Thứ Hai, 18 tháng 11, 2024

NHÂN VĂN - GIÁ TRỊ ĐỊNH DANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ

 NHÂN VĂN - GIÁ TRỊ ĐỊNH DANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ 


Cái đẹp mang tên Bộ đội Cụ Hồ có từ quá khứ, hiển hiện trong cuộc sống hôm nay với những giá trị tinh thần to lớn, bền vững và sức lan tỏa rộng rãi. Đó là những vầng sáng có thực trong cuộc sống hôm nay. Mỗi việc tốt được làm nên từ phẩm chất, trí tuệ, tâm hồn của Bộ đội Cụ Hồ rất xứng đáng được ghi nhận. Tôi nghĩ rằng, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ sẽ có sức truyền cảm mạnh mẽ không chỉ trong Quân đội ta mà còn lan rộng ra trong cả nước và thế giới.


1. Những gì tốt đẹp thuộc về truyền thống Bộ đội Cụ Hồ không phải tự nhiên mà có, cũng chẳng phải là kết quả có được chỉ qua ngày một ngày hai, mà nó chính là hành trình được hình thành, kết tụ, bồi đắp lâu dài. Như phù sa có trong một dòng chảy vạm vỡ đi suốt thời gian, không gian kỳ vĩ, trải muôn vàn thăng trầm quanh co để tạo dựng thành văn hóa của một đội quân cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng quang vinh.


Đấy không phải là sự tô hồng mà chính là lịch sử, là chặng đường 80 năm Quân đội nhân dân Việt Nam luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, hiếu nghĩa với dân, vượt qua gian khó, hy sinh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao phó. Đó cũng là kết quả tất yếu để hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trở thành biểu tượng tốt đẹp của lòng yêu nước, thương dân, của đạo đức, phẩm chất cao cả và những cống hiến to lớn cho dân tộc và nhân loại. Nói đến văn hóa dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam không thể không khẳng định tính nhân văn của Quân đội ta-một đội quân cách mạng đã làm nên tính chính danh của Bộ đội Cụ Hồ.


Trước hết cần nói ngay rằng, chủ nghĩa nhân văn là một trong những giá trị cao quý của loài người. Đó chính là cái chung, cái phổ quát mang tầm nhân loại; là một trong những tiêu chuẩn cơ bản để con người hướng tới sự tốt đẹp, văn minh. Chủ nghĩa nhân văn được coi là tư tưởng, quan điểm, tình cảm quý trọng các giá trị của con người như trí tuệ, tình cảm, phẩm giá, sức mạnh, vẻ đẹp.


Chủ nghĩa nhân văn bao hàm cách nhìn nhận, đánh giá con người về nhiều mặt trong các quan hệ với tự nhiên, xã hội và nhân loại. Chủ nghĩa nhân văn đương nhiên phải lấy con người làm trung tâm, vị thế con người luôn được đặt vào số 1 trên hành tinh và được nhìn nhận, soi chiếu trước hết qua những đóng góp, cống hiến của con người cho đất nước, quê hương mình.


Chủ nghĩa nhân văn khi trở thành cách nghĩ, cách sống của một dân tộc mặc nhiên sẽ là cốt lõi của nền văn hóa cộng đồng, quốc gia, với bản sắc riêng mang dấu ấn lịch sử rành mạch, dẫu rằng không thể bỏ qua sự giao thoa, tiếp biến với cái chung toàn cầu. Lịch sử đã chứng minh rằng, dân tộc Việt Nam luôn đề cao nhân nghĩa mà hạt nhân của nó không gì khác là sự yêu thương.


Yêu thương, nhân nghĩa, bao dung đã trở thành căn tính của người Việt. Từ thế kỷ 15, Nguyễn Trãi từng viết trong “Bình Ngô đại cáo”: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Sau này, xuyên suốt tư tưởng Hồ Chí Minh suy cho cùng cũng là lòng yêu nước, thương dân, đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta/ Thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa/ Chỉ biết quên mình cho hết thảy/ Như dòng sông chảy nặng phù sa”.


2. Quân đội ta vừa được kế thừa truyền thống nhân văn của dân tộc Việt Nam bồi đắp, tỏa sáng từ mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước bi tráng vừa được giáo dục, phát huy từ sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Truyền thống dân tộc được hòa quyện vào tư tưởng tiến bộ của thời đại tạo ra bản chất chế độ định hướng chủ nghĩa xã hội cũng là bản chất của Quân đội ta vốn từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ.


Lý tưởng của Đảng cũng là khát vọng của dân tộc; khát vọng đất nước độc lập, tự do, non sông hòa bình, thống nhất và đồng bào được ấm no, hạnh phúc cũng là lý tưởng của Quân đội ta. Lý tưởng cách mạng mà Đảng ta và Bác Hồ lựa chọn hướng tới dân tộc và nhân loại, không vì lợi ích của riêng ai hay của một nhóm người nào cả.


Chủ nghĩa nhân văn cao cả tập trung ở đó, là sự trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Cũng như dân tộc Việt Nam, Quân đội ta tha thiết yêu hòa bình. Chiến tranh luôn là lựa chọn cuối cùng của chúng ta và các cuộc kháng chiến giải phóng, bảo vệ Tổ quốc của dân tộc, của Quân đội ta thấm đẫm lòng yêu nước nồng nàn. Đấy là các cuộc kháng chiến chính nghĩa, có sức mạnh vô địch của lòng dân đoàn kết đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.


Biểu hiện nhân văn có trong hầu hết hoạt động của Quân đội, từ tinh thần chiến đấu dũng cảm trên mặt trận, chiến trường ác liệt đến tình quân dân cá nước, tình đồng chí, đồng đội gắn bó, cách đối xử với tù, hàng binh... Chúng ta chưa bao giờ lấy thù hận để kích hoạt chiến tranh xung đột, càng không lấy oán thù trả oán thù khi đối phương đã bị thất bại.


Kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp bằng Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” với hàng nghìn tù binh Pháp được đối xử tử tế. Ngày 10/10/1954, Thủ đô Hà Nội tưng bừng đón đoàn quân chiến thắng trở về trong cuộc tiếp quản hòa bình. Sau hơn 20 năm "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", Việt Nam lại viết nên khúc khải hoàn ca mới với dấu mốc lịch sử rực rỡ ngày 30/4/1975. Kẻ thù của ta từng rêu rao, tưởng tượng ra một cuộc "tắm máu" tàn khốc bởi “bàn tay sắt của cộng sản” sau khi Sài Gòn bị thất thủ nhưng không có chuyện đó. Thực tế hoàn toàn không có một cuộc trả thù nào dành cho kẻ bại trận.


Những người lính giải phóng khi đã đi đến đích chiến thắng cuối cùng rưng rưng ngắm bầu trời hòa bình, rồi nghẹn ngào thốt lên: “Tự do xanh quá, mênh mông quá” (Hữu Thỉnh). Trước đó, biết bao người lính cách mạng cùng những người thân nhất của họ đã phải gánh gồng số phận nghiệt ngã của dân tộc trên vai: “Một đời người mà chiến chinh nhiều quá/ Em níu giường, níu chiếu đợi anh" (Hữu Thỉnh). Và thật xót xa khi nói rằng đã có hàng triệu người thương vong trong cuộc chiến kéo dài thăm thẳm đó. Hậu quả dai dẳng của nó vẫn chưa hao vơi nhiều trong cuộc sống hôm nay. Những người thắng trận có đủ lý do để “trả thù” đấy chứ. Nhưng những người lính Cụ Hồ có đủ nhân văn để khép lại quá khứ, quên đi thù hận, cùng sự bao dung dâng tràn trong lòng người chiến thắng.


Mấy ai ngờ rằng, chỉ một ngày sau khi lá cờ giải phóng được kéo lên trên nóc Dinh Độc Lập, giữa lòng thành phố Sài Gòn vừa im tiếng súng có một đêm giao hưởng cực kỳ hoành tráng vang ngân. “Cát bụi đường xa, khẩu súng ngọn cờ/ Ngửa bàn tay gặp bàn tay nhạc trưởng/ Mở tấm lòng gặp tấm lòng giao hưởng/ Bổng trầm cung bậc tìm nhau” (Anh Ngọc). Suối nguồn nhân nghĩa dào dạt tuôn trào, mỗi người lính trường chinh góp phần làm nên cung bậc hòa bình muôn vàn xúc động.


Chẳng cần nói gì nhiều, chỉ cần nhìn vào công việc của những người lính Cụ Hồ đã làm cho Tổ quốc, cho nhân dân, cho cả những kẻ từng nhằm bắn vào ta đã thấy ánh sáng nhân văn lan tỏa. Vì thế, cái đẹp nhân văn của Bộ đội Cụ Hồ tự lan tỏa như những giá trị văn hóa tuyệt vời và chắc chắn sẽ rất bền lâu nếu không muốn nói là mãi mãi.


3. Dù thời chiến hay thời bình, thời nào thì người lính vẫn có mặt nơi gian khổ nhất, vẫn phải chịu đựng nhiều thiệt thòi, hy sinh nhất. Trong bất cứ hoàn cảnh, tình huống nào, dù nghiệt ngã đến mấy, người lính Cụ Hồ vẫn rất gần gũi với nhân dân, là điểm tựa tin cậy của đồng bào khi thiên tai, dịch bệnh, hoạn nạn xảy ra. Gần đây nhất, trong và sau cơn bão lịch sử Yagi mùa thu năm 2024, hình ảnh người lính Cụ Hồ đã làm xúc động bao trái tim.


Tôi thực sự nghẹn lòng khi được xem hình ảnh cán bộ, chiến sĩ ta dầm mình trong bùn đất lầy lội ở Làng Nủ (Phúc Khánh, Bảo Yên, Lào Cai) để tìm từng thân xác người dân bị nạn sau cơn lũ quét kinh hoàng. Họ lặng lẽ làm việc, trong mưa chan nắng giội, trong những hiểm nguy có thể ùa ập đến bất cứ lúc nào, không ồn ào, cũng chẳng hề “phông bạt” khoe mẽ.


Nơi nào có dấu chân người lính, nơi ấy có ấm áp tình thương và những niềm tin cứ thế được vun đắp thêm. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ vẫn luôn được lưu giữ rất đỗi tự nhiên, sâu nặng trong lòng nhân dân. Từ thuở "đầu súng trăng treo" cho đến hôm nay, người lính Cụ Hồ vẫn khiến đi dân nhớ, ở dân thương. Đâu dễ để được dân nhớ, dân thương một cách đầy xúc động như thế.


Cái đẹp mang tên Bộ đội Cụ Hồ có từ quá khứ, hiển hiện trong cuộc sống hiện tại với những giá trị tinh thần to lớn, bền vững và sức lan tỏa rộng rãi. Đó là những vầng sáng có thực trong cuộc sống hôm nay. Mỗi việc tốt được làm nên từ phẩm chất, trí tuệ, tâm hồn của Bộ đội Cụ Hồ rất xứng đáng được ghi nhận. Tôi nghĩ rằng, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ sẽ có sức truyền cảm mạnh mẽ không chỉ trong Quân đội ta mà còn lan rộng ra trong cả nước và thế giới.


Bằng chứng sinh động là hình ảnh những quân nhân đến từ Việt Nam trong lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã tạo nhiều ấn tượng sâu sắc với bè bạn quốc tế. Coi trọng nhân văn từ nhận thức đến hành động là biểu hiện rất rõ nét của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đó là phần tốt đẹp định danh giá trị truyền thống vẻ vang của Bộ đội Cụ Hồ. Từ quá khứ đến hiện tại và tương lai, cùng với hành trình xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, chủ nghĩa nhân văn sẽ mãi mãi được bồi đắp và lan tỏa.


Ý chí và tâm hồn, sức mạnh và vẻ đẹp của người lính Cụ Hồ sẽ luôn hướng tới sự cao cả bình dị. Ngay chính trong cuộc sống, từ cuộc sống của mỗi người chiến sĩ luôn gắn bó với Tổ quốc và nhân dân. Không có gì là dễ dàng, mỗi người lính hôm nay cũng phải tự vượt lên chính mình, tự gạn đục khơi trong, tỉnh táo nhận ra đúng-sai để nhận thức và hành động đúng đắn. "Mãi mãi lòng chúng ta, ca bài ca người lính". Khúc quân hành Bộ đội Cụ Hồ mãi ngân vang trên mỗi nẻo đường Tổ quốc, lòng yêu nước, thương dân vẫn vằng vặc sáng chưa hề tắt. Bởi trong mỗi trái tim Bộ đội Cụ Hồ luôn mang một vẻ đẹp nhân văn bình dị mà cao cả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét