Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2024

BÀI VIẾT “CHỐNG LÃNG PHÍ” CỦA ĐỒNG CHÍ TỔNG BÍ THƯ TÔ LÂM - NHỮNG GIÁ TRỊ HIỆN THỰC

          

          Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Tham ô có hại, nhưng lãng phí có khi còn có hại nhiều hơn. Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến…”; và mới đây, trong bài viết “Chống lãng phí” (Bài viết) của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã như một thông điệp mạnh mẽ, thức tỉnh sâu sắc, khuyến khích mọi người xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong toàn xã hội, cũng như đưa ra những giải pháp, thúc giục trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc quyết liệt, giải quyết triệt để việc phòng, chống lãng phí gắn với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

          Lãng phí vô hình tồn tại trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, không giản đơn, dễ nhận biết như lãng phí trong tiêu dùng sử dụng cơ sở vật chất từ trong bộ máy Nhà nước đến tiêu dùng và sinh hoạt của toàn xã hội. Lãng phí từ trong quá trình xây dựng pháp luật, ra các chủ trương, chính sách, các quyết định, rồi sửa luật, điều chỉnh các chủ trương, chính sách, các quyết định… mà chưa được sự suy xét cẩn trọng, khó hòa nhập vào cuộc sống, gây ách tắc trong quản lý, điều hành của Nhà nước, làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người dân. Ở một khía cạnh khác, chậm thực thi, thậm chí không thực thi những chủ trương, nghị quyết, những quyết sách… đã được xác định, đặc biệt là những dự án mang tầm cỡ quốc gia mang tính đột phá đúng thời cơ cho sự phát triển của đất nước, do những nhận định đánh giá chưa sát thực tiễn, mang tính cầu toàn. Sau đó, một thời gian dài lại khởi động triển khai. Đây là một sự lãng phí với những tổn thất vô cùng to lớn, vô hình về nhiều mặt, mà không ai chịu trách nhiệm. Trong chống lãng phí, đây là điều cần xem xét nghiêm túc, rút ra những bài học từ khâu lãnh đạo, chỉ đạo cho đến việc tiếp thu có chọn lọc ý kiến của dư luận xã hội để không bỏ lỡ những cơ hội lịch sử trong tương lai.

          Nhìn thẳng vào sự thật, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra những thực trạng về vấn đề lãng phí đã và đang tồn tại ở đất nước ta, từ những hạn chế trong cơ chế, thể chế, đến đời sống kinh tế thường ngày của Nhân dân, của đồng bào; những mặt phải, mặt trái, những tích cực, tiêu cực của những mô hình, giải pháp, cơ chế, chính sách được áp dụng trên mọi mặt của xã hội. Bài viết nhấn mạnh sự tồn tại dai dẳng của lãng phí trong nhiều lĩnh vực, từ tài nguyên thiên nhiên, ngân sách quốc gia cho đến nguồn nhân lực, thời gian và sức lực của con người. Không ngần ngại đề cập đến những vụ việc, sự việc nổi cộm mà Nhân dân quan tâm, Tổng Bí thư không chỉ đề cập đến những lãng phí có thể nhìn thấy mà còn đề cập đến những dạng lãng phí “vô hình” như lãng phí cơ hội, lãng phí tiềm năng, và đặc biệt là lãng phí trong hệ thống tổ chức và quản lý nhà nước…

         

          Bài viết đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thông qua các phương tiện báo chí, truyền thông, bài viết giúp công chúng nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của từng cá nhân trong việc sử dụng nguồn lực xã hội, nhất là khai thác hiệu quả tài sản, tài nguyên sao cho hiệu quả. Các hành vi nhỏ nhặt như lãng phí điện, nước, lãng phí thời gian trong công việc, đều là những hành động có tác động tiêu cực đối với sự phát triển chung của đất nước. Đồng thời, bài viết cũng gửi đi một thông điệp mạnh mẽ đến các cấp lãnh đạo về sự cần thiết phải cải tổ hệ thống quản lý và kiểm soát các nguồn lực của quốc gia… Điều này đã giúp tạo nên những phản hồi tích cực từ người dân, khuyến khích ý thức tiết kiệm và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội, đặc biệt là tài sản công…

          Bài viết đã truyền đi thông điệp và cho thấy công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách. Là lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư đến gọi mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên, các đoàn thể với mong muốn chống lãng phí sẽ tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân; trở thành văn hóa ứng xử trong thời đại mới, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh chóng, vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam./.

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét