Tin giả, trong từ điển tiếng Anh và truyền thông quốc tế sử dụng gọi là fake news. Bản thân nó có nghĩa để chỉ tin rác, tin giả mạo được tuyên truyền nhằm cố ý lừa bịp người khác. Tin giả như một loại virus độc hại; nó xâm nhập, gây rối dư luận, gây rối lòng tin, thậm chí làm khủng hoảng niềm tin... Trong điều kiện công nghệ mới, phương thức truyền tin, nhất là mạng xã hội phát triển sâu rộng thì tin giả càng thêm đất sống. Các thế lực thù địch, phản động, bất mãn, cơ hội chính trị lợi dụng điều này để xuyên tạc, kích động chống phá hòng gây mất ổn định đất nước ta, nhất là tung tin giả trên không gian mạng.
Phải nói rằng, các thế lực thù địch, phản động, bất mãn, cơ hội chính trị đã rất kỳ công trong việc cắt ghép, dàn dựng nên những hình ảnh có trong hàng chục clip, video ấy. Bằng thủ đoạn: không nói cho có, có nói cho thật nhiều, nói nhiều ắt phân vân, ngả nghiêng và nói mãi sẽ có người tin... Có thể nói, thủ đoạn này không mới nhưng nó rất có tác dụng đối với chúng. Các bằng chứng nghiên cứu khoa học cho thấy, sai lệch niềm tin do tiếp nhận tin giả giống như dịch bệnh lây lan. Khi cá nhân chia sẻ tin giả cũng đồng nghĩa với “lây truyền” niềm tin độc hại.
Ở Việt Nam có khoảng 70 triệu người sử dụng internet, mạng xã hội nên tin giả ngày càng xuất hiện nhiều và bỗng dưng trở thành một phần trong xã hội. Trên thực tế, tin giả không chỉ chiến thắng tâm lý hiếu kỳ, tò mò của độc giả mà nó còn làm suy yếu các phương tiện truyền thông. Tin giả không chỉ hướng lái sai lệch một bộ phận xã hội mà còn “dắt mũi” cả một số phóng viên, cơ quan báo chí. Tin chưa được kiểm chứng từ cá nhân trên Facebook, Zalo... nhưng có những báo mạng vẫn “nhanh tay” biến thành sản phẩm báo chí.
Thiết nghĩ, để bảo đảm tính kịp thời, hiệu quả trong nhận diện, phòng ngừa, đấu tranh mạnh mẽ, hiệu quả với nạn tin giả cũng như giảm thiểu tác động xã hội của nó, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, liên thông của các cơ quan chức năng. Cần phải có cơ chế phối hợp chặt chẽ nhưng linh hoạt, vận dụng nghiêm khắc chế tài, luật pháp để xử lý nghiêm mọi cá nhân, tổ chức tung tin giả. Trước khi Nhà nước “điều trị” bệnh này, mỗi cá nhân cần tự mình có trách nhiệm sàng lọc, tiếp nhận thông tin trung thực, phủ nhận thông tin xuyên tạc, giả mạo để cuộc sống ngày càng tươi đẹp./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét