Thứ Hai, 18 tháng 11, 2024

Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền

 TCCS - Hiến pháp năm 2013 khẳng định: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, trong đó, “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”(1). Như vậy, kiểm soát quyền lực nhà nước là nguyên tắc căn bản để bảo đảm tính thượng tôn pháp luật, mọi lợi ích thực sự thuộc về nhân dân, là điều kiện then chốt để hiện thực hóa nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày càng vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn với các đại biểu dự Kỳ họp thứ 20, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hoá khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026_Ảnh: TTXVN

Tính tất yếu của kiểm soát quyền lực nhà nước

Quyền lực vốn là của nhân dân, nhân dân sử dụng quyền ấy bằng cách ủy quyền cho nhà nước, thông qua đó, nhà nước lại trao quyền cho các cá nhân và tổ chức đại diện để vận hành xã hội với mục tiêu phục vụ lợi ích nhân dân. Tuy vậy, lịch sử phát triển của xã hội loài người đã chứng minh, rằng “quyền lực luôn có xu hướng tha hóa” khi thiếu cơ chế kiểm soát hợp lý và hiệu quả. Thực tế, quyền lực luôn có tính hai mặt: 1) Trong xã hội có tổ chức, sự tồn tại của quyền lực là tất yếu để duy trì hoạt động xã hội trong khuôn khổ, trật tự, bảo đảm lợi ích chung của cộng đồng; 2) Quyền lực luôn luôn có xu hướng bị lạm dụng. 

Trong nhà nước pháp quyền, bầu cử là phương tiện chủ yếu để người dân thực hiện sự ủy quyền, lựa chọn người cầm quyền. Ở mỗi chế độ chính trị khác nhau, các cuộc bầu cử được tiến hành nhiều cách thức riêng, song đều nhân danh lợi ích nhân dân để ban hành các quyết định chính trị. Người được bầu chọn phải cam kết phục vụ cho lợi ích của người dân, khi họ không giữ lời hứa, nhân dân sẽ thay thế bằng người khác. Như một lẽ tự nhiên, ở đâu xuất hiện sự ủy quyền thì ở đó chứa đựng nguy cơ lạm dụng quyền lực. Thực tế, quyền lực nhà nước luôn có xu hướng tự mở rộng và tự tăng cường vai trò của mình, do vậy, người dân phải kiểm soát quyền lực ấy; cũng do vậy, nhiều nước chú trọng xây dựng các quy định và các điều kiện giúp người dân có thể tước quyền nếu quan chức được bầu có hành vi lạm dụng quyền lực. 

Tính vị kỷ và khát vọng quyền lực của con người đã được các nhà tư tưởng chính trị chỉ ra rằng “Quyền lực luôn có xu hướng tha hóa và quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối”(2). Vì vậy, để ngăn ngừa nguy cơ quyền lực bị lạm dụng, các nhà nước trên thế giới đều phải thiết kế các cơ chế kiểm soát quyền lực riêng, phụ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử, văn hóa chính trị, nhận thức, tư duy về thực trạng và tương lai đất nước trên nguyên tắc bảo đảm người nắm giữ quyền lực công cộng không thể lạm quyền hoặc sử dụng quyền lực vì mục đích mang tính cá nhân.

Tuy nhiên trong thực tế, hiện tượng tham nhũng, lợi dụng chức quyền của các quan chức vẫn tương đối phổ biến, đặc biệt là ở các nước đang phát triển có hệ thống kiểm soát quyền lực vẫn chưa đủ mạnh để ngăn ngừa các hành vi lạm dụng quyền lực. Việc lạm dụng quyền lực nhằm trục lợi cá nhân xuất phát từ vấn đề quyền lực nhà nước là sức mạnh và là sự thể hiện ý chí chung của cộng đồng, nhưng quyền lực ấy lại được giao cho một số người với những năng lực hữu hạn thực hiện; về mặt lý thuyết, thì “tập thể trao quyền cho cá nhân vì lợi ích chung”(3), nhưng cũng từ đó, việc sử dụng quyền lực mắc phải sai lầm xuất phát từ hạn chế cố hữu của con người và nếu rủi ro xảy ra thì nhân dân lại phải gánh chịu những hậu quả. Mặt khác, chính sự hữu hạn về năng lực điều hành trong quá trình thực thi quyền lực nhà nước khiến các quyết định, chính sách của nhà nước không đem lại hiệu quả mong muốn, thậm chí còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của người dân. Vì vậy, việc thiết lập một cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả là rất quan trọng, bảo đảm các quyết định, chính sách được bàn bạc, thảo luận trước khi ban hành, hạn chế thấp nhất tình trạng đưa ra quyết định sai lầm. 

Mục đích và phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước trong nhà nước pháp quyền hiện nay

Như vậy, quyền lực nhà nước tất yếu phải được kiểm soát. Việc kiểm soát quyền lực nhà nước theo nghĩa rộng chính là việc thiết kế tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước sao cho đúng mục đích, hiệu quả nhất; là toàn bộ những cách thức, quy trình, quy định mà dựa vào đó để ngăn chặn, loại bỏ những hành động sai trái của nhà nước, phát hiện và điều chỉnh việc thực thi quyền lực bảo đảm mục đích và hiệu quả của quyền lực nhà nước. Kiểm soát quyền lực nhà nước theo nghĩa hẹp là hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước hợp pháp bằng thể chế với mục tiêu xác định. 

Mục đích của kiểm soát quyền lực nhà nước

Từ góc độ chủ nghĩa mác-xít, mục đích của kiểm soát quyền lực nhà nước chính là khắc phục sự tha hóa của quyền lực, đưa quyền lực nhà nước trở về đúng bản chất quyền lực của nhân dân, thực hiện chức năng công quản của xã hội một cách đúng đắn và hiệu quả. Kiểm soát quyền lực nhà nước là khắc phục những nan giải của chính thể đại diện. Trong nhà nước pháp quyền, quan hệ giữa nhà nước - nhân dân chính là quan hệ giữa người đại diện - người chủ. 

Nhằm bảo đảm cho quyền lực nhà nước được thực thi đúng mục đích và hiệu quả, quá trình kiểm soát quyền lực nhà nước trước hết là việc kiểm soát phạm vi hoạt động của quyền lực nhà nước, bởi quyền lực nhà nước là quyền lực được ủy nhiệm nên trước hết chủ thể quyền lực có quyền kiểm soát đối với quyền lực nhà nước trong phạm vi tác động của quyền lực. Kiểm soát quyền lực cũng cần được thể hiện ở việc kiểm soát quá trình thông qua và sửa đổi hiến pháp, bao gồm cách thức, quy trình hình thành, điều chỉnh, sửa đổi hiến pháp theo đúng quy trình dân chủ, bảo đảm hiến pháp phản ánh được ý chí, lợi ích của nhân dân, không xâm phạm đến lợi ích của cá nhân, nhân dân trong xã hội. Kiểm soát quyền lực nhà nước còn thể hiện ở khâu kiểm soát tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, đó là: 1) Kiểm soát cách thức tổ chức bộ máy nhà nước nhằm bảo đảm sự tuân thủ đúng các quy định của hiến pháp và khả năng vận hành hiệu quả trong thực tế; 2) Kiểm soát hoạt động hoạch định chính sách của nhà nước bảo đảm quá trình ra chính sách của nhà nước tuân thủ những quy trình, thủ tục quy định trong hiến pháp và các đạo luật, bảo đảm hiệu quả của hoạt động ra chính sách; 3) Kiểm soát các chính sách, quy định của nhà nước nhằm ngăn chặn, loại bỏ những chính sách, quy định trái với hiến pháp và luật, vi phạm đến quyền và lợi ích của công dân; các chính sách không phù hợp với thực tiễn, không có tính khả thi hoặc hiệu quả kém cũng phải được điều chỉnh, sửa đổi hoặc loại bỏ; 4) Kiểm soát hoạt động thực thi chính sách của nhà nước nhằm bảo đảm hoạt động đó tuân thủ theo các quy định của pháp luật, ngăn chặn, loại bỏ những hoạt động, hành vi sai trái hoặc kém hiệu quả của nhà nước. Đặc biệt, quá trình kiểm soát quyền lực nhà nước phải là sự kiểm soát những người thực thi quyền lực nhà nước, thể hiện ở kiểm soát quy trình lựa chọn những người đảm nhiệm các công việc của nhà nước và kiểm soát hoạt động của các chủ thể thực thi quyền lực nhà nước theo quy định của hiến pháp, các đạo luật, những cam kết chính trị, đạo đức khi ở cương vị là người thực thi quyền lực. 

Các phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước

Thứ nhất, kiểm soát quyền lực nhà nước bằng cách hạn chế phạm vi quyền lực nhà nước. Tính chất của quyền lực nhà nước là việc người dân ủy nhiệm một phần quyền của mình cho nhà nước, vì thế, chỉ trong các lĩnh vực đòi hỏi có sự phối hợp xã hội, đòi hỏi sự tuân thủ quyền lực công thì mới cần tới quyền lực nhà nước. Vậy nên, việc xác định và kiểm soát trong các phạm vi tác động là rất quan trọng, nhờ đó mà không gian hoạt động của công dân và xã hội được thừa nhận và bảo đảm, đồng thời góp phần làm cho quyền lực nhà nước được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả. C. Mác từng khẳng định: “Tự do là ở chỗ biến nhà nước, cơ quan tối cao của xã hội thành một cơ quan hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội, và ngay cả ngày nay nữa, các hình thức nhà nước tự do hay không tự do là tùy ở chỗ trong những hình thức ấy, “sự tự do của nhà nước” bị hạn chế nhiều hay ít”(4). Việc hạn chế phạm vi quyền lực nhà nước có thể được thực hiện bằng nhiều cách thức, như thông qua hiến pháp, các đạo luật, quy ước, luật lệ bất thành văn… tùy thuộc vào điều kiện lịch sử và truyền thống văn hóa chính trị của mỗi quốc gia. 

Thứ hai, kiểm soát quyền lực thông qua hiến pháp và các chế định hiến pháp. Với tư cách là bộ luật cao nhất, là tuyên ngôn của nhân dân về quyền lực nhà nước, hiến pháp giới hạn quyền lực nhà nước trong một trật tự hiến định, qua đó, nội dung, cách thức và cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước có tính bền vững và khó thay đổi. Hiến pháp quy định các quyền và tự do cơ bản của con người. Để tránh tình trạng các đại diện có xu hướng vi phạm quyền của nhân dân khi được ủy nhiệm, một hiến pháp tiến bộ thường bao gồm cả các quy định về các quyền cơ bản của con người. Kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua các chế định hiến pháp là bằng bầu cử định kỳ, hay là sự kiểm soát gián đoạn, được thể hiện ở: 1) Quyền bãi miễn của nhân dân là một phương thức để xử lý vấn đề khi những người được ủy quyền không đủ năng lực phục vụ nhân dân. C. Mác đã khẳng định ngay từ khi thiết lập Công xã Pa-ri rằng: “Công xã loại bỏ hoàn toàn hệ thống đẳng cấp chính trị và thay thế những ông chủ ngạo mạn của nhân dân bằng những đầy tớ luôn có thể bị bãi miễn; thay thế một trách nhiệm tưởng tượng bằng một trách nhiệm thật sự vì những người được ủy nhiệm này luôn hành động dưới sự kiểm soát của nhân dân”(5); 2) Quyền thay đổi hiến pháp, hiến pháp sẽ được thay đổi khi có sự đồng ý của một đa số người dân; 3) Quyền quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia thông qua trưng cầu dân ý thể hiện rằng các quốc gia sử dụng trưng cầu dân ý như một phương thức phê chuẩn sửa đổi hiến pháp hoặc thể hiện quyền quyết định của người dân, trong thực tiễn, đây chính là sự kiểm soát quyền lực rất mạnh mẽ. 

Thứ ba, kiểm soát quyền lực nhà nước bằng cách tối ưu hóa các mục tiêu của nhà nước. Thông qua các quy định ràng buộc của hiến pháp và pháp luật, quyền lực nhà nước được giới hạn trong các mục tiêu xác định. Tuy nhiên, trên thực tế, do hạn chế của hiến pháp và pháp luật, cũng như xuất phát từ các nguyên nhân khác nên quyền lực nhà nước có thể được sử dụng cho đa mục tiêu so với quy định ban đầu, dẫn tới sự sai lệch hoặc phân tán về quyền lực, nguồn lực. Do đó, cần kiểm soát quyền lực nhà nước theo sát các mục tiêu ban đầu hoặc tối ưu hóa mục tiêu phát sinh trong tổng thể. 

Thứ tư, kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua sự kiểm soát của nhân dân và xã hội được thể hiện tập trung ở việc bầu cử theo nhiệm kỳ. Qua bầu cử, cử tri và nhân dân có thể loại bỏ những đại diện không xứng đáng với sự ủy nhiệm của mình ra khỏi nhà nước. Ph. Ăng-ghen từng khẳng định: “Để ngăn ngừa sự chuyển hóa ấy của nhà nước và các cơ quan của nhà nước, từ chỗ là công bộc của xã hội thành ông chủ đứng trên đầu xã hội - sự chuyển hóa không thể tránh từ trước đến nay trong tất cả các chế độ công xã đã áp dụng hai biện pháp rất chính xác; tất cả những chức vị quản lý, tư pháp, giáo dục nhân dân đều giao cho những người đầu phiếu phổ thông bầu ra, ngoài ra các cử tri có quyền bãi miễn bất cứ lúc nào những người mình bầu ra”(6). Tuy nhiên, quy trình này cũng cần tính đến trường hợp các cuộc bầu cử phổ thông và định kỳ trong thực tế gặp những vấn đề nan giải, đó là việc soi xét, kháng cáo thường xuyên nhằm phóng đại các khuyết điểm của nhà nước, làm giảm sự tôn trọng cần thiết đối với nhà nước và dễ dẫn tới mất ổn định. 

Thứ năm, kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua sự giám sát của nhân dân, phương tiện thông tin đại chúng, công luận. Sự giám sát chặt chẽ của nhân dân là một yếu tố cốt lõi để bảo đảm tính minh bạch, công bằng và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của nhà nước, qua đó, mọi hoạt động của nhà nước sẽ hướng đến phục vụ lợi ích của toàn dân, từ đó tạo ra một môi trường xã hội ổn định và phát triển. Giám sát bằng phương tiện thông tin đại chúng cũng là một mắt xích quan trọng của quá trình kiểm soát quyền lực nhà nước, có tác dụng hỗ trợ đắc lực cho việc thực hiện các phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước. Phương tiện thông tin đại chúng, do tính chất nghề nghiệp của mình trong xã hội, có khả năng kết nối, tạo công luận gây sức ép với nhà nước, buộc nhà nước phải có trách nhiệm trong nhiều vấn đề quan trọng. Đây là sự giám sát, phản biện có tính chất thường xuyên của xã hội đối với nhà nước, đặc biệt trong thời đại số hiện nay, cách thức giám sát này càng thể hiện vai trò quan trọng.

Thứ sáu, kiểm soát quyền lực nhà nước bằng cách tách các lĩnh vực của quyền lực nhà nước và bằng cơ chế kiềm chế đối trọng trong bộ máy nhà nước. Đây là hai phương thức kiểm soát phổ biến ở các nhà nước pháp quyền tư sản. Kiểm soát bằng cách tách các lĩnh vực của quyền lực thể hiện yêu cầu khách quan của sự chuyên môn hóa và để hạn chế sự chuyên quyền của nhà nước, phương thức này thể hiện ở sự phân chia chức năng giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nhánh lập pháp quyết định luật nào được thông qua, nhánh hành pháp thực thi luật và nhánh giám sát việc thực thi. Sự phân chia các nhánh quyền lực nhà nước nhằm mục đích cân bằng quyền lực, ngăn chặn bất kỳ một nhánh riêng lẻ nào giành quá nhiều quyền lực; làm tăng trách nhiệm của các quan chức được bầu. Kiểm soát thông qua cơ chế kiềm chế đối trọng trong bộ máy nhà nước được vận hành bởi việc cơ quan lập pháp có thể thực hiện quyền lực đối với người đứng đầu hành pháp thông qua việc yêu cầu hành pháp ra lệnh thực thi một đạo luật và bỏ phiếu luận tội; thực hiện quyền lực đối với tư pháp như thông qua một sửa đổi hiến pháp và thông qua luật. Quyền lực của tư pháp đối với hành pháp xuất phát từ việc thực hiện các quyền hiến định bảo vệ công dân khỏi hành động chuyên quyền trong thực thi luật. Tuy nhiên, việc kiểm soát bằng thể chế như vậy cũng gặp phải sự hạn chế, đó là sự ngăn cản khả năng người đại diện làm những việc sai trái, nhưng cũng có thể ngăn cản các đại diện làm những việc đáng làm (đây là sự kém linh hoạt và chậm trễ của thực thi quyền lực nhà nước). 

Nhìn chung, các cơ chế kiểm soát khác của nhà nước được thể hiện ở việc nhà nước thiết kế những thể chế có trách nhiệm kiểm soát các cơ quan đại diện thực thi quyền lực của nhà nước, nhằm nâng cao trách nhiệm, bảo đảm hoạt động của nhà nước đạt được đúng mục tiêu, hiệu quả.

Các đại biểu Quốc hội tiến hành bấm nút biểu quyết tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV_Nguồn: quochoi.vn

Vấn đề phân công và phối hợp giữa các cơ quan thực hiện quyền lực nhà nước trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Ở Việt Nam, sau thời kỳ đổi mới, Đảng ta xác định nhiệm vụ quan trọng: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội”(7); đồng thời tập trung “xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động”(8) và “Nhà nước quản lý, điều hành nền kinh tế bằng pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các công cụ điều tiết trên cơ sở các quy luật thị trường. Tăng cường công tác giám sát, chủ động điều tiết, giảm các tác động tiêu cực của thị trường, không can thiệp làm sai lệch các quan hệ thị trường”(9). Thêm vào đó, Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Hiến pháp, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và đặc biệt Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 9-11-2022, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, “Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” đều nhấn mạnh phải “xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động”(10).

Đến nay, với nhiều thành tựu to lớn đạt được sau gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đang đứng trước nhiều thời cơ, vận hội mới cả về “thế” và “lực”, đứng trước “cơ hội lịch sử đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”(11). Tuy nhiên, dù đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, song một số vấn đề lý luận và thực tiễn về vấn đề này chưa được luận giải một cách đầy đủ, thuyết phục; tổ chức bộ máy nhà nước, hệ thống pháp luật còn một số bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; đặc biệt, quyền lực nhà nước chưa được kiểm soát hiệu quả, cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện(12)

Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc phân công và phối hợp giữa các cơ quan thực hiện quyền lực được hiểu là việc cùng nhìn về một mục tiêu của các bộ phận quyền lực nhà nước trong thực thi các quyết định chính trị. Theo đó, việc phân công và phối hợp giữa các cơ quan thực hiện quyền lực nhà nước cần thỏa mãn các điều kiện, như cần có cơ chế kiểm soát quyền lực, nghĩa là mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu và xử lý phải rõ ràng và phối hợp nhịp nhàng để tránh sự chồng chéo, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân được phân công trong quá trình thực thi công vụ, bảo đảm cho quyền lực nhà nước được thực thi đúng lộ trình và hiệu quả cao. Đây cũng là giải pháp được nhấn mạnh trong Nghị quyết 27-NQ/TW: “Hoàn thiện cơ chế thực thi quyền lực nhà nước, xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của mỗi cơ quan và mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực bên trong mỗi cơ quan và giữa các cơ quan nhà nước”(13).

Ở Việt Nam, cơ chế phân công và phối hợp giữa các cơ quan thực hiện quyền lực nhà nước cần đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, bởi Đảng thực thi quyền lực chính trị của mình trước hết bằng Nhà nước và thông qua quyền lực nhà nước. Đảng có trách nhiệm kiểm soát quyền lực nhà nước đi đúng quỹ đạo, là công cụ mạnh mẽ, đắc lực nhất để thực hiện mục tiêu, lý tưởng chính trị của Đảng. Đặc biệt, Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên, bằng công tác tổ chức và cán bộ bên trong các cơ quan nhà nước, nên sự phân công nhiệm vụ và phối hợp công tác trong Đảng mang tính quyết định đối với phân công và phối hợp giữa các cơ quan quyền lực nhà nước. Đồng thời, cũng cần cơ chế kiểm soát quyền lực trong nội bộ Đảng thông qua các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, công tác kiểm tra, giám sát... nhằm bắt buộc các tổ chức đảng, đảng viên được trao quyền phải thực hiện quyền lực được ủy nhiệm đúng với mục đích và tôn chỉ của Đảng.

Công cụ phân công và phối hợp chủ yếu giữa các cơ quan thực hiện quyền lực nhà nước là đạo đức và thể chế, dựa trên các giá trị đạo đức xã hội, tập quán pháp, các thiết chế, quy định, luật pháp… đã được thiết lập. Việc phân công và phối hợp giữa các cơ quan thực hiện quyền lực nhà nước bằng đạo đức căn bản dựa vào nhận thức và sự tự giác của các chủ thể nắm giữ quyền lực nhà nước. Bên cạnh đó, phương thức phân công và phối hợp giữa các cơ quan thực hiện quyền lực cần dựa trên nền tảng Hiến pháp, pháp luật. 

Việc phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đều hướng tới mục tiêu bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân và nhân lên các giá trị ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa/.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét