Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy những người có tư tưởng cá nhân chủ nghĩa thường sống và làm việc theo triết lý vị kỷ, đặt “cái tôi” lên trên hết, việc gì cũng chỉ nghĩ đến lợi ích của riêng mình. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ nhăm nhăm “mọi người vì mình”!
Nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, chủ nghĩa cá nhân là “tư tưởng mẹ” nó đẻ ra nhiều tư tưởng xấu, trái với đạo đức cách mạng. Người viết “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm. “Do chủ nghĩa cá nhân mà cán bộ ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường lập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh….Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác người cách mạng phải tiêu diệt nó”.
Người giải thích: “Quan liêu là xa rời quần chúng, không đi sâu đi sát, không hiểu rõ lai lịch, tư tưởng và công tác của cán bộ mình. Không lắng nghe ý kiến của quần chúng. Sợ phê bình và tự phê bình. Tác phong của những “ông quan liêu” là thiếu dân chủ, không giữ đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, phân công phụ trách”.
Bệnh quan liêu làm tiêu tan phẩm chất tốt đẹp của cán bộ và cơ quan nhà nước, nó làm cho dân sợ, dân oán ghét và dân khinh. Quan liêu thường đi đôi với mệnh lệnh, hống hách, vì vậy, Hồ Chí Minh thường gọi chung là “quan liêu mệnh lệnh”. Người cho rằng cán bộ mắc bệnh quan liêu thực chất chỉ là những kẻ giả dối “làm láo, báo cáo hay”. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng” nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với phương châm, chính sách của Đảng và Chính phủ”.
Thực tiễn cho thấy một nguyên nhân sụp đổ của Liên bang cộng hòa XHCN Xô viết là bệnh quan liêu. Điều này đã được V.I.Lênin cảnh báo từ đầu thế kỷ XX… “Toàn bộ công việc của tất cả cơ quan kinh tế của chúng ta bị khốn khổ trước hết vì bệnh quan liêu. Nếu có cái gì làm tiêu vong chúng ta thì chính là cái đó”.
Ở nước ta trước khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghiêm khắc nhắc nhở “…Vì những người và những cơ quan lãnh đạo mắc bệnh quan liêu thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí. Thế là bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí. Vì vậy muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí, thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu”.
Từ Đại hội VI tới nay, trong nhiều nghị quyết của Đảng đã chỉ ra những khiếm khuyết trong chủ trương, chính sách quản lý, kinh tế-xã hội nhưng do bệnh quan liêu nên hầu như ở các cấp, các ngành, các lĩnh vực đều vẫn còn những chủ trương, chính sách chưa phù hợp làm cho tệ lãng phí, tham nhũng có cơ hội phát sinh và lây lan như bệnh dịch. Số lãng phí, tham nhũng gây tổn hại khô ng nhỏ cho công quỹ của nhà nước; nguy hại hơn nó còn gây ra tổn thất không lường trước được là làm giảm sút lòng tin của nhân dân với Đảng, nhà nước và chế độ tạo ra những lỗ hổng cho các tổ chức phản động xuyên tạc và chống phá.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần chỉ rõ tình trạng bê trễ, làm sai, làm ẩu, làm hư hỏng, thất thoát tiền của và công sức của nhân dân. Cần có người đứng đầu cơ quan lãnh đạo, quản lý có trách nhiệm, biết rõ công việc chứ không phải là một “ông quan liêu” nhất là đối với các cán bộ trong Quân đội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những người mắc bệnh quan liêu thường phạm những khuyết điểm sau:
1. Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài.
2. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực.
3. Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình.
Muốn chống nó thì, như Hồ Chí Minh đã dạy, là phải nghiêm từ trên xuống dưới, cán bộ của Đảng phải là những người có đạo đức và có uy tín chuyên môn, tức là những người “thật tốt”, tiền bạc không thể lung lay, vật chất không thể cám dỗ và phải có dũng khí đương đầu với những phản ứng từ nhiều phía, nhất là sự bao che, ô dù, phe cánh từ phía những người có quyền lực.
Gắn với các cán bộ Đảng viên trong Quân đội. Cán bộ chủ trì đơn vị phải luôn thấm nhuần tư tưởng của Người về chống bệnh quan liêu, tham nhũng. Không để xảy ra các biểu hiện của căn bệnh này. Xây dựng Quân đội ta luôn luôn vững mạnh về mọi mặt không suy thoái biến chất, thật sự là vũ khí sắc bén của Đảng sẵn sàng chiến đấu trước mọi tình huống. Luôn quán triệt sâu sắc các nghị quyết chỉ thị của Đảng về xây dựng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ nhất là Nghị quyết trung ương 4 “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng” hiện nay.
Thấm nhuần tư tưởng của Người mọi cán bộ của Đảng nói chung và cán bộ Đảng viên trong Quân đội nói riêng phải kiên quyết đấu tranh chống bệnh quan liêu, tham nhũng và những suy thoái biến chất trong một bộ phận cán bộ Đảng viên của Đảng góp phần giữ vững và nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân./.
Yêu nước ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét