Ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ và in-tơ-nét đã tạo ra môi trường không gian mạng rộng lớn, các thế lực thù địch đang lợi dụng triệt để môi trường không gian mạng để chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Vì vậy, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo tinh thần Nghị quyết số 35 - NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, đòi hỏi phải có nhận thức và hành động đúng đắn, khoa học, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị hiện nay, đặc biệt là xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng nhằm hướng đến mục tiêu ngăn chặn các hoạt động chống phá của thế lực thù địch và bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Trong thời đại công nghệ ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, nhất là sự bùng nổ của viễn thông, in-tơ-nét, không gian mạng trở thành môi trường đặc biệt để các quốc gia khai thác, phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc. Đối với Việt Nam, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin là một trong những cơ hội để đi tắt, đón đầu, phát triển đất nước nhanh và bền vững dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Tuy nhiên, không gian mạng cũng là môi trường để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để đăng tải nội dung chống phá cách mạng Việt Nam trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, chúng sử dụng không gian mạng như một công cụ đắc lực để chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng bằng nhiều thủ đoạn mới ngày càng tinh vi, xảo quyệt, trắng trợn hơn. Việc xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đã trở thành một nhiệm vụ cấp bách và đòi hỏi sự quan tâm và tinh thần đồng lòng từ mọi thành viên trong cộng đồng mạng.
Các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước gia tăng các hoạt động xuyên tạc, phê phán, bác bỏ và chống phá quyết liệt nền tảng tư tưởng của Đảng, với những thủ đoạn tấn công ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Họ lợi dụng triệt để thành quả của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ, đặc biệt trên nền tảng in-tơ-nét để sản xuất, xuất bản, phát tán, lan truyền những bài viết, hình ảnh, video clip. Họ tập trung vào các nội dung như phê phán, phủ định chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, đặt điều, vu khống, bóp méo, xuyên tạc tình hình nội bộ Đảng, đời tư, sức khỏe của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Họ ra sức móc nối, mua chuộc, lôi kéo, khống chế, kích động, lợi dụng các phần tử cơ hội có dấu hiệu bất mãn với tình hình đất nước để đào tạo, nuôi dưỡng, làm tay sai cho chúng. Mục đích để họ tạo dựng “cơ sở” phản động ở ngay trong nước, núp dưới nhiều chiêu bài, vỏ bọc khác nhau, mang danh cái gọi là “ngọn cờ dân tộc”, “lòng yêu nước”, xã hội dân sự”, bảo đảm nhân quyền”,… nhằm kích động, lôi kéo người nhẹ dạ, cả tin tụ tập biểu tình, phản đối, gây mất trật tự an ninh, an toàn xã hội. Họ lợi dụng những kết quả trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng ta để xuyên tạc, bóp méo, vu khống rằng đó là sự “thanh trùng nội bộ”, “thanh toán phe phái”, “trả thù cá nhân”, nhằm gieo rắc những hoài nghi cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân.
Nếu chúng ta không kịp thời tỉnh táo và kịp thời nhận diện sẽ dẫn đến “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, đánh mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, thờ ơ chính trị, nhiễm căn bệnh chủ nghĩa thực dụng, tâm lý hưởng thụ, lối sống tư sản,… Từ đó, nhằm từng bước làm chuyển hóa suy nghĩ, tư duy, quan điểm và hành động của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Chúng bóp méo, xuyên tạc các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước để làm cho người dân hoang mang, dao động, phân tán tư tưởng, có những suy nghĩ, hành động thiếu kiểm soát. Các thế lực thù địch, phản động sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là xuất bản báo chí ở nước ngoài, sản xuất băng, đĩa hình chuyển về trong nước; Chúng đặc biệt sử dụng in-tơ-nét và truyền thông xã hội để chống phá, lợi dụng các sai sót trong quản lý để kích động biểu tình trái phép. Chúng tổ chức các hội thảo để xem xét lại các vấn đề liên quan đến lịch sử, tuy âm thầm và lâu dài nhưng tác hại thực sự rất lớn.
Trước tình hình diễn biến phức tạp nêu trên, việc tăng cường công tác bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch, xây dựng “thế trận trong lòng dân” là một nhiệm vụ hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng Đảng, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta.
Thực hiện chủ trương của Đảng, trong những năm qua, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp về công tác tổ chức, lực lượng, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành; chú trọng phát huy tốt vai trò của các tổ chức, lực lượng, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong xây dựng “thế trận trong lòng dân” trên không gian mạng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Các cơ quan chức năng đã chủ động làm tốt công tác nghiên cứu chiến lược, nắm bắt, đánh giá, dự báo đúng tình hình, nhất là những vấn đề về âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước nhiều giải pháp có ý nghĩa chiến lược trong thực hiện nhiệm vụ này. Chúng ta đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông, vận dụng tổng hợp hình thức, phương pháp tuyên truyền, đấu tranh; kết hợp chặt chẽ với đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền miệng, tuyên truyền đối ngoại, tuyên truyền trên in-tơ-nét, mạng xã hội và các kênh truyền thông khác, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng; đồng thời, chủ động tăng cường thông tin tích cực đi đôi với phòng ngừa, tích cực đấu tranh phản bác thông tin xấu, độc, sai trái, thù địch trên không gian mạng; kết hợp phòng thủ tích cực, vững chắc với tiến công đáp trả, kịp thời ngăn chặn, xử lý các tình huống trên không gian mạng một cách linh hoạt và hiệu quả, không để bị động, bất ngờ.
Cùng với đó, Nhà nước đã ban hành, sửa đổi hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm bảo đảm an toàn, an ninh mạng; đồng thời, nâng cao hiệu quả việc xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng theo cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước thống nhất quản lý, các ban, bộ, ngành trung ương tham mưu, cùng các địa phương tổ chức thực hiện. Đặc biệt, Nhà nước đã kịp thời bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm xử lý nghiêm tổ chức và cá nhân đưa tin sai sự thật, xấu, độc trên không gian mạng. Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp đã chú trọng khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, củng cố niềm tin của người dân vào chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nâng cao ý thức trách nhiệm, trình độ nhận thức, ý chí của người dân; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, quyết liệt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, mang lại hiệu quả rõ rệt; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân và thường xuyên chú trọng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quy tụ, tập hợp các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đó là nền tảng cơ bản để xây dựng thành công “thế trận lòng dân” trên không gian mạng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, nhiệm vụ xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng còn có mặt hạn chế: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền đối với nhiệm vụ quan trọng này chưa được quan tâm đúng mức, tổ chức thực hiện chưa quyết liệt và chưa hiệu quả. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa huy động và phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên và người dân thờ ơ, đứng ngoài cuộc, có biểu hiện né tránh, hoặc coi đây chỉ là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng. Công tác thông tin, tuyên truyền về một số chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng chưa thường xuyên, kịp thời, chưa đáp ứng được sự mong đợi của nhân dân. “Công tác đấu tranh phản bác, ngăn chặn các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi còn bị động, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao; công tác nắm bắt dư luận trước những sự kiện, tình huống bất ngờ còn chưa kịp thời”. Trước các thủ đoạn, phương thức ngày càng tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng, một bộ phận cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân có biểu hiện chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; chưa thể hiện tinh thần trách nhiệm, chính kiến khi tham gia mạng xã hội, thiếu ý thức hành động phản bác những luận điệu xuyên tạc chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng; thậm chí, một số người còn có biểu hiện lệch lạc về quan điểm trên in-tơ-nét, mạng xã hội, hoặc phụ họa, vô tình tiếp tay cho các thế lực thù địch tán phát các quan điểm sai trái, phản động...
Các thế lực thù địch nhất là số đối tượng phản động, phần tử cơ hội chính trị sẽ tiếp tục triệt để lợi dụng không gian mạng để chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, trắng trợn hơn. Chúng sử dụng phổ biến nhất là các phương thức liên lạc qua giải pháp cung cấp nội dung, như hình ảnh, tin nhắn, gọi điện cho người dùng (OTT) để lập hội kín, nhóm kín trên không gian mạng, từ đó móc nối, lôi kéo thành viên tham gia. Thông qua các trang mạng xã hội, như Zalo, Facebook, Youtube... các đối tượng này tổ chức các lớp học trực tuyến về cái gọi là “xã hội dân sự”, “dân chủ, nhân quyền”, tuyên truyền về cái gọi là “phương pháp đấu tranh bất bạo động”. Chúng triệt để lợi dụng các diễn đàn trên không gian mạng nhằm tác động, chuyển hóa tư tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; lợi dụng các sự kiện chính trị, xã hội trong và ngoài nước để bóp méo, xuyên tạc với thủ đoạn hết sức tinh vi, hòng kích động, thúc đẩy các luồng dư luận trái chiều, lôi kéo các tầng lớp nhân dân tham gia, gây áp lực với chính quyền, từ đó thực hiện âm mưu chống phá và lật đổ chế độ... Vì vậy, cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng tiếp tục diễn ra phức tạp và ngày càng quyết liệt; trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trên trận tuyến này cũng sẽ ngày càng nặng nề hơn. Theo đó, xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng để “bảo vệ nền tảng tư tưởng” của Đảng là một trong những chủ trương lớn, đúng đắn, vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính thường xuyên, lâu dài./.
ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét