ðoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải: "cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư". Sự kiện Bác Hồ về thăm là một mốc son trong lịch sử hình thành của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, được ghi nhận là Ngày truyền thống vẻ vang của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương ôn lại quá trình xây dựng và trưởng thành của Học viện

Đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, hòa cùng tiến trình đổi mới của đất nước, từ mái trường Đảng Trung ương, hạt giống ban đầu được Bác Hồ kính yêu ươm mầm nơi chiến khu Việt Bắc, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã trải qua các giai đoạn phát triển với nhiều tên gọi khác nhau, không ngừng trưởng thành và lớn mạnh.

Hiện nay, Học viện có cơ cấu tổ chức gồm: 18 viện chuyên ngành, thông tin, xuất bản; 10 đơn vị chức năng; các Học viện Chính trị khu vực: I (Hà Nội), II (Thành phố Hồ Chí Minh), III (Đà Nẵng), IV (Cần Thơ) và Học viện Báo chí và Tuyên truyền; kết nối đồng bộ với hệ thống các trường chính trị của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

75 năm qua, mang trọng trách vinh quang với niềm tự hào là ngôi trường thực hiện "công việc gốc của Đảng", Học viện đã đào tạo hàng trăm nghìn cán bộ trung, cao cấp của Đảng và hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và học viên quốc tế có trình độ lý luận chính trị, đạo đức cách mạng, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, năng lực tổ chức thực tiễn, đáp ứng kịp thời và hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược của sự nghiệp cách mạng trong các thời kỳ lịch sử.

Với những cố gắng, nỗ lực và thành tích to lớn trong 75 năm xây dựng và phát triển, Học viện đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh (hai lần), Huân chương Độc lập, danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và Huân chương Lao động hạng Nhất (lần 2).

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trao Huân chương Lao động hạng Nhất, phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước dành cho Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước dành cho Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; bày tỏ vui mừng đến dự Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống của Học viện, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi tới các quý vị đại biểu, khách quý cùng toàn thể các giáo sư, tiến sĩ, các nhà nghiên cứu, các thế hệ nhà giáo, cán bộ, giảng viên, học viên của Học viện lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc Học viện ngày càng phát triển, không ngừng củng cố vai trò, vị trí là địa chỉ đặc biệt tin cậy và có uy tín của Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược.

"Trải qua 75 năm xây dựng và trưởng thành, thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”, các thế hệ cán bộ, giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh luôn đoàn kết thống nhất, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; thực hiện tốt sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung cao cấp của Đảng và hệ thống chính trị, nghiên cứu, cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, không ngừng bồi đắp truyền thống vẻ vang với những thành tựu đáng tự hào", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nói.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, phấn khởi, tự hào về những thành tựu mà Học viện mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đạt được sau 75 năm xây dựng và phát triển, càng ý thức sâu sắc về trách nhiệm vinh quang trên chặng đường cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thực hiện cho được ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Toàn đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”, trong bối cảnh tình hình có nhiều thuận lợi, song cũng có không ít khó khăn, thách thức. Theo đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gợi mở 04 vấn đề đối với Học viện: 

Thứ nhất, đổi mới mạnh mẽ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo phương châm “người học là trung tâm, nhà trường là nền tảng, giảng viên là động lực”. Kiên quyết khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận, học qua loa, đại khái, học kiểu “tráng men”; coi trọng việc giáo dục, nâng cao đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng và trình độ, năng lực lãnh đạo, quản lý cho học viên; gắn lý luận với thực tiễn. Chủ động bám sát yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý trong các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng để xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp. Tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho các chức danh lãnh đạo, quản lý; kết hợp giữa học tập lý luận, nghiên cứu thực tiễn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; trang bị tầm nhìn, tư duy chiến lược, phương pháp, kỹ năng lãnh đạo, quản lý phù hợp với từng vị trí, cơ quan, địa phương và đất nước; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, có tinh thần “Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu chỉ đạo 

Thứ hai, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác nghiên cứu khoa học, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn. Lý luận có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển đất nước trong thời đại mới. Theo Ăng ghen “Một dân tộc muốn đứng trên đỉnh cao của khoa học thì không thể không có tư duy lý luận”; Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”. Góp phần phát triển, hoàn thiện lý luận dẫn đường thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược của Đảng là nhiệm vụ vẻ vang của Học viện trong thời gian tới. "Mục tiêu, yêu cầu cao nhất của nghiên cứu khoa học, lý luận mà Học viện phải đạt được đó là “Giải đáp kịp thời những vấn đề thực tiễn mới, phức tạp; dự báo các xu thế phát triển, những tình huống chiến lược phải xử lý, chỉ ra những điểm nghẽn cản trở sự phát triển. Cung cấp kịp thời cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đáp ứng yêu cầu phát triển đất  nước trong thời đại mới, tạo đồng thuận trong toàn Đảng, toàn dân, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần thực hiện thành công cuộc cách mạng phát triển phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh. 

Thứ ba, xây dựng Học viện thật sự trở thành hình mẫu về công tác xây dựng Đảng; hình mẫu về giữ gìn kỷ cương học đường, kỷ luật học tập, địa chỉ đỏ ươm trồng những phẩm chất tốt đẹp của người Cộng sản; cái nôi để rèn luyện tính đảng, văn hóa Đảng và bản lĩnh chính trị vững vàng cho cán bộ, đảng viên tham gia học tập, bồi dưỡng tại Học viện. Tiếp tục hỗ trợ, đồng hành với các Trường chính trị để sớm đạt chuẩn cao hơn; hoàn thiện mô hình Học viện thông minh; giữ gìn và lan tỏa những giá trị tích cực của văn hóa Trường Đảng tới các Trường Chính trị và các cơ sở đào tạo khác trên cả nước.

Thứ tư, các học viên phải thấm nhuần và thực hiện cho bằng được lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu trong Sổ Vàng truyền thống của Nhà trường khi đến thăm Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, đó là “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh: "Hơn lúc nào hết, các đồng chí phải ý thức sâu sắc trách nhiệm và nhiệm vụ của bản thân trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân; trước yêu cầu thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược, xây dựng Đảng vững mạnh, nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Để từ đó không ngừng trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tri thức lý luận, bản lĩnh chính trị, tư duy, tầm nhìn và kỹ năng, phương pháp công tác và tham gia tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xứng đáng là học viện của Trường Đảng Trung ương mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại"./.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh 3 vấn đề chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng.

 Gợi mở những nội dung trọng tâm cần thảo luận tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII lần này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh 3 vấn đề chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng.

 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu khai mạc Hội nghị.

Phát biểu trong phiên khai mạc sáng 18/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Một là, về các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng: Với vị trí Báo cáo chính trị là trung tâm; Tổng kết 40 năm đổi mới là báo cáo rất quan trọng để chắt lọc tinh hoa đưa vào Văn kiện Đại hội XIV; Báo cáo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Báo cáo công tác xây dựng Đảng và thi hành điều lệ Đảng là các báo cáo chuyên đề.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị các đồng chí tập trung thảo luận làm rõ: Nội dung Báo cáo chính trị trình Hội nghị đã đáp ứng tầm mức của báo cáo trung tâm ở tầm quan điểm, đường lối, chủ trương, đã đúc kết giá trị của quá khứ, hiện tại và hướng tới tương lai chưa? Đã là "ngọn đuốc soi đường" dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đạt các mục tiêu chiến lược mà Đại hội XIII đã đề ra hay chưa?

Các báo cáo chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng Đảng và thi hành điều lệ Đảng; những vấn đề lý luận và thực tiễn được đúc rút qua tổng kết 40 năm đổi mới đã bao hàm đầy đủ căn cứ cho những luận điểm khái quát trong Báo cáo chính trị chưa? Các báo cáo có nhất quán với nhau và có nhất quán với quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển đất nước giai đoạn 2026 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 hay chưa?

Các đại biểu tại Hội nghị. 

Nội dung cụ thể trong từng báo cáo, nhất là những đánh giá về tồn tại, hạn chế và phương hướng chiến lược, nhiệm vụ đột phá đã đề ra. Cần làm rõ, những chủ trương, biện pháp đã "đúng", "trúng" có đủ sức đột phá để đưa đất nước bước sang kỷ nguyên mới hay chưa? Những yếu tố mới của thực tiễn cần bổ sung là gì?

Hai là, về chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ, công tác nhân sự Đại hội XIV là công việc hệ trọng, là "then chốt" của "then chốt", có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng để đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới. Báo cáo tổng kết công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII và xây dựng phương hướng nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIV rất hệ trọng, là cơ sở cho việc chuẩn bị nhân sự tham gia Ban chấp hành Trung ương, Bộ chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIV và nhân sự lãnh đạo chủ chốt các cơ quan Đảng, nhà nước nhiệm kỳ 2026-2031.

Các đại biểu tại Hội nghị.  

Ba là, về Công tác Xây dựng Đảng và thi hành điều lệ Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị Hội nghị thảo luận, cho ý kiến đánh giá kết quả đã đạt được, những hạn chế vướng mắc, những đề xuất phương hướng nhiệm vụ giải pháp xây dựng Đảng nhiệm kỳ khóa XIV. Những hạn chế, vướng mắc nào do quy định của Điều lệ Đảng, mức độ đến đâu, đã cần bổ sung sửa đổi Điều lệ Đảng chưa? Hay chỉ cần điều chỉnh các quy định, hướng dẫn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư?./.