Trong lịch sử, người Việt đã gắn với biển, đảo và lấy đó làm không gian sinh tồn. Từ đây đã sản sinh ra các giá trị văn hóa và qua thời gian, những giá trị đó trở thành di sản phong phú, đa dạng. Ngày nay, trong xã hội hiện đại, việc bảo vệ, khai thác, phát huy di sản văn hóa biển, đảo là nhiệm vụ rất quan trọng. Chúng tôi đã trao đổi với GS, TS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam để làm rõ một số vấn đề xung quanh việc khai thác văn hóa biển, đảo bền vững.
Phóng viên (PV): Chúc mừng Giáo sư vừa xuất bản cuốn sách “Lịch sử văn hóa biển Việt Nam”. Giáo sư có thể cho biết những nét cơ bản về cuốn sách này?
GS, TS Nguyễn Chí Bền: Thực tế, đã có nhiều nhà khoa học trong nước, nước ngoài viết về biển, văn hóa biển Việt Nam và công bố ở nhiều nơi, từ hội thảo đến luận án, sách nhưng chưa có công trình nói về lịch sử văn hóa biển một cách hệ thống.
Cuốn sách “Lịch sử văn hóa biển Việt Nam” ra đời có nội dung rất phong phú, đặc biệt là phần về chủ thể sáng tạo văn hóa biển, trong đó có mục viết về các nhà văn hóa biển của Việt Nam và nhiều nội dung khác. Hy vọng cuốn sách sẽ có đóng góp tích cực vào hệ thống lý luận văn hóa biển, đảo Việt Nam trong nước và nước ngoài, cả về tổng quan văn hóa biển, giá trị của văn hóa biển đến xem xét thực trạng việc bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa biển; đề xuất các giải pháp bảo vệ, phát huy văn hóa biển cho hôm nay và mai sau.
PV: Các văn bản luật hiện hành của nước ta về biển, đảo đã tạo hành lang pháp lý và cơ chế cho việc khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa biển, đảo. Giáo sư đánh giá thế nào về việc này?
GS, TS Nguyễn Chí Bền: Từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đến nay, Việt Nam đã có hơn 500 văn bản quy phạm pháp luật ở Trung ương liên quan đến biển, đảo, trong đó có các văn bản quan trọng như: Tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ngày 12-5-1977; Tuyên bố về đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải năm 1982... Luật biển Việt Nam 2012; ngày 22-10-2018, Đảng ta ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”... Chính phủ cùng các bộ, ngành đã rà soát, ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, kế hoạch nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về vùng biển theo hướng phát triển bền vững.
Trong giai đoạn hiện nay, việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát huy di sản văn hóa biển, đảo thu được nhiều kết quả tốt, đã tạo ra những giá trị văn hóa mới.
Theo cảm quan và đánh giá của tôi, Việt Nam đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận. Nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với biển, đảo được bảo vệ. Các giá trị văn hóa lễ hội, tín ngưỡng, phong tục, bản sắc truyền thống văn hóa biển của nhiều địa phương được phát huy. Ví dụ Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi); bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh); Lễ hội Nghinh Ông đình Thắng Tam ở TP Vũng Tàu; Lễ hội lễ giỗ bà Phi Yến tại huyện Côn Đảo; Lễ hội Dinh Cô tại huyện Long Điền (Bà Rịa-Vũng Tàu)...
Việc tôn vinh các giá trị văn hóa biển truyền thống tốt đẹp đã khích lệ sự sáng tạo giá trị văn hóa mới, tiến bộ, loại bỏ những hủ tục lạc hậu. Bên cạnh đó, việc phát huy giá trị văn hóa các vùng miền biển tạo thêm động lực phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái biển và cả các ngành kinh tế gắn với biển, như: Nuôi trồng và khai thác hải sản, năng lượng tái tạo...
PV: Có ý kiến cho rằng, việc khai thác các giá trị văn hóa biển, đảo ở Việt Nam chưa có chiều sâu và thiếu tính chuyên nghiệp để bảo đảm tính bền vững. Quan điểm của Giáo sư về vấn đề này?
GS, TS Nguyễn Chí Bền: Văn hóa biển, đảo được hiểu ngắn gọn là tổng thể những sáng tạo hữu hình và vô hình của con người vùng biển, đảo trong quá trình sống, khai phá, thích ứng với môi trường biển, đảo; đồng thời giao lưu, tiếp biến với văn hóa biển, đảo của các quốc gia khác; được trao truyền từ thế hệ trước qua thế hệ sau, thể hiện bản sắc con người vùng biển, đảo. Chủ thể sáng tạo văn hóa biển, đảo Việt Nam là ngư dân và tầng lớp quản lý xã hội trên dải đất Việt Nam.
Tôi phân chia văn hóa biển Việt Nam thành 3 loại hình: Văn hóa khai thác biển cả; văn hóa thích ứng biển cả; văn hóa bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển cả. Mỗi loại hình lại gồm hai thành tố cơ bản là văn hóa vật thể và phi vật thể. Căn cứ vào thời gian, tôi tạm chia văn hóa biển, đảo thành hai phân kỳ. Giá trị văn hóa biển, đảo ở phân kỳ đã có trong lịch sử được các thế hệ trao truyền cho nhau, hiện diện trong đời sống mà các nhà khoa học thường gọi là di sản văn hóa biển, đảo. Những giá trị văn hóa biển, đảo mới hình thành ở đương đại từ trong quá trình lao động, sản xuất, sinh hoạt, bảo vệ của con người, nhưng chưa đủ thời gian để lắng kết, hòa nhập với di sản văn hóa biển, đảo trước đó.
Trong xu thế phát triển, nhìn chung các quốc gia trên thế giới có biển, đảo đều chú tâm khai thác yếu tố tự nhiên kết hợp với di sản văn hóa biển, đảo để phát triển kinh tế và từ đây sẽ tạo ra những giá trị văn hóa mới. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc khai thác di sản văn hóa biển, đảo chưa được chú trọng vì mỗi địa phương có một cách tiếp cận và khai thác khác nhau.
Tại sao lại có điều này, bởi vì các di sản văn hóa biển, đảo ở từng nơi, từng địa phương là rất khác nhau, cả về thời gian ra đời, quy mô, ý nghĩa của nó với đời sống xã hội... Việc khai thác thiếu định hướng, quá mức, xa rời các giá trị văn hóa truyền thống làm cho di tích xuống cấp, du lịch văn hóa nghèo nàn; yếu tố văn hóa mới xâm nhập... khiến môi trường bị ô nhiễm, nghề đánh bắt hải sản gặp khó khăn, gây nguy cơ biến mất của nhiều làng nghề.
Khi điền dã ở các làng nghề đóng, sửa chữa tàu, tôi thấy được thực trạng phát triển. Do hải sản gần bờ ngày càng cạn kiệt nên xu hướng đóng tàu lớn vươn khơi ngày càng rõ. Việc này đã làm cho nghề đóng, sửa chữa tàu truyền thống bị mất dần vị thế kéo theo tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng của nghề đóng, sửa chữa tàu, thuyền mà người thợ tích lũy được bao đời nay có nguy cơ mai một, ít có cơ hội trao truyền cho thế hệ sau. Điều này làm cho nghề sửa chữa, đóng tàu, thuyền truyền thống có nguy cơ biến mất trong tương lai.
Bên cạnh đó, sự yếu kém trong thái độ ứng xử với tự nhiên, xâm hại môi trường sinh thái biển, đảo đã tàn phá các rạn san hô, làm ô nhiễm nước biển, phá vỡ hệ sinh thái rừng ngập mặn... dẫn đến hệ lụy khó lường. Việc xây dựng các bến cảng, nhà máy, khu công nghiệp; sự thiếu kiểm soát việc nuôi trồng thủy sản; khai thác than; khai thác nguyên liệu xây dựng từ các núi đá vôi; chất thải dân sinh và công nghiệp... đang phá vỡ cảnh quan thiên nhiên vùng biển, đảo.
PV: Để khai thác di sản văn hóa biển, đảo có trách nhiệm, bền vững, theo Giáo sư, chúng ta cần có những giải pháp gì?
GS, TS Nguyễn Chí Bền: Đầu tiên, ở tầm vĩ mô, chúng ta cần xây dựng các thiết chế của văn hóa biển, đảo, quần đảo theo tinh thần chỉ đạo trong nghị quyết của Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ưu tiên xây dựng các thiết chế của cộng đồng, cho cộng đồng; trùng tu, tôn tạo các di tích bị xuống cấp, hư hại cùng với nhà ở của cư dân biển, đảo. Tạo dựng ngân hàng dữ liệu về di sản văn hóa biển, đảo Việt Nam ở cấp quốc gia và cấp tỉnh. Xây dựng bảo tàng văn hóa biển Việt Nam.
Nhà nước cần kiện toàn, hoàn thiện bộ khung pháp lý về biển, đảo phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chính sách đối với các giá trị văn hóa biển, trong đó có chính sách bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa lễ hội, tín ngưỡng, phong tục, bảo tồn, phát huy bản sắc truyền thống văn hóa biển, đảo cho phù hợp.
Lãnh đạo các địa phương có biển cần chỉ đạo rà soát, nghiên cứu các loại hình di sản văn hóa biển, đảo đã có trong lịch sử của địa phương mình để có chính sách bảo vệ, phục dựng, bảo tồn, phát huy hợp lý. Đầu tư kinh phí, huy động nguồn lực hỗ trợ phù hợp. Tập hợp các nhà khoa học, từ đó xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý văn hóa biển, đảo phù hợp với giai đoạn hiện nay...
Qua thực tế điền dã ở các địa phương, tôi nhận thấy, trình độ nghiệp vụ của nhiều nhân viên, cán bộ làm công tác quản lý văn hóa ở cơ sở chưa thật tốt. Có lúc họ chưa thật nhiệt tâm, nhiệt thành với các giá trị văn hóa biển, đảo của quê hương. Do vậy, cần đặc biệt quan tâm tới nâng cao chất lượng, năng lực và có chế độ, chính sách phù hợp với đội ngũ cán bộ, nhân viên này. Bởi suy cho cùng, họ chính là người thiết kế chương trình, giữ gìn các hoạt động văn hóa biển, đảo theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Cần huy động sự tham gia của cộng đồng cư dân trong quá trình quản lý văn hóa biển, đảo; trong đó, cộng đồng phải được tham gia bàn bạc, lên kế hoạch, trực tiếp tham gia vào tổ chức các sự kiện văn hóa, đánh giá hiệu quả và được lợi từ những hoạt động ấy.
Cùng với nâng cao nhận thức của người dân và toàn xã hội về giá trị văn hóa biển, đảo, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa trong không gian biển, đảo.
Pv. Xin cảm ơn Giáo sư!
St
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét