Năm 1981, người lính Nguyễn Quang Tuệ khi đó mới 19 tuổi hăng hái lên đường tham gia chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên. Vị Xuyên khi ấy được ví như “lò vôi thế kỷ”- chiến trường ác liệt nhất của cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Hàng nghìn chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu, quyết tâm giữ từng vách đá, mỏm đồi, điểm cao với tinh thần “sống bám đá đánh giặc, chết hoá đá bất tử.”
Trên cương vị Tiểu đội trưởng tiểu đội 10, trung đội 3, đại đội 3, tiểu đoàn 1, trung đoàn 122, sư đoàn 313, năm 1984, ông Nguyễn Quang Tuệ cùng các đồng đội của mình đã chiến đấu, bảo vệ được nhiều chốt quan trọng tại cao điểm 300.
Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc kéo dài suốt 10 năm (1979-1989), đã có hơn 4000 cán bộ chiến sĩ mãi mãi nằm lại chiến trường, trong những khe đá, thung sâu. Có những người lính may mắn được trở về, nhưng cơ thể chẳng còn trọn vẹn…
Năm 1986, trở về từ chiến trường với một bàn chân đã mãi mãi nằm lại mặt trận, một mảnh găm còn nằm trên ngực, 1 mảnh đạn vỡ trong đầu, và những vết sẹo chằng chịt trên bàn chân còn lại, cựu chiến binh Nguyễn Quang Tuệ được đánh giá là thương binh 1/4, mất sức hơn 83%.
Ấy vậy mà chỉ với một chiếc chân hờ còn lại và vỏn vẹn hơn 10% sức sống, gần 20 năm qua, không quản nắng mưa, bước chân của người lính biên giới năm nào vẫn cùng các đồng đội của mình lội suối, băng rừng, leo dốc, bám đá lên các cao điểm, các bình độ của chiến trường năm xưa để thực hiện “một lời hứa đặc biệt” với các đồng đội đã nằm xuống.
“Dấu chân hằn vết xước
Những mất mát và hi sinh
Chiến tranh và hoà bình
Dấu chân anh không nghỉ” (Bích Vi)./.
St
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét