Hiện nay các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã trở thành hệ thống thống nhất trên toàn quốc. Đội ngũ giảng viên trường chính trị trực tiếp đảm đương nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học của nhà trường và tham gia tư vấn chính sách, tham gia công tác tư tưởng, tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị. Thực hiện nhiệm vụ của minh, đội ngũ giảng viên trường chính trị có vai trò quan trọng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm, sai trái thù địch.
Các giảng viên đạt danh hiệu "Giảng viên dạy xuất sắc" tại Hội thi Giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ VIII - năm 2023 - Ảnh: baocaovien.vn
1. Mở đầu
Xuất phát từ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm của trường chính trị cấp tỉnh hiện nay, đội ngũ giảng viên các trường chính trị đảm đương các nhiệm vụ khá nặng nề, từ giảng dạy, nghiên cứu khoa học tổng kết thực tiễn và tham mưu, tư vấn chính sách, là tấm gương của người thày đối với các thế hệ học viên.
Xác định rõ, vai trò, nhiệm vụ là cơ sở để xây dựng hệ thống các tiêu chí cụ thể về tiêu chuẩn và tiêu chí đánh giá đội ngũ giảng viên, từ đó định hướng xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, cơ cấu phù hợp. Đây là điều kiện nền tảng để các trường chính trị đáp ứng hiệu quả các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần xây dựng hệ thống chính trị các địa phương trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Để lãnh đạo thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công tác cán bộ có vai trò rất lớn, là công việc gốc, trong đó công việc đào tạo, bồi dưỡng là công việc gốc của gốc. Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nhiệm vụ của giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục (...) Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hóa”(1).
Trong sự nghiệp cách mạng, thông qua các hoạt động trực tiếp vào quy trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Các trường chính trị tỉnh, thành phố là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các địa phương, hằng năm thực hiện nhiệm vụ về tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên với chục hàng vạn học viên trên cả nước, đối tượng dự các khóa học là cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị, đảng viên trên cả nước.
2. Nội dung
Đội ngũ giảng viên ở các trường chính trị càng đặc biệt quan trọng, giữ vai trò nòng cốt, hạt nhân quyết định trực tiếp đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ở cấp cơ sở.
Trường chính trị tỉnh, thành phố có chức năng là cơ sở giáo dục, đào tạo nên giảng viên trường chính trị cùng mang những đặc điểm chung của nhà giáo hệ thống giáo dục Việt Nam là: đối tượng giảng dạy trực tiếp là con người, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội; phẩm cách là nhân tố quan trọng hàng đầu nên phải thường xuyên rèn luyện đạo đức; có yêu cầu cao trong nghiên cứu, giảng dạy, nên phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn cao, nghiệp vụ tinh thông, khả năng lập kế hoạch, thực hiện kế hoạch dạy - học và các kỹ năng giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn nghề nghiệp, là tấm gương học tập suốt đời. Vai trò của đội ngũ giảng viên được thể hiện ở các nội dung chủ yếu sau:
Một là, đội ngũ giảng viên trường chính trị là lực lượng trực tiếp đảm nhiệm vai trò chủ chốt, quyết định chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của các trường chính trị góp phần thực hiện mục tiêu, yêu cầu về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở địa phương.
Khẳng định tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Hồ Chủ tịch chỉ rõ “Cán bộ là gốc của mọi công việc, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Cán bộ là khâu trọng yếu của công tác xây dựng nhân lực lãnh đạo, quản lý, muốn có cán bộ tốt, thông thạo công việc thì nhất nhiết phải huấn luyện và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ một cách thường xuyên, có hiệu quả.
Vai trò quan trọng của đội ngũ giảng viên các trường chính trị là lực lượng trực tiếp tham gia đảm nhiệm vai trò chính, vai trò chủ chốt ở tất cả các khâu trong quy trình thực hiện đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường, từ việc xác lập các chương trình đào tạo, bồi dưỡng; quá trình xây dựng, phát triển chương trình; trực tiếp giảng dạy tất cả các bài, chuyên đề, nội dung trong các chương trình đó; hướng dẫn viết, tổ chức chấm đồ án, khóa luận tốt nghiệp... đến trực tiếp đánh giá chất lượng học tập của học viên.
Trong giai đoạn hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, được áp dụng nhiều vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo làm tăng khả năng nhận thức của học viên. Nhưng suy cho cùng, tất cả các ứng dụng trên chỉ có thể là công cụ hỗ trợ, giúp quá trình nhận thức được thuận lợi hơn chứ không thể thay thế được vai trò chủ đạo của người giảng dạy trực tiếp. Vì vậy, giảng viên vẫn luôn đóng vai trò “trung tâm” của quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Chất lượng công tác của giảng viên luôn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng.
Hai là, đội ngũ giảng viên trường chính trị là lực lượng nòng cốt, trực tiếp giáo dục, tuyên truyền sâu rộng về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, ngày 13-11-2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Quy định số 09-Qđi/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Để thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao, đội ngũ giảng các trường là lực lượng nòng cốt, lực lượng quan trọng nhất thực hiện phần lớn nhiệm vụ chính trị.
Thông qua công tác giảng dạy các chuyên đề, bài giảng, giảng viên trực tiếp truyền thụ đến người học hiểu sâu, hiểu đúng về những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra ở trong nước và trên thế giới.
Đội ngũ giảng viên trực tiếp trang bị cho người học thế giới quan, phương pháp luận khoa học, niềm tin vững chắc vào Đảng Cộng sản Việt Nam; trực tiếp tuyên truyền, phổ biến đến đội ngũ cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân hiểu và thực hiện nghiêm, thực hiện đúng chủ trương, đường lối, quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Ngăn ngừa, đẩy lùi những tư tưởng, quan điểm lệch lạc, bóp méo sự thật để trục lợi cá nhân.
Ba là, đội ngũ giảng viên trường chính trị là lực lượng trực tiếp tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương. Nghị quyết 37/NQ-TW đã xác định rõ tầm quan trọng ngày càng cao của công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.
Đây được xác định là một trong những nhóm nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của các trường chính trị. Đây là động lực thúc đẩy sự phát triển của đội ngũ cán bộ, giảng viên, đòi hỏi họ phải nỗ lực phấn đấu, nâng cao trình độ, chuyên môn đáp ứng hiệu quả nhiệm vụ trên.
Đội ngũ giảng viên luôn là lực lượng xung kích hàng đầu trực tiếp tham gia thực hiện toàn bộ quá trình nghiên cứu: từ xác định định hướng, vấn đề cần nghiên cứu, các loại hình nghiên cứu đến xây dựng tổng quan, đề cương nghiên cứu và trực tiếp tham gia viết chuên đề khoa học, tổng kết, hoàn thiện đề tài khoa học, công bố kết quả nghiên cứu và thực hiện các giải pháp ứng dụng vào thực tiễn.
Qua các hoạt động khoa học, đội ngũ giảng viên đóng góp trực tiếp vào công tác tuyên truyền, phổ biến đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân về thực hiện nghiêm, hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bốn là, đội ngũ giảng viên trường chính trị đóng vai trò là chiến sĩ trên mặt trận đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch; phòng, chống chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị.
Qua việc trực tiếp giáo dục, bồi dưỡng, tuyên truyền về các nội dung liên quan đến khoa học lý luận chính trị, giảng viên các trường chính trị góp phần quan trọng vào việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống; trực tiếp trang bị cho người học thế giới quan, phương pháp luận khoa học, lý tưởng, đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế chính trị - xã hội ở địa phương.
Giảng viên các trường chính trị là đội ngũ tiên phong trong đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, trực tiếp tham gia đấu tranh, phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch trên các phương tiện truyền thông qua những bài phát biểu trên các diễn đàn khoa học, bài viết trên sách, báo, tạp chí và các sản phẩm khoa học của mình.
Năm là, đội ngũ giảng viên trường chính trị có vai trò quan trọng trong việc xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị góp phần xây dựng trường chính trị phát triển vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao trong giai đoạn mới.
Là lực lượng trực tiếp quán triệt và thực hiện thắng lợi chỉ thị, nghị quyết của Đảng ủy các trường, trước hết là nghị quyết của các cấp đảng bộ ở đơn vị. Đây là lực lượng chủ yếu đóng góp vào việc xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, trực tiếp giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên thuộc khoa, phòng, ban chuyên môn về phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, phong cách công tác... đóng góp vào thành công và sự vững mạnh chung của các trường chính trị.
Sáu là, đội ngũ giảng viên trường chính trị có vai trò quan trọng trong bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện, là tấm gương mẫu mực về nhân cách cho học viên noi theo.
Dựa trên nguyên tắc của hành động “kỷ cương - đồng bộ - sáng tạo - hiệu quả”, để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trong giáo dục, rèn luyện học viên, các trường chính trị luôn xác định muốn có chất lượng tốt thì đội ngũ giảng viên phải tốt, học viên phải tốt và quy trình đào tạo, bồi dưỡng phải tốt.
Trong tiêu chuẩn giảng viên tốt, trước hết đội ngũ này phải có nhân cách người thày, nhân cách của giảng viên bao gồm: phẩm chất (trình độ chuyên môn, lý tưởng nghề nghiệp, lòng yêu thương học viên...) và năng lực (năng lực sư phạm, khả năng hiểu, hòa nhập với học viên, khả năng về biên soạn tài liệu học - tập, giáo án...). Giảng viên có tình yêu trong công việc là điều kiện quan trọng trở thành giảng viên tốt, đội ngũ giảng viên trường chính trị luôn ý thức rõ được vị trí cao quý của “người thầy” trong giáo dục, rèn luyện học viên, luôn phấn đấu là tấm gương sáng để học viên nhìn vào, noi gương.
Ngay từ khi được tuyển dụng vào là giảng viên, đến quá trình phát triển bản thân luôn phấn đấu hoàn thiện bản thân cả về đức và tài, coi đó là nguyên tắc, mục tiêu hàng đầu trong thực hiện nhiệm vụ.
Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ, mục tiêu và yêu cầu có tính đặc thù cao về vai trò, vị trí trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên, cho nên cùng với phát huy tốt vai trò đội ngũ giảng viên trường chính trị, trong các giải pháp xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên trường chính trị hiện nay, cần phải chú ý đến những đặc điểm riêng của đội ngũ này trên các phương diện cụ thể như sau:
Thứ nhất, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, trình độ khoa học lý luận chính trị và năng lực công tác phù hợp, đồng thời phải có bản lĩnh chính trị vững vàng. Từ yêu cầu công việc có tính đặc thù về đối tượng được đào tạo, bồi dưỡng hằng năm, là đội ngũ cán bộ có trình độ cao (đa số đã tốt nghiệp đại học trở lên); nghiệp vụ vững vàng; có rất nhiều kinh nghiệm trong thực hiện công vụ do đã có thời gian dài công tác trong ngành, lĩnh vực phụ trách trước khi được cử đi học tập; đặc biệt có kiến thức thực tiễn phong phú, đa dạng ở tất cả các lĩnh vực xã hội.
Nội dung học tập, bồi dưỡng chủ yếu tập trung về chuyên ngành khoa học lý luận, với trách nhiệm làm rõ hơn, sáng tỏ hơn về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn về xây dựng đường lối, chính sách, pháp luật. Ngay từ các khâu xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu...đã đòi hỏi đội ngũ giảng viên trường chính trị phải có trình độ chuyên môn cao, sâu, rộng, có nghiệp vụ giỏi, đặc biệt là đội ngũ giảng dạy ở khoa lý luận cơ sở và khoa xây dựng Đảng phải là đảng viên. Đây cũng là một trong những tiêu chí bắt buộc về điều kiện tiêu chuẩn với chức danh nghề giảng viên trường chính trị đã được quy định.
Thứ hai, được đào tạo cơ bản, có chuyên ngành phù hợp với nội dung của nhà trường; có trình độ về lý luận chính trị cao. Theo số liệu khảo sát, tính đến năm 2023, số cán bộ ở các trường chính trị có trình độ từ thạc sĩ trở lên là 1.900 người, chiếm gần 62% tổng số cán bộ, viên chức hiện có của các trường, tập chung chính ở đội ngũ làm công tác nghiên cứu, giảng dạy; số lượng cán bộ, viên chức có trình độ lý luận chính trị cao cấp chiếm đa số (trên 50%), còn lại cơ bản có trình độ trung cấp lý luận chính trị - hành chính, số ít chưa có tập trung chủ yếu ở đội ngũ cán bộ, viên chức trẻ, mới được tuyển dụng hoặc đối tượng làm công tác hành chính, phục vụ; hơn 80% được học tập, bồi dưỡng phương pháp giảng dạy hiện đại; bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bồi dưỡng giảng dạy chuyên ngành khoa học lý luận. Đại đa số được đào tạo bài bản ở những cơ sở đại học có uy tín trong và ngoài nước; có chuyên ngành phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các trường chính trị, chủ yếu tốt nghiệp các chuyên ngành về khoa học lý luận chính trị (triết học, xây dựng Đảng chính quyền nhà nước, lịch sử Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh...) kinh tế, luật - hành chính. Đây là cơ sở quan trọng giúp các trường hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao hằng năm.
Thứ ba, là người chiến sĩ trên mặt trận đấu tranh tư tưởng, có phẩm chất chính trị vững vàng, kiên định, nhạy cảm chính trị, thường xuyên tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên. Là những người có khả năng, kỹ năng áp dụng những phương pháp giảng dạy tích cực và hiện đại vào bài giảng, đội ngũ giảng viên thông qua bài giảng khẳng định lập trường của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đội ngũ cán bộ ở địa phương.
Thứ tư, thường xuyên được trau dồi kiến thức thực tiễn thông qua nhiều hình thức. Với vị trí, vai trò có tính riêng biệt, đặc thù từ nội dung thực hiện nhiệm vụ đến đối tượng tham gia và các chương trình học tập, đặc biệt có yêu cầu cao về kiến thức thực tiễn gắn liền với thực hiện nhiệm vụ. Do vậy ngay từ khi xây dựng chiến lược phát triển trường chính trị; xây dựng hệ thống các quy chế, quy định thực hiện ở đơn vị đã xác định rõ một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của đội ngũ giảng viên là phải thường xuyên được trải nghiệm những kiến thức từ thực tiễn thông qua các hình thức thực hiện như: đi biệt phái ở cơ sở; tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào tổng kết thực tiễn ở địa phương; tham dự hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học; tham gia viết bài trên sách, báo, tạp chí; tham gia các nhóm nghiên cứu theo từng nội dung, chuyên ngành cụ thể.
3. Kết luận
Đội ngũ giảng viên trường chính trị có vị trí, vai trò trụ cột, hạt nhân trong mọi hoạt động của nhà trường. Đội ngũ giảng viên trường chính trị không chỉ đơn thuần là trực tiếp đảm đương công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà còn là tấm gương mẫu mực để thế học viên noi theo.
Đánh giá đúng vai trò, đặc điểm của đội ngũ giảng viên trường chính trị là một nhiệm vụ quan trọng và cần thiết để trên cơ sở xác định rõ tiêu chí, tiêu chuẩn giảng viên, góp phần thực hiện nhiệm vụ của các trường chính trị cấp tỉnh hiện nay, đi tới xây dựng được hệ thống các tiêu chí đánh giá cụ thể về chất lượng đội ngũ giảng viên, từ đó xây dựng thành công đội ngũ giảng viên có trình độ cao, chuyên môn giỏi, có cơ cấu phù hợp, có phẩm chất đạo đức, lương tâm nghề nghiệp tốt, để các trường chính trị đáp ứng hiệu quả các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, địa phương trong sạch, vững mạnh toàn diện.