TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY TẾT MẬU THÂN 1968 - TỔNG DIỄN TẬP CHO TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY MÙA XUÂN 1975!
Trước nguy cơ phá sản của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, cuối năm 1965, đế quốc Mỹ buộc phải chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân Mỹ và quân đội các nước đồng minh trực tiếp tham chiến ở miền Nam.
Đồng thời, chúng dùng không quân và hải quân đánh phá ác liệt miền Bắc, hòng ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với cách mạng miền Nam, làm lung lay quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Song, sau 3 năm trực tiếp tham chiến ở Việt Nam, với hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, quân Mỹ và đồng minh không những không tiêu diệt được Quân Giải phóng và bình định được miền Nam, mà còn làm cho nước Mỹ ngày càng sa lầy.
Để chuyển cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam sang một thời kỳ mới, giành thắng lợi quyết định, làm thay đổi cục diện chiến tranh, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định “động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Thực hiện chủ trương của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 (tháng 1-1968), quân và dân ta ở miền Nam đã mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Từ đêm 30 rạng ngày 31-1-1968 đến 25-2-1968, quân và dân miền Nam đã tiến công vào 4/6 thành phố, 37/44 thị xã, hàng trăm thị trấn, quận lỵ, trong đó có 4 bộ tư lệnh quân đoàn, 8 bộ tư lệnh sư đoàn, 2 bộ tư lệnh biệt khu, 2 bộ tư lệnh dã chiến Mỹ và 30 sân bay cùng hệ thống kho tàng của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, và trên khắp các địa bàn vùng nông thôn bị địch tạm chiếm.
Cuộc tổng tiến công chiến lược của quân và dân ta đã giành được những thắng lợi to lớn. Lần đầu tiên, trên chiến trường miền Nam, quân và dân ta đã tiến công hàng loạt đô thị, đánh thẳng vào những trung tâm đầu não chính trị, quân sự, hậu phương trọng yếu của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, gây cho chúng những tổn thất lớn, làm chấn động nước Mỹ, đảo lộn thế chiến lược của địch trên chiến trường, lung lay ý chí xâm lược của Mỹ.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là một trong những mốc quan trọng, có ý nghĩa lịch sử và tầm vóc to lớn, đánh dấu bước ngoặt quyết định trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, và thực sự là cuộc tổng diễn tập cho Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Đánh giá về sự kiện lịch sử trọng đại này, Báo cáo của Bộ Chính trị tại Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 6-1973) đã khẳng định: “Thắng lợi của cuộc tiến công Tết Mậu Thân là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng, tạo ra bước ngoặt của cuộc chiến tranh, đánh dấu sự thất bại của chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ, buộc Mỹ phải chuyển sang chiến lược phòng ngự trên toàn chiến trường, phải ngồi vào bàn đàm phán với ta ở Hội nghị Paris, chấm dứt ném bom miền Bắc không điều kiện, chủ trương “phi Mỹ hóa” chiến tranh, mở đầu thời kỳ xuống thang chiến tranh... Sự kiện này chứng minh sức mạnh của phong trào cách mạng của quần chúng và sức mạnh của chiến tranh nhân dân ở miền Nam”[1].
Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là đòn quân sự và chính trị đánh vào ý chí chiến tranh của Mỹ, đánh vào cơ quan đầu não của địch ở Sài Gòn và các thành thị... giáng một đòn bất ngờ rất lớn, làm cho quân Mỹ - ngụy hoang mang, dao động mạnh, buộc đế quốc Mỹ phải thay đổi chiến lược quân sự của chúng.
Kể từ Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào một thời kỳ phát triển mới, thời kỳ vừa đánh vừa đàm, nhằm mục tiêu giành thắng lợi quyết định, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn. Đòn Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân là một chiến thắng lịch sử có tác động mạnh mẽ đến cục diện chung của cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ tại Việt Nam. Đây là một bất ngờ lớn làm Mỹ choáng váng. Sau sự kiện Mậu Thân 1968, ngày 1-3-1968, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara phải từ chức vì không tìm thấy lối ra cho cuộc chiến. Ngày 25-3-1968, Tổng thống Mỹ triệu tập Hội đồng An ninh quốc gia để xem xét lại toàn bộ cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam./.
Yêu nước ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét