Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2024

Tư duy mới, cách làm mới

 

Điều kiện thay đổi không thể suy nghĩ, hành động theo cách cũ. Vẫn là vấn đề công tác cán bộ - then chốt của then chốt, vẫn là vấn đề tinh gọn tổ chức bộ máy nhưng phải đổi mới tư duy với cách làm mới đáp ứng thực hiện nhiệm vụ mới trong điều kiện mới. Đó là trọng tâm nhằm đáp ứng yêu cầu do thực tiễn kỷ nguyên mới đặt ra.

Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 10 BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII (20-9-2024), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chỉ rõ: Trong các nhóm giải pháp xây dựng Đảng cần tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của Đảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, là "bộ tổng tham mưu", đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước và xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ trong điều kiện mới. Tinh gọn bộ máy, tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ không phải việc làm mới. Nhưng điều kiện mới là gì? Giải pháp nào trong điều kiện ấy?

Điều kiện mới xuất hiện trong kỷ nguyên mới. Đất nước ta đã trải qua kỷ nguyên độc lập, kỷ nguyên đổi mới và giờ đây đứng trước thời điểm chuyển sang kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đó là dòng chảy lịch sử không ngơi nghỉ, kế thừa, phát triển đi lên khi đội ngũ cán bộ, đảng viên biết “đứng trên vai những người khổng lồ" viết tiếp những trang sử vàng của dân tộc. Đó là khi cả dân tộc là một khối thống nhất vươn lên với Đảng tiên phong dẫn dắt bằng nhiều quyết sách quyết liệt, mạnh mẽ, phù hợp với xu thế thời đại biến đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường, biến nguy cơ thành cơ hội. Đó là xu hướng mới (nhất là những vấn đề liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…). Trong đó chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về nền tảng tư duy hướng tới một hình thái tổ chức xã hội mới. Công nghệ là động lực, xã hội số là nền tảng dẫn động và được dẫn đạo bởi sự chuyển đổi của nền tảng từ vốn tài chính (capital) sang vốn dữ liệu (data-capital). Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - phương thức sản xuất số, trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo. Dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng. Đồng thời, quan hệ sản xuất có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số. Cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất.

Những điều kiện mới xuất hiện cần có những giải pháp phù hợp. Chẳng hạn, liệu có thể thực hiện thành công cuộc cách chuyển đổi số không nếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành chưa thực sự hiểu sâu sắc về cuộc cách mạng này, chưa nhận thức và hành động đúng vai trò, trách nhiệm của mình trong tiến trình thực hiện trong cấp, ngành mình phụ trách? Nếu trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ không có nội dung bắt buộc về cuộc cách mạng này liệu đông đảo cán bộ có thể cập nhật những kiến thức cần thiết để tiến cùng thời đại sử dụng rộng rãi công nghệ mới với trí tuệ nhân tạo kết hợp hài hoà với con người? 

 Điều kiện thay đổi không thể suy nghĩ, hành động theo cách cũ. Vẫn là vấn đề công tác cán bộ - then chốt của then chốt, vẫn là vấn đề tinh gọn tổ chức bộ máy nhưng phải đổi mới tư duy với cách làm mới đáp ứng thực hiện nhiệm vụ mới trong điều kiện mới. Đó là sự đổi mới tư duy và cách làm nhằm đáp ứng yêu cầu do thực tiễn kỷ nguyên mới đặt ra. Đó là, tạo cơ chế chọn lựa người có đủ năng lực để đảm trách vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp thực hiện cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện. Đó là không chỉ có cơ chế đột phá thu hút nhân tài trong nước mà cả ngoài nước đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số và cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chính lực lượng trí thức, chuyên gia, doanh nhân giỏi người Việt ở nước ngoài có tâm, có tầm làm chủ và đưa công nghệ về Việt Nam làm đòn bẩy giúp đất nước phát triển. Đó là phân cấp, phân quyền mạnh cho địa phương theo phương châm địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Trong kỷ nguyên đổi mới, những cải cách bước ngoặt trong kinh tế ở Việt Nam luôn xuất phát từ thực tiễn ở địa phương nhưng đến nay gần như các địa phương trở nên thụ động, không dám đột phá như trước. Vì sao? Phải tháo gỡ từ đâu? Phải chăng chính là từ thể chế - điểm nghẽn của điểm nghẽn và phân cấp, phân quyền để không chỉ người đứng đầu địa phương mà cán bộ lãnh đạo, quản lý các lĩnh vực đứng trên thực tiễn hoạt động của địa phương, ngành mình tự chủ, tự tin, tự lực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo vì sự nghiệp chung.

Kỷ nguyên mới với nhiều vấn đề mới nảy sinh cần những giải pháp đột phá, bước ngoặt. Và, Đảng ta cần có những quyết sách đột phá, bước ngoặt tầm vóc đủ sức đưa đất nước sánh vai các cường quốc năm châu như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét