Sau 38 năm
thực hiện đường lối đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được
những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trong đó có nhiều đóng góp quan
trọng của nền đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”.
Ngoại giao “cây tre Việt Nam” được Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng lần đầu tiên đề cập tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 29 năm 2016. Đến
Hội nghị đối ngoại toàn quốc vào tháng 12-2021, đồng chí Tổng Bí thư đã khái
quát nội hàm cơ bản của nền đối ngoại, ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo, mang
đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” là “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm
đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. Đây là sự tổng kết và
khái quát hóa cao nội dung cốt lõi, xuyên suốt đường lối đối ngoại của Đảng và
Nhà nước ta cũng như bản sắc độc đáo của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam
được phát triển trên nền tảng lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh, kế thừa và phát huy bản sắc, cội nguồn văn hóa và truyền thống dân tộc,
tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời
đại.
Hình tượng “cây tre Việt Nam” đã phản ánh sinh động, nhưng rất giản dị,
dễ hiểu về những nội dung cốt lõi và xuyên suốt đường lối đối ngoại của Đảng ta
cũng như bản sắc độc đáo của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. “Gốc vững” là
nguyên tắc vì lợi ích quốc gia - dân tộc để phục vụ, là đường lối đối ngoại độc
lập - tự chủ, lấy thực lực làm gốc, lấy đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối
ngoại và hội nhập quốc tế để tạo thế, lập thời; lấy phương pháp luận Chủ nghĩa
Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng soi đường, chỉ lối.
“Thân chắc” là những phương pháp tạo nên sức mạnh, trong đó sức mạnh đoàn kết
là nhân tố sống còn; đại đoàn kết trong nước là căn bản, đoàn kết quốc tế là
nhân tố bổ trợ hết sức quan trọng. Sức mạnh của đối ngoại toàn diện có được
dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với
các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức
mạnh thời đại... Sức mạnh của Việt Nam còn thể hiện ở tính chính danh, chính
nghĩa, phương cách ứng xử nhân văn, có trước có sau, cách hành xử thượng tôn
pháp luật và phù hợp với xu thế tiến bộ của thời đại. “Cành uyển chuyển” là
phong cách, nghệ thuật ứng xử linh hoạt, vận dụng nguyên tắc “dĩ bất biến ứng
vạn biến”, đặc biệt trong các hoàn cảnh khó khăn, có sự mâu thuẫn giữa những xu
thế khác nhau, giữa đòi hỏi phải hài hòa cái chung và cái riêng, nhằm giữ vững
bản sắc, giá trị đất nước và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc Việt
Nam phù hợp với những giá trị chung của nhân loại. Đó là cách ứng xử “biết
mình, biết người”, “biết thời, biết thế”, “biết dừng, biết biến” của tư tưởng
ngoại giao Hồ Chí Minh.
Thực tiễn đã chứng minh, đường lối đối ngoại, ngoại
giao mang bản sắc “cây tre Việt Nam” đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, giúp
tạo lối, mở đường, từng bước phá thế bao vây, cấm vận, khơi thông quan hệ, mở
ra cục diện mới thuận lợi cho công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước, nâng cao
thế và lực của Việt Nam.
Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, nước ta
đã có quan hệ ngoại giao với hơn 190 quốc gia, trong đó có các đối tác chiến
lược toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác toàn diện. Cùng với đó, khuôn khổ
quan hệ với nhiều đối tác quan trọng đã được nâng lên tầm cao mới, tin cậy chính
trị với nhiều nước được củng cố vững chắc, hợp tác ngày càng mở rộng, thực chất
và hiệu quả; vị thế, uy tín và tiếng nói của Việt Nam được khẳng định nổi bật
tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng như ASEAN, Liên hợp quốc, Tiểu
vùng Mê Công, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Đại hội
đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA)... Trước biến động phức tạp của tình hình
quốc tế, chúng ta đã xử lý đúng đắn quan hệ với các đối tác trên cơ sở kiên
định nguyên tắc, linh hoạt sách lược và ứng xử; nhờ đó, vừa thúc đẩy hợp tác để
cùng phát triển, vừa bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Cùng với việc được bạn bè quốc tế tín nhiệm, bầu Việt Nam gánh vác nhiều trọng
trách quốc tế quan trọng, Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp thúc
đẩy hợp tác, đóng góp có trách nhiệm vào các vấn đề chung của thế giới như
phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an
ninh nguồn nước, gìn giữ hòa bình...
Có thể khẳng định, trong bối cảnh thế giới tiếp tục trải qua những biến
động lớn, đứng trước bước ngoặt chuyển dịch nhanh hơn sang cục diện mới, đa
cực, đa trung tâm, đa tầng nấc, “cây tre Việt Nam” vẫn giữ vững thế ổn định và
vươn lên. Bản sắc ngoại giao “cây tre Việt Nam” đã được phát huy và thể hiện rõ
trong từng hoạt động đối ngoại cũng như trong ứng xử có lý, có tình với từng
đối tác và tại từng cơ chế, diễn đàn đa phương. Qua đó, chúng ta đã khẳng định
một Việt Nam bản lĩnh, chân thành, thủy chung, tin cậy và có trách nhiệm, đồng
thời, giữ vững tổng thể cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển đất nước và
bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh thế giới có nhiều yếu tố bất ổn, bất định. Chưa
bao giờ vị thế, uy tín và hình ảnh nước Việt Nam độc lập, tự chủ, phát triển
năng động, thân thiện, yêu chuộng hòa bình, nhân văn, là đối tác tin cậy, là
thành viên tích cực và có trách nhiệm lại nổi bật trên trường quốc tế như hiện
nay.
Nhìn tổng thể, trong 38 năm qua, trường phái đối ngoại, ngoại giao “cây
tre Việt Nam” đã góp phần quan trọng vào thành tựu chung có ý nghĩa lịch sử của
đất nước, theo đó, “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và
uy tín quốc tế như ngày nay”. Trước những biến chuyển lớn của thời đại, phát
huy thế và lực mới của đất nước, bám sát đường lối đối ngoại của Đảng, dưới sự
lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, đúng đắn của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư,
lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam chắc chắn sẽ càng
thể hiện rõ bản sắc “cây tre Việt Nam”: “vững ở gốc, chắc ở thân, uyển chuyển ở
cành”, như tin tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, để bảo vệ vững chắc Tổ
quốc Việt Nam XHCN, bảo vệ và phát huy mạnh mẽ lợi ích quốc gia - dân tộc, vì
một nước Việt Nam XHCN hùng cường, để vinh quang đời đời thuộc về dân tộc Việt
Nam văn hiến và anh hùng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét