Thứ Hai, 18 tháng 11, 2024

Cẩn thận với chiêu bài “Dân chủ, nhân quyền” của các thế lực thù địch

 


 

Từ khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) được thành lập đến nay, vấn đề dân chủ, nhân quyền luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm bảo đảm. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Ấy thế mà, nhiều năm qua, các thế lực thù địch liên tục đưa ra những luận điệu xuyên tạc, gây sức ép đối với Việt Nam trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền; họ phê phán, chỉ trích, thậm chí vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền.

Các phần tử cơ hội chính trị, chống đối rêu rao rằng, ở Việt Nam không có dân chủ, nhân quyền vì thực hiện chế độ nhất nguyên chính trị, một đảng cầm quyền ở Việt Nam sẽ là “vừa đá bóng, vừa thổi còi” dẫn đến dân chủ hình thức hoặc mất dân chủ. Chúng thường rêu rao “đa đảng là dân chủ, độc đảng là độc tài”; “Việt Nam phải đa đảng đối lập để có dân chủ thực sự”. Vấn đề dân chủ, nhân quyền cũng được các thế lực chống đối gắn kèm với vấn đề dân tộc, tôn giáo; với luận điệu gán ghép cho Việt Nam “vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”.

Để thực hiện cái gọi là dân chủ, nhân quyền, một số thế lực ở phương Tây thực hiện chiêu bài về tự do, dân chủ, hợp tác, ngoại giao thân thiện; thúc đẩy hình thành hội, nhóm bất hợp pháp dưới danh nghĩa “bảo vệ dân chủ, nhân quyền”; vận động các tổ chức quốc tế trao “giải thưởng nhân quyền” cho các đối tượng vi phạm pháp luật bị bắt, xử lý ở trong nước. Trên bình diện quốc tế, chúng vừa vận động, vừa dùng sức mạnh để ép Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc thông qua các nghị quyết về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, nhằm cổ suý, khích lệ số đối tượng trong nước hoạt động quyết liệt, tích cực hơn và từ đó có cớ can thiệp vào Việt Nam... Đích đến cuối cùng của vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam là âm mưu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiến tới thực hiện chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập để đi đến xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Mà vấn đề mấu chốt trong học thuyết “dân chủ, nhân quyền kiểu phương Tây cần áp dụng đối với Việt Nam” là xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với cách mạng Việt Nam. Như vậy, chiêu bài dân chủ, nhân quyền suy đến cùng là mục đích phá hoại Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Chúng ta khẳng định dứt khoát không thể chấp nhận cái dân chủ, nhân quyền mà các thế lực thù địch muốn áp đặt cho chúng ta. Bởi vì, dân chủ, nhân quyền luôn gắn liền với tiến bộ xã hội và sự phát triển của lịch sử qua các chế độ xã hội. Dân chủ mà con người có được là quá trình phát triển thông qua đấu tranh giai cấp, đấu tranh xã hội để giải phóng con người.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân, phong kiến, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, nhân dân ta từ thân phận nô lệ, trở thành người tự do; đất nước và dân tộc bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện rõ rệt; an sinh xã hội được quan tâm thực hiện và bảo đảm. Chúng ta có môi trường chính trị - xã hội ổn định, cuộc sống thật sự hòa bình, ấm no, tự do, nhân dân thật sự là chủ nhân của đất nước; quyền con người được Hiến pháp, pháp luật thừa nhận. Việt Nam đã hoàn thành phần lớn các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ trước thời hạn năm 2015; được Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực thế giới trao giải thưởng thành tích xuất sắc trong xóa đói, giảm nghèo. Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước của Liên hợp quốc về quyền con người như: “Công ước quốc tế về xóa bỏ các hình thức phân biệt chủng tộc”; “Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ”; “Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội”; “Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị”; “Công ước về quyền trẻ em”; “Công ước về quyền của người khuyết tật”… Điều này phản ánh rõ tính chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đã lựa chọn.

Hoàn toàn sai lầm khi cho rằng, phải có đa đảng mới có dân chủ. Dân chủ và sự phát triển không đồng nghĩa, cũng không tỷ lệ thuận với đa nguyên, đa đảng, mà nó hoàn toàn phụ thuộc vào bản chất của chế độ xã hội; một đảng lãnh đạo hoàn toàn không đồng nghĩa với mất dân chủ, kém phát triển và kém dân chủ. Thực tiễn ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay cho thấy, đa đảng nhưng vẫn mất dân chủ, quyền con người vẫn không được bảo đảm. Những người tự cho mình cái quyền đi phán xét, ban phát dân chủ, nhân quyền cho nước khác, nhưng ở ngay trên quê hương họ, tình trạng phân biệt giàu nghèo, dân tộc, màu da diễn ra mạnh mẽ, nạn khủng bố, xả súng giết người vô cớ vẫn còn nhiều... Trong khi đó, nhiều quốc gia chỉ có một đảng lãnh đạo, nhưng dân chủ được bảo đảm, kinh tế - xã hội phát triển, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và vị thế của đất nước trên thế giới ngày càng được nâng cao. Mọi hoạt động coi trọng “dân chủ, nhân quyền” theo các giá trị của các nước tư bản phương Tây để áp đặt vào Việt Nam thực chất là vì lợi ích của các nước phương Tây chứ không phải vì sự tiến bộ và phát triển của Việt Nam.

Hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cần tỉnh táo nhận rõ những thông tin bịa đặt cho rằng Việt Nam không có dân chủ, nhân quyền và phê phán những quan điểm sai trái đó là việc làm hết sức cần thiết, có ý nghĩa rất quan trọng để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng ta, tạo sự đồng thuận xã hội vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ, phát triển nhanh và bền vững đất nước./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét