Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2024

Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam

Tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao giúp nâng cao hiệu quả và huy động tốt nguồn lực của xã hội trong nghiên cứu, sản xuất hệ thống vũ khí, trang bị kỹ thuật công nghệ cao. Xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở nước ta là một giải pháp gắn kết phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh, đồng thời góp phần phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại, trở thành bộ phận và mũi nhọn của công nghiệp quốc gia.

Những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Xung đột trên thế giới, nhất là xung đột Nga - U-crai-na và I-xra-en - Ha-mát, thúc đẩy nhiều quốc gia tăng cường ngân sách quốc phòng. Tình hình đó cũng làm cho quốc gia nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc sở hữu hệ thống vũ khí chính xác công nghệ cao, năng lực sản xuất quốc phòng nhằm đáp ứng nhu cầu của chiến tranh, xung đột quân sự. Xây dựng nền công nghiệp quốc phòng hùng mạnh, tự chủ trong nghiên cứu, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật công nghệ cao sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo đảm giữ gìn hòa bình cho quốc gia, đóng góp tích cực vào phát triển công nghiệp quốc gia. Ở nhiều nước có nền quốc phòng phát triển, việc phát triển công nghiệp quốc phòng theo các mô hình tổ hợp đã được chứng minh là phù hợp và trở thành xu thế phát triển chung của công nghiệp quốc phòng thế giới. Xu thế này cũng tác động đến việc nghiên cứu tổ hợp công nghiệp quốc phòng ở Việt Nam và gợi mở định hướng nghiên cứu chính cho việc xây dựng mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở nước ta.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel)_Nguồn: baochinhphu.vn

Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và vai trò của tổ hợp công nghiệp quốc phòng đối với các quốc gia

Trên thế giới, công nghiệp quốc phòng được xem là bộ phận của công nghiệp quốc gia. Từ góc nhìn này, tổ hợp công nghiệp quốc phòng được nhìn nhận là một hình thái của “tổ hợp công nghiệp”. Tổ hợp công nghiệp được xác định là nhóm hoạt động công nghiệp bổ sung cho nhau. Những thập niên gần đây, sự liên kết, hoạt động công nghiệp bổ sung cho nhau ngày càng phát triển và hoàn thiện, tạo nên hệ thống tương tác, liên kết của các tổ chức để tạo ra và chia sẻ giá trị.

Từ một góc nhìn khác, tổ hợp công nghiệp quốc phòng còn được gọi là tổ hợp công nghiệp - quân sự (Military - Industrial Complex), được một số học giả nhìn nhận như là một hệ thống liên kết kinh tế - chính trị - quân sự nhằm tác động đến quá trình ra quyết định của chính phủ. Một số học giả khác cũng có góc nhìn tương tự về tổ hợp công nghiệp quốc phòng, chẳng hạn Edmund F. Byrne, nguyên Giáo sư Đại học Indiana (Hoa Kỳ), cho rằng tổ hợp công nghiệp quốc phòng là hệ thống kinh tế - chính trị nhằm duy trì lợi nhuận trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho các ngành quân sự. Dưới góc nhìn này, động lực thúc đẩy việc hình thành tổ hợp công nghiệp quốc phòng là lợi ích mà các mối liên kết trong tổ hợp công nghiệp quốc phòng mang đến cho tổ chức tham gia, tạo ra mối quan hệ gần gũi giữa doanh nghiệp thương mại và giới quân sự. Tổ hợp công nghiệp quốc phòng, dưới góc nhìn này, là toàn bộ hệ thống công nghiệp quốc phòng của một quốc gia. Vì vậy, trong nhiều tài liệu nghiên cứu, có thể thấy các thuật ngữ tổ hợp công nghiệp - quân sự Hoa Kỳ, tổ hợp công nghiệp - quân sự Anh, tổ hợp công nghiệp - quân sự Thổ Nhĩ Kỳ..., dùng để chỉ nền công nghiệp quốc phòng của các quốc gia đó.

Hiện nay, xu thế phát triển công nghiệp quốc gia nói chung, công nghiệp quốc phòng nói riêng là phát triển theo mạng lưới tổ hợp và chuỗi giá trị. Hầu hết sản phẩm công nghệ của thế giới đương đại, như điện thoại di động, máy ảnh, máy vi tính, máy bay, hệ thống tên lửa phòng không Patriot..., đều là sự tích hợp của nhiều công nghệ, linh kiện và thiết bị hiện đại. Quá trình tạo ra sản phẩm hoàn thiện nói trên được thực hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới, gọi là chuỗi giá trị toàn cầu; trong đó, mỗi doanh nghiệp chuyên môn hóa thực hiện một hoặc một vài nhiệm vụ cụ thể, không sản xuất toàn bộ sản phẩm. Các tổ hợp công nghiệp quốc phòng với sự dẫn dắt của doanh nghiệp, như Lockheed Martin, Northrop Grummam, Boeing, Airbus..., đều hoạt động theo chuỗi giá trị toàn cầu. Từ góc nhìn sản xuất, tổ hợp công nghiệp quốc phòng được xem như một hệ thống (hay mạng lưới) công nghiệp quốc phòng, trong đó tổ chức, doanh nghiệp xoay quanh một doanh nghiệp quốc phòng mạnh để tạo ra sản phẩm quốc phòng hoàn chỉnh. Điều này giải thích tại sao nhiều học giả khi bàn về phát triển công nghiệp quốc phòng trên thế giới lại đưa ra ví dụ về tổ hợp công nghiệp quốc phòng là tập đoàn công nghiệp quốc phòng.

Từ cách tiếp cận của các nước trên thế giới, có thể đi đến nhận xét, tổ hợp công nghiệp quốc phòng không phải là một pháp nhân, mà là một hệ thống (hay mạng lưới) tổ chức, pháp nhân, doanh nghiệp... lấy cơ sở công nghiệp quốc phòng làm hạt nhân để hình thành mạng lưới tổ hợp, chuỗi giá trị công nghiệp quốc phòng. Vì vậy, để hình thành được tổ hợp công nghiệp quốc phòng, trước hết cần xây dựng được cơ sở công nghiệp quốc phòng mạnh, đủ tiềm lực khoa học, công nghệ, tài chính và quản trị làm hạt nhân dẫn dắt mạng lưới tổ hợp trong nghiên cứu, sản xuất sản phẩm quốc phòng, lưỡng dụng. Ở các quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng phát triển, như Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, I-xra-en..., hạt nhân của tổ hợp công nghiệp quốc phòng hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp để phát huy tính năng động, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, thực hiện vai trò chủ thể trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; đồng thời, huy động được nguồn lực của khu vực dân sự. Ở Việt Nam, phát triển công nghiệp quốc phòng nói chung và tổ hợp công nghiệp quốc phòng nói riêng luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, được thực hiện thông qua tổ chức làm hạt nhân, các tổ chức tham gia khác hoạt động dưới sự điều phối, dẫn dắt của tổ chức làm hạt nhân.

Từ việc nhìn nhận tổ hợp công nghiệp quốc phòng như là một hệ thống (hay mạng lưới) tổ chức, pháp nhân, doanh nghiệp... lấy cơ sở công nghiệp quốc phòng làm hạt nhân để hình thành mạng lưới tổ hợp, chuỗi giá trị công nghiệp quốc phòng, có thể phát triển một số khái niệm về tổ hợp công nghiệp quốc phòng khác, như tổ hợp công nghiệp đóng tàu, tổ hợp công nghiệp hàng không vũ trụ, tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao.

Về vai trò của tổ hợp công nghiệp quốc phòng đối với các quốc gia, có thể khái quát thành một số điểm chính như sau:

Một là, huy động nguồn lực, ưu thế của khu vực dân sự để nghiên cứu, phát triển, sản xuất hệ thống vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại.

Hệ thống vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại thường rất phức tạp, tích hợp nhiều linh kiện, thiết bị, công nghệ cao; đòi hỏi tri thức liên ngành, đa ngành với mức đầu tư lớn. Trên thế giới, không doanh nghiệp đơn lẻ nào thực hiện toàn trình việc nghiên cứu, sản xuất hệ thống vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại. Nghiên cứu, sản xuất hệ thống vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại thường được thực hiện trong một mạng lưới tổ hợp công nghiệp quốc phòng với sự tham gia của nhiều tổ chức, doanh nghiệp và được dẫn dắt bởi doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng có quy mô lớn. Hệ thống vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại cũng bao gồm sự tích hợp của công nghệ quân sự và dân sự, nhất là công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đối với các hệ thống vũ khí, trang bị kỹ thuật truyền thống, việc tích hợp tiến bộ khoa học và công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm cho các hệ thống này thông minh hơn, uy lực và chính xác hơn.

Từ những năm 90 của thế kỷ XX trở lại đây, do sự thay đổi về địa - chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội trên thế giới, công nghiệp quốc phòng đang dần nhường vai trò dẫn dắt công nghệ và đổi mới sáng tạo cho khu vực công nghiệp dân sinh, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với sự nổi trội của các doanh nghiệp công nghệ khổng lồ, như Google, Apple, Facebook, Amazon, Samsung, Intel... Tuy nhiên, cho đến nay, hệ thống doanh nghiệp quốc phòng vẫn đóng vai trò dẫn dắt trong một số lĩnh vực công nghệ cao ở một số quốc gia và trên toàn thế giới. Sự vượt trội của một số lĩnh vực công nghệ và doanh nghiệp dân sinh làm cho sự lan tỏa công nghệ hai chiều, từ khu vực dân sinh vào khu vực quốc phòng và ngược lại, càng rõ nét.

Hai là, đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, dẫn dắt phát triển một số ngành công nghiệp quốc gia.

Ủy ban châu Âu khẳng định, công nghiệp quốc phòng là ngành công nghiệp chiến lược của kinh tế châu Âu, không chỉ góp phần bảo đảm an ninh cho Liên minh châu Âu, mà còn tạo ra việc làm, giá trị tăng thêm, xuất khẩu, đóng góp vào phát triển vùng, đặc biệt là thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp khác thông qua đổi mới sáng tạo. Theo  Giáo sư Adamsky Dmitry, Đại học Reichman (I-xra-en), hiện đại hóa các tổ hợp công nghiệp quốc phòng tức là hiện đại hóa tất cả ngành công nghiệp của nền kinh tế Nga. Điều này cho thấy giới  nghiên cứu đề cao tầm quan trọng của tổ hợp công nghiệp quốc phòng đối với nền kinh tế Nga.

Ở Trung Quốc, sự phát triển của công nghiệp quốc phòng tập trung vào một số tập đoàn công nghiệp quốc phòng. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế X-tốc-khôm (SIPRI), ngoài 2 tập đoàn công nghiệp quốc phòng có liên quan đến công nghệ hạt nhân không tham gia xếp hạng, tất cả tập đoàn công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc đều thuộc nhóm 100 doanh nghiệp quốc phòng có doanh thu lớn nhất thế giới từ năm 2019 đến nay, với tổng giá trị sản xuất đạt trên 400 tỷ USD, chiếm tỷ trọng khoảng 2,3% GDP của Trung Quốc (năm 2021). Bình quân, tỷ trọng giá trị sản xuất sản phẩm quốc phòng của các tập đoàn công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc chiếm 27% tổng giá trị sản xuất công nghiệp.

Ngoài việc giữ vai trò như một trụ cột của nền kinh tế quốc gia, tổ hợp còn tiên phong, dẫn dắt các ngành công nghiệp khác trong một số lĩnh vực công nghệ cao tại nhiều quốc gia trên thế giới. Có thể nói, gần như trong suốt thế kỷ XX, khu vực quân sự dẫn dắt sự phát triển và đổi mới công nghệ trong các ngành công nghiệp là rất rõ, nhiều công nghệ được phát triển trong quân sự rồi lan tỏa sang khu vực dân sự. Ngày nay, một số thành tựu của ứng dụng công nghệ, như Internet, CLONASS, GPS, động cơ phản lực, cáp quang, máy tính, năng lượng hạt nhân,... được sử dụng rộng rãi trong cả khu vực dân sự và quân sự, góp phần tạo ra sự thay đổi lớn đối với xã hội loài người, đều xuất phát từ doanh nghiệp quốc phòng.

Ba là, tạo ra năng lực sản xuất đột phá khi quốc gia trong tình trạng chiến tranh hoặc các tình huống khẩn cấp.

Phát triển công nghiệp quốc phòng theo mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng giúp gia tăng nhanh năng lực sản xuất phục vụ nhu cầu chiến tranh hoặc tình huống khẩn cấp, bởi vì tổ chức, doanh nghiệp dân sự trong tổ hợp công nghiệp quốc phòng sẽ thích nghi với việc chuyển sang trạng thái “kinh tế thời chiến” nhanh hơn so với những tổ chức, doanh nghiệp không tham gia tổ hợp công nghiệp quốc phòng. Theo thông tin từ hãng thông tấn TACC, trong xung đột Nga - U-c-rai-na, tổ hợp công nghiệp quốc phòng Rostec của Nga đã gia tăng năng lực sản xuất quốc phòng lên nhiều lần: xe tăng - 7 lần, xe quân sự hạng nhẹ - 4,5 lần, pháo và tên lửa MLRS - 2,5 lần.

Ngoài ra, nhiều sản phẩm công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, như hệ thống cáp quang, thông tin liên lạc, vệ tinh viễn thám, máy bay không người lái, thiết bị quang điện tử và nhiều thiết bị khác, là các sản phẩm lưỡng dụng. Việc tổ chức nghiên cứu, sản xuất theo mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng làm cho việc gia tăng năng lực sản suất đáp ứng nhu cầu tình trạng chiến tranh tốt hơn.

Một số hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam

Những phân tích ở trên về tổ hợp công nghiệp quốc phòng và vai trò của tổ hợp công nghiệp quốc phòng cho thấy, việc xây dựng mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng là phù hợp với điều kiện của Việt Nam và rất cấp thiết. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI đặt ra mục tiêu: Xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng; từng bước làm chủ công nghệ chế tạo, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng vũ khí, trang bị kỹ thuật công nghệ cao. Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, về chủ trương phát triển công nghiệp, Đảng ta xác định: “đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hình thức cụm liên kết ngành, nhóm sản phẩm chuyên môn hóa và tạo thành các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn”. Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 26-1-2022, của Bộ Chính trị, về “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo”, cũng xác định sự cần thiết của việc thành lập tổ hợp công nghiệp quốc phòng. Trong thời gian tới, để nghiên cứu xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở nước ta - một dạng tổ hợp công nghiệp quốc phòng, tập trung vào nghiên cứu, sản xuất sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, có tiềm lực mạnh về khoa học và công nghệ, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) lớn, dẫn dắt tổ hợp công nghiệp quốc phòng Việt Nam trong nghiên cứu, phát triển, sản xuất hệ thống vũ khí, trang bị kỹ thuật công nghệ cao, cần lưu ý các vấn đề sau:

Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện về phương diện lý luận đối với mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao.

Khái niệm tổ hợp công nghiệp quốc phòng đã được đề cập trong Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, theo đó tổ hợp công nghiệp quốc phòng là hệ thống liên kết, hợp tác của cơ sở công nghiệp quốc phòng, tổ chức, doanh nghiệp đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, do cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt làm hạt nhân để hình thành chuỗi giá trị tạo ra sản phẩm quốc phòng theo nhóm, chuyên ngành sản phẩm vũ khí trang bị kỹ thuật. Hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng là cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt có đủ nguồn lực, tiềm lực khoa học và công nghệ để chủ trì, dẫn dắt, định hướng tổ chức nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, thử nghiệm, sản xuất và hoàn chỉnh sản phẩm quốc phòng. Thành phần khác của tổ hợp công nghiệp quốc phòng được thành lập theo quy định của pháp luật và có ngành, nghề sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực hoạt động phù hợp với nhu cầu của tổ hợp công nghiệp quốc phòng. Thành phần khác của tổ hợp công nghiệp quốc phòng tham gia thông qua việc liên doanh, liên kết, ký hợp đồng với cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt là hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, cung cấp dịch vụ của tổ hợp công nghiệp quốc phòng. Để phát triển tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện về phương diện lý luận về loại hình tổ hợp này.

Sản xuất sản phẩm quốc phòng tại Nhà máy Z115 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng)_Nguồn: qdnd.vn

Thứ hai, đánh giá chi tiết và toàn diện các điều kiện hình thành và phát triển tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam.

Hiện nay, một số câu hỏi đang được đặt ra, như chúng ta đã hội tụ đủ điều kiện để xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao chưa? Nếu chưa, cần hoàn thiện điều kiện nào để bảo đảm việc xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao? Để trả lời các câu hỏi này, cần đánh giá chi tiết và toàn diện thực trạng phát triển công nghiệp quốc phòng của nước ta, bao gồm thực trạng của các cơ sở công nghiệp quốc phòng, như tài chính, con người, tiềm lực khoa học và công nghệ của các cơ sở công nghiệp quốc phòng; năng lực sản xuất, quản trị của các cơ sở công nghiệp quốc phòng; mối liên kết giữa các cơ sở công nghiệp quốc phòng với nhau và với cơ sở công nghiệp dân sinh, tổ chức khoa học và công nghệ; tổ chức tiềm năng làm hạt nhân của tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao. Qua phân tích thực trạng phát triển công nghiệp quốc phòng, cần tiếp tục nghiên cứu về chính sách phát triển công nghiệp quốc phòng hiện hành để thúc đẩy việc thành lập tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao.

Thứ ba, xác định mô hình của tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam.

Trước hết, cần xác định mô hình tổ chức của tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, bao gồm: 1- Tổ chức mạng lưới, lựa chọn tổ chức tiềm năng, đáp ứng tốt nhất bộ tiêu chí lựa chọn hạt nhân của tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao; 2- Các bên tham gia vào tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao; 3- Số lượng và năng lực của các bên tham gia vào tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao. Trong hệ thống cơ sở công nghiệp quốc phòng ở nước ta, một số doanh nghiệp có điều kiện, tiềm năng để trở thành hạt nhân của tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao. Tiếp đó, cần xác định các mối quan hệ chủ yếu của tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao: mối quan hệ của hạt nhân với các đối tác trong tổ hợp; mối quan hệ giữa các bên tham gia trong tổ hợp; mối quan hệ của hạt nhân, khu vực sản xuất, khu vực nghiên cứu và khu vực khác trong tổ hợp với các cơ quan quản lý nhà nước; mối quan hệ giữa tổ hợp và thị trường trong nước, quốc tế. Cuối cùng, cần xác định tầm nhìn, sứ mệnh, mục tiêu và các nhiệm vụ trọng tâm của tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, làm rõ việc nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm trọng tâm của hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao cho giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phân công nhiệm vụ theo chuỗi giá trị của các bên tham gia trong tổ hợp; sự liên kết, phối hợp và phân chia lợi ích giữa hạt nhân và các bên tham gia trong nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm trọng tâm của tổ hợp.

Thứ tư, đề xuất cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho vận hành và phát triển tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao.

Tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao đóng vai trò dẫn dắt, giúp công nghiệp quốc phòng thực sự trở thành bộ phận quan trọng và mũi nhọn của công nghiệp quốc gia. Theo đó, cần xây dựng một số cơ chế, chính sách chủ yếu đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển. Để làm được điều này, cần trả lời các câu hỏi: Cần có cơ chế, chính sách nào để huy động nguồn lực ngoài Quân đội đầu tư cho nghiên cứu và phát triển? Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp hiện nay có bảo đảm cho việc phát triển mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao không? Chính sách nghiên cứu và phát triển như thế nào để bảo đảm kết quả nghiên cứu và phát triển có thể được ứng dụng, chuyển giao, thương mại hóa nhanh nhất?

Ngoài đổi mới chính sách nghiên cứu và phát triển, chính sách đối với hoạt động sản xuất cũng cần được đổi mới, phù hợp với các điều kiện phát triển của Việt Nam và theo kịp chính sách thúc đẩy sản xuất quốc phòng của các nước công nghiệp phát triển trên thế giới. Chẳng hạn, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích như thế nào để tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao phát triển sản xuất sản phẩm trọng điểm, phục vụ lợi ích quốc gia? Bộ Quốc phòng đặt hàng, mua sắm sản phẩm quốc phòng như thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao vận hành, phát triển. Chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao; chính sách khuyến khích hợp tác giữa các bên tham gia trong tổ hợp và các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ Quốc phòng cùng các cơ chế, chính sách khác.

Thứ năm, định hướng phát triển tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao là một tổ hợp công nghiệp lưỡng dụng, phát triển trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, dẫn dắt một số lĩnh vực công nghệ trọng điểm của công nghiệp quốc gia.

Định hướng phát triển tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao như vậy góp phần thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17-11-2022, của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, “Về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 26-1-2022, của Bộ Chính trị, về “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo”. Xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao theo hướng lưỡng dụng cũng là xu thế xây dựng, phát triển tổ hợp công nghiệp quốc phòng của các quốc gia trên thế giới; theo đó, cần có nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo ra hệ thống vũ khí, trang bị kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Vì vậy, thời gian đầu khi xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, giá trị sản phẩm quốc phòng chiếm ưu thế; tuy nhiên, những năm tiếp theo, giá trị sản xuất sản phẩm công nghiệp dân sinh sẽ ngày càng chiếm ưu thế trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao. Mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng ở một số quốc gia, như Trung Quốc, Nhật Bản, I-xra-en... cho thấy, việc mở rộng sản xuất ra ngoài nhu cầu quân sự làm cho các tổ hợp công nghiệp quốc phòng bền vững hơn, tận dụng được nguồn lực, thế mạnh của khu vực dân sự. Chỉ có gắn kết chặt chẽ với công nghiệp quốc gia, tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao mới có thể huy động được nguồn lực, thế mạnh của hệ thống nghiên cứu và phát triển quốc gia, nhất là tiến bộ khoa học và công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào nghiên cứu, phát triển, sản xuất sản phẩm quốc phòng và dân dụng. Phối hợp chặt chẽ nghiên cứu và phát triển của tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao với nghiên cứu và phát triển quốc gia để nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ nền, công nghệ lõi, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp quốc phòng, dẫn dắt một số ngành công nghiệp quốc gia./.

ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét