🇻🇳 🇻🇳 🇻🇳 🇻🇳 🇻🇳 🇻🇳 🇻🇳🇻🇳
🌹 Ngày 15/11/1919, diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Nguyễn Ái Quốc với Pie Pátxkie (Pierre Pasquier), quan chức Bộ Thuộc địa Pháp (sau trở thành Toàn quyền Đông Dương) nhằm tham khảo ý kiến về việc xây dựng ngôi đền kỷ niệm những người Đông Dương chết trận trong Đại chiến I. Nguyễn Ái Quốc khuyến nghị nên quan tâm đến đời sống vợ con của những người chết trận và đặt thẳng vấn đề: “Mỹ sau 10 năm đã cho Philippin tự trị, Nhật vừa cho Triều Tiên tự trị sau 14 năm. Sao Pháp chưa làm gì cho Đông Dương?”.
🌹 Ngày 15/11/1921, Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho Hội Liên minh Nhân quyền Pháp trong đã đưa ra 7 yêu cầu cấp thiết đối với nhân dân Việt Nam lúc này là: Ân xá chính trị phạm, cải cách pháp luật, tự do báo chí và tự do ngôn luận, tự do lập hội và hội họp, tự do xuất dương, du lịch ở nước ngoài... và đề nghị Hội tích cực can thiệp đòi Chính phủ Pháp thực thi những yêu cầu này.
🌹 Ngày 15/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ tốt nghiệp Khóa V Trường Huấn luyện cán bộ Việt Nam và căn dặn các học viên: “Anh em phải hết sức nghe mệnh lệnh của Chính phủ, trong công việc phải làm cho dân yêu mến và siêng năng hăng hái, làm gương cho đồng bào”. Cùng ngày, Bác dự Lễ khai giảng khóa đầu của Trường Đại học Việt Nam trên cơ sở tiếp thu Đại học Đông Dương.
🌹 Ngày 15/11/1946, Bác cảm ơn đồng bào đã nhiệt thành ủng hộ phong trào “Mùa Đông binh sĩ”: “Chiếc áo trấn thủ mà đồng bào sẽ gửi cho anh em binh sĩ, trong mùa rét này, chẳng những sẽ giúp anh em giữ được sức mạnh để bảo vệ đất nước, mà lại còn khiến anh em luôn luôn nhớ đến tình thân ái nồng nàn của đồng bào ở hậu phương.
🌹 Ngày 15/11/1948, trên báo Sự Thật, số 102, đăng bài viết “Bệnh tự kiêu, tự ái” của Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới bút danh X.Y.Z. Bác yêu cầu: “Mỗi một người và tất cả mọi người chúng ta phải tẩy cho sạch bệnh tự kiêu, tự ái. Đó là hai thứ bệnh rất nguy hiểm cho đạo đức và công việc” và “… Đã tự kiêu, tự ái thì không thể đoàn kết. Không đoàn kết tức là cô độc. Đã cô độc thì chẳng việc gì thành công”.
🌹 Ngày 15/11/1950, dự phiên họp của Chính phủ, nhân nói đến vụ án Trần Dụ Châu, Đại tá Giám đốc Nha Quân nhu bị tử hình vì tội tham ô... Bác phát biểu: “Về vụ Trần Dụ Châu, chúng ta phải chịu một phần trách nhiệm, chúng ta không có chính sách cán bộ đúng. Chúng ta sinh trưởng trong một xã hội lạc hậu, nhiễm thực dân phong kiến, xã hội cũ hám danh hám lợi, danh lợi dễ làm hư người... Bây giờ chúng ta dùng cán bộ để cải tạo xã hội mà không có chính sách cải tạo cán bộ, đó là khuyết điểm... Lúc tìm người phải tìm cả tài, cả đức, chú trọng tư tưởng. Nếu cán bộ biết thương dân, tiếc của dân thì không xảy ra việc đáng tiếc... Chúng ta hay nể nả. Mình chỉ biết mình thanh liêm là đủ. Quan niệm “thanh cao tự thủ” là không đủ... Phải mở cửa khuyến khích lãnh đạo tự phê bình và phê bình”.
🌹 Ngày 15/11/1951, trong “Lời kêu gọi ngụy binh quay về với Tổ quốc”, Bác viết: "Tôi thiết tha kêu gọi các người mau mau quay về với Tổ quốc, các người sẽ được đối đãi tử tế.
Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Con Hồng cháu Lạc phải thương nhau cùng”.
🌹 Ngày 15/11/1959, trong bài “Cần Kiệm” trên Báo Nhân Dân, Bác phân tích: “Cần để nâng cao không ngừng năng suất lao động. Kiệm để tích trữ thêm vốn, mở rộng sản xuất. Kiệm mà không Cần thì cũng vô ích. Cần mà không Kiệm thì tay không lại hoàn tay không”./.
Môi trường ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét