Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội những năm gần đây đã đem lại nhiều lợi ích cho xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh cũng không ít những hệ lụy xấu tác động tiêu cực đến nhận thức, hành vi của mọi lứa tuổi, đặc biệt là giới trẻ. Đơn cử đó là nhiều người từ “vô danh” bỗng chốc trở nên nổi tiếng chỉ với một vài phát ngôn hay hành vi khác lạ, đi ngược lại với những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, cộng đồng, dân tộc, thậm chí vi phạm pháp luật. Sự “nổi tiếng” nếu đi liền với giá trị truyền thống tốt đẹp chắc chắn sẽ được nhiều người quan tâm và ca ngợi; còn nếu nó đi cùng sự “lệch chuẩn” thì cơ quan chức năng và cộng đồng phải kịch liệt đấu tranh phê phán.
Nguyên nhân khách quan dự phát triển quá nhanh của công nghệ
trong khi công tác quản lý chưa theo kịp đã khiến không gian mạng, đặc biệt là
mạng xã hội trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho nhiều hành vi vi phạm pháp luật.
Nguyên nhân chủ quan phải nói đến ý thức của người sử dụng còn hạn chế, nhiều
người khi tham gia sử dụng mạng xã hội có suy nghĩ mạng xã hội là “vô danh nên
vô trách nhiệm”. Họ dùng tài khoản ảo, nặc danh để phát ngôn với suy nghĩ không
sợ bị phát hiện, xử lý. Hệ thống văn bản điều chỉnh hoạt động cung cấp, sử dụng
thông tin trên mạng, đặc biệt là dịch vụ xuyên biên giới chưa đáp ứng sự phát
triển của thực tiễn.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, người nổi tiếng vi phạm
pháp luật và quy tắc ứng xử sẽ bị hạn chế trên truyền thông, tránh ảnh hưởng
tiêu cực đến giới trẻ. Bộ sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch áp dụng
biện pháp hạn chế sự xuất hiện, sản phẩm nghệ thuật biểu diễn của người nổi tiếng
trên báo chí, mạng xã hội nhất là trên Facebook, YouTube, TikTok, khi họ vi phạm
về pháp luật hoặc vi phạm Quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Bên cạnh đó, Bộ
cũng đẩy mạnh thông tin tích cực, gương người tốt việc tốt, lan tỏa thông tin
khuyến khích thế hệ trẻ giữ gìn truyền thống văn hóa, đạo đức, bảo tồn thuần
phong mỹ tục của dân tộc. Các lực lượng sẽ tăng cường phát hiện và xử lý thông
tin vi phạm, chủ động rà soát phát hiện kịp thời nguồn phát tán, yêu cầu các nền
tảng xuyên biên giới ngăn chặn, gỡ bỏ kênh, fanpage, group có nội dung nhảm
nhí, giật gân, trái với thuần phong mỹ tục, siết chặt quản lý đối với những người
làm video để kiếm tiền.
Tôi chợt nhớ đến một đoạn trích trong tác phẩm “Thép đã tôi
thế đấy” của nhà văn Nikolai A.Ostrovsky: “Cái quý nhất của con người là Cuộc sống
và Danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi
xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những
việc làm ty tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ…”. Hy vọng rằng những người nổi
tiếng hãy suy nghĩ và hành động tích cực, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của bản
thân, gia đình, cộng đồng, dân tộc; hãy đóng góp tài năng cho sự nghiệp xây dựng
chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét