Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự thống nhất hành động trong toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, đội ngũ cán bộ nữ nói chung và đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý nói riêng đã có sự phát triển không ngừng cả về số lượng, chất lượng, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào vị trí lãnh đạo, quản lý, các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nữ vẫn còn những bất cập, hạn chế, thách thức đặt ra. Cần có những giải pháp động bộ và quyết liệt hơn để phát huy vai trò của phụ nữ trong thời kỳ mới.
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta về vai trò phụ nữ
Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và luôn gắn độc lập dân tộc với việc giải phóng phụ nữ. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà nên tốt đẹp, rực rỡ”. Về công tác phụ nữ, Người cũng căn dặn: “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”[2]. Người luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải quan tâm giáo dục, giúp đỡ, tạo điều kiện cho chị em phụ nữ tiến bộ, không thành kiến, hẹp hòi với họ, và việc phát huy vai trò và năng lực sáng tạo của phụ nữ là trách nhiệm của toàn xã hội.
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định: “công tác cán bộ nữ là một bộ phận quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng”. Đảng ta luôn quan tâm chăm lo công tác cán bộ nữ và coi đó là một bộ phận quan trọng, mang tính chiến lược trong công tác cán bộ của Đảng. Đảng ta xác định xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Đảng, là chính sách nhất quán - một trong những nhiệm vụ cốt yếu xuyên suốt của cách mạng Việt Nam trong những năm qua. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật về cán bộ nữ, về bình đẳng giới nhằm phát huy giá trị và vai trò của người phụ nữ.
Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự thống nhất hành động trong toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, chính sách phát triển đội ngũ cán bộ nữ không ngừng được đổi mới, hoàn thiện và tổ chức thực hiện đồng bộ, đội ngũ cán bộ nữ nói chung và đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý nói riêng đã có sự phát triển không ngừng cả về số lượng, chất lượng, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào vị trí lãnh đạo, quản lý, các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cán bộ nữ và xây dựng đội ngũ cán bộ nữ vẫn còn những bất cập, hạn chế, thách thức đặt ra. Nhiều quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa thực sự đi vào cuộc sống, tỷ lệ cán bộ nữ tham chính trong xây dựng Đảng, chính quyền nhà nước chưa đạt mục tiêu đề ra, tỷ lệ phụ nữ tham gia và lãnh đạo, quản lý còn tương đối thấp so với số lượng và tiềm năng của lực lượng lao động nữ cũng như so với yêu cầu phát triển đất nước, thiếu những cán bộ nữ là nhà lãnh đạo, quản lý giỏi và chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực, định kiến giới tiếp tục tác động và ảnh hưởng đến cơ hội phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực khác nhau trong xã hội…
Trước yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng, công tác cán bộ nữ càng trở nên cấp thiết và có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ nữ
Ngay từ Cương lĩnh Chính trị đầu tiên năm 1930, Đảng đã xác định phụ nữ là lực lượng cách mạng to lớn và tạo mọi điều kiện để phụ nữ tham gia các lĩnh vực phát triển đất nước. Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng đã khẳng định “Phụ nữ bình đẳng với nam giới trên mọi phương diện”. Tư tưởng này vẫn tiếp tục thể hiện rõ và ngày càng phát triển, cụ thể hóa hơn trong các Hiến pháp sau đó. Từ chỗ bình quyền với nam giới thể hiện một cách chung chung trong Hiến pháp đầu tiên, quyền của phụ nữ đã được cụ thể hóa và được thể hiện đầy đủ, toàn diện hơn trong Hiến pháp thứ hai năm 1959, theo đó “Phụ nữ được bình đẳng với nam giới trong tất cả các lĩnh vực hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội”.
Trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, vai trò lãnh đạo, quản lý toàn diện của phụ nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội tiếp tục được Đảng và Nhà nước quan tâm. Công tác cán bộ nữ được xác định là một nội dung quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng và trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện công tác phụ nữ nói chung và công tác cán bộ nữ nói riêng, trong đó, nhiều văn bản xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu về cán bộ nữ.
Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 16-5-1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII về “Một số vấn đề về công tác cán bộ nữ trong tình hình mới” đã nhấn mạnh tới việc nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ tham gia công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội là yêu cầu quan trọng để thật sự thực hiện quyền bình đẳng, dân chủ của phụ nữ; là điều kiện để phát huy tài năng, trí tuệ và nâng cao địa vị xã hội của phụ nữ. Nhiệm vụ đặt ra là cần phải chống những biểu hiện lệch lạc, coi thường phụ nữ và khắt khe, hẹp hòi trong đánh giá, đề bạt, bố trí, sử dụng cán bộ nữ. Tiếp theo đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa gần đây đã ban hành một hệ thống văn bản khá toàn diện về công tác cán bộ, trong đó có công tác cán bộ nữ.
Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị khóa X “về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” (Sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 11-NQ/TW) nêu rõ: “Phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới”, đồng thời xác định: “Xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Đảng”. Nghị quyết số 11-NQ/TW xác định nguyên tắc và đề ra chỉ tiêu: “Thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ về độ tuổi trong quy hoạch, đào tạo, đề bạt và bổ nhiệm cán bộ; phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp từ 35% đến 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Cơ quan lãnh đạo cấp cao của Ðảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới; và cần bảo đảm nữ tham gia các khóa đào tạo tại các trường lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước từ 30% trở lên”.
Sau sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-TW của Bộ Chính trị, ngày 18-01-2013, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 55-KL-TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X “về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, trong đó nhấn mạnh các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp Nghị quyết đã đề ra.
Chỉ thị 36-CT/TWngày 30-5-2014 của Bộ Chính trị “về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đề ra yêu cầu hết sức cụ thể đối với các cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền từ Trung ương tới địa phương về công tác cán bộ nữ. Theo đó, phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ không dưới 15% và cần có nữ tham gia ban thường vụ; nếu nơi nào chưa bảo đảm được tỷ lệ nêu trên thì phải bầu thiếu số lượng để tiếp tục chuẩn bị và sẽ bổ sung sau.
Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-TW của Bộ Chính trị, ngày 20-01-2018 Ban Bí thư khóa XII đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW “về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới”, trong đó chỉ rõ “Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp về công tác cán bộ nữ; hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ; chú trọng phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, tôn vinh… nhằm xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới”.
Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” xác định mục tiêu, nhiệm vụ giải quyết những vấn đề then chốt, cấp bách nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế. Trong đó, Nghị quyết số 26-NQ/TW xác định chỉ tiêu: Đến năm 2030 phải có cơ cấu cán bộ nữ trong cơ cấu ban thường vụ cấp ủy và tổ chức đảng các cấp. Tỷ lệ nữ cấp ủy viên các cấp đạt từ 20-25%; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đạt trên 35%.
Đặc biệt là Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị khóa XII “về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” và Chỉ thị số 35-CT/TWngày 14-6-2024 của Bộ Chính trị khóa XIII “về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng” đều xác định chỉ tiêu về cơ cấu cán bộ nữ: “Phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ”. Kết luận số 75-KL/TW ngày 30-5-2020 về phương hướng nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đưa ra chỉ tiêu: Tỷ lệ Ủy viên Trung ương Đảng (gồm cả dự khuyết) là cán bộ nữ từ 10-12%. Thông báo số 174 ngày 8-6-2020 thông báo kết luận của Bộ Chính trị về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biều hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 có nêu: Đại biểu là phụ nữ bảo đảm tỷ lệ ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân; phấn đấu tỷ lệ trúng cử khoảng 30%. Về công tác quy hoạch, Quy định số 50-QĐ/TW, ngày 27/12/2021 của Bộ Chính trị về quy hoạch cán bộ quy định: “Phấn đấu cơ cấu, tỷ lệ quy hoạch cấp ủy và các chức danh lãnh đạo quản lý các cấp theo hướng cán bộ nữ từ 25% trở lên”.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định sự quan tâm, trách nhiệm cũng như những nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đặt ra để giải quyết các vấn đề về công tác phụ nữ trong giai đoạn hiện nay, đó là “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”, trong đó, vị trí, vai trò của phụ nữ ngày càng được nâng cao, từng bước đóng góp nhiều hơn vào mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội và phát triển chung của đất nước. Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Thực hiện đồng bộ và toàn diện các giải pháp phát triển thanh niên, bình đẳng giới vì sự tiến bộ của phụ nữ. Giảm dần khoảng cách giới trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình”. Trong đó, coi việc giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị vừa là một nhiệm vụ đồng thời cũng là một trong các giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Quyết định số 2282/QĐ-TTgngày 31-1-/2020 phê duyệt Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng giới của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030” đề ra mộ số chỉ tiêu: Đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Tỷ lệ cán bộ nữ trong diện quy hoạch các chức danh quản lý, lãnh đạo các cấp đạt ít nhất 40% vào năm 2025 và 50% vào năm 2030. Tỷ lệ cán bộ nữ trong diện quy hoạch các chức danh quản lý, lãnh đạo các cấp được đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực đạt 75% vào năm 2025 và đạt 90% vào năm 2030.
Nghị quyết số 28/NQ-CPngày 3-03-2021 của Chính phủ về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đưa ra một số mục tiêu cụ thể như: “Trong lĩnh vực chính trị: Đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ”; “Trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo: Tỷ lệ nữ thạc sĩ trong tổng số người có trình độ thạc sĩ đạt không dưới 50% từ năm 2025 trở đi. Tỷ lệ nữ tiến sĩ trong tổng số người có trình độ tiến sĩ đạt 30% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030”; “Trong lĩnh vực thông tin, truyền thông: Từ năm 2025 trở đi 100% tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan hành chính, ban, ngành, đoàn thể các cấp được phổ biến, cập nhật thông tin về bình đẳng giới và cam kết thực hiện bình đẳng giới”.
Các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và các văn bản của Nhà nước là cơ sở rất quan trọng để tăng cường và phát huy vai trò to lớn của đội ngũ cán bộ nữ trong hệ thống chính trị ở các cấp hiện nay. Việc quy định tỷ lệ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo, quản lý và các cơ quan dân cử thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới và vì sự phát triển của phụ nữ, tạo điều kiện và cơ hội để đội ngũ cán bộ nữ nâng cao trình độ, năng lực về mọi mặt, từng bước vươn lên của phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
Kết quả thực hiện
Trong thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị đã tham mưu, ban hành nhiều văn bản nhằm tiếp tục thực hiện Nghị Quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X và cụ thể hóa Chỉ thị số 21-CT/TW, trọng tâm là công tác cán bộ nữ và hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện. Các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm về vai trò, vị trí của phụ nữ, về công tác phụ nữ và công tác cán bộ nữ cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp. Đồng thời, quán triệt, triển khai sâu rộng nội dung các nghị quyết, quy định, chỉ thị, kết luận về công tác phụ nữ nói chung và công tác cán bộ nữ và xây dựng đội ngũ cán bộ nữ nói riêng. Qua đó, nhận thức, trách nhiệm của của cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác phụ nữ nói chung và công tác cán bộ nữ, xây dựng đội ngũ cán bộ nữ nói riêng được nâng lên, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ được đưa ra về công tác cán bộ nữ và xây dựng đội ngũ cán bộ nữ.
Số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ nữ có năng lực, trình độ ngày càng tăng; vị trí, vai trò đội ngũ cán bộ nữ được khẳng định và ghi nhận, góp phần vào sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tính đến 31-12-2021, đội ngũ công chức, viên chức nữ có 1.325.316 người, trong đó, công chức nữ là 107.324 người (chiếm 43,32% tổng số công chức), số viên chức nữ là 1.217.992 người (chiếm 68,06% tổng số viên chức). Công tác tạo nguồn, quy hoạch cán bộ nữ ở các cấp đã từng bước đi vào nền nếp. Nguồn cán bộ nữ quy hoạch cho các chức danh lãnh đạo, quản lý khá dồi dào, nhất là ở cấp tỉnh, cấp huyện; cơ bản bảo đảm sự đồng bộ từ dưới lên; trình độ đào tạo, cơ cấu ngành nghề, tỷ lệ cán bộ nữ trẻ, cán bộ dân tộc nữ có bước tiến bộ. Trên cơ sở quy hoạch, nhiều cấp ủy đã quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ nữ, tạo điều kiện thuận lợi để chị em phát huy vai trò, trí tuệ, năng lực, tinh thần năng động, sáng tạo của mình. Do đó, số lượng, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp ngày càng nhiều; đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ không ngừng tăng trong các cơ quan của Đảng, cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, thậm chí kể cả trong những lĩnh vực trước kia chỉ dành riêng cho nam giới ngày càng tăng như trong lực lượng vũ trang. Ở một số lĩnh vực, trí thức nữ có tỷ lệ rất cao như giáo dục đào tạo (64%), y tế là (55%), khoa học xã hội nhân văn (58%). Nhiều cán bộ nữ đạt được những giải thưởng cao quý trong nước và quốc tế, vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo, Thầy thuốc, Nghệ sỹ nhân dân, Nghệ sỹ ưu tú, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Ngày càng có nhiều nữ trí thức có học hàm, học vị giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ… Nhiều phụ nữ giữ các vị trí quan trọng trong lĩnh vực lãnh đạo, quản lý, kinh doanh…
Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam đã tăng 11 bậc về bình đẳng giới so với năm 2022. Đặc biệt, trong lĩnh vực chính trị, Việt Nam xếp từ thứ hạng 106 năm 2022 lên thứ hạng 89 năm 2023 (tăng 27 bậc), trong đó tỷ lệ nữ trong nghị viện xếp hạng 53. Việc nâng cao tỷ lệ nữ lãnh đạo, quản lý đã góp phần thực hiện mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, đưa Chỉ số phát triển giới của Việt Nam xếp thứ 65/162 quốc gia và vùng lãnh thổ; Chỉ số thu hẹp khoảng cách giới xếp thứ 87/153. Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp
Ở cấp Trung ương, tỷ lệ số lượng nữ tham gia Bộ Chính trị và Ban Bí thư tăng lên qua các khoá. Nếu như nhiệm kỳ Đại hội VIII của Đảng mới có 1 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị là nữ thì nhiệm kỳ Đại hội XII đã có 3 đồng chí nữ Ủy viên Bộ Chính trị (chiếm 15,79%). Đầu nhiệm kỳ nhiệm kỳ Đại hội XIII có 1 Ủy viên Bộ Chính trị và 2 Ủy viên Ban Bí thư. Tại thời điểm 10/2024, có 1 Ủy viên Bộ Chính trị là nữ (1/15, chiếm 6,7%). Phụ nữ tham gia Ban chấp hành Trung ương lần đầu tiên là từ Đại hội VIII của Đảng. Con số này có xu hướng tăng liên tiếp trong 3 khóa X, XI, XII với các tỷ lệ tương ứng là 7,5%, 8,13% và 10%. Đầu nhiệm kỳ Khóa XIII có 19 Ủy viên Trung ương là nữ (18 Ủy viên chính thức và 01 Ủy viên dự khuyết), chiếm 9,5%.
Ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tỷ lệ nữ tham gia ban chấp hành đảng bộ tỉnh, thành phố qua các nhiệm kỳ gần đây tăng từ 11,23% (Nhiệm kỳ 2000 - 2005) đến 13,3% (nhiệm kỳ 2020-2025). Nhiệm kỳ 2020-2025, Ủy viên thường vụ là nữ chiếm 10,97% (nhiệm kỳ 2015-2020 là 7,85%), Bí thư và Phó bí thư chiếm tỷ lệ tương ứng là 9,5% (nhiệm kỳ 2015-2020 là 6,3%) và 10,97% (nhiệm kỳ 2015-2020 là 4,14%).
Ở cấp huyện, tỷ lệ nữ tham gia ban chấp hành đảng bộ huyện và tương đương năm nhiệm kỳ gần đây đều tăng, từ 11,68% (nhiệm kỳ 2000-2005) 11,68% lên 17,3% (nhiệm kỳ 2020-2025). Có nhiều nơi đạt tỷ lệ trên 20%. Nhiệm kỳ 2020-2025, Ủy viên thường vụ là nữ chiếm 13,2% tăng so với nhiệm kỳ 2015-2020 (là 12,0%), Bí thư và Phó bí thư chiếm tỷ lệ tương ứng là 8% (nhiệm kỳ 2015-2020 là 7,4 %) và 8,86% (nhiệm kỳ 2015-2020 là 5,9%).
Ở cấp xã, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy cơ sở qua các nhiệm kỳ gần đây tăng nhanh, từ 11,88% (nhiệm kỳ 2000-2005) lên 20,8% (nhiệm kỳ 2020-2025). Nhiệm kỳ 2020-2025, ủy viên thường vụ là nữ chiếm 13,2% (nhiệm kỳ 2015-2020 là 10,7%), bí thư và phó bí thư chiếm tỷ lệ tương ứng là 10,9% (nhiệm kỳ 2015-2020 là 8,0 %) và 14,8% (nhiệm kỳ 2015-2020 là 11,5%).
Cán bộ nữ tham gia Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp
Ở cấp Trung ương, số đại biểu Quốc hội 5 khóa gần đây có xu hướng tăng nhưng không ổn định, từ 26,22% của khóa X lên 30,26% của khoá XV (khóa XI là 27,31%; khóa XII là 25,76%; khóa XIII là 24,40%; khóa XIV là 26,80%). Đặc biệt, nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII có 2 Phó chủ tịch nữ, nhiệm kỳ khoá XIV có 1 Chủ tịch và 1 Phó chủ tịch là nữ. Trong số đại biểu Quốc hội khóa XV, có 393 phụ nữ ứng cử (tỷ lệ 45,38%) và tỷ lệ đại biểu Quốc hội trúng cử là nữ đạt 30,26% (151 đại biểu nữ), cao nhất từ Quốc hội khóa VI (nhiệm kỳ 1976-1981) trở lại đây. Về trình độ chuyên môn, 100% nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV có trình độ đại học trở lên, đa số là trình độ thạc sỹ. Nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ XV có tuổi đời trẻ hơn và trình độ chuyên môn cao hơn nhiệm kỳ trước. Trong số 151 nữ đại biểu Quốc hội khóa XV, có 120 nữ đại biểu có trình độ chuyên môn trên đại học (79,5%) và 137 nữ đại biểu có trình độ lý luận chính trị cao cấp và cử nhân (chiếm 90,73%). Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là nước có số đại biểu nữ cao trong Quốc hội. Tính đến 2-2023, Việt Nam xếp hạng 64/193 nước, cao hơn 10 bậc so với thời điểm tháng 12-2020 (74/193 nước). Việt Nam đứng thứ 4 ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA) về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội.
Tỷ lệ nữ người dân tộc thiểu số tham chính cũng ngày càng tăng lên. Quốc hội khóa XIV, số đại biểu người dân tộc thiểu số là 86 người (17,30%) cao hơn so với Quốc hội khóa XIII (tỷ lệ 15.6%), trong đó số đại biểu nữ là 36 người (chiếm 42%). Khóa XV, đại biểu nữ là 151/499 người (chiếm 30,26%), trong đó có 44 người là phụ nữ dân tộc thiểu số (chiếm 8,8% so với tổng số đại biểu Quốc hội và 49,43% so với tổng số đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số (44/89 người).
Ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, tỷ lệ nữ là đại biểu hội đồng nhân dân tăng nhanh, nhất là ở cấp xã. Theo thống kê, 5 nhiệm kỳ gần đây (2002-2007, 2007-2011, 2011-2016, 2016-2021, 2021-2026) tỷ lệ nữ tham gia hội đồng nhân dân cấp tỉnh lần lượt là 21,57%, 23,8%, 25,7%, 26,56% và 29%; cấp huyện là 20,99%, 22,9%, 24,6%, 27,50% và 29,2%; cấp xã là 16,61%, 20,10%, 27,7%, 26,59% và 28,98%.
Cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý các cấp
Theo thống kê, từ khóa IX (1992-1997) đến khóa XV (2021-2026), số lượng bộ trưởng nữ luôn được duy trì ở mức từ 1 đến 3 người (Khóa XIV và khóa XV: 3/22 Bộ trưởng, chiếm 13,64%).
Tính đến cuối năm 2023, đối với nữ lãnh đạo chủ chốt các bộ, ngành Trung ương: 14/30 cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ (chiếm 46,67%, tỷ lệ này năm 2022 là 15/30, đạt 50%); trong đó có 4 nữ bộ trưởng (13,34%); 14/108 thứ trưởng và tương đương (12,97%, tăng 8 người so với năm 2022); 2/15 tổng cục trưởng là nữ (13,33%) và 7/48 phó tổng cục trưởng là nữ (14,6%). Có 77/765 cục, vụ trưởng và tương đương là nữ (10,06%, tăng 5 người so với năm 2022); 437/1874 phó cục trưởng, phó vụ trưởng và tương đương là nữ (23,3%, tăng 73 người so với năm 2022).
Đối với các cấp địa phương: Tỷ lệ chính quyền địa phương cấp tỉnh có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt 82,4%. Ở cấp huyện tỷ lệ này là 40,5% và ở cấp xã là 37,9%. Có 4.279/30.686 chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp là nữ (13,9%, tăng 36 người so với 2022); 780/5.025 giám đốc, phó giám đốc sở và tương đương là nữ (15,5%, giảm 15 người so với 2022); 12.864/44.821 trưởng phòng, phó trưởng phòng chuyên môn và tương đương là nữ (28,7%, tăng 4.836 người so với 2022).
Nhìn chung, công tác cán bộ cán bộ nói chung và cán bộ nữ nói riêng đã và đang đi vào nền nếp, bám sát các quan điểm, nguyên tắc của Đảng, kết hợp hài hòa giữa tính phổ biến và đặc thù, giữa tiêu chuẩn và cơ cấu...Các quy trình trong công tác cán bộ ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, có sự đổi mới, có tính kế thừa và phát triển và dân chủ hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trong đó, công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bầu cử, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ nữ có những chuyển biến tích cực theo hướng mở rộng dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, chính xác, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý các cấp. Công tác tạo nguồn, quy hoạch cán bộ nữ ở các cấp đã từng bước đi vào nền nếp. Nguồn cán bộ nữ quy hoạch cho các chức danh lãnh đạo, quản lý khá dồi dào. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, tôn vinh nhằm khơi dậy tiềm năng, trí tuệ, sức sáng tạo, khát vọng của đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý, nữ trí thức, nữ cán bộ khoa học... được quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Công tác bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ nữ được thực hiện đúng theo các quy định hiện hành của Đảng và pháp luật của Nhà nước; đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, sát với thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị. Kịp thời phát hiện, giới thiệu cán bộ nữ, trẻ ưu tú, có năng lực, triển vọng phát triển để xem xét bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, bầu cử giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý.
Nhận thức, trách nhiệm, hành động của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu về bình đẳng giới, về công tác cán bộ nữ và xây dựng đội ngũ cán bộ nữ ngày càng toàn diện hơn, đầy đủ hơn và tăng cường hơn. Việc hoàn thiện hệ thống các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật cảu Nhà nước về bình đẳng giới, công tác phụ nữ nói chung và công tác cán bộ nữ nói riêng được cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện, góp phần tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển toàn diện, rút ngắn khoảng cách giới, nâng cao vị thế, vai trò của người phụ nữ trong gia đình, xã hội và hệ thống chính trị; tạo điều kiện để phụ nữ và nam giới bình đẳng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội…
Hạn chế và nguyên nhân
Trong những năm qua, mặc dù công tác cán bộ nữ, xây dựng đội ngũ cán bộ nữ đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn những hạn chế sau đây. Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phụ nữ nói chung và về công tác cán bộ nữ nói riêng có lúc, có nơi chưa được quan tâm kịp thời, đúng mức. Một số nội dung trong các nghị quyết, kết luận của Trung ương về công tác cán bộ nói chung và cán bộ nữ nói riêng chậm được thể chế hóa, cụ thể hóa, có những nội dung đã thể chế hóa, cụ thể hóa nhưng thiếu tính khả thi, kết quả thực hiện chưa cao; thiếu các chính sách đặc thù hỗ trợ phụ nữ. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, người đứng đầu về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác cán bộ nữ và xây dựng đội ngũ cán bộ nữ chưa thật sự thấu đáo; nhiệm vụ và giải pháp đề ra để thực hiện các Nghị quyết, quy định, kết luận, chỉ thị, các mục tiêu của Trung ương về công tác phụ nữ nói chung và công tác cán bộ nữ nói riêng còn chưa đầy đủ, chưa cụ thể, chưa đồng bộ, thiếu kịp thời; việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát của một số cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thiếu sâu sát, thiếu đồng bộ và thiếu quyết liệt; việc cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch, đề án chuyên đề về công tác cán bộ nữ còn ít, thiếu cụ thể và chưa hiệu quả, đặc biệt trong tổ chức thực hiện.
Một số mục tiêu về công tác cán bộ nữ chưa đạt được hoặc chưa tương xứng, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Còn nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị tỷ lệ cán bộ nữ chưa đạt yêu cầu; càng lên cấp cao thì tỷ lệ nữ cấp ủy càng có xu hướng giảm; vẫn có nơi không có nữ trong ban thường vụ, ban chấp hành, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia vào các vị trí cấp chiến lược, các vị trí lãnh đạo chủ chốt còn thấp so với tiềm năng và nguồn lực cán bộ nữ cũng như so với yêu cầu phát triển của đất nước. Tỷ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt cấp ủy, lãnh đạo chính quyền các cấp còn thấp và chủ yếu ở vị trí cấp phó, cá biệt còn một số xã không có cấp ủy viên là nữ. Cơ cấu lĩnh vực, ngành nghề chưa hợp lý; số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ nữ không đồng đều; không ít cán bộ nữ, kể cả cán bộ cấp chiến lược chưa ngang tầm nhiệm vụ; tư duy, khả năng thích ứng với nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, thời đại công nghệ 4.0 còn chậm; năng lực tham mưu và tổ chức thực hiện còn hạn chế, chưa khẳng định được năng lực trong công tác. Không ít cán bộ nữ thiếu thiếu tiên phong, gương mẫu, ngại thay đổi, thích nhận việc dễ, ngại việc khó; còn tự ti, chưa nỗ lực học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ.
Công tác cán bộ nữ còn nhiều hạn chế, việc thực hiện một số nội dung trong các khâu còn hình thức. Đánh giá cán bộ nói chung và cán bộ nữ nói riêng vẫn là khâu yếu; kết quả đánh giá nhìn chung chưa phản ánh đúng thực chất; chưa khách quan, khoa học; phương pháp, quy trình đánh giá còn không ít bất cập; các tiêu chí đánh giá lượng hóa chưa sát, chưa gắn với đặc thù của cán bộ nữ. Công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương còn gặp nhiều khó khăn; còn thiếu những giải pháp mang tính chiến lược; còn khép kín, thiếu sự liên thông, gắn kết, chưa đảm bảo quy định về tỷ lệ nữ trong quy hoạch. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ còn hạn chế, chưa thực sự gắn lý luận với thực tiễn, chưa chú trọng bồi dưỡng theo chức danh; còn khoảng cách giữa quy định và việc thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ. Luân chuyển cán bộ nữ còn một số bất cập, chậm được khắc phục; luân chuyển, biệt phái tạo cơ hội cho cán bộ nữ được rèn luyện qua thực tiễn chưa nhiều. Việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử giới thiệu ứng cử đối với cán bộ nữ vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa chọn đúng người, đúng việc. Công tác tuyển dụng còn nhiều hạn chế, bất cập; chất lượng tuyển dụng chưa cao, chưa đồng đều, chưa đáp ứng yêu cầu. Chủ trương thu hút nhân tài nói chung và nhân tài nữ nói riêng chậm được cụ thể hóa, kết quả thực hiện còn hạn chế. Chính sách tiền lương, chế độ chính sách, thi đua, khen thưởng chưa thực sự là động lực để cán bộ nữ toàn tâm, toàn ý công tác, cống hiến.
Công tác kiểm tra, giám sát, đóng góp ý kiến, phản biện xã hội trong thực hiện pháp luật, chính sách có liên quan đến công tác cán bộ nữ của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội chưa thường xuyên, chủ động, sâu sát, chưa đáp ứng yêu cầu.
- Đầu tư các nguồn lực cho công tác cán bộ nữ và xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác cán bộ nữ chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ; tổ chức bộ máy tham mưu về công tác cán bộ còn thiếu bộ phận chuyên trách công tác cán bộ nữ để giúp cấp ủy làm tốt công tác này. Chậm sơ kết, tổng kết thực tiễn; thiếu nghiên cứu cơ bản, tổng thể về công tác cán bộ nữ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ nữ.
Một số nhiệm vụ, giải pháp
Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình đội ngũ cán bộ nữ và xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới, đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp xây dựng đội ngũcán bộ nữ như sau.
Một là, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là của người đứng đầu về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới, công tác cán bộ nữ một cách rộng rãi, thường xuyên, liên tục.
Quan trọng nhất là tạo được sự thống nhất về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác cán bộ nữ, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp để từ đó lãnh đạo, chỉ đạo, có những chủ trương, giải pháp và hành động cụ thể, quyết liệt thực hiện chủ trương về công tác cán bộ nữ hiệu quả, thiết thực nhằm thay đổi cơ bản tình hình. Hiện vai trò, khả năng của cán bộ nữ nhìn chung chưa được các cấp, các ngành đánh giá đúng mức mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực thời gian gần đây. Có một số nơi và một số cá nhân vẫn chưa thấy hết tầm quan trọng, sự cần thiết phải phát huy năng lực và trí tuệ của phụ nữ vào các mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, sự thay đổi tư duy và hành động của cả xã hội trong lĩnh vực bình đẳng giới, nhất là trong công tác cán bộ nữ là một việc rất khó, không thể nhanh chóng, nhất là trong lúc ảnh hưởng của định kiến giới, đặc trưng từ hệ tư tưởng Nho giáo vẫn rất nặng nề. Do vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới, vai trò, vị trí của cán bộ nữ nói chung và công tác cán bộ nữ nói riêng phải được tiến hành thường xuyên, rộng khắp, trên mọi bình diện, nhằm vào các tầng lớp xã hội, các vùng miền.
Hai là, xây dựng mô hình cân bằng giới trong lãnh đạo, quản lý.
Tình trạng cán bộ nữ chiếm tỷ lệ thiểu số trong thành phần lãnh đạo quản lý ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị đang nên sự mất cân đối xét trên phương diện cơ cấu giới. Sự mất cân đối này dẫn đến không phát huy được vai trò và địa vị của cán bộ nữ, không tạo được động lực thúc đẩy, khuyến khích phụ nữ phấn đấu, vươn lên tự khẳng định minh trong tổ chức, chứng tỏ năng lực quản lý của mình. Sự hài hòa về giới trong ban lãnh đạo, quản lý của đơn vị, tổ chức tất yếu tạo ra sự hài hòa, đoàn kết trong đơn vị, tạo ra tiền đề để giải quyết tốt các quan hệ ý chí, lợi ích của mỗi giới qua đó tạo dựng và củng cố niềm tin, sự ủng hộ của tập thể đối với ban lãnh đạo. Do vậy, việc xây dựng được mô hình lãnh đạo hài hòa giới trong tổ chức, cơ quan, đơn vị là rất cần thiết. Đây là mô hình không chỉ hướng tới sự bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý mà hướng tới mục tiêu xa hơn là xác lập một sự lãnh đạo, quản lý thực sự dân chủ và hiệu quả trong hoạt động của tổ chức trong hệ thống chính trị. Để hướng tới mô hình này, trách nhiệm phấn đấu không chỉ ở cấp ủy, các cấp lãnh đạo, người đứng đầu mà quan trọng là ở quyết tâm phấn đấu, rèn luyện và ở mức độ trưởng thành và khả năng tự khẳng định mình của mỗi cán bộ nữ.
Ba là, hoàn thiện chính sách bình đẳng giới theo hướng thống nhất, liên thông, hiệu quả để đảm bảo quyền lợi của phụ nữ một cách thực sự.
Trước mắt, cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật từ góc độ giới, bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật bình đẳng giới nhằm tạo cơ hội và đảm bảo quyền lợi chính đáng cho phụ nữ tham gia vào hệ thống chính trị, cũng như các vị trí lãnh đạo, quản lý. Tiếp tục đưa các chỉ tiêu về bình đẳng giới vào quá trình hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách của các địa phương, các bộ, ngành một cách quyết liệt, hiệu quả hơn. Đồng thời, đưa quy định về thực hiện được các chỉ tiêu về công tác cán bộ nữ vào tiêu chuẩn đánh giá kết quả công tác và đánh giá thi đua hằng năm đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị, trước hết là đối với người đứng đầu. Đây là giải pháp mang tính chiến lược, lâu dài để bảo đảm tiếng nói và quyền lực chính trị của người phụ nữ, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới một cách bền vững.
Bốn là, làm tốt công tác tạo nguồn và quy hoạch đội ngũ cán bộ nữ ở tất cả các cấp, các ngành, cả ở địa phương và Trung ương, trong đó chú trọng cấp chiến lược; bảo đảm tính liên thông giữa các cấp, trong đó lấy quy hoạch cấp ủy là cơ sở để quy hoạch, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Công tác tạo nguồn và quy hoạch cán bộ nữ cần đặt trong chiến lược nguồn nhân lực quốc gia, phải có tính chiến lược, khoa học, kiên trì và có bước đi phù hợp. Mỗi cấp, mỗi ngành phải có kế hoạch tạo nguồn và quy hoạch cán bộ nữ; việc tạo nguồn, quy hoạch phải gắn với chỉ tiêu thi đua của từng cấp, từng ngành, gắn với trách nhiệm của cấp ủy, trước hết và trực tiếp là người đứng đầu. Tiếp tục rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ nữ, phát hiện những cán bộ trẻ có năng lực, có phẩm chất đạo đức tốt, có triển vọng, nhiệt tình để đào tạo. Cần kết hợp hài hòa giữa đào tạo để phát hiện và phát hiện để đào tạo. Chú trọng những cán bộ, quản lý và công chức nữ có thành tích xuất sắc, những cán bộ nữ người dân tộc thiểu số, các nhà khoa học trẻ tuổi có sáng kiến tốt, ý tưởng hay ở cấp dưới để đưa vào quy hoạch cấp cao hơn, nhất là cấp chiến lược. Xác định những ngành, lĩnh vực có thể phát huy thế mạnh, sở trường của phụ nữ, những chức danh lãnh đạo, quản lý cần có cán bộ nữ, từ đó, có kế hoạch tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng. Việc tạo nguồn và quy hoạch phải căn cứ vào điều kiện cụ thể, tính đến yếu tố vùng miền, đặc thù của từng lĩnh vực hoạt động và từng độ tuổi của chị em để có các yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn cán bộ phù hợp.
Năm là, phát huy vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị nhằm tăng cường tỷ lệ lãnh đạo, quản lý nữ.
Tăng cường tỷ lệ phụ nữ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị không phải là việc riêng của phụ nữ, mà đó là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội. Vì thế, các cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu phải quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho cấp hội phụ nữ thực hiện hiệu quả chức năng của mình. Hội liên hiệp phụ nữ, ban vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp, các địa phương đẩy mạnh chức năng tham mưu, phản biện để tăng cường tiếng nói, nguyện vọng chính đáng của chị em vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ và việc thực thi bình đẳng giới trên thực tế.
Sáu là, tạo mọi điều kiện để phụ nữ chủ động khắc phục những khó khăn của bản thân, tự vươn để khẳng định mình trong công tác và cuộc sống.
Để tăng cường số lượng, chất lượng phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị các cấp, bản thân chị em phải nỗ lực vươn lên, nắm bắt cơ hội học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ để tự khẳng định mình. Bối cảnh trong nước và trên thế giới luôn biến động, những tình huống mới xuất hiện, do đó phụ nữ cần phải có quyết tâm, năng động, sáng tạo, quyết đoán, quyết liệt, có tư duy độc lập, có thể tự giải quyết những vấn đề phức tạp mới nẩy sinh. Đây là những tố chất rất cần thiết đối với người lãnh đạo, quản lý nữ hiện đại. Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên, có như vậy mới đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ.
Tăng cường tiếp cận nguồn lực thời gian cho cán bộ nữ để chuyên tâm công tác là một biện pháp cơ bản để thúc đẩy sự tham gia lãnh đạo, quản lý của nữ giới ở Việt Nam. Chia sẻ trách nhiệm và gánh nặng lao động chăm sóc và việc nhà không được trả lương giữa nữ giới và nam giới; giữa gia đình và Nhà nước sẽ là một giải pháp hiệu quả mà nhiều quốc gia đã thực hiện thông qua việc phát triển và cung cấp các dịch vụ chăm sóc trẻ nhỏ, người già, người cao tuổi, người ốm có chất lượng cao và giá thành hợp lý nhờ có sự chia sẻ tài chính giữa cá nhân/gia đình và Nhà nước. Giải pháp này đã được nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII về “Phát triển các dịch vụ hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới”[4].
Bảy là, xây dựng bộ phận chuyên trách về công tác cán bộ nữ trong ban tổ chức cán bộ trong hệ thống chính trị.
Trong các cơ quan làm công tác tổ chức cán bộ các cấp cần có bộ phận chuyên trách công tác cán bộ nữ để giúp cấp ủy và người đứng đầu làm tốt công tác này. Bộ phận chuyên trách này theo dõi, sơ kết, tổng kết, đánh giá, tham mưu đề xuất các vấn đề về công tác cán bộ nữ và xây dựng đội ngũ cán bộ nữ bảo đảm cơ cấu đồng bộ, chất lượng tương xứng với lực lượng lao động nữ, đảm bảo sự chuyển tiếp liên tục giữa các thế hệ; bảo đảm mục tiêu chung là công bằng và bình đẳng giới trong công tác cán bộ nữ.
Tám là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; định kỳ sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm tình hình thực hiện các chủ trương của Đảng, các quy định của pháp luật về bình đẳng giới, trước hết là các chủ trương, quy định liên quan đến công tác cán bộ nữ như: các mục tiêu, yêu cầu, chỉ tiêu đặt ra với công tác cán bộ nữ; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm… Việc thanh tra, kiểm tra phải gắn với các biện pháp khen thưởng, xử lý kỷ luật các cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu, đặc biệt là trong việc thực hiện các chỉ tiêu cụ thể đã được đưa ra liên quan đến công tác cán bộ nữ. Chú trọng sơ kết, tổng kết, nghiên cứu một cách hệ thống để kịp thời phát huy ưu điểm, phát hiện và khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ nữ./.
ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét