Thứ Hai, 18 tháng 11, 2024

Phê phán quan điểm: “Trong giai đoạn hiện nay, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại sẽ thay thế cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa”


 

Xã hội loài người đã trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp, mỗi cuộc cách mạng công nghiệp đều có sự thay đổi sâu sắc về bản chất của trình độ sản xuất, do các phát minh đột phá của khoa học và công nghệ. Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra trên phạm vi toàn thế giới, dựa trên những thành tựu khoa học và công nghệ đột phá trên nhiều lĩnh vực, tác động toàn diện tới tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh của Việt Nam.

Lợi dụng sự phát triển với tốc độ rất nhanh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, một số học giả tư sản đưa ra quan điểm cho rằng: “Trong giai đoạn hiện nay, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại sẽ thay thế cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa”. Đây là quan điểm rất sai lầm, khi ngộ nhận và đánh đồng cách mạng xã hội với cách mạng khoa học và công nghệ, quy kết quy luật tự nhiên với quy luật xã hội là một, xoá nhòa tính giai cấp trong ứng dụng khoa học và công nghệ; họ cố tình quên rằng vấn đề chính trị chỉ có con người mới giải quyết được.

Chúng ta thấy rằng, cách mạng khoa học và công nghệ là sự cải biến căn bản lực lượng sản xuất, do sự hợp nhất giữa cách mạng khoa học và cách mạng công nghệ, trong đó khoa học đóng vai trò chủ đạo, đi trước một bước, được vận dụng đổi mới công nghệ và trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, thay đổi nhiều chức năng hoạt động của con người trong sản xuất. Cách mạng khoa học và công nghệ ra đời nhằm phát triển máy móc, thiết bị, con người, yếu tố thông tin và yếu tố quản lý. Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại được bắt đầu từ những năm 50 của thế kỷ XX, khi hàng loạt những phát minh trong các lĩnh vực khoa học được ứng dụng trực tiếp vào kỹ thuật công nghệ sản xuất.

Trong khi đó, cách mạng xã hội chủ nghĩa là một quá trình cải biến cách mạng toàn diện và triệt để các lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm thực hiện sự phát triển của xã hội từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Quá trình đó bắt đầu từ khi giai cấp công nhân thông qua chính đảng của mình lãnh đạo các tầng lớp nhân dân lao động đấu tranh lật đổ chính quyền tư sản, thiết lập nhà nước chuyên chính vô sản để tiến hành cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa, công sản chủ nghĩa.

Quan điểm cho rằng cách mạng khoa học và công nghệ thay cho cách mạng xã hội chủ nghĩa là hoàn toàn sai lầm, phản khoa học. Bởi vì, cách mạng xã hội chủ nghĩa diễn ra trên lĩnh vực chính trị, xã hội; còn cách mạng khoa học và công nghệ diễn ra trên lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ. Nội dung của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa là cuộc cách mạng toàn diện, triệt để, diễn ra trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ; cho nên cách mạng khoa học công nghệ là một bộ phận, một nội dung của cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Thực chất quan điểm trên đã đánh đồng bản chất của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa với cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, từ đó che dấu vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp; đánh đồng giữa quy luật tự nhiên và quy luật xã hội, tạo ảo tưởng về một thế giới đại đồng, một thế giới phẳng do khoa học, công nghệ tạo ra, vì vậy không cần đấu tranh giai cấp, không cần cách mạng xã hội chủ nghĩa. Quan điểm này cũng xóa nhòa tính giai cấp trong sử dụng, phát triển khoa học, công nghệ; cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại không giúp cho xã hội tư bản khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản, vốn có của nó, trái lại càng làm cho những mâu thuẫn đó tích tụ và ngày càng gay gắt hơn. Điều này đã được C.Mác và Ph.Ăngghen dự báo: Sự phát triển của đại công nghiệp tư bản chủ nghĩa ngày càng làm phá sản hàng loạt những người sản xuất nhỏ, ngày càng tập trung tư liệu sản xuất vào tay các nhà tư bản, làm cho đội ngũ những người lao động làm thuê ngày càng đông.

Chúng ta khẳng định dứt khoát rằng, cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại có mối quan hệ với cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhưng không thể thay thế lẫn nhau. Bởi vì, cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại là bước nhảy vọt về vật chất trong sự phát triển của lực lượng sản xuất xã hội và trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp làm thay đổi vị trí con người trong lao động sản xuất. Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại hiện nay còn làm cho giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản bóc lột giai cấp công nhân ở các nước ngày càng nặng nề hơn.

Còn cách mạng xã hội chủ nghĩa là một quá trình cải biến cách mạng toàn diện, triệt để, lâu dài, bắt đầu từ lúc giai cấp công nhân giành được chính quyền, tiến hành cải tạo xã hội cũ, xây dựng thành công xã hội mới - xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Mục tiêu của cách mạng xã hội chủ nghĩa là xóa bỏ chế độ tư bản chủ nghĩa, xóa bỏ áp bức, bóc lột, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi toàn thế giới. Cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại càng phát triển thì tạo ra tiền đề cho cách mạng xã hội chủ nghĩa phát triển. Ngược lại, cách mạng xã hội chủ nghĩa phát triển tạo điều kiện, tiền đề cho cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại phát triển.

Mặt khác, tất cả các vấn đề chính trị xã hội chỉ có con người mới giải quyết được, cách mạng khoa học và công nghệ có phát triển, máy móc có thể thay thế con người đến đâu đi chăng nữa thì cũng không thể thay thế con người trong giải quyết các vấn đề chính trị xã hội. Việc chủ nghĩa tư bản lợi dụng cách mạng khoa học và công nghệ thực chất là để phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi toàn thế giới.

Thực tế cho thấy, khi khoa học và công nghệ phát triển, chủ nghĩa tư bản tận dụng triệt để với mong muốn mang lại lợi nhuận khổng lồ về kinh tế và mưu toan cho những âm mưu chính trị khác. Trong chủ nghĩa tư bản, khoa học và công nghệ phát triển trở thành công cụ hữu hiệu để nâng tỷ lệ bóc lột lao động lên cấp số nhân; làm gia tăng phân hoá giàu nghèo trong xã hội, nhiều vấn đề mang tính toàn cầu như: tình trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, nạn đói, bệnh tật hiểm nghèo, tệ nạn xã hội gia tăng, các chuẩn mực đạo đức, quan hệ trong xã hội, gia đình bị ảnh hưởng…

Cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại cũng có tác động to lớn đến sự phát triển của lực lượng sản xuất, làm gia tăng tính gay gắt của các mâu thuẫn kinh tế - xã hội vốn có trong xã hội tư bản, thúc đẩy sự chín muồi những điều kiện để cách mạng xã hội chủ nghĩa có thể nổ ra và giành thắng lợi. Cách mạng xã hội chủ nghĩa là giải pháp toàn diện, triệt để và hợp lý nhằm tạo ra những điều kiện kinh tế - xã hội để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển của cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại, phù hợp với tiến trình lịch sử - tự nhiên của xã hội.

Sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay đang có những cơ hội, thuận lợi nhưng cũng đan xen không ít những khó khăn, thách thức. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại có bước phát triền nhảy vọt đạt được những kỳ tích to lớn trên nhiều lĩnh vực, khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp tác động đến tất cả các mặt của đời sống mỗi quốc gia, dân tộc và quan hệ quốc tế đương đại. Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc”. Nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đang đặt ra những yêu cầu mới về nguồn lực, động lực, lực lượng và phương thức nhằm phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, sức mạnh nội lực và sức mạnh ngoại lực hiện thức hóa mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân chúng ta cần phải nhận thức rõ về hai cuộc cách mạng này. Trong đó, cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa nhằm giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng con người khỏi sự áp bức, bóc lột, bất công, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân; còn cuộc cách mạng khoa học và công nghệ là bước cải tiến căn bản về chất của lực lượng sản xuất, phát huy tối ưu các nguồn lực phục vụ cho con người, vừa tạo ra những thuận lợi, thời cơ để các quốc gia dân tộc phát triển kinh tế - xã hội, nhưng mặt khác cũng đặt ra thách thức đối với các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển. Trên cơ sở đó, tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Kiên quyết đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta và những âm mưu thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chống phá cách mạng nước ta của các thế lực thù địch.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét