Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2024

Vận dụng tư tưởng Ph.Ăngghen về bản chất giai cấp của quân đội trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh nhuệ về chính trị hiện nay

 

Phriđơrich Ăngghen là nhà lý luận chính trị, nhà tư tưởng quân sự lỗi lạc đã để lại cho nhân loại một di sản lý luận vô cùng to lớn. Trong đó, lý luận về quân đội, bản chất giai cấp của quân đội vẫn mang tính thời sự và ý nghĩa sâu sắc trong sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay.

1. Tư tưởng của Ph.Ăngghen về bản chất giai cấp và bản chất giai cấp công nhân của quân đội

Ph.Ăngghen là người đầu tiên chỉ ra nguồn gốc và tính chất giai cấp của quân đội khi khẳng định: “quân đội là một tập đoàn có tổ chức gồm những người được vũ trang, được nhà nước đài thọ để thực hiện chiến tranh tấn công hoặc phòng ngự”1; “quân đội đã trở thành mục đích chủ yếu của nhà nước, trở thành một mục đích tự nó”2. Theo Ph.Ăngghen, quân đội bao giờ cũng mang bản chất của giai cấp và nhà nước tổ chức ra và nuôi dưỡng nó; quân đội trở thành mục đích chủ yếu của nhà nước, trở thành một mục đích tự nó. Bản chất giai cấp của quân đội được thể hiện trong quá trình tổ chức, xây dựng và thực hiện nhiệm vụ. Để làm giàu, củng cố, mở rộng, bảo vệ quyền lực của mình, giai cấp thống trị đã tổ chức cơ cấu chỉ huy chặt chẽ, huấn luyện chu đáo và trang bị vũ khí chuyên dùng cho quân đội, hợp pháp hóa bạo lực vũ trang, biến nó thành một phương tiện hữu hiệu nhất để trấn áp các lực lượng, giai cấp đối lập với mình, thực hiện bằng được các mục tiêu chính trị.

Giai cấp thống trị và nhà nước quyết định bản chất quân đội thông qua việc truyền bá hệ tư tưởng bằng hệ thống giáo dục cho binh lính, xác lập cơ cấu tổ chức, phương hướng hoạt động phù hợp với lợi ích của giai cấp đó và kiểm soát mọi hoạt động của quân đội. Ph.Ăngghen cho rằng, bất cứ quân đội nào cũng là cơ sở bạo lực chủ yếu để nhà nước thực hiện chức năng đối nội và đối ngoại. Trong lịch sử, chưa có quân đội nào chiến đấu vì lợi ích chung của tất cả các giai cấp, vì nó là công cụ bạo lực vũ trang của một giai cấp, một nhà nước nhất định. Ph.Ăngghen khẳng định, quân đội là công cụ bạo lực để nhà nước thống trị xã hội, thực hiện trấn áp, răn đe,... buộc các lực lượng, giai tầng khác phải phục tùng giai cấp thống trị và nhà nước của nó, bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị trong nước; tiến hành chiến tranh bảo vệ lãnh thổ của nhà nước khỏi sự xâm lược từ bên ngoài, hoặc tiến hành chiến tranh xâm lược mở rộng lãnh thổ, phục vụ lợi ích của giai cấp thống trị, áp đặt ách nô dịch đối với dân tộc khác.

Theo Ph.Ăngghen, bản chất giai cấp của quân đội còn thể hiện rõ trong kiểu quân đội. Trong tác phẩm “Quân đội”, Ông chỉ ra cơ sở để phân biệt một kiểu quân đội nhất định, đó là tính quy định lịch sử - cụ thể của xã hội, tính chất của các quan hệ giai cấp và điều kiện kinh tế - xã hội của sự phát triển quân đội đó. Kiểu quân đội được quy định bởi bản chất giai cấp của nó và biểu hiện ở nội dung duy trì đường lối chính trị của một giai cấp nhất định. Ph.Ăngghen cho rằng, việc phân loại quân đội căn cứ vào đặc trưng chính trị, xã hội chủ yếu của các quân đội để chỉ ra nội dung hoạt động cơ bản của quân đội, gắn với hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Ví như, chế độ phong kiến ra đời làm xuất hiện quân đội phong kiến - công cụ của quyền lực nhà nước phong kiến, chỗ dựa cho giai cấp địa chủ phong kiến. Như vậy, sự thay đổi loại hình quan hệ xã hội quy định sự thay đổi nội dung hoạt động của quân đội. Các nước khác nhau và trong các giai đoạn lịch sử khác nhau của xã hội phong kiến, quân đội có sự khác nhau về cơ cấu tổ chức, quân số, nguyên tắc tuyển mộ binh lính. Song, bản chất của quân đội phong kiến vẫn là công cụ, phương tiện để nhà nước phong kiến áp bức, bóc lột trong xã hội. Khi chủ nghĩa tư bản ra đời, làm xuất hiện quân đội tư sản - công cụ bạo lực vũ trang của nhà nước tư sản để duy trì các quan hệ bóc lột và thực hiện đường lối chính trị của giai cấp tư sản. Quân đội tư sản đàn áp các phong trào cách mạng của giai cấp vô sản và quần chúng nhân dân lao động, xâm chiếm lãnh thổ ngoài biên giới, củng cố chế độ bóc lột tư bản chủ nghĩa. Quân đội tư sản còn là công cụ chủ yếu để thực hiện chính sách của chủ nghĩa đế quốc.

Không chỉ nghiên cứu sự ra đời và bản chất của các kiểu quân đội xuất hiện trong lịch sử, Ph.Ăngghen còn đề ra những luận điểm làm nền móng cho việc xây dựng lực lượng vũ trang của giai cấp vô sản để bảo vệ thành quả cách mạng. Trong nhiều tác phẩm của mình, đặc biệt là từ sau Công xã Pari, Ông chỉ ra, giai cấp vô sản sau khi đã giành được chính quyền sẽ đứng trước một đòi hỏi tất yếu phải vũ trang bảo vệ thành quả cách mạng. Và trong tiến trình cách mạng vô sản, giai cấp công nhân không tránh khỏi sự chống trả quyết liệt của giai cấp thống trị đã bị lật đổ. Do đó, giai cấp công nhân và nhân dân lao động phải đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng và chuẩn bị sẵn sàng về mặt quân sự để bảo vệ thành quả cách mạng.

Theo Ph.Ăngghen, sở dĩ Công xã Pari không thể bảo vệ được thành quả cách mạng là do trước hết, không có sự lãnh đạo tập trung thống nhất đối với việc “phòng thủ”, thiếu một đảng cách mạng mác xít duy nhất lãnh đạo. Từ đó, Ông cho rằng, giai cấp vô sản phải xây dựng một cơ quan lãnh đạo quân sự thống nhất để lãnh đạo lực lượng vũ trang, nhằm bảo vệ thành quả cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Đồng thời, chỉ ra những vấn đề có tính nguyên tắc về tính chất, nhiệm vụ tổ chức quân sự của giai cấp vô sản. Ph.Ăngghen khẳng định: quân đội của giai cấp vô sản có ưu thế tuyệt đối về phẩm chất chính trị, tinh thần chiến đấu; trong trường hợp xảy ra chiến tranh, quân đội ấy sẽ chiến đấu với niềm tin, lòng dũng cảm, sự gan dạ và chắc chắn sẽ giành thắng lợi. Để xây dựng quân đội vững mạnh, giai cấp vô sản cần phải quan tâm xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cần thiết cho việc sản xuất và trang bị vũ khí cho quân đội; tổ chức giáo dục chủ nghĩa cộng sản cho toàn dân và cho mọi quân nhân.

2. Vận dụng trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh nhuệ về chính trị hiện nay

Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc, là quân đội của dân, do dân và vì dân. Trong quá trình đó, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm xây dựng Quân đội về chính trị, coi đó là gốc, cơ sở để xây dựng Quân đội ta vững mạnh về mọi mặt. Trong bối cảnh tình hình phức tạp, khó lường như hiện nay, để đảm bảo bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào Quân đội cũng luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, vấn đề nhân tố chính trị - tinh thần của Quân đội càng phải được đặt lên hàng đầu. Do vậy, càng phải quán triệt sâu sắc tư tưởng của Ph.Ăngghen về bản chất giai cấp công nhân của quân đội; đồng thời, vận dụng sáng tạo tư tưởng “chính trị trọng hơn quân sự” được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân: “Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự”3 vào xây dựng Quân đội tinh nhuệ về chính trị, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng mọi thế lực thù địch, xâm lược.

Tinh nhuệ về chính trị của quân đội có thể hiểu là sự tinh thông, thuần khiết, kiên định, vững vàng, nhạy bén, sắc xảo,... về chính trị; được biểu hiện trong tham mưu, xử lý linh hoạt, phù hợp, hiệu quả các tình huống quốc phòng, an ninh và đấu tranh tư tưởng, lý luận; hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong bất kỳ hoàn cảnh, tình huống nào. Với nhiệm vụ “đánh giặc” được thể hiện ở bản lĩnh, ý chí và quyết tâm dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng mọi kẻ thù. Quá trình xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh nhuệ về mọi mặt phải đặt tinh nhuệ về chính trị ở vị trí ưu tiên hàng đầu, coi đó là nội dung cốt lõi nhất.  

Vận dụng tư tưởng của Ph.Ăngghen về bản chất giai cấp công nhân của quân đội trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh nhuệ về chính trị thực chất là vận dụng vào quá trình xây dựng bản chất giai cấp công nhân, tính Nhân dân, tính dân tộc sâu sắc vào chức năng, tổ chức và các mối quan hệ của Quân đội; làm cho chính trị của Quân đội là chính trị của giai cấp công nhân, chính trị của Đảng, chính trị của chế độ xã hội chủ nghĩa. Đó chính là việc vận dụng vào thực hiện chức năng chiến đấu, chức năng công tác, chức năng lao động sản xuất, đặc biệt là chức năng chiến đấu của Quân đội. Đó còn là vận dụng vào xây dựng hệ thống tổ chức đảng, chỉ huy, tổ chức quần chúng và biên chế tổ chức, con người; củng cố các mối quan hệ giữa Quân đội với Đảng, Nhà nước, Nhân dân, quan hệ nội bộ và quan hệ quốc tế.

Mục đích vận dụng tư tưởng của Ph.Ăngghen về bản chất giai cấp công nhân của quân đội trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh nhuệ về chính trị hiện nay là: đạt sự vững vàng, tinh tường, nhạy bén,... về chính trị ở trình độ cao; có sức mạnh bảo vệ, đấu tranh chính trị và khả năng huy động, sử dụng nó trong mọi điều kiện, hoàn cảnh với mọi kẻ thù; có nghệ thuật đấu tranh chính trị tư tưởng sắc xảo, khôn khéo, linh hoạt, kiên quyết, hiệu quả cao. Sự vững vàng về chính trị của Quân đội biểu hiện đặc trưng nhất là: bản lĩnh, lập trường và thái độ chính trị trước các mối quan hệ chính trị với Đảng, Nhà nước, Nhân dân; thái độ đối với kẻ thù và với các lực lượng thù địch; thái độ đối với bạn bè quốc tế. Sự vững vàng về chính trị của Quân đội biểu hiện tập trung nhất là sự tuyệt đối trung thành và ý thức trách nhiệm trước nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân; có tính chiến đấu cao, sự sắc bén, hiệu quả trong đấu tranh trên mặt trận chính trị tư tưởng.

Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh nhuệ về chính trị là kết quả của quá trình liên tục giáo dục, rèn luyện kỹ càng, làm cho chính trị đạt đến trình độ cao và vững chắc; có năng lực nhận thức và hành động chính trị tốt. Để vận dụng tư tưởng của Ph.Ăngghen về bản chất giai cấp công nhân của quân đội trong xây dựng Quân đội tinh nhuệ về chính trị hiện nay, cần thực hiện nhiều nội dung, biện pháp; trong đó, tập trung vào những vấn đề cơ bản sau:

Một là, đẩy mạnh nghiên cứu về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh nhuệ về chính trị; luận giải tường minh mối quan hệ giữa xây dựng Quân đội về chính trị với xây dựng các mặt khác, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của Quân đội.

Hai là, tăng cường xây dựng bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc cho toàn quân, để Quân đội ta luôn tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Ba là, nâng cao ý thức chính trị của cán bộ, chiến sĩ nhằm nâng cao nhận thức, tình cảm, niềm tin, ý chí và thái độ chính tri, thái độ và hành động cách mạng.

Bốn là, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu, tinh thần sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi của Quân đội.

Năm là, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Tư tưởng của Ph.Ăngghen về bản chất giai cấp của quân đội có giá trị lý luận, thực tiễn to lớn đối với xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh nhuệ về chính trị. Chính vì vậy, đẩy mạnh nghiên cứu, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh, quân đội có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét