Những ngày này, các khu dân cư khắp nơi trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã và đang tổ chức ngày Hội đại đoàn kết toàn dân tộc với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú để kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930- 18/11/2024). Đây là dịp ôn lại truyền thống vẻ vang của Mặt trận và biểu dương sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chung vui với ngày hội, trong lòng mỗi người đều trào dâng sự xúc động và niềm tự hào về sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trải qua mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, đại đoàn kết toàn dân tộc đã làm nên sức mạnh vô địch để chiến thắng mọi kẻ thù. Trước mỗi khó khăn như thiên tai, địch họa, từ xưa tổ tiên, ông cha chúng ta đã đoàn kết cùng nhau góp sức, góp công “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”. Đoàn kết đã trở thành truyền thống quý báu, là quy luật để tồn tại và phát triển từ nhiều đời nay của dân tộc Việt Nam.
Từ ngày có Đảng, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc như được nhân lên gấp bội. Bởi vì, sức mạnh đại đoàn kết được tập hợp trong một tổ chức là Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam).
Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được xây dựng trên cơ sở mẫu số chung là phấn đấu vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc. Tư tưởng về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết thành bài học: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết.
Thành công, thành công, đại thành công”. Lịch sử đã chứng minh hơn 94 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Cách mạng tháng Tám-1945 thành công, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cũng bằng sức mạnh đại đoàn kết, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ-1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và mùa xuân đại thắng năm 1975, đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào, thu non sông về một mối, cả nước thống nhất.
Từ năm 1986 đến nay, công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng đã phát huy cao nhất sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đưa nước ta từng bước phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Có thể nói, càng trong những lúc nguy nan và các biến cố bất ngờ như thiên tai, dịch bệnh thì tinh thần, truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc lại càng được bồi đắp và phát huy cao độ...
Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII của Đảng đã nêu rõ: “Trong thời kỳ phát triển mới, cần tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Quán triệt và vận dụng sâu sắc chủ trương, chính sách của Đảng và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc, những năm qua, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Ninh Bình luôn không ngừng chăm lo xây dựng, củng cố, tăng cường và phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Do vận hành tốt cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ nên truyền thống và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy hiệu quả.
Các mối quan hệ đoàn kết trong hệ thống chính trị; đoàn kết giữa những người theo tôn giáo và không theo tôn giáo, giữa người theo tôn giáo khác nhau; đoàn kết giữa đồng bào dân tộc này và dân tộc khác; đoàn kết giữa các giai tầng trong xã hội... luôn được đề cao. Kết quả của việc xây dựng khối đại đoàn kết trên địa bàn tỉnh Ninh Bình là chính trị ổn định; kinh tế xã hội có bước phát triển toàn diện; an ninh, trật tự được giữ vững; đời sống của Nhân dân ngày càng được nâng lên.
Điều dễ nhận thấy nhất là thành quả xây dựng nông thôn mới và phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được triển khai sôi nổi, rộng khắp, đông đảo người dân đồng thuận hưởng ứng, góp phần làm thay đổi diện mạo thành thị và nông thôn, đồng thời nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân.
Bài học về đại đoàn kết toàn dân tộc không chỉ áp dụng cho quốc gia, cho tỉnh, thành phố mà ngay cả đối với mỗi tổ chức, cơ quan, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp... cũng cần phải xây dựng khối đại đoàn kết. Ở đâu và khi nào xây dựng được khối đại đoàn kết tốt, ở đó sẽ phát triển và ngược lại. Điều đó đã thực sự trở thành một quy luật. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc đã từng căn dặn: “...cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Hòa chung niềm vui với những hoạt động của ngày Hội đại đoàn kết toàn dân tộc, mỗi chúng ta cùng suy nghĩ về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và sức mạnh của đoàn kết, từ đó có những hành động tích cực trong từng lời nói, việc làm, để góp phần xây dựng truyền thống đoàn kết, đồng thuận trong cơ quan, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp của mình, vì mục tiêu chung là sự phát triển của quê hương, đất nước./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét