Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2024

CHỚ KHEN... NGƯỢC ĐỜI!

         Ở tổ chức, cơ quan, đơn vị nào cũng vậy, mỗi dịp cuối năm đều tiến hành bình xét khen thưởng cá nhân và tập thể tiêu biểu trong các lĩnh vực.

Việc khen thưởng đối với tập thể thông thường cấp dưới đề nghị, cấp trên xét, quyết định. Với cá nhân cũng vậy, nhưng xem ra có không ít chuyện cần bàn luận.

Thực ra, trong học tập, lao động, công tác, ai cũng muốn có kết quả, thành tích tốt để xây dựng, cơ quan, đơn vị vững mạnh. Trong tâm lý, ai cũng muốn được khen thưởng, từ cán bộ lãnh đạo đến nhân viên, quần chúng. Việc khen thưởng là sự ghi nhận của tập thể, của cấp trên đối với cá nhân. Những người có động cơ đúng đắn trong thi đua không ai nghĩ mình làm tốt để được khen thưởng, mà chỉ muốn làm thế nào cho công việc tốt hơn, chất lượng hơn để góp sức vào xây dựng tổ chức, cơ quan, đơn vị tiến bộ về mọi mặt. Tất nhiên cũng trong thâm tâm, chẳng ai làm việc lại muốn mình bị cấp trên chê bai, trách cứ.

Thông thường cơ quan, đơn vị có nhiều cá nhân được khen thưởng cuối năm là cơ quan, đơn vị vững mạnh. Mỗi cơ quan, đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được khen thưởng thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó cũng đáng được ghi nhận công lao, thành tích. Bởi trách nhiệm cá nhân người đứng đầu bao giờ cũng gắn với trách nhiệm xây dựng cơ quan, đơn vị. Vì thế, người đứng đầu được xét khen thưởng cũng cần thiết.

Tuy nhiên, việc xem xét khen thưởng rất cần hướng về cơ sở, quan tâm khen nhiều những người trực tiếp lao động, làm việc, cống hiến, sáng tạo; không nên thiên về khen thưởng quá nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý. Vì thời gian qua, vào dịp tổng kết cuối năm, khi công bố khen thưởng, không ít tổ chức, cơ quan, đơn vị thấy xuất hiện nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý, chỉ huy lên nhận phần thưởng. Thế nên mới có chuyện ở cơ quan nọ, khi nghe thấy nhiều tên “sếp” được công bố khen thưởng, cả hội trường cứ cười rộ lên. Tiếng cười đó không phải vì vui mừng mà có hàm ý mỉa mai là khen “sếp”... tràn lan.

Thực tế cho thấy, việc khen thưởng ở đâu cũng vậy, nếu người đứng đầu gương mẫu, có quan điểm xây dựng, quan tâm đến nhân viên, người lao động, người làm trực tiếp thì việc khen thưởng sẽ hợp lý, nhân văn. Có những tập thể dù cán bộ lãnh đạo, quản lý chỉ đạo, tổ chức cơ quan, đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị song rất nhiều năm không ai nhận khen thưởng về mình, mà luôn ưu tiên dành cho nhân viên, cấp dưới. Nhưng cũng có một số cán bộ lãnh đạo, quản lý lại rất “ham” được khen thưởng, rất muốn được nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua nên tìm mọi cách để định hướng, lèo lái tập thể đơn vị ủng hộ bản thân họ. Thế nên, có người coi đó cũng là một dạng "tham nhũng" khen thưởng.

Có thể nói, việc khen thưởng là một trong những tiêu chí quan trọng để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, xem xét, đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ các cấp. Do đó, việc xét khen thưởng rất cần được lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo chặt chẽ, nghiêm túc, công minh, để việc khen thưởng bảo đảm đúng người, đúng việc.

Việc khen thưởng công tâm, chính xác sẽ tạo động lực thúc đẩy cán bộ, chiến sĩ, nhân viên, người lao động có động cơ và hành động thi đua trong sáng, phát huy năng lực, trí tuệ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp tích cực vào sự phát triển toàn diện của tập thể. Ngược lại, tình trạng khen thưởng phiến diện, cảm tính, ưu ái cán bộ lãnh đạo, quản lý quá nhiều thì không những làm cho phong trào thi đua không phát triển tích cực mà còn gây ra những “điều ong tiếng ve” không đáng có trong tổ chức, cơ quan, đơn vị./.
Theo QĐND
Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét