Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm đến vấn đề đại đoàn kết toàn dân. Người đã có rất nhiều bài viết nói về vấn đề đoàn kết. Đại đoàn kết là tư tưởng cơ bản, xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam. Đó là chiến lược tập hợp toàn bộ lực lượng nhằm hình thành nên sức mạnh to lớn của toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh với kẻ thù của dân tộc, của giai cấp.
Trải qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta đã kế thừa và phát
huy tư tưởng của người để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được
hoàn thiện và phát triển. Đảng ta luôn xác định: “đoàn kết” là giá trị cốt lõi,
“đại đoàn kết toàn dân tộc” là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động
lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam, có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của
cách mạng Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Đoàn kết là lực lượng mạnh nhất”,
“Đoàn kết là sức mạnh vô địch”, “Đoàn kết là then chốt của thành công”. Điều
này được Người đề cập trong nhiều bài nói, bài viết, câu chuyện. Trong câu chuyện
“Cái đồng hồ”, cho chúng ta bài học: Tất cả các bộ phận trong chiếc đồng hồ đều
có chức năng, nhiệm vụ riêng; dù lớn hay nhỏ đều là một phần quan trọng, không
thể thiếu, tách rời, vì thiếu một bộ phận không thể trở thành chiếc đồng hồ.
Trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ
nghĩa cá nhân”, Người chỉ rõ, thắng lợi của cách mạng là nhờ ở sức mạnh đạo đức
trong sản xuất, chiến đấu, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người chỉ ra thực
trạng một số ít cán bộ, đảng viên đạo đức phẩm chất thấp kém, do mang nặng chủ
nghĩa cá nhân. Đó là những biểu hiện: không “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi
người vì mình”, ngại gian khổ khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa
hoa, tự cao tự đại, coi khinh quần chúng, độc đoán chuyên quyền…. Đồng thời,
Người nêu rõ, do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, kỷ luật,
kém tinh thần trách nhiệm, mắc nhiều sai lầm.
Trong bài thơ “Hòn đá to” (một bài thơ phụ đề tranh cổ động,
đăng trên báo Việt Nam độc lập, số 123, ngày 21/4/1942), Người đưa ra bài học
triết lý, nhân sinh quan sâu sắc:
“Hòn đá to/ Hòn đá nặng/ Chỉ một người/ Nhắc không đặng.
Hòn đá nặng/ Hòn đá bền/ Chỉ ít người/ Nhắc không lên.
Hòn đá to/ Hòn đá nặng/ Nhiều người nhắc/ Nhắc lên đặng.
Biết đồng sức/ Biết đồng lòng/ Việc gì khó/ Làm cũng xong.
Đánh Nhật, Pháp/ Giành tự do/ Là việc khó/ Là việc to.
Nếu chúng ta/ Biết đồng lòng/ Thì việc đó/ Quyết thành
công”.
Chúng ta có thể nhận thấy quan điểm của Người: Đoàn kết càng
rộng rãi, chặt chẽ thì việc gì khó đến mấy làm cũng xong, thắng lợi càng lớn,
càng vẻ vang. Và Người đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ, mà ai trong mỗi chúng
ta cũng đều thuộc: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại
thành công” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011, tập 13,
trang 119).
Trong Di chúc (1969), Người viết: “Đoàn kết là một truyền thống
cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ
cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi trong mắt
mình”. Theo Bác, đại đoàn kết phải dựa trên nguyên tắc tin dân, dựa vào dân. Vì
“Trong bầu trời không có gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng
lực lượng đoàn kết của Nhân dân”. Đoàn kết được Nhân dân sẽ tạo ra sức mạnh vô
cùng to lớn: “Đoàn kết là vấn đề sống còn”, “Không đoàn kết thì suy và mất. Có
đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ
gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, H.2011, Tập 6, trang
55).
Nguyên tắc đoàn kết trên của Người được bắt nguồn từ sự kế
thừa chủ nghĩa yêu nước, truyền thống của ông cha: “lấy dân làm gốc”, “chở thuyền
là dân, lật thuyền cũng là dân”. Là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng
tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tinh hoa văn hóa nhân loại vào điều kiện cụ thể của
nước ta: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, đoàn kết vô sản... Đồng thời,
xuất phát từ tư duy thực tiễn, bài học kinh nghiệm, sự nghiệp hoạt động cách mạng
của Bác.
Quan niệm của Người về đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề
có ý nghĩa chiến lược, là nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi của cách mạng Việt
Nam. Đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng cách mạng và phải
là điểm xuất phát, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ đường lối, chủ trương của Đảng.
Từ tư tưởng, quan điểm của Người, Đảng ta đã xác định đại
đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, sách lược của cách mạng Việt
Nam, là cội nguồn sức mạnh của mọi thành công. Trong đó, có cả nguyên tắc “đoàn
kết thống nhất trong Đảng” mà Người đã từng nêu: Phải thực hiện và mở rộng dân
chủ nội bộ để cán bộ, đảng viên có thể tham gia bàn bạc đến nơi đến chốn những
vấn đề hệ trọng của Đảng; phải thường xuyên thực hiện tự phê bình và phê bình với
tinh thần trung thực, chân thành, thẳng thắn, tự nghiêm khắc với mình và phải
có tình yêu thương đồng chí; phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, chống
chủ nghĩa cá nhân và bao nhiêu thứ tệ nạn từ chủ nghĩa cá nhân mà ra. Đảng phải
vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Đảng
phải thường xuyên tự chỉnh đốn, tự đổi mới.
Quá trình Đảng lãnh đạo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân
tộc đã đem lại những thành tựu to lớn. Ví như: Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954);
Điện Biên Phủ trên không (1972); Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975) kết thúc thắng lợi
cuộc kháng chiến trường kỳ 21 năm chống Mỹ, thống nhất đất nước; công cuộc đổi
mới kinh tế đất nước năm 1986; Việt Nam tuyên bố hoàn thành mục tiêu phát triển
Thiên niên kỷ về xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực và thiếu đói (2006), hay
chiến thắng đại dịch Covid-19 trong những năm gần đây…
Kế thừa và phát triển tư tưởng của Người, Đảng ta đã tập hợp,
đoàn kết và phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, kiên trì và nhất quán quan
điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò quyết định của quần chúng nhân dân
trong lịch sử, khẳng định quần chúng nhân dân là người sáng tạo ra chế độ xã hội
mới, là chủ nhân của sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp xây dựng đất nước phồn
vinh, hạnh phúc.
Điều này đã được minh chứng, ngay sau đại thắng Mùa Xuân năm
1975, ngày 24/5/1976, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra quyết định thống nhất các
đoàn thể nhân dân và các tổ chức Mặt trận dân tộc trong cả nước với tên gọi là
“Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”. Từ đó, đã đánh dấu bước phát triển lớn mạnh của khối
đại đoàn kết dân tộc trên phạm vi cả nước, mở ra một thời kỳ hoạt động mới của
Mặt trận và các đoàn thể quần chúng, góp phần tích cực vào công cuộc cách mạng
xã hội chủ nghĩa của dân tộc.
Tại các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc từ Khóa IV, đến khóa XIII
đều nhấn mạnh vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đó là vấn đề cốt lõi để xây
dựng chiến lược phát triển của đất nước, đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của
Đảng, lấy đoàn kết trong Đảng làm hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối
đại đoàn kết toàn dân tộc, sự lãnh đạo của Đảng là ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại
đoàn kết toàn dân tộc phấn đấu vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân
chủ, công bằng, văn minh”./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét