Thứ Hai, 18 tháng 11, 2024

ĐỒNG VỢ, ĐỒNG CHỒNG

 Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, 3 mẹ con cô giáo Nguyễn Thị Phương Dung, giáo viên Trường Mầm non Thanh Minh (thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) lại lên lịch cho các hoạt động thiện nguyện. Việc làm của chị và các con được chồng là Thượng úy QNCN Lưu Văn Tuấn, nhân viên lái xe, Phòng Kỹ thuật, Trường Cao đẳng Công nghiệp Quốc phòng (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) động viên, khuyến khích và ủng hộ hết mình...

Trò chuyện cùng chúng tôi, chị Dung cho biết, 14 năm làm vợ lính thì cũng ngần ấy thời gian chồng chị thường xuyên công tác xa nhà, nên họ ít có thời gian gần nhau. Mọi việc chăm sóc con nhỏ, đối nội đối ngoại đều một tay chị Dung đảm đương, lo liệu. Nhớ lại năm 2009, vừa tốt nghiệp Trường Đại học Hùng Vương (lớp trung cấp sư phạm mầm non) tại Phú Thọ, chị xin làm giáo viên hợp đồng của Trường Mầm non Thanh Vinh (Phú Thọ), còn anh vừa chuyển công tác từ Đắk Lắk về đơn vị bây giờ. Dịp cuối tuần nghỉ tranh thủ, anh được đồng đội rủ đi chơi. Trong buổi gặp gỡ ấy, ai cũng có đôi, chỉ riêng anh Tuấn và chị Dung vẫn còn độc thân. Thế rồi, qua câu chuyện, cả hai nhanh chóng làm quen, chuyện trò khá ăn ý suốt hành trình. Bạn bè thấy vậy nên cũng vun vén, tác thành.
Mỗi khi rảnh, anh đều lấy cớ rủ bạn về Phú Thọ chơi để được gặp gỡ cô giáo trẻ. Dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam, anh mua một bó hoa hồng nhung đỏ thắm, đứng đợi Dung ngoài cổng trường. Đợi buổi lễ mít tinh của nhà trường kết thúc, anh bước vào cửa lớp, chúc mừng Dung trước sự chứng kiến của nhiều người. Lúc đó, Dung rất bất ngờ và xúc động. Chính lần gặp gỡ ấy, anh có dịp ngỏ lời yêu và mong muốn được đến thăm gia đình Dung.
Ban đầu, bố mẹ Dung cũng lo lắng, sợ con gái sẽ vất vả bởi Tuấn quê ở tận Thanh Hóa, công việc thường xuyên xa nhà. Nhưng bằng tình yêu và sự quyết tâm của cả hai, đám cưới của anh chị được tổ chức rộn ràng, ấm cúng trước sự chứng kiến của hai bên gia đình. Năm 2011, chị sinh con trai lớn Lưu Tuấn Khiêm. Công việc giáo viên hợp đồng thu nhập thấp, vất vả sớm tối nên kinh tế trông chờ vào đồng lương của anh. Đến năm 2013, gia đình vui mừng chào đón thành viên thứ hai Lưu Nguyễn Hải Đăng chào đời. Sau đó, địa phương có đợt thi biên chế, thật may mắn chị đã trúng tuyển.
Khi con lớn hơn, cuộc sống gia đình dần ổn định, chị có ý tưởng sẽ làm thêm việc gì đó có ý nghĩa để giúp đỡ mọi người. Từ ý tưởng manh nha, chị đã có những cuộc trò chuyện với chị em có chồng cùng là quân nhân để làm thiện nguyện và được mọi người ủng hộ. Vậy là ngày đi làm, tranh thủ buổi tối chị tham gia cùng các chị em trong tổ dân phố nấu cơm, nấu cháo... ủng hộ đồng bào lũ lụt, thiên tai. Dần dần, chị quen với công việc thiện nguyện và kết nối được nhiều bạn bè hơn, ngoài công việc thường lệ cùng các chị em trong khu phố. Mới đây nhất, khi nghe tin cầu Phong Châu quê mình (Phú Thọ) bị sập do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nhiều lực lượng được huy động đến để ứng cứu, giúp dân, đêm đó, chị trăn trở và quyết tâm ngày hôm sau sẽ thu xếp công việc để đến tận nơi giúp các anh.
Nói là làm, trên chiếc xe máy, chị Dung cùng vợ một đồng chí bộ đội khác vượt gần 30km đến nơi, đem theo gạo, nước lọc, nước chanh muối và lương khô tặng cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 249 (Binh chủng Công binh) đang lắp cầu phao tạm thay thế cầu Phong Châu. Nhìn các anh vất vả “vượt nắng, thắng mưa” không quản ngày đêm để kịp tiến độ khiến chị Dung càng cảm thông với công việc của chồng và đồng đội. Ngay sau hôm đó, chị chia sẻ những hình ảnh của các anh bộ đội lên nhóm, được nhiều người chia sẻ, quan tâm.
Chị tích cực kêu gọi người thân cùng chung tay góp sức, sử dụng gian bếp của gia đình mình là nơi trực tiếp nấu đồ ăn rồi tự tay đóng gói, vận chuyển đến vị trí tiếp nhận cho đơn vị bộ đội. Cùng với 20kg gạo gửi tặng Bộ CHQS tỉnh Phú Thọ, 120 suất chè đỗ đen, nhiều thùng nước chanh muối, nước chanh tự pha... đã được trao tận tay các cán bộ, chiến sĩ. Bên cạnh đó, chị còn làm 300 suất cơm nắm muối vừng để gửi đến người dân vùng bị lũ lụt ở Yên Bái.
Ngày đi làm, tối về chuẩn bị đồ, nấu nướng để gửi đến cho mọi người khiến chị thấy vui vì việc mình làm có ý nghĩa. Hai cậu con trai thấy mẹ làm việc tất bật, sau khi học xong cũng vào bếp phụ giúp mẹ. Nhà chị luôn nhộn nhịp, rộn vang tiếng nói cười. Chị Dung chia sẻ: “Trong lúc khó khăn, hoạn nạn, tinh thần “tương thân tương ái” trong cộng đồng lại càng được phát huy hơn bao giờ hết. Việc làm của tôi chỉ là một phần nhỏ trong vô vàn tấm lòng hảo tâm khác. Nhưng tôi rất vui vì các con đã ý thức được việc làm tử tế, lá lành đùm lá rách. Đây cũng là điều chồng tôi luôn nhắc nhở gia đình mỗi khi đi công tác trở về”.
Không chỉ giỏi vun vén, đảm việc nhà, trong công việc, chị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều năm liên tục đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi. Còn anh Tuấn cũng chỉn chu, tích cực trong công việc, được Trường Cao đẳng Công nghiệp Quốc phòng tặng danh hiệu Chiến sĩ tiên tiến vì có thành tích trong Phong trào Thi đua Quyết thắng./.
St

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét