Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2024

Vận dụng tư tưởng ngoại giao “cây tre Việt Nam” trong nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay

 

Mặc dù tình hình thế giới đang thay đổi nhanh chóng và phức tạp nhưng việc duy trì hòa bình và mở rộng hợp tác để phát triển luôn là xu hướng chủ đạo, là nguyện vọng tha thiết của nhân dân. Gần 40 năm đổi mới và phát triển, Đảng ta đã kế thừa và phát huy bản sắc, truyền thống dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của thời đại, tư tưởng tiến bộ, phát triển dựa trên tư tưởng Mác - Lênin của Hồ Chí Minh, hình thành nên một trường phái ngoại giao rất đặc biệt, độc đáo, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”. Đường lối đối ngoại này đã góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đồng thời, linh hoạt, sáng tạo trong việc tìm ra những cách thức mới để thúc đẩy hợp tác quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho xây dựng và phát triển kinh tế, củng cố vị thế, tăng tiềm lực của đất nước.

1. Khái quát tư tưởng ngoại giao “cây tre Việt Nam” trong nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay

Suốt dọc dài lịch sử dân tộc Việt Nam, đối ngoại được coi là một trong những kim chỉ nam quan trọng của đất nước, góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời quảng bá những giá trị tốt đẹp của cộng đồng “con Lạc cháu Hồng” đến với bạn bè thế giới, từ đó, củng cố vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Yếu tố góp phần dẫn dắt, chỉ đường cho đối ngoại ngày càng phát triển không thể không nhắc đến đó chính là nền tảng tư tưởng của Đảng. Với tiền thân là Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nền tảng tư tưởng của Đảng chính là hệ thống các nguyên tắc, giá trị và niềm tin giá trị mà Đảng theo đuổi. Các nguyên tắc này có tính mục tiêu, ảnh hưởng đến cách Đảng nhìn nhận thế giới, tương tác với các quốc gia và định hình chính sách đối ngoại của mình.

Một trong những điểm sáng nổi bật của nền ngoại giao nước nhà phải kể đến ngoại giao “cây tre Việt Nam” - trường phái ngoại giao được hun đúc, hình tượng hóa đường lối đối ngoại mà Đảng và Nhà nước ta đã và đang thực hiện. Việc thúc đẩy “ngoại giao cây tre” thể hiện sự tự tin trong hoạt động đối ngoại, đồng thời cũng là triết lý ngoại giao của Việt Nam. Trên phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, ngoại giao “cây tre Việt Nam” được hình thành, phát triển và được ứng dụng ngày càng rộng rãi. Việc sử dụng cụm từ “cây tre Việt Nam” là cách nói mang tính biểu tượng, khái quát lịch sử và bổ sung, phát triển tư duy lý luận và giải pháp phù hợp, thích ứng với xu thế thời đại và đòi hỏi thực tiễn. Thuật ngữ ngoại giao “tre Việt Nam” ngày càng phổ biến trên các diễn đàn ngoại giao trong và ngoài nước.

Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 (năm 2016), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập tới thuật ngữ “Cây tre Việt Nam”: “cây tre Việt Nam” mềm mại mà cứng cỏi, nhân ái mà quật cường, biết nhu biết cương, biết thời biết thế, biết mình biết người...”.

 

Tại hội nghị Đối ngoại toàn quốc ngày 14/12/2021, ngoại giao cây tre Việt Nam tiếp tục được Tổng Bí thư nhìn nhận và tái khẳng định “Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển… thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam...”.

Đến ngày 19/12/2023 tại Hội nghị Ngoại giao toàn quốc lần thứ 32 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại một lần nữa nhấn mạnh: “tiếp tục đổi mới, xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại, vững mạnh toàn diện, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đường lối ngoại giao “cây tre Việt Nam” đã được đúc kế trong thực tiễn quá trình đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, các thế lực thù địch đang ra sức thực hiện các hoạt động chống phá tư tưởng, xâm nhập văn hóa. Đảng Cộng sản Việt Nam cần chủ động ứng phó, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng khỏi những ảnh hưởng tiêu cực. Việc vận dụng hình ảnh cây tre vào ngoại giao cho thấy ý thức tự hào về bản sắc, văn hóa và tinh thần dân tộc, đồng thời, phản ánh giá trị cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh: độc lập, tự chủ, đoàn kết, hòa bình và hợp tác cùng phát triển. Đây cũng được coi là một cách tiếp cận sáng tạo và hiệu quả, góp phần củng cố sự đoàn kết, thống nhất nội bộ Đảng, nâng cao sức đề kháng của nền tảng tư tưởng của Đảng trước những luồng tư tưởng ngoại lai và là biểu tượng của sức mạnh, bền bỉ, dẻo dai và trí tuệ của người dân Việt Nam.

Thông tin đối ngoại nói chung và ngoại giao cây tre nói riêng đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thứ nhất, ngoại giao cây tre giúp Việt Nam duy trì, củng cố mối quan hệ hữu nghị với các nước xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, Trung Quốc và các quốc gia Đông Âu. Những mối quan hệ này cung cấp sự hỗ trợ chính trị, kinh tế và quân sự, đồng thời tạo ra một mạng lưới bảo vệ cho Việt Nam khỏi sự can thiệp của các thế lực thù địch.

Thứ hai, tư tưởng ngoại giao này còn tạo thế cân bằng trong quan hệ quốc tế, đặc biệt với các nước lớn như: Mỹ, Nga, Trung Quốc và một số nước phương Tây. Bằng cách duy trì mối quan hệ với các nước phương Đông và phương Tây, Việt Nam có thể tránh phụ thuộc quá nhiều vào bất kỳ một thế lực nào, đồng thời bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.

Thứ ba, ngoại giao cây tre cho phép Việt Nam thể hiện  lập trường chính trị của mình trên trường quốc tế. Thông qua các diễn đàn như Liên Hợp Quốc và Phong trào Không liên kết, Việt Nam có thể tranh thủ sự ủng hộ cho các chính sách và mục tiêu của mình. Điều này góp phần không nhỏ vào việc xây dựng hình ảnh đất nước, nâng cao vị thế quốc tế, thuận lợi cho ngoại giao, hợp tác quốc tế, đưa hình ảnh con người, đất nước Việt Nam cùng truyền thống văn hóa lịch sử hào hùng tích cực và đáng tin cậy hơn. Qua đó, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ XHCN.

Thứ tư, chiến lược ngày giúp phản bác các chiến dịch tuyên truyền thù địch nhằm mục đích làm suy yếu nền tảng tư tưởng của Đảng. Bằng cách cung cấp thông tin chính xác và khách quan về Việt Nam, ngoại giao cây tre góp phần bảo vệ uy tín và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

2. Vận dụng tư tưởng ngoại giao “cây tre Việt Nam” trong nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Tư tưởng ngoại giao “cây tre Việt Nam” và tính hiện đại của tư tưởng này trong bối cảnh hiện nay.

Tư tưởng ngoại giao "cây tre Việt Nam" là một khái niệm ngoại giao của Việt Nam, xuất phát từ tình hình lịch sử, văn hóa và tư tưởng của dân tộc Việt Nam. Nó tập trung vào nguyên tắc bảo vệ chủ quyền, độc lập, tự do và phát triển của quốc gia, trong khi duy trì tinh thần hòa bình, hợp tác và thân thiện với các quốc gia khác. Trong bối cảnh thế giới hiện nay, tư tưởng ngoại giao "cây tre Việt Nam" vẫn giữ nguyên sự hiện đại và phù hợp. Cây tre với thuộc tính “ gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển” đã trở thành một biểu tượng cho nền ngoại giao nước nhà và rất cần thiết trong một thế giới phức tạp, biến động và đầy thách thức.

Phép ẩn dụ về cây tre nổi bật lên những đặc điểm cốt lõi của một nền ngoại giao vững mạnh và thích ứng. “Gốc vững” chính là nền tảng vững chắc của các giá trị, nguyên tắc và lợi ích quốc gia được dẫn dắt bởi nền tảng tư tưởng của Đảng. “Thân chắc” là khả năng chịu đựng, kiên cường và linh hoạt trước những thách thức, là cốt lõi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong thời kỳ đổi mới. “Cành uyển chuyển” là ứng xử “dĩ bất biến, ứng vạn biến” thích nghi, đối phó và hợp tác trong một môi trường quốc tế phức tạp trong phương thức ngoại giao.

Với đặc tính thích nghi linh hoạt với mọi điều kiện, hoàn cảnh, trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, cây tre đã dần trở thành biểu tượng văn hóa, văn minh, văn hiến của người Việt Nam. Từ câu chuyện của cây tre Việt Nam, dân tộc ta cũng tìm ra những giải pháp huy động sức mạnh toàn dân, toàn quân để đấu tranh với các thế lực ngoại bang, bảo vệ hòa bình, giữ gìn non sông gấm vóc Tổ quốc. Trong hành trình đầy gian khổ này, hình ảnh cây tre đã trở thành biểu tượng, tượng trưng cho tâm hồn, bản lĩnh, khí phách, tầm vóc của con người nước Nam

Những bài học lịch sử đã được ông cha truyền lại cho chúng ta thông qua văn hóa đại chúng và  nghệ thuật truyền miệng. Câu chuyện Thánh Gióng là một ví dụ điển hình. Ngựa sắt, gậy sắt, áo giáp sắt, … thể hiện khát vọng làm chủ nền văn minh công nghiệp, thông điệp về phát triển kinh tế, hiện đại hóa quân sự, là những điều kiện cần nhưng chưa đủ. Để diệt trừ giặc Ân ra khỏi bờ cõi nước nhà, Thánh Gióng phải có thêm cây tre. Tre tượng trưng cho nguồn sức mạnh nội sinh của văn hóa dân tộc.

Tính hiện đại của đường lối ngoại giao này còn được thể hiện ở chỗ quản lý xung đột hiệu quả, đồng thời, góp phần xây dựng quan hệ đối tác bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Tư tưởng dẻo dai và linh hoạt giúp các nhà ngoại giao giải quyết các cuộc xung đột và tranh chấp một cách hòa bình, tránh sử dụng bạo lực hoặc biện pháp cứng rắn. Khả năng kiên cường và đoàn kết tạo nên nền tảng vững chắc cho các mối quan hệ quốc tế, dựa trên sự tin tưởng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau.

Những thành tựu, hạn chế và thách thức trong vận dụng tư tưởng ngoại giao “cây tre Việt Nam” trong nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Tính đến hết tháng 9/2023, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 nước. Việt Nam đã nâng quan hệ đối tác toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với 30 nước, trong đó có 5 nước là Uỷ viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và tất cả các nước khác(4). Dấu ấn của Việt Nam cũng in đậm trên nhiều diễn đàn, hội nghị cấp cao của thế giới, khu vực như:  Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), Hội nghị Cấp cao ASEAN, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM)... Cùng với đó, Việt Nam cũng đã ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với sự tham gia của gần 60 nền kinh tế bao gồm các nước công nghiệp phát triển(5).

Từ năm 2023 đến nay, ngoại giao Việt Nam sôi động với nhiều đoàn cấp cao đến và đi, trong đó các của nguyên thủ quốc gia trên các châu lục, địa bàn chiến lược. Tất cả những điều trên là minh chứng sinh động về chuyển hóa lượng thành chất trong đối ngoại của Việt Nam. Điều đó càng có ý nghĩa to lớn trong bối cảnh thế giới biến động, phức tạp, khó lường hiện nay. Mặt khác cũng cho thấy tính đúng đắn của đường lối ngoại giao “cây tre mà Việt Nam” đang thực hiện. Đối ngoại của Việt Nam cũng tạo những bước đột phá, duy trì sự hài hòa, cân bằng trong hành động, quan hệ với các nước lớn trong bối cảnh mới, tránh phụ thuộc vào một đối tác nào. Đơn cử trước và ngay sau khi sự kiện nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ, Việt Nam đã chủ động trao đổi để các nước hiểu rõ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện không phải là liên minh quân sự, không đi với nước này chống nước khác, không để mối quan hệ này cản trở mối quan hệ kia. Các quyết sách, chủ trương đó thể hiện bản lĩnh chính trị, độc lập, tự chủ, uyển chuyển, linh hoạt, hiệu quả của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nền ngoại giao “cây tre Việt Nam”. 

Những kết quả đã được trong công tác đối ngoại thời gian quan cũng đồng nghĩa là những thông điệp quan trọng về chính sách đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ mới. Đó là đối ngoại của Việt Nam đã hình thành mạng lưới quan hệ sâu rộng, đa phương, đa chiều, đa tầng lớp, tạo nền tảng định vị vững chắc, sáng lập vị thế quốc gia có lợi trên trường quốc tế.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua, việc vận dụng tư tưởng “ngoại giao cây tre” trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vẫn còn tồn đọng một số hạn chế như:

Tính linh hoạt của tư tưởng này có thể khiến hệ tư tưởng bị pha loãng. Vận dụng tư tưởng “cây tre Việt Nam” quá mức có thể dẫn đến việc nền tảng tư tưởng của Đảng trở nên quá mềm dẻo, linh hoạt và dễ bị tác động bởi các luồng tư tưởng bên ngoài. Điều này có thể làm suy yếu sự ổn định và thống nhất của tư tưởng trong Đảng.

Đồng thời, việc vận dụng tư tưởng này quá mức cũng sẽ tạo ra khó khăn và đi ngược lại trong việc bảo vệ nguyên tắc. Tư tưởng “cây tre Việt Nam” nhấn mạnh tính linh hoạt và thích nghi, điều này có thể cản trở việc bảo vệ các nguyên tắc cốt lõi của nền tảng tư tưởng Đảng. Trong bối cảnh tiếp cận của toàn cầu hóa và sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ, bản sắc tư tưởng của Đảng có thể bị thách thức và làm xói mòn, dẫn đến việc phương pháp luận không nguyên tắc và thiếu nhất quán trong các chính sách đối ngoại và đối nội của Đảng.

Điều này có thể làm suy yếu sự tin cậy của công chúng đối với Đảng và dẫn đến tình trạng bất ổn chính trị, thậm chí là thờ ơ về tư tưởng. Việc nhấn mạnh quá mức tính linh hoạt có thể dẫn đến tình trạng các đảng viên trở nên thờ ơ về nền tảng tư tưởng của Đảng. Họ có thể coi hệ tư tưởng chỉ là một công cụ để thích ứng với các hoàn cảnh thay đổi, thay vì là một hệ thống các giá trị và niềm tin cốt lõi. Nếu tư tưởng “cây tre Việt Nam” được áp dụng quá cực đoan, có thể gây khó khăn cho việc giáo dục và tuyên truyền hệ tư tưởng Đảng cho các đảng viên và quần chúng. Tư tưởng trở nên khó hiểu và trừu tượng, làm giảm sự hiệu quả trong việc định hướng và thống nhất tư tưởng.

3. Phương hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả vận dụng tư tưởng ngoại giao “cây tre Việt Nam” trong nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay

Phương hướng nâng cao hiệu quả vận dụng tư tưởng ngoại giao “cây tre Việt Nam” trong nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay.

Trong tương lai, môi trường chính trị, an ninh toàn cầu và khu vực sẽ tiếp tục phức tạp hơn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn. Vấn đề xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đứng trước nhiều cơ hội mới, cũng như nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi những yêu cầu mới ngày càng cao hơn về ngoại giao. Các nước lớn điều chỉnh chiến lược và cạnh tranh ngày càng gay gắt. Các xung đột vũ trang, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ tiếp tục diễn ra gay gắt, ảnh hưởng đến nhiều nước trong đó có Việt Nam. Không những vậy, các cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ còn khó khăn, thách thức; kẻ thù, thế lực phản động không từ bỏ kế hoạch “phát triển hòa bình” nhằm chống phá Đảng và Nhà nước; Các vấn đề an ninh phi truyền thống như thiên tai, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, an ninh mạng, tội phạm quốc tế, khủng bố,… đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam, đòi hỏi phải có sự hợp tác quốc tế nhiều hơn nữa để giải quyết vấn đề.

Trong bối cảnh đó, để nâng cao hiệu quả vận dụng tư tưởng ngoại giao “cây tre Việt Nam” trong nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay, có thể cân nhắc, xem xét các phương hướng sau:

Thứ nhất, cần tăng cường nhận thức lý luận và nâng cao năng lực chuyên môn.

Thứ hai, cần xây dựng mạng lưới ngoại giao đa dạng, linh hoạt, sáng tạo trong bối cảnh mới.

Thứ ba, tận dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để tăng cường sự hiểu biết về tư tưởng và chính sách của Đảng đối với cộng đồng quốc tế.

Thứ tư, tăng cường thúc đẩy hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực.

Những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả và lan tỏa tư tưởng ngoại giao “cây tre Việt Nam” trong nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Từ những thành tựu và hạn chế của nền ngoại giao nước nhà thời gian qua, nhằm cải thiện chất lượng, hiệu quả và lan tỏa tư tưởng ngoại giao “cây tre Việt Nam” trong nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thời gian tới, chúng ta có thể thực hiện một số các giải pháp sau:

Một là, đẩy mạnh công tác đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ ngoại giao. 

Hai là, cải thiện cơ chế phối hợp và hợp tác. 

Ba là, tăng cường nghiên cứu và ứng dụng lý thuyết. 

Bốn là, củng cố, phát triển năng lực truyền thông. 

Quan hệ đối ngoại dựa trên tinh thần “ngoại giao tre” đã bước đầu tạo dựng được một số thành tựu quan trọng như hiện nay, góp phần giúp Việt Nam có môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và hòa bình, ổn định cho đất nước. Thực tiễn ngoại giao thời qua cũng làm phong phú và sâu sắc hơn những bài học quý báu rút ra từ công tác đối ngoại trong quá trình đổi mới. Nói cách khác: càng gặp nhiều khó khăn, thách thức thì chúng ta càng phải vững chắc về nguyên tắc, linh hoạt và sáng tạo trong chiến lược của mình; quản lý đúng đắn mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ, đoàn kết, hợp tác quốc tế, lợi ích quốc gia và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế. Việc vận dụng tư tưởng ngoại giao "cây tre Việt Nam" trong nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thực sự sẽ giúp Đảng Cộng sản Việt Nam giữ vững ngọn cờ lãnh đạo, tăng cường sức mạnh đoàn kết toàn dân, xây dựng một xã hội chủ nghĩa thịnh vượng và công bằng./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét