Giáo sư, Bác sĩ Đặng Văn Ngữ thường được nhớ đến như một trong những nhà khoa học hàng đầu của nước ta trong thế kỷ 20. Sinh thời, ông dành phần lớn thời gian cho việc nghiên cứu về các loài ký sinh, trong đó có công trình điều tra về loài muỗi A-nô-phen Bắc Kỳ - nền tảng quan trọng cho các nghiên cứu về phòng chống sốt rét sau này. Năm 1957, ông sáng lập Viện sốt rét Ký sinh trùng và Côn trùng và là Chủ nhiệm Chương trình tiêu diệt bệnh sốt rét ở miền Bắc!
Ít ai biết, Bác sĩ Đặng Văn Ngữ còn là một cán bộ đi B. Sau một thời gian nghiên cứu về bệnh sốt rét ở miền Bắc, Giáo sư nhận ra rằng công cuộc chống sốt rét tại miền Nam cũng không kém phần quan trọng. Ông quyết tâm cùng một số cộng sự lên đường “đi B” để trực tiếp nghiên cứu biện pháp phòng chống sốt rét tại chỗ, tìm hiểu khả năng sản xuất vắc-xin chống căn bệnh quái ác này để giảm thiểu tổn thất về sức khỏe và sinh mạng cho bộ đội và thanh niên xung phong.
Không may, đó cũng là chuyến đi cuối cùng của ông. Chiều 1/4/1967, Giáo sư đã anh dũng hy sinh sau loạt bom của máy bay Mỹ xuống chiến trường Thừa Thiên - Huế. Thi hài ông nằm lặng lẽ suốt hai mươi năm cho đến khi một người đốn củi tình cờ tìm thấy mộ ông với gói vải dù bọc hài cốt và một tấm biển nhôm vẻn vẹn mấy chữ: “Đặng Văn Ngữ 1-4-1967” do Bác sĩ Nguyễn Tiến Bửu - một người cộng sự của Giáo sư khắc vội để giữ mộ.
Tuy không trực tiếp cầm súng, nhưng bộ dụng cụ thí nghiệm, những công trình nghiên cứu chính là vũ khí mà Giáo sư, Bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã sử dụng để chống lại kẻ thù, bảo vệ quê hương trong giai đoạn khó khăn nhất. Dù đã đi xa hơn nửa thế kỷ, ông vẫn luôn là một tấm gương lớn về lòng dũng cảm, quyết tâm, sẵn sàng dâng hiến tất cả vì Tổ quốc.
—
🇻🇳🇻🇳🇻🇳 “Vinh quang Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng” - Chiến dịch truyền thông số trên đa nền tảng của Đài truyền hình Việt Nam hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân./.
Môi trường ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét