Thứ Hai, 18 tháng 11, 2024

BẢO VỆ DI SẢN: TRÁCH NHIỆM KHÔNG CỦA RIÊNG AI

 Sự việc nhiều người trèo lên hiện vật tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam gần đây gây xôn xao dư luận, đặc biệt là trên các diễn đàn văn hóa và lịch sử. Hành động tưởng chừng vô tư của một số cá nhân lại mang đến nhiều góc nhìn đáng suy ngẫm về thái độ ứng xử với di sản văn hóa, cũng như ý thức bảo vệ giá trị lịch sử của cộng đồng.

Khi hiện vật trở thành "sân chơi"
Mấy ngày qua, hình ảnh các hiện vật ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam như xe tăng, máy bay... từng là biểu tượng của những chiến thắng lịch sử hào hùng trở thành nơi để một số người chèo lên chụp ảnh, vui đùa đang gây nên nhiều ý kiến trái chiều.
Với một số người, hành động này đơn giản là sự tò mò hoặc mong muốn lưu lại những khoảnh khắc “đặc biệt”. Nhưng đối với những người khác, đây là biểu hiện của sự thiếu tôn trọng lịch sử.
Hiện vật trong bảo tàng không chỉ là những vật dụng vô tri vô giác, mà chúng mang ý nghĩa biểu tượng, là chứng nhân của thời gian, của máu xương và sự hy sinh của các thế hệ cha ông.
Việc một số người leo trèo, đứng lên các hiện vật không chỉ gây nguy cơ hư hỏng mà còn khiến giá trị lịch sử bị tổn thương, không khác gì việc làm mờ đi những ký ức vàng son mà chúng đại diện.
Sự cố trên đặt ra câu hỏi lớn về ý thức công chúng khi tiếp cận di sản văn hóa. Một phần nguyên nhân có thể bắt nguồn từ việc thiếu kiến thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của các hiện vật. Đối với nhiều người, bảo tàng vẫn là một nơi “chụp ảnh check-in” hơn là nơi để học hỏi và chiêm nghiệm lịch sử.
Bên cạnh đó, việc thiếu các quy định rõ ràng, biển chỉ dẫn cụ thể, hoặc sự hiện diện của nhân viên bảo vệ tại các khu vực trọng yếu cũng góp phần tạo điều kiện cho những hành động thiếu kiểm soát.
Một độc giả tên Xuân Thanh bình luận trên mạng xã hội, "Đi thăm Bảo tàng vào trưa Chủ Nhật (10/11), thật bất ngờ và ngạc nhiên khi thấy rất nhiều ông bố bà mẹ trẻ ra sức đặt con, dắt con, bế con, xui con, ép con... lên các ụ pháo, khẩu súng, xe tăng... để chụp ảnh. Đi qua các hiện vật, muốn nhìn kĩ để so sánh, xem xét... thì nhiều bạn trẻ tơ hơ đứng chắn, dựa, ôm, sờ... hiện vật khiến khó chịu vô cùng! Nhức nhối lắm! Nhiều người trông trí thức mà ý thức tồi quá!".
"Tôi thấy rất buồn khi chứng kiến hình ảnh trên mạng xã hội việc nhiều người, trong đó có cả người lớn có hành động động chạm, sờ mó thậm chí tác động làm dịch chuyển một số hiện vật tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Có thể do tính tò mò, hiếu kỳ hoặc chỉ là hành động bột phát nhưng điều này cho thấy ít nhiều họ thiếu sự tôn trọng lịch sử, không nhận biết được hệ lụy, tác hại của việc mình làm có thể gây tổn hại đến hiện vật, đến chính những người nỗ lực bảo vệ, gìn giữ những giá trị vô giá của lịch sử", bác Nguyễn Văn Dũng, một cựu chiến binh tại Hà Nội, chia sẻ trên một diễn đàn.
Bảo vệ di sản: Trách nhiệm không của riêng ai
Từ sự cố này, cần nhìn nhận rằng trách nhiệm bảo vệ các giá trị lịch sử, văn hóa không chỉ thuộc về bảo tàng mà còn là trách nhiệm chung của xã hội. Bảo tàng cần thiết lập nhiều biện pháp bảo vệ hiện vật, chẳng hạn như rào chắn hoặc biển báo rõ ràng tại các khu vực dễ bị xâm phạm.
Đồng thời, việc giáo dục công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, về tầm quan trọng của di sản văn hóa cần được chú trọng. Các chương trình tham quan bảo tàng cần đi kèm với hướng dẫn viên hoặc tài liệu giải thích để nâng cao nhận thức của người tham quan.
Theo một nhà nghiên cứu về bảo tồn văn hóa, hành vi trèo lên hiện vật thể hiện sự thiếu ý thức tôn trọng lịch sử và di sản văn hóa. Đây không chỉ là lỗi cá nhân mà còn là dấu hiệu của sự thiếu sót trong giáo dục cộng đồng về ý nghĩa và giá trị của các hiện vật lịch sử. Ông nhấn mạnh cần đẩy mạnh các chương trình giáo dục cộng đồng, đặc biệt với giới trẻ, thông qua các hoạt động tương tác với bảo tàng như các tour trải nghiệm thực tế hoặc các buổi thảo luận về di sản.
Bảo tàng không chỉ lưu giữ hiện vật, mà còn bảo tồn ký ức của dân tộc. Những chiếc máy bay, xe tăng hay bất kỳ hiện vật nào đều là minh chứng cho những trang sử hào hùng, là sự kết tinh của lòng yêu nước, trí tuệ và cả sự hy sinh.
Hành động vô tình hay cố ý làm tổn hại đến hiện vật cũng đồng nghĩa với việc phủ nhận giá trị của những câu chuyện mà chúng kể lại. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng, trong khi đất nước ngày càng phát triển và hiện đại, thì lòng tôn trọng lịch sử vẫn phải được giữ gìn như một phần không thể thiếu của bản sắc dân tộc.
Hành xử văn minh tại bảo tàng không chỉ là biểu hiện của ý thức cá nhân, mà còn là sự tôn trọng đối với lịch sử và cộng đồng.
Bài học rút ra từ sự kiện này không chỉ dành riêng cho những người có mặt tại bảo tàng hôm đó, mà là lời nhắc nhở chung cho tất cả chúng ta: Đừng để sự thiếu hiểu biết làm phai mờ những giá trị mà lịch sử đã dày công lưu giữ./.
St

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét