Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2024

TÌM HIỂU GIÚP BẠN: MÃI SÁNG NGỜI HÌNH ẢNH “BỘ ĐỘI CỤ HỒ” TRÊN MẶT TRẬN BẢO VỆ BIÊN GIỚI TÂY NAM VÀ PHÍA BẮC CỦA TỔ QUỐC!

     Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, trong khi quân và dân ta đang tập trung sức người, sức của để khắc phục hậu quả chiến tranh và phát triển đất nước thì tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam nước ta. Ở biên giới phía Bắc, nguy cơ xảy ra cuộc xâm lược quy mô lớn cũng hiện rõ. Quân đội ta lại một lần nữa phát huy cao độ truyền thống cách mạng, sát cánh cùng nhân dân chiến đấu bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc!

Ngay từ tháng 4/1975, sau khi lên nắm quyền lãnh đạo đất nước, tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary đã phản bội lại nhân dân Campuchia. Chủ trương của Pol Pot đối với những người chống đối là: “Dù phải diệt thêm một triệu người nữa cũng kiên quyết làm, giết nhầm một kẻ vô tội còn hơn để sót một kẻ chống đối”. Chúng thiết lập cái gọi là “Nhà nước Campuchia dân chủ”, thi hành chế độ diệt chủng, tàn sát nhân dân, thanh trừng nội bộ. Đất nước Campuchia thành trại khổ sai khổng lồ với đầy rẫy những hố chôn người.

Đối với Việt Nam, chúng xuyên tạc lịch sử, kích động thù hằn dân tộc. Chúng đề ra cái gọi là “Đường lối chiến đấu mới”, với cuồng vọng: “Hy sinh 2 triệu người Campuchia để tiêu diệt 60 triệu người Việt Nam”. Không dừng lại ở đó, chúng còn đưa quân đánh chiếm các đảo Phú Quốc (3/5/1975), Thổ Chu (10/5/1975), sau đó liên tiếp xâm phạm nhiều vùng lãnh thổ nước ta dọc biên giới từ Hà Tiên đến Tây Ninh. Đi đến đâu, chúng cũng tàn phá làng mạc, cướp bóc, giết hại dã man người dân, kể cả người già, phụ nữ, trẻ em. Tính từ tháng 5/1975 đến tháng 12/1978, chúng đã giết hại 5.230 dân thường Việt Nam. Ngày nay, Khu Di tích nhà mồ Ba Chúc, tỉnh An Giang có 1.159 bộ xương cốt người dân vô tội bị quân Pol Pot giết hại.

Tại thời điểm đó, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã kiên trì thực hiện chính sách hòa bình, hữu nghị, nhưng tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary càng lấn tới. Trước hành động xâm lược và tội ác diệt chủng của tập đoàn phản động Pol Pot - Ieng Sary, Việt Nam buộc phải đứng lên thực hiện quyền tự vệ chính đáng. Từ tháng 12/1977, quân ta đã mở đợt phản công trên các hướng Đường 7, Đường 1 và Đường 2, đánh bại kế hoạch đánh chiếm thị xã Tây Ninh của địch. Tiếp đó, từ mùa khô năm 1978, quân và dân ta phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia tiếp tục mở các cuộc tiến công, lực lượng Pol Pot ngày càng rơi vào thế bị động, lúng túng. Từ ngày 23/12/1978, Quân tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng vũ trang của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia mở cuộc tổng phản công - tiến công. Đến ngày 7/1/1979, Quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia giải phóng Phnom Penh, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của tập đoàn phản động Pol Pot - Ieng Sary. Ngày 8/1/1979, Hội đồng cách mạng Campuchia tuyên bố chấm dứt cuộc chiến tranh biên giới với Việt Nam do tập đoàn phản động Pol Pot - Ieng Sary gây ra.

Như vậy, thực hiện sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng, QĐND Việt Nam đã đập tan cuộc tiến công xâm lược của tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary, cứu giúp nhân dân nước bạn thoát khỏi họa diệt chủng, tiến hành công cuộc hồi sinh đất nước Campuchia. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, biết bao cán bộ,0 chiến sĩ QĐND Việt Nam đã hy sinh hoặc để lại một phần thân thể của mình trên các chiến trường. QĐND Việt Nam đã làm tốt chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, hòa mình, gắn bó với nhân dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân, tô thắm thêm truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”. Sự hy sinh xương máu, thái độ chí tình, chí nghĩa của Quân tình nguyện Việt Nam được nhân dân Campuchia ca ngợi, tôn vinh là “Bộ đội nhà Phật”.

Kết thúc cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, toàn dân và toàn quân lại phải đương đầu với những khó khăn thử thách lớn, đặc biệt là nguy cơ xảy ra một cuộc tiến công quy mô lớn từ phía Bắc. Trước diễn biến tình hình căng thẳng trên vùng biên giới phía Bắc, Đảng và Nhà nước ta kiên trì chủ trương giải quyết bằng con đường hòa bình; đồng thời, đẩy mạnh xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trên phạm vi cả nước.

Đêm 16, rạng ngày 17/2/1979, lợi dụng trời tối, sương mù, phía đối phương bí mật đưa lực lượng lớn vượt biên, luồn sâu, ém sẵn ở nhiều khu vực trên toàn tuyến biên giới, từ Pò Hèn (Quảng Ninh) đến Pa Nậm Cúm (Lai Châu); đồng thời, triển khai đội hình gồm một lực lượng áp sát biên giới chuẩn bị tiến công. Từ 3 giờ 30 phút, ngày 17/2/1979, đối phương sử dụng pháo binh bắn phá một số mục tiêu trong lãnh thổ nước ta, sau đó, huy động lực lượng lớn tiến công sang lãnh thổ Việt Nam.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ và thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam một lần nữa sát cánh cùng nhân dân các dân tộc Việt Bắc, Tây Bắc kiên quyết chiến đấu, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Trước những đòn giáng trả mạnh mẽ, quyết liệt của quân và dân ta, trong đó nòng cốt là lực lượng cán bộ, chiến sĩ QĐND và trước sự lên án kịch liệt của dư luận tiến bộ trên thế giới và trong nước, ngày 5/3/1979, phía đối phương buộc phải tuyên bố rút quân ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Đến ngày 18/3/1979, đối phương hoàn thành việc rút quân khỏi Việt Nam.

Có thể thấy, dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân, được sự đùm bọc, che chở, giúp đỡ của nhân dân, QĐND Việt Nam đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp, đi đầu trên trận tuyến bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. Thắng lợi trong cuộc bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc thể hiện đường lối chính trị, quân sự đúng đắn của Đảng, trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược tài tình, sắc bén của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Thắng lợi này thêm một lần nữa khẳng định ý chí của cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, kiên cường chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong những năm đầu đất nước thống nhất.

Từ thực tiễn, Quân đội ta đã trưởng thành, tích lũy được những kinh nghiệm về âm mưu, thủ đoạn của đối tượng tác chiến mới, vận dụng phương châm và phương thức tác chiến, xây dựng lực lượng, xây dựng thế trận, lãnh đạo và chỉ huy tác chiến, bảo đảm hậu cần, kết hợp kinh tế với quốc phòng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đó là cơ sở, tiền đề để QĐND Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong hoàn cảnh, điều kiện mới, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tạo điều kiện để nhân dân ta tiếp tục sự nghiệp xây dựng CNXH trên phạm vi cả nước. Đồng thời, QĐND Việt Nam cũng làm tròn nghĩa vụ quốc tế, tích cực góp phần bảo vệ độc lập dân tộc và hòa bình ở Đông Dương và Đông Nam Á./.
Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét