Về mặt lý luận, lập luận về sự không tương dung, sự mâu thuẫn, không có cơ sở lý thuyết vững chắc... của các quan điểm sai trái nêu trên đều không hề thuyết phục, chẳng qua chỉ là lập luận xuyên tạc, sai trái hòng phân tán, đánh lạc hướng dư luận. Một mặt, lịch sử phát triển của nhân loại cho thấy, kinh tế thị trường là sản phẩm của văn minh nhân loại. Ở đâu có sự phân công lao động và có sự tách biệt tương đối về mặt kinh tế giữa con người với con người, thì ở đó có sự thúc đẩy dẫn tới xuất hiện của quan hệ hàng hóa, ở đó có quan hệ thị trường. Sự phát triển cứ như vậy diễn ra một cách khách quan vượt ra ngoài mọi ý chí chủ quan của con người. Về bản chất, kinh tế thị trường là giá trị phổ quát, không phải là giá trị riêng có của chủ nghĩa tư bản. Do đó, việc đồng nhất kinh tế thị trường với chủ nghĩa tư bản, đồng nhất kinh tế thị trường với kinh tế tư nhân tư bản chủ nghĩa là hoàn toàn sai lầm; lấy sự hiểu biết không thấu đáo để lớn tiếng cho rằng, chỉ có trên nền tảng tư bản chủ nghĩa, chỉ có kinh tế tư nhân mới có kinh tế thị trường là quan điểm ấu trĩ!
Mặt khác, đến lượt nó, dù phát triển ở đâu, trong phạm vi quốc gia nào, ngoài những đặc trưng chung, những thành tố không thể thiếu là các yếu tố thị trường và các loại thị trường, thì kinh tế thị trường đều chịu sự quy định và phản ánh trình độ phát triển, điều kiện lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội, chính trị, thể chế ở quốc gia đó. Không có một nền kinh tế thị trường trừu tượng, chung chung, phi lịch sử. Thực tế cho thấy, mô hình kinh tế thị trường kiểu Mỹ khác với kinh tế thị trường kiểu Đức, kinh tế thị trường kiểu Pháp khác với kinh tế thị trường kiểu Nhật Bản, kinh tế thị trường kiểu Anh khác với kinh tế thị trường kiểu Thụy Điển... Sở dĩ như vậy là vì, ngoài nền tảng chung là các yếu tố thị trường, các loại thị trường trong nền kinh tế thị trường hiện đại ngày nay đều có vai trò của nhà nước, không có nền kinh tế thị trường nào chỉ nguyên nghĩa, tồn tại duy nhất vai trò của thị trường. Bởi lẽ, bản thân cơ chế thị trường cũng có những “khuyết tật” mà không thể tự khắc phục được. Vai trò của nhà nước trong việc khắc phục khuyết tật của thị trường là tất yếu khách quan. Khi đã có sự tham gia của nhà nước một cách khách quan, tất yếu có đặc trưng khác nhau trong các nền kinh tế thị trường đó ngoài những đặc điểm chung. Không có một nền kinh tế thị trường tự do vô chính phủ, lửng lơ. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam cũng không nằm ngoài tính phổ biến đó. Vì vậy, các quan điểm sai trái, xuyên tạc, cố tình lập luận, dùng một tưởng tượng về nền kinh tế thị trường chung chung, trừu tượng, phi lịch sử để quy cho một mô hình kinh tế thị trường cụ thể, hiện hữu là phi lịch sử và phản khoa học.
Càng không đúng hơn khi xuyên tạc rằng, kinh tế thị trường là đa nguyên, định hướng xã hội chủ nghĩa là nhất nguyên; kinh tế thị trường là tự do, định hướng xã hội chủ nghĩa là chuyên chế, độc đoán... Đây là những cách lập luận mang tính thù địch, cố tình không phân biệt giữa thể chế kinh tế với thể chế chính trị, không phân biệt giữa chế độ xã hội với thể chế kinh tế thị trường, dùng biểu hiện bề ngoài và một vài khía cạnh của kinh tế thị trường để đánh đồng cho toàn bộ cấu trúc tổng thể của một mô hình kinh tế thị trường, cũng như không hiểu về bản chất tốt đẹp của xã hội xã hội chủ nghĩa. Về mặt lý luận, không ở đâu có cái gọi là “kinh tế thị trường nhất nguyên”, càng không có “kinh tế thị trường tự do trừu tượng”, cũng không có “kinh tế thị trường nào là độc đoán, chuyên chế”. Sự cố tình lập lờ, tráo lộn các phạm trù kinh tế với các phạm trù chính trị là lập luận sai trái, âm mưu nguy hiểm của các thế lực thù địch, phản động.
Hơn nữa, việc sử dụng một số biểu hiện có tính chất hạn chế nhất thời, để từ đó thổi phồng như là bản chất của nền kinh tế thị trường càng hoàn toàn không phải là một cách lập luận thuyết phục, chẳng hạn việc phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó kinh tế nhà nước có vai trò chủ đạo, là dung dưỡng cho tham nhũng, cho thất thoát lại một lần nữa cho thấy sự không trung thực, ý đồ xấu trong lập luận của các quan điểm sai trái nêu trên. Thực tế là, những biểu hiện nhất thời, những khiếm khuyết xảy ra không phải là bản chất xuyên suốt của một nền kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ theo các quy luật của nền kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Như thế, xét về bản chất, thực hiện đầy đủ những giá trị đó chính là giá trị chung mà mỗi người Việt Nam chân chính đều mong muốn. Đó cũng là thể hiện sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tiễn phát triển của Việt Nam. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là chủ nghĩa vì tự do, chủ nghĩa hướng đến khát vọng tự do của con người, mưu cầu sự giải phóng cho nhân loại; song, các thế lực thù địch, phản động lại xuyên tạc việc phát triển kinh tế dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Tham nhũng, thất thoát, lãng phí không xuất phát từ bản chất kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; do đó, cố tình dùng hiện tượng đơn lẻ để quy chụp cho bản chất, dùng biểu hiện nhất thời, quy cho toàn bộ quá trình là cách lập luận hoàn toàn thiếu xác đáng. Tuy nhiên, việc cố tình lập lờ, đánh lận con đen dễ gây ngộ nhận, nhầm lẫn, nên các thế lực thù địch không ngần ngại sử dụng hòng xuyên tạc, phủ nhận mọi thành tựu mà đất nước ta đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét