Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là những người đại diện cho ý chí và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Do đó, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND càng bám cơ sở, xung kích lên tuyến đầu gian khó, càng gần dân, hiểu dân, quên mình vì nhân dân thì những chính sách mà họ tham gia xây dựng càng thiết thực với người dân và được người dân tin yêu. Vệt bài “Đại biểu của dân nơi tuyến đầu gian khó” với những câu chuyện cụ thể sẽ làm rõ vấn đề này.
Bài 1: Phía trước là nhân dân
Những người có thời gian công tác cùng Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIV, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 4, đều xúc động khi nhắc tới ông. Những câu chuyện về sự cống hiến và hy sinh của ông đã khắc họa rất rõ hình ảnh về một vị tướng, một vị đại biểu của nhân dân quả cảm, luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của tập thể, của nhân dân lên trên hết, trước hết, luôn xông pha nơi tuyến đầu gian khó nhất, hiểm nguy nhất.
Vì nhân dân, chúng ta phải làm
Đại tá Ngô Nam Cường, Phó tư lệnh Quân khu 4 là thành viên đoàn công tác cùng chuyến hành quân với Thiếu tướng Nguyễn Văn Man vào Thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) ngày ấy. Ngồi nói chuyện với chúng tôi, Đại tá Ngô Nam Cường vẫn nhớ như in câu nói của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man trước lúc hy sinh: “Việc thì gấp! Vì nhiệm vụ, vì nhân dân, chúng ta phải làm!”. Hôm đó, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man đi từ Quân khu 4 xuống thẳng vùng bị ngập lụt Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) để khảo sát, sau đó mới về Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế họp hội ý chớp nhoáng. “Lúc ấy, lũ đã đổ về sông Hương, nước chảy xiết kéo theo rất nhiều cây cối, củi, gỗ, nhưng thủ trưởng vẫn quyết định dùng xuồng vượt lũ để vào trợ giúp nhân dân vùng Quảng Điền đang chờ cứu trợ, cứu nạn”, Đại tá Ngô Nam Cường hồi tưởng.
Vừa vượt lũ sông Hương cứu trợ nhân dân trở về Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man bỏ dở bữa trưa khi nghe tin xảy ra sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3. Xác định tình huống rất nhiều người đang bị kẹt, chờ được cứu, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man quyết định lên đường ngay. Con đường duy nhất dẫn vào Rào Trăng nhiều đoạn lũ chảy xiết, đất đá sạt lở, cây cối đổ chắn ngang đường, chỉ có cách duy nhất là đi bộ. Lúc ấy, một số người trong đoàn có vẻ e ngại, đề nghị Thiếu tướng Nguyễn Văn Man tạm dừng chuyến đi, chờ lực lượng trinh sát vào trước rồi đoàn vào sau. Thiếu tướng Nguyễn Văn Man trầm ngâm suy nghĩ, nhưng rồi quả quyết nói: “Vào sớm được phút nào quý phút ấy, vào muộn phút nào thì có thể có người không chờ nổi chúng ta phút ấy!”. Sau đó, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man luôn đi trước dẫn đầu đoàn lội qua những đoạn nước chảy xiết, những điểm sạt lở bùn đất ngập đến tận đầu gối. Đến điểm sạt lở thứ 5, đứng từ bên này không nhìn thấy điểm cuối sạt lở bên kia, một lần nữa có người đề nghị quay lại, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man một mình tiến lên, trèo qua các thân cây đổ để không bị mút chân xuống lớp bùn đất dày cả mét bên dưới. Sang phía bên kia an toàn, nhìn thấy đường đi, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man mới huơ đèn pin ra hiệu để anh em trong đoàn yên tâm vượt qua. “Đoạn đường ấy rất nguy hiểm, gian nan, vì đó là khu rừng mây. Ai trong chúng tôi cũng bị gai mây cào rách da, tứa máu”, Đại tá Ngô Nam Cường vừa hồi tưởng, vừa đưa ánh mắt nhìn xa xăm đón từng hình ảnh trong ký ức quay về...
Thế rồi, điều không may đã xảy đến trong đêm định mệnh ấy... Tấm gương hy sinh của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man cùng nhiều thành viên đoàn công tác khi đang trên đường đi cứu nạn nhóm công nhân bị mắc kẹt bởi sạt lở đất ở Thủy điện Rào Trăng 3 đã để lại sự tiếc thương vô hạn đối với nhân dân.
Không quản hiểm nguy, tiến vào tâm bão, lũ, dịch bệnh
Không quản hiểm nguy, sẵn sàng xông pha nơi bão, lũ, thiên tai, cháy rừng, dịch bệnh... để ứng cứu nhân dân là một phẩm chất của cán bộ cách mạng, của những người đại biểu của nhân dân. Khi bão số 3 và mưa lũ gây thiệt hại nặng nề cho nhân dân các tỉnh phía Bắc, các lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo các địa phương đều khẩn trương đến tận hiện trường bão, lũ, thiên tai để chỉ đạo công tác ứng cứu, hỗ trợ người dân. Ngày 12-9-2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã không kịp ăn cơm, đội mưa trực tiếp tới tâm lũ ở tỉnh Tuyên Quang để thăm hỏi, động viên nhân dân, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ. Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp tới thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai), mặc cho quần áo bết bùn đất đã lội xuống hiện trường nơi các lực lượng đang tìm kiếm nạn nhân vụ sạt lở để động viên các lực lượng và nhân dân. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sau chuyến công tác từ Liên bang Nga về lập tức chủ trì Piên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, rồi trong ngày 12-9 về thẳng vùng rốn lũ Nga My (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) thăm hỏi nhân dân...
Trước đó, trong dịch Covid-19, hình ảnh Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đại biểu Quốc hội khóa XV không quản hiểm nguy, xông pha nơi vùng dịch TP Hồ Chí Minh đã gây xúc động đối với cử tri và nhân dân.
Ngay trong đợt bão số 3 và mưa lũ hồi tháng 9-2024, Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã đội mưa đến thăm, kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão, lũ, kịp thời động viên bộ đội và nhân dân tại hai tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang. Với phương châm "mỗi ngư dân là người thân của mình, bảo vệ tài sản của người dân là bảo vệ tài sản của mình", khi bão số 3 đổ bộ vào Quảng Ninh gây thiệt hại nặng nề, Trung tướng Lê Quang Đạo, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XV thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên đã trực tiếp chỉ đạo trục vớt 3 sà lan tại khu vực biển Quảng Ninh và Hải Phòng, cứu vớt 43 ngư dân bị nạn trong lúc sóng to, gió lớn. Khi đang họp Kỳ họp thứ tám của Quốc hội khóa XV tại Hà Nội, nhận được tin mưa lũ do bão số 6 gây thiệt hại nghiêm trọng ở miền Trung, Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4, đại biểu Quốc hội khóa XV thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, đã lập tức xin phép được về Quân khu để chỉ đạo trực tiếp công tác ứng phó, khắc phục hậu quả.
Con suối hung dữ và tấm lòng vì dân
Đồng chí Nguyễn Duy Hòa, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bắc Hà (Lào Cai) chưa từng chứng kiến đợt mưa lũ nào dữ dội như đợt mưa lũ sau cơn bão số 3 vừa qua, được đánh giá là trăm năm mới có một lần.
Chiều 10-9, nghe tin tại thôn Nậm Tông (xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà) có 18 người chết do mưa lũ, đồng chí Hòa lập tức báo cáo lãnh đạo tỉnh. Đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lào Cai yêu cầu huyện phải khẩn trương đưa lực lượng vào. Lúc đó, đường bộ sạt lở, ách tắc, chỉ còn đường sông đi được, mà đêm tối lũ đang cuồn cuộn nên không thể đi trong đêm. 5 giờ ngày 11-9, đồng chí Vũ Xuân Cường đã có mặt tại địa bàn huyện để dẫn đầu đoàn công tác vào thôn Nậm Tông. Đoàn gồm hơn chục đồng chí cán bộ các ngành của tỉnh, của huyện, Quân đội, Công an. Mỗi người cầm theo vài chiếc bánh mì ngọt và một chai nước. Bộ CHQS tỉnh điều một xuồng máy để đưa đoàn vào. Đi được một đoạn thì xuồng cũng không thể đi được nữa vì gặp ghềnh lớn, rất nguy hiểm, thế là cả đoàn lại lên đường bộ tìm lối đi tiếp. Lúc này, đoàn bắt gặp nhiều người bị thương ở thôn Kho Vàng (xã Cốc Lầu) và thôn Nậm Tông được cõng ra để lên xuồng đưa đi cấp cứu. Trên đường, trời mưa tầm tã, rất nhiều điểm vừa bị sạt, trượt đất đá và nước còn đang từ trên đồi đổ xuống rất nguy hiểm. Nhiều đoạn đoàn phải lội bùn ngập đến đầu gối, nhiều đoạn phải leo dốc dựng ngược với bùn trơn trượt dưới chân. Ủng của ai cũng nặng trịch bùn đất và lõng bõng nước ở trong. Tình huống nguy hiểm nhất trên đường là khi đoàn bắt gặp một con suối nước chảy xiết mà không có cầu. Con suối này ngày thường chỉ là một lạch nước nhỏ, ấy vậy mà lúc ấy suối đã ngập sâu, rất hung dữ. Trời mưa tầm tã, nước trên nguồn tiếp tục đổ về ầm ầm. Không lẽ quay lại? “Lúc ấy chắc hẳn ai cũng thoáng bối rối, bất an, bởi con người quá nhỏ bé trước sức mạnh của thiên nhiên. Nhưng biết phía trước là nhân dân đang chờ mình, nhiều nạn nhân đang chờ được cứu, nên cả đoàn quyết tâm nắm chặt tay nhau cùng vượt qua suối”, đồng chí Nguyễn Duy Hòa kể. Nước ngập ngang ngực, lạnh buốt, có những người lảo đảo. Nhưng rồi nhờ lòng quyết tâm, cả đoàn vượt qua an toàn. Thời khắc đó ai cũng cảm nhận rõ sức mạnh đoàn kết vượt qua khó khăn. Đi từ 5 giờ sáng đến tận 11 giờ 30 phút trưa thì đoàn tới thôn Nậm Tông. Sự có mặt của cán bộ huyện, tỉnh đã tiếp thêm niềm tin cho nhân dân. Họ tin rằng họ sẽ được kịp thời ứng cứu.
Không để dân chờ
Thiếu tướng Nguyễn Đăng Khải, Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 2, đại biểu Quốc hội khóa XV, là người trực tiếp chỉ huy lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn của Quân đội tại thôn Làng Nủ. Đồng chí cho biết, đã 39 năm công tác trong Quân đội, tham gia khắc phục hậu quả rất nhiều trận thiên tai, nhưng chưa bao giờ đồng chí nhìn thấy sự tàn phá của thiên nhiên thảm khốc đến thế.
Sáng 10-9, Thiếu tướng Nguyễn Đăng Khải đang chỉ đạo diễn tập tại Sư đoàn 316 thì nhận lệnh của Tư lệnh Quân khu phải về ngay để đi Lào Cai chỉ huy việc thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn. Ngay lập tức, đồng chí hội ý nhanh với ban chỉ đạo diễn tập Sư đoàn 316, thống nhất dừng diễn tập.
Thiếu tướng Nguyễn Đăng Khải vội về Bộ tư lệnh Quân khu để gặp Tư lệnh nhận nhiệm vụ và tức tốc lên đường đi Lào Cai ngay trưa 10-9. Không kịp về qua nhà, đồng chí chỉ kịp gọi điện thông báo tình hình cho vợ và nhận được lời nhắn nhủ lên hiện trường cố gắng đi lại an toàn, nhất là vào ban đêm.
Khi các cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 lên đến Làng Nủ thì đã là buổi chiều, cả một ngôi làng tươi đẹp lúc này không khác gì bình địa với đầy bùn đất. Khắp nơi vang lên những tiếng khóc, tang tóc, đau thương bao trùm. “Khi tôi có mặt ở Nhà văn hóa thôn Làng Nủ thì gặp một số bà con, họ reo òa lên: “Các chú, các bác bộ đội đã có mặt để giúp dân rồi”. Chứng tỏ họ đã rất chờ đợi, rất tin tưởng bộ đội. Trong những ngày ấy, bà con địa phương cứ bám theo tay áo tôi, khóc nói: “Bác ơi, chú ơi, cố gắng tìm người nhà cháu với”. Nghe thấy thế, anh em bộ đội chúng tôi không cầm nổi nước mắt, lại quyết tâm phải tìm bằng được người thân cho bà con”, Thiếu tướng Nguyễn Đăng Khải xúc động kể lại với chúng tôi.
Lúc đó, cùng với việc huy động lực lượng tìm kiếm, lực lượng tìm kiếm cũng phải tính toán phương án bảo đảm an toàn do nguy cơ lũ chồng lũ rất cao. Thiếu tướng Nguyễn Đăng Khải yêu cầu lập 3 tổ cảnh giới để quan sát, phát hiện nguy cơ lũ chồng lũ, đánh kẻng thông báo cho lực lượng tìm kiếm chạy lên bờ khi có tình huống nguy hiểm.
Đến đêm, bộ đội rút ra nghỉ ở khu vực trường học cách hiện trường khoảng 4-5km. Còn Thiếu tướng Nguyễn Đăng Khải và một số đồng chí lãnh đạo huyện Bảo Yên và tỉnh Lào Cai thì nghỉ tại nhà dân cách hiện trường khoảng 500m để kịp thời giải quyết các công việc. “Mình không lo cho mình, mà phải lo cho bộ đội”, Thiếu tướng Nguyễn Đăng Khải nói.
Thiếu tướng Nguyễn Đăng Khải nhớ mãi hình ảnh khi kết thúc tìm kiếm, chuẩn bị cơ động về đơn vị, tất cả bộ đội đều đứng nghiêm trang chào Làng Nủ, tạm biệt nhân dân. “Lúc ấy, người dân khóc, bộ đội cũng khóc rất nhiều. Chúng tôi sẽ mãi không thể quên giờ phút đó, khi càng nhận thấy rõ tình quân dân, thấy rõ rằng mình là bộ đội của dân, do dân, vì dân, đặc biệt là trong thiên tai, hoạn nạn”, Thiếu tướng Nguyễn Đăng Khải nghẹn giọng nhớ lại.
Khi tới nghị trường Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám, nhiều đại biểu Quốc hội tới bắt tay chia sẻ và nói với Thiếu tướng Nguyễn Đăng Khải: “Nhìn tướng quân lội bùn vất vả quá”. “Tôi nói rằng, mình phải trực tiếp lăn lộn cùng bộ đội, chứ không thể thấy bộ đội và nhân dân vất vả mà mình thảnh thơi được”, Thiếu tướng Nguyễn Đăng Khải kể.
“Tôi vừa là cán bộ sĩ quan trong Quân đội, vừa là đại biểu Quốc hội, đây đều là vinh dự to lớn, đều có trọng trách cao cả với nhân dân. Vì thế, tôi luôn xác định phải hết lòng, hết sức thực hiện trách nhiệm của mình trên cả hai cương vị. Bộ đội và đại biểu Quốc hội đều phải chủ động đến với dân, không để dân chờ, nhất là trong nhiệm vụ phòng, chống thiên tai-nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”, Thiếu tướng Nguyễn Đăng Khải bộc bạch./.
ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét